PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 03
Trước tiên chúng tôi xin đọc một đoạn Kinh văn:
“Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung. Du bộ thập phương hành quyền phương tiện, nhập Phật pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn.”
(Các vị Bồ-tát này đều tuân tu đức của Phổ Hiền Đại sĩ, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy pháp công đức, đi khắp mười phương, hành quyền phương tiện, vào pháp tạng của chư Phật, rốt ráo giải thoát).
Đến chỗ này là một đoạn nhỏ. Từ trong kinh văn, chúng ta có thể thấy rõ đại chúng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều tu hạnh Phổ Hiền, tu hạnh Phổ Hiền chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Cùng một đạo lý, nếu tu hạnh Quán Âm thì người này là Quán Thế Âm Bồ-tát. Tu hạnh Địa Tạng thì người đó là Địa Tạng Bồ-tát, điều này quý vị nhất định phải hiểu rõ. Đức hiệu của Bồ-tát là đại biểu cho một Pháp môn. Phổ Hiền Bồ-tát là trong Kinh Hoa Nghiêm, y theo Kinh Hoa Nghiêm mà tu hành thì đây là hạnh Phổ Hiền. Quán Thế Âm Bồ-tát có trong ba bộ Kinh, ba bộ Kinh này không phải độc lập mà là phụ thuộc vào đại Kinh:
✓ Bộ thứ nhất là “Quán Tự Tại Bồ-tát Chương” trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong phần này Thiện Tài Đồng Tử tham vấn Quán Thế Âm Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát vì Thiện Tài Đồng Tử mà nói.
✓ Bộ thứ hai là trong Kinh Lăng-nghiêm, vừa mở đầu quyển thứ sáu trong Kinh Lăng Nghiêm là Quán Thế Âm Bồ-tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương.
✓ Bộ thứ ba là “Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm” trong Kinh Pháp Hoa.
Nếu y theo ba bộ Kinh này mà tu hành thì người này tu theo Pháp môn Quán Âm. Họ chính là Quán Thế Âm Bồ-tát, họ là một vị Quán Âm Bồ-tát sơ phát tâm. Chúng ta thường thấy Tây Phương Tam Thánh, vị đứng bên cạnh A-di-đà là Quán Âm Bồ-tát, Ngài là Đẳng Giác Quán Âm Bồ-tát, nên địa vị kém Ngài rất xa. Một bên là sơ phát tâm cũng như học sinh đi học ở trường, một người là lớp mẫu giáo, một người là lớp tiến sĩ đại học. Dù không giống nhau nhưng đều là học sinh, đều học Pháp môn này. Cùng một đạo lý, tu học Pháp môn Phổ Hiền thì gọi là Phổ Hiền Bồ-tát. Chúng ta niệm Phật, lập định chí nguyện trong một đời nhất định cầu sanh Tịnh Độ, như vậy có thể nói hiện tại chúng ta là lớp nho nhỏ, lớp mẫu giáo trong lớp Phổ Hiền. Một khi vừa sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta biết phiền não của chúng ta chưa đoạn, chân thật là đới nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, hạ hạ phẩm vãng sanh. Hạ hạ phẩm tức là lớp một, so với lớp mẫu giáo của chúng ta thì cao hơn nhiều, đây là lớp một của Phổ Hiền Bồ-tát. Ở thế giới Tây Phương, Phổ Hiền Bồ-tát có bao nhiêu đẳng cấp? Quý vị phải biết có năm mươi hai đẳng cấp, giống như lớp một, lớp hai, lớp ba, đến lớp năm mươi hai mới tốt nghiệp. Tốt nghiệp thì thành Phật, cho nên có 52 đẳng cấp, tất cả đều là Phổ Hiền Bồ-tát. Nơi đó đích thực là pháp giới của Phổ Hiền Bồ-tát, đây là tối thù thắng không thể nghĩ bàn.
Trong Kinh Hoa Nghiêm Thế Tôn nói: “Bồ-tát nếu không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể viên thành Phật đạo”. “Viên thành Phật đạo” tức là chứng được Phật quả Viên Giáo. Điều này cũng nói rõ ràng, dùng cách nói của Tông Thiên Thai, nếu không tu hạnh Phổ Hiền thì bạn có thể chứng được Phật quả của Tạng giáo, Phật quả của Thông giáo, Phật quả của Biệt Giáo, nhưng không cách gì chứng được Viên giáo. Viên Giáo nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ-tát trong phần cuối của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm đã đem việc tu hành làm một tổng quy nạp, cũng là tổng cương lĩnh tu học của Bồ-tát, tổng cộng có mười điều. Chúng ta gọi là Thập Đại Nguyện Vương. Ở chỗ này nói: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức” (đều cùng tuân thủ tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ), tức là cương lĩnh tu hành của Phổ Hiền Bồ-tát, chúng tôi xin giới thiệu một cách sơ lược:
Điều thứ nhất là lễ kính chư Phật, điều thứ hai là xưng tán Như Lai, điều thứ ba là quảng tu cúng dường … cho đến điều thứ mười là phổ giai hồi hướng. Tôi tin rằng rất nhiều đồng tu đều rất quen thuộc mười nguyện này. Bởi vì trong khóa tụng sáng tối đều có, mỗi ngày đều tụng, tụng rất thuộc. Tuy tụng rất thuộc, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của mười điều này, nói gì đến tu hành. Mười điều này nói những gì cũng không nói ra được, như thế làm sao có thể nói là tu hạnh Phổ Hiền.
Phổ Hiền Bồ-tát và Bồ-tát thông thường đều tu “lễ kính”. Bồ-tát thông thường cũng lễ kính chư Phật, Phổ Hiền Bồ-tát cũng lễ kính chư Phật, chúng ta cũng lễ kính chư Phật. Như vậy thì rốt ráo sai biệt ở chỗ nào? Sai biệt ở tâm cảnh khác nhau, tâm của chúng ta có phân biệt, có chấp trước, công phu của Bồ-tát thông thường tuy cao sâu hơn chúng ta rất nhiều, nhưng tâm của họ không phải chân thật thanh tịnh. Nói cách khác, họ vẫn còn phân biệt chấp trước vi tế hơn chúng ta. Do đó, họ không phải là tu hạnh Phổ Hiền. Tâm cảnh của hạnh Phổ Hiền nhất định phải phù hợp với đề Kinh của bổn Kinh là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Tâm thanh tịnh là trong tâm một tơ hào tạp nhiễm cũng không có. “Tâm bình đẳng, chúng sanh và Phật bình đẳng, vạn pháp bình đẳng”. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí” đây là vạn pháp bình đẳng. Phổ Hiền Bồ-tát dùng tâm này để tu cho nên Ngài có thể viên thành Phật đạo. Do đây có thể biết, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác là tổng nguyên tắc, là tổng cương lĩnh của tu hành. Thập Nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát là điều mục tu hành, cũng là nói áp dụng vào trong sinh hoạt hằng ngày, trong tất cả sự vật, chúng ta phải tu thanh tịnh bình đẳng giác như thế nào. Như vậy tâm địa thanh tịnh thì tâm cung kính tất sẽ viên mãn. Tâm địa không thanh tịnh thì tâm cung kính làm sao có thể viên mãn?
Lễ tiết trong nhà Phật chúng ta, mọi người gặp nhau biết chắp tay, chắp tay là ý nghĩa gì? Chắp tay đại biểu nhất tâm, bình thường các ngón tay trên bàn tay của chúng ta tách rời nhau, đây là tán loạn, biểu thị cho vọng niệm rất nhiều, làm thế nào để biểu thị cung kính? Tất cả vọng niệm đều bị dập tắt, hợp nhất lại, nhất tâm, nhất tâm là cung kính. Cho nên quý vị phải biết, tâm thanh tịnh là cung kính, tâm bình đẳng là cung kính, tâm giác ngộ là cung kính. Tất cả đều là tu thanh tịnh bình đẳng giác, cung kính đối với người, cung kính đối với việc, cung kính đối với vật. Chỗ này quý vị phải đặc biệt lưu ý: Cách lễ kính này không phải khi gặp người thì cúi lạy lễ bái. Nếu làm như vậy thì người đó chẳng phải trở thành thần kinh không bình thường rồi sao? Trên đường phố người nhiều như vậy, gặp ai cũng cúi lạy, lạy mãi cũng không hết, làm gì có đạo lý như vậy. Chữ kính này là kính ở trong tâm.
Trên mặt sự thì sao? Trên sự không được đi ngược với pháp thế gian, gọi là “Phật Pháp tại thế gian, bất hoại thế gian pháp”. Người thế gian dùng lễ tiết gì thì chúng ta dùng lễ tiết đó, phải “hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức”, điều này trong thập nguyện có nói đến. Ví dụ thời tiền Thanh là thời đại của vua chúa, lễ tiết cung kính nhất là ba quỳ, chín khấu đầu. Hiện nay quý vị xem kịch, trong những vở tuồng cổ trang có thể thấy được lễ tiết của thời đó. Còn lễ tiết của người thời nay thì sao? Lễ tiết cung kính nhất là ba lần cúi chào. Chúng ta gặp là người hiện đại, cho nên lễ kính nhất là ba lần cúi chào thì được rồi. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chào hỏi người khác, hành lễ khi gặp mặt là gật đầu. Hiện nay gật đầu cũng là lễ kính. Nếu bạn hành lễ ba lần cúi chào thì người ta lại cảm thấy đầu óc của bạn có vấn đề, bất bình thường.
Cho nên, lễ tiết phải tùy theo thế tục. Tâm cung kính là chân thành, đối với người phải có lòng tôn kính, tâm cung kính, đây là hạnh Phổ Hiền. Đối với việc thì tu lễ kính như thế nào? Làm việc phải tận tâm tận lực, nghiêm túc phụ trách làm cho tốt, đây là lễ kính đối với việc. Bất luận là chuyện lớn, chuyện nhỏ, bất luận là chuyện của mình hay là chuyện công, khi bạn làm việc hoặc làm cho cơ quan chính phủ hoặc làm cho công ty tư nhân, phải tận tâm tận lực làm cho viên mãn. Đây là hạnh Phổ Hiền, nếu không nghiêm túc, không có trách nhiệm, lợi dụng thời cơ trục lợi thì bạn không thể vãng sanh, điều này quý vị phải biết. Cho nên, người niệm Phật thì nhiều, người vãng sanh thì ít, vì sao? Miệng thì niệm Phật còn hành vi thì trái ngược với đạo. Pháp môn này là Pháp môn Phổ Hiền, không phải là Pháp môn thông thường. Hy vọng trong tâm những người thật sự muốn đời này vãng sanh thì quý vị phải đặc biệt chú ý. Thân khẩu ý ba nghiệp của chúng ta phải nhất trí, không thể “khẩu thị tâm phi” vậy là sai rồi, đó không phải tu hạnh Phổ Hiền. Đối “vật” cung kính, thí dụ trong giảng đường chúng ta phải cung kính đối với bàn ghế, chúng ta sắp đặt thật ngay ngắn, lau chùi thật sạch sẽ, đây chính là lễ kính với chúng. Cho nên đều không ngoài đối người, đối sự, đối vật, đây đều gọi là chư Phật. Vì sao đều gọi là chư Phật? Bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đã có Phật tánh thì tương lai nhất định sẽ làm Phật, cho nên trong mắt của Phổ Hiền Bồ-tát là pháp bình đẳng. Tất cả vạn vật đều có pháp tánh. Phật tánh và pháp tánh là một tánh không phải hai tánh, tánh này chính là chân tâm bản tánh, là một, có thể sanh vạn pháp. Lục Tổ Đại Sư lúc khai ngộ nói rằng: “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp” (đâu ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp). Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là tự tánh sanh ra, đều là tự tánh biến hiện ra. Tự tánh là Phật, tất cả vạn sự vạn vật biến hiện ra đương nhiên cũng đều là Phật, phải dùng tâm lượng như vậy, quan sát như vậy để cung kính đối với tất cả, như thế mới gọi là lễ kính chư Phật. Cho nên ý nghĩa không giống với cách hành lễ thông thường của chúng ta, cảnh giới cũng không giống nhau. Do đây có thể biết hạnh Phổ Hiền thật sự quảng đại vô cùng. Trong hành môn của Bồ-tát thật sự đạt được cứu cánh viên mãn. Là học trò củA-di-đà, có ước nguyện cầu sanh Tịnh Độ thì phải chú ý chỗ này, phải từ chỗ này mà hạ thủ dụng công.
Thứ hai là “xưng tán Như Lai”, “xưng” là xưng dương, “tán” là tán thán. Có một điều kỳ lạ là ở đây không dùng chữ “chư Phật” mà đã đổi thành “Như Lai”. Như Lai và chư Phật có gì khác biệt không? Nếu nói chư Phật tức là Như Lai, Như Lai tức là chư Phật thì ở đây không nên đổi, một khi đã đổi thì có lẽ là có cách nói khác. Không sai! Như trong Kinh Kim Cang, quý vị đọc Kinh Kim Cang, nếu hơi để ý một chút, trong Kinh Kim Cang có khi nói chư Phật, đôi khi nói Như Lai. Nói chư Phật và Như Lai có ý nghĩa không giống nhau. Nói “chư Phật” là từ trên tướng mà nói, nói “Như Lai” là từ trên tánh mà nói, điều này không giống nhau. Như vậy, ý nghĩa này nói rõ: Lễ kính là từ trên tướng mà nói, nhất thiết cung kính, không thể có phân biệt chấp trước. Chúng ta đối với Phật cung kính như thế nào thì chúng ta đối với cha mẹ, sư trưởng cũng cung kính như thế ấy, đối với tất cả chúng sanh cũng cung kính như thế. Thậm chí đối với những kẻ không chừa một việc ác nào cũng phải cung kính như vậy, nhất định không có phân biệt, nhất định không có chấp trước, đây là lễ kính.
Tuy nhiên “xưng tán” thì lại khác, vì sao? “Xưng tán” có thể ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến phong tục, nhất định phải xưng dương mặt phải, chúng ta không xưng dương mặt sai, cũng tức là chúng ta xưng dương cái thiện mà không xưng dương cái ác. Thiện là tánh đức cho nên dùng “Như Lai”, bất thiện là trái ngược với tánh đức, chúng ta không xưng tán, lễ kính nhưng không xưng tán. Cổ nhân thường nói chúng ta đối với người ác, việc ác thì “kính nhi viễn chi” (tôn kính mà không học theo). Bạn xem, kính và lễ kính không khác nhau. “Viễn” là gì? Là không học theo họ, không xưng tán họ, không bắt chước họ, như vậy là đúng. “Viễn” không phải là lánh cho thật xa, không phải là ý nghĩa này. Theo ý nghĩa này thì tâm cung kính bị mất rồi, không còn tâm cung kính nữa, mà đó là không xưng tán, không học theo họ, là ý như vậy. Do vậy những cương lĩnh này phải thực hiện trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Chúng ta học rồi thì phải biết dùng. Từ nay trở đi, xử sự, đối người, tiếp vật chúng ta phải tuân thủ quy tắc này, tuân thủ cương lĩnh này để làm, thật sự nỗ lực để làm, đây chính là tu hành. Đem những quan niệm sai lầm trước kia của chúng ta: suy nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, cách làm sai lầm, toàn bộ tu chỉnh trở lại, đây gọi là tu hành.
Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong Kinh Hoa Nghiêm. Năm mươi ba tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử là thực hành hạnh Phổ Hiền trong sinh hoạt hằng ngày cho chúng ta xem, biểu diễn cho chúng ta xem. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm đích thực là bộ sách giáo khoa tốt nhất. Trong các sách giáo khoa của thế gian không tìm thấy đựơc, không viên mãn như vậy. Trong Hoa Nghiêm có lý luận, lý luận viên mãn, có phương pháp, phương pháp vô cùng tinh tế, lại còn có biểu diễn, biểu diễn này chính là năm mươi ba tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử, mà Thiện Tài là đại biểu cho chúng ta, là khuôn mẫu của chúng ta. Quý vị vừa nghe đến Thiện Tài Đồng Tử thì liền nghĩ bên cạnh Quán Âm Bồ-tát có một đứa bé đang chắp tay bái Ngài Quán Âm, đó là Thiện Tài Đồng Tử. Quan niệm này đã ăn sâu vào trong lòng của mọi người, thế nên đối với Phật Pháp chân thật thì không biết một chút gì. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Thật tế mà nói, Thiện Tài chính là chúng ta, nghĩa là người tu hạnh Phổ Hiền thì gọi là Thiện Tài.
“Thiện” là gì? Là thiện căn, có thiện căn. “Tài” là đại biểu cho phước đức. Bạn xem, trong Kinh Di-đà nói “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Do đây có thể biết, mỗi người vãng sanh đều là Thiện Tài. Cho nên quý vị phải biết gọi Thiện Tài tức là chính mình, không phải người khác. “Vậy tôi là người nữ, Thiện Tài là nam, có lẽ không phải là tôi rồi”. Sai rồi! Thiện Tài không có nam nữ, người nam là Thiện Tài, người nữ cũng là Thiện Tài, người hội đủ thiện căn, phước đức thì gọi là Thiện Tài. Cho nên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật trong Kinh. Bạn xem bài kệ khai Kinh khi chúng ta vừa đăng tòa giảng Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, đừng hiểu sai ý Phật, điểm này vô cùng quan trọng.
Kỳ pháp hội này vô cùng thù thắng. Chúng tôi có quyển Nhận Thức Phật Giáo xin cúng dường đại chúng, hy vọng đại chúng hãy xem nhiều lần. Nếu chúng ta có sự nhận thức chính xác đối với Phật Pháp, có sự lý giải chính xác thì Phật Pháp mới khởi tác dụng chân thật đối với chúng ta, có thể mang lại hạnh phúc chân thật cho chúng ta. Như vậy, năm mươi ba vị thiện tri thức chính là những người thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội mà chúng ta tiếp xúc từ sáng đến tối, năm mươi ba vị này là đại biểu. Trong đó, người xuất gia chỉ có năm vị, tại gia vẫn nhiều hơn. Năm mươi ba người chỉ có năm người xuất gia, tại gia thì nhiều hơn. Trong những người tại gia, quý vị tỉ mỉ mà xem, các ngành, các nghề, nam, nữ, già, trẻ đều có. Đây là đại biểu cho các nhân vật trong mọi tầng lớp, từ sáng đến tối mỗi ngày đều gặp. Đây là hoàn cảnh tu hạnh Phổ Hiền của chúng ta, chúng ta phải biết tu. Thiện Tài Đồng Tử là vâng theo mười điều cương lĩnh của Phổ Hiền Bồ-tát. Mọi người trong xã hội thật sự có người tốt, cũng có người không tốt. Trong năm mươi ba vị thiện tri thức có đại biểu cho thiện, cũng có đại biểu cho ác, như Thắng Nhiệt Bà-la-môn, Cam Lồ Hỏa Vương đại biểu cho mặt ác, không phải là thiện. Thắng Nhiệt Bà-la-môn đại biểu cho ngu si, Cam Lồ Hoả Vương là sân khuể – tánh rất nóng, gặp người liền nổi nóng, đánh người chửi người, thậm chí sát hại người. Mật-tô-phạt-đa nữ là kỹ nữ, dâm nữ đại biểu cho tham ái. Ba người này đại biểu cho tham sân si, tam độc phiền não. Thiện Tài Đồng Tử khi tiếp xúc với họ thì lễ kính nhưng không tán thán. Vì sao? Tham sân si là trái ngược với tánh đức, điều này nói với chúng ta: người và việc bất thiện thì chúng ta phải tôn kính nhưng không tán thán, điều thiện chúng ta phải tán thán. Điều này thật sự phù hợp với lời răn dạy của Cổ Đức, “ẩn ác dương thiện”. Thấy người ta không tốt thì không nói, một lời cũng không nhắc, thấy người tốt thì tán thán, tán dương, vậy xã hội này của chúng ta mới có quang minh, xã hội mới có thể chuyển ác thành thiện, khiến cho mọi người đều đạt được hạnh phúc, đều đạt được mỹ mãn. Cho nên xưng tán này là Như Lai không phải là chư Phật. Ý nghĩa là ở chỗ này.
Thứ ba là “quảng tu cúng dường”, điều này vô cùng quan trọng. Đối với Bồ-tát bình thường, vì tâm của họ không bình đẳng, tâm vẫn chưa thanh tịnh, cho nên Bồ-tát tu đó là “bố thí”. Bạn xem, Bồ-tát tu bố thí Ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Họ tu bố thí, còn Bồ-tát Phổ Hiền thì tu cúng dường. Bạn xem, cái tâm đó cung kính biết bao. Chúng ta bố thí đối với Phật thì gọi là cúng dường, đối với người bình thường thì gọi là bố thí. Bạn xem, cái tâm đó đã có phân biệt rồi. Phổ Hiền Bồ-tát không phân biệt, đối với Phật cúng dường, đối với chúng sanh cũng cúng dường, đối với người tốt là cúng dường, đối với kẻ ác vẫn là cúng dường. Thật sự bình đẳng, chân bình đẳng. Cho nên, tâm lượng của Phổ Hiền Bồ-tát không giống người khác. Cúng dường là nhân, quả báo là phước. Cúng dường tài được giàu có, cúng dường pháp được thông minh trí huệ, cúng dường vô úy được khỏe mạnh, trường thọ. Bạn xem, ba thứ này đều là thứ chúng ta cầu. Người không học Phật cũng mong muốn, không những Phật giáo mà các tôn giáo khác như Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, tôi gặp họ vừa nhắc đến, họ đều cần, họ đều thích trường thọ, đều thích khoẻ mạnh, đều thích giàu có, nhưng họ không biết tu nhân thì làm sao có được. Nhờ cậy vào Phật, Bồ-tát phù hộ, nhờ vào thượng đế thần minh ban cho, đó gọi là nằm mơ, không thể có chuyện như vậy. Họ nói có bằng chứng, người nào đó tin giáo rất chí thành thì Thượng Đế ban phước báo cho họ nhưng chỉ có một người. Mấy ngàn, mấy vạn người tin Thượng Đế, chỉ có một người đạt được, ngoài ra đều không được, sao Thượng Đế lại thiên vị như vậy? Đây không phải là thật. Nếu quả là thật, mỗi người cầu mỗi người đều đạt được thì đó là thật. Nếu đó là thật thì tôi cũng tin theo Thượng Đế. Phật nói lời thật cho chúng ta: phước đức này phải tự mình tu, tự mình không tu thì Phật, Bồ-tát không có khả năng ban cho bạn. Phật nói ban phước cho bạn thì Phật, Bồ-tát lừa gạt bạn rồi. Phật không có cách nói này. Phật chỉ dạy bảo chúng ta, đây là sự thật nhưng chúng ta không hiểu. Phật dạy chúng ta, đem phương pháp này dạy cho chúng ta.
Bạn xem người thế gian phát tài, người có tiền của, phát tài lớn, có người phát tài thì rất vui mừng, vì sao? Họ không có lo lắng, nguồn tiền tài của họ cuồn cuộn mà tới. Có người phát tài nhưng rất cực khổ, rất khó khăn mới kiếm được. Tuy nhiên, quý vị nên biết “dễ dàng” có được với “cực khổ” có được đều là nhân bố thí của kiếp trước. Kiếp trước nếu không bố thí, cùng một ngành nghề nhưng tôi đi làm bảo đảm lỗ vốn. Bởi vì sao? Kiếp trước không tu bố thí thì làm sao có tiền của. Cho nên tuyệt đối không thể nói kiếp này rất thông minh, rất tài cán, vận khí rất tốt, đó là bạn nhìn bề ngoài thôi. Vì sao? Vì người thông minh, tài cán, vận khí tốt nhiều hơn họ, tại sao người ta không phát tài? Vì sao chỉ có họ phát tài? Vì trồng nhân tiền kiếp nên kiếp này được hưởng quả báo. Phải biết đạo lý này. Kiếp trước bố thí tài một cách rất vui vẻ, rất hoan hỷ thì kiếp này sẽ được giàu có một cách rất dễ dàng, rất hoan hỷ, họ không bận tâm chút nào. Kiếp trước bố thí rất khổ sở như là bị cắt thịt vậy. Chao ôi! Thấy họ bố thí thì tôi không thể không bố thí một chút, là vì thể diện, kiếp này cũng có thể giàu có, nhưng được một cách không dễ dàng, được một cách cực khổ. Chúng tôi xin cử một tỉ dụ đơn giản, chúng ta cúng dường người khác đồ ăn thức uống. Ví dụ quý vị là những người học Phật biết cúng dường Pháp Sư, chúng ta làm cơm, thức ăn ngon, làm xong rồi mang đến đây cúng dường Pháp Sư. Phước báo mà bạn đạt được là tự tại. Nếu chúng ta mời Pháp sư đến một nơi nào đó dùng cơm, Pháp sư phải cực nhọc đến nơi đó để ăn một bữa cơm thì tương lai bạn rất cực khổ mới có được phước báo. Nếu bạn không cực khổ thì bạn sẽ không có. Từ tỉ dụ này bạn hãy suy nghĩ thì sẽ rõ ngay. Cho nên bố thí cúng dường phải rất vui vẻ, rất hoan hỷ, khiến người nhận không phải rất cực khổ thì tương lai chúng ta sẽ dễ dàng đạt được phước báo. Điều này nhất định phải biết.
Bố thí pháp được thông minh trí huệ, cũng cùng một đạo lý như vậy. Chúng ta cúng dường thế xuất thế gian pháp, cúng dường Phật Pháp, thời đại ngày nay, kinh sách, băng ghi âm, băng ghi hình đều là Pháp bảo, chúng ta sanh tâm hoan hỷ, tận tâm tận lực cúng dường, như vậy sẽ được thông minh trí huệ. Đương nhiên có thể xây dựng một đạo tràng, nếu tự mình không đủ khả năng xây dựng đạo tràng thì thuê một chỗ rồi thỉnh Pháp Sư đến giảng kinh nói pháp, đây cũng là bố thí pháp, cúng dường pháp. Thật tại mà nói, ngày nay chúng ta làm những việc này thì ba thứ bố thí đều đầy đủ cả. Cứ lấy việc in kinh mà nói, in kinh phải cần tiền, tiền là bố thí tài, trong kinh sách là Phật Pháp, là bố thí pháp, mọi người đọc được kinh điển, tiếp nhận kinh điển này, y giáo phụng hành, đây thuộc về bố thí vô úy. Trong đời này họ có thể thoát ly luân hồi tam giới, có thể liễu sanh tử, thành Phật đạo thì sự cúng dường này thật sự đạt đến cứu cánh viên mãn. Thực tế mà nói, phước báo đó dù là chư Phật Bồ-tát cũng không nói hết được, đương nhiên tôi càng không có năng lực này. Cho nên, cúng dường là nhân của phước huệ, cần phải “rộng tu cúng dường”. Bồ-tát, có thể nói từ lúc phát Bồ-đề tâm, Bồ-đề tâm là chân thật giác ngộ không còn mê hoặc nữa, thật sự giác ngộ rồi, từ nay về sau, niệm niệm vì tất cả chúng sanh, tâm tâm vì hoằng dương Phật Pháp. Trong thời đại này, Tịnh Độ đặc biệt khế cơ, nói cách khác, trong tất cả Phật Pháp, hoằng dương Tịnh Độ có thể khiến chúng sanh được lợi ích chân thật, được lợi ích ngay hiện tại. Không phải những pháp môn khác không có lợi ích, nhưng lợi ích này không phải là hiện tại. Nói cách khác, trong đời này chưa hẳn đạt được lợi ích, mà là kiếp sau, đời sau. Đời sau nếu không thể xuất tam giới thì sự bố thí cúng dường của bạn đều biến thành phước báo, tức là chúng ta ở thế gian này có địa vị, có tiền của, là biến thành những người này. Biến thành những người này cũng không tệ, cũng có thể hưởng thụ một đời. Nếu trong kiếp đó lại mê hoặc, điên đảo, khi đã hưởng hết phước rồi thì kiếp sau nữa lại phải đọa lạc. Cho nên, cách bố thí cúng dường này là không cứu cánh, không viên mãn. Cho nên nói “pháp môn Tịnh Tông được lợi ích ngay trước mắt”. Điều này chúng ta cần phải nghiêm túc suy xét. Lấy cái phước báo hữu hạn, thời gian hữu hạn trước mắt của chúng ta thì phải nên tu phước như thế nào? Tu cúng dường như thế nào? Kỳ thực, phạm vi của cúng dường vô cùng rộng lớn, chỉ là tâm lượng của chúng ta quá nhỏ, không phải hạnh Phổ Hiền.
Ví dụ như người nội trợ trong gia đình, mỗi buổi sáng thức dậy, dọn dẹp, xắp xếp nhà cửa sạch sẽ, nấu ba bữa cơm cho thật ngon cúng dường cha mẹ. Đây là cúng dường, khiến cả nhà ai nấy đều ăn ngon miệng là quý vị cúng dường cả nhà, nhưng quý vị không mang tâm cúng dường. Việc cúng dường thì quý vị đều làm rồi, nhưng quý vị không có tâm cúng dường, do đó quý vị đạt được phước báo không viên mãn. Nếu quý vị có tâm cung kính cúng dường, thì phước báo của quý vị sẽ rất viên mãn. Nếu lại có thể đem tâm cúng dường này, việc làm cúng dường này mở rộng ra, lấy tâm bình đẳng đối đãi tất cả mọi người.
Tôi ở Singapore rất có thiện cảm với Cư Sĩ Lâm của quý vị, thiện cảm gì vậy? Là quý vị một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày đều ở nơi đây tu cúng dường. Phòng ăn phía dưới của quý vị không có phân biệt, không có chấp trước, không phải nói: “Nếu không phải là đồng tu của đạo tràng này thì không thể đến ăn cơm”. Người nào cũng có thể đến ăn cơm. Điều này thật phi thường, đây là quảng tu cúng dường. Cho nên, pháp duyên của Cư Sĩ Lâm rất thù thắng, Phật Pháp mỗi ngày một hưng vượng là có đạo lý của nó. Quý vị có tâm lượng lớn như vậy, chăm chỉ ở đây tu cúng dường, ở đây tu bố thí, cho nên đạo tràng này được phước, tất cả đồng tu trong đạo tràng đều có phước, thật là hiếm có. Cho nên chúng ta phải vô cùng coi trọng việc cúng dường bố thí này, phải nghiêm túc cố gắng tu học.
Hiện nay, có rất nhiều người đều cảm thấy mình rất khổ, đều muốn cải thiện vận mạng của mình, cải thiện hoàn cảnh đời sống của mình mà không biết cải thiện từ đâu? Trước kia tôi đã giới thiệu cho quý vị sách Liễu Phàm Tứ Huấn, hơn nữa tôi còn thường khuyên đồng tu phải đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần. Đọc xong ba trăm lần thì ấn tượng của quý vị sâu rồi, hiểu rõ đạo lý rồi thì sẽ biết đối người tiếp vật như thế nào. Bạn biết được cách tu phước rồi, đó là một tài liệu tu học rất tốt để chúng ta cải tạo vận mạng, cải thiện hoàn cảnh sinh sống của chính mình. Thế nhưng hạnh Phổ Hiền đích thật là cứu cánh viên mãn, so với Liễu Phàm Tứ Huấn không biết là cao hơn bao nhiêu lần. Điều đó không thể so sánh được. Chúng ta phải coi trọng, đây là coi trọng hạnh phúc của chính mình.
Thứ tư, phải “sám hối nghiệp chướng”. Có nhiều vị đồng tu cảm thấy nghiệp chướng của mình quá nặng. Từ vô thủy kiếp mãi đến kiếp này tạo rất nhiều tội nghiệp. Nghiệp chướng sâu nặng, đều muốn tu sám hối. Sám hối bằng cách nào đây? Không biết. Nghĩ rằng trong Phật đường, lạy vài bộ Lương Hoàng Sám, lạy vài bộ Đại Bi Sám thì nghiệp chướng sẽ được sám trừ hết. Sau khi lạy xong, về nhà bình tĩnh suy nghĩ xem nghiệp chướng của quý vị đã sám trừ hết chưa? Nếu nghiệp chướng vẫn còn, chưa được sám trừ vậy thì việc sám lạy đó là uổng phí. Sám có hiệu quả hay không? Thật sự là có hiệu quả. Vì sao quý vị lạy mà không có hiệu quả? Là thân quý vị lạy, có miệng cũng có thân nhưng tâm thì không lạy. Bạn dập đầu lễ bái nhưng trong tâm lại khởi vọng tưởng, tâm và hành không tương ưng, cho nên nghiệp chướng của bạn không được sám trừ.
Ở đây, chúng ta phải nói ý nghĩa này rõ ràng hơn, minh bạch hơn một chút. Nghiệp chướng là gì? Nếu ngay đến nghiệp chướng mà cũng không hiểu thì làm sao để sám? Sám rồi làm sao để biết có hiệu quả? Cho nên trước tiên phải biết nghiệp chướng là gì? “Nghiệp” là tạo tác, bạn xem, thường thường chúng ta gặp một người mới quen biết, thế nào cũng hỏi: “Bạn làm nghề gì?”. Làm nghề nghiệp nào thì bạn tạo nghề nghiệp đó. Bạn đang tạo nghiệp, tạo nghiệp đương nhiên là có chướng rồi, người người đều tạo nghiệp. Không những người thành niên trong xã hội tạo nghiệp mà trẻ nhỏ vừa mới đi học, bạn xem, trong sách học có vở bài tập. Đó là chúng đang tạo nghiệp rồi, chúng bắt đầu tạo nghiệp rồi. Chữ “nghiệp” này thực tế mà nói chính là việc. Trong lúc chúng ta đang tạo tác thì gọi là việc. Việc làm xong rồi cái kết quả đó gọi là “nghiệp”, gọi là “sự nghiệp”. Việc là khi đang tạo tác, kết quả của tạo tác thì gọi là nghiệp. Việc có thiện, có ác nên nghiệp cũng có thiện, có ác.
Còn công cụ tạo tác là thân, khẩu, ý. Trong lòng khởi tâm động niệm là tạo nghiệp, ý nghiệp. Trong tâm tạo nghiệp: khởi một niệm thiện thì bạn đã tạo thiện nghiệp, khởi một niệm ác thì bạn đã tạo ác nghiệp. Khởi tâm động niệm đều là đang tạo nghiệp. Ngôn ngữ trong miệng gọi là khẩu nghiệp, thân thể tạo tác gọi là thân nghiệp. Trong ba nghiệp, ý nghiệp là chủ, ý không động, tâm không động thì thân khẩu bạn làm sao tạo nghiệp được? Do vậy ý là chủ. Ác nghiệp là chướng ngại, thiện nghiệp cũng là chướng ngại, làm chướng ngại gì? Làm chướng ngại tự tánh thanh tịnh của chúng ta, làm chướng ngại ba đại cương lĩnh tu học của chúng ta như kinh nói là: Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác, là chướng ngại cái này. Gọi là nghiệp chướng. Chướng cái gì? Chướng tâm thanh tịnh, chướng tâm bình đẳng, chướng tâm giác. Thanh tịnh bình đẳng giác trong tự tánh của chúng ta không thể hiện tiền, đây gọi là nghiệp chướng.
Nếu sám hối thì nghiệp chướng của chúng ta quả thật đã tiêu trừ, tiêu trừ có hình dáng như thế nào? Tâm thanh tịnh, vọng tưởng ít, tạp niệm ít, phiền não ít, phiền não tức là tham sân si mạn. Phiền não ít rồi, tâm thanh tịnh rồi thì trong tâm bỗng nhiên có trí huệ, đây là hiện tượng nghiệp chướng được sám trừ. Ngày trước đối với điều gì cũng mơ hồ, đều không rõ ràng. Hiện nay nhìn, nghe sự vật đều nghe rất rõ ràng minh bạch, đây là hiện tượng nghiệp chướng được sám trừ. Cho nên sám hối nghiệp chướng phải từ trên tâm địa mà hạ thủ công phu, phải làm như thế nào? Điều thứ nhất, bạn phải biết lỗi lầm của mình, mỗi ngày phải phản tỉnh, phải kiểm điểm. Hôm nay, tôi có những lỗi lầm nào? Phàm phu chúng ta, quả thật nghiệp chướng rất nặng, nặng đến mức độ nào? Nghĩ cách nào cũng không nghĩ ra hôm nay mình đã phạm lỗi gì. Đây là nghiệp chướng quá nặng. Suốt ngày đều đang phạm lỗi nhưng họ không hay biết, không tìm ra một lỗi nào. Vấn đề này vô cùng nghiêm trọng. Cho nên nhất định phải tìm ra lỗi lầm của chính mình. Biết được lỗi lầm của mình, xin thưa với quý vị, đây gọi là khai ngộ. Sau đó cải sửa lỗi lầm của mình, đó gọi là tu hành. Tu hành tức là sám trừ nghiệp chướng, sửa lỗi làm mới. Một ngày có thể sửa một lỗi lầm, nếu sửa trong ba năm, xin thưa với quý vị, nếu bạn không là thánh nhân thì cũng là hiền nhân, bạn không những nắm chắc phần vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc mà phẩm vị của bạn nhất định rất cao, vì sao? Tâm đã thực sự thanh tịnh rồi, người này gọi là chân chánh tu hành. Chân chánh tu hành không phải nói mỗi ngày tôi niệm bao nhiêu bộ kinh, niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, lạy Phật bao nhiêu lạy, đó là giả, đó là hình tướng, hình thức. Chân tu hành là ở nơi tâm địa, không ở nơi hình thức, hình thức không quan hệ lớn lắm. Tâm địa vô cùng quan trọng. Phải sửa tâm, sửa tâm ác, ý niệm ác thành thiện, sau đó sửa ý niệm thiện thành thanh tịnh. Cho nên người niệm Phật gọi là tu tịnh nghiệp, không phải gọi là tu thiện nghiệp mà là tu tịnh nghiệp. Tâm tịnh tức là quốc độ tịnh, vậy mới có thể vãng sanh, mới có thể cảm ứng đạo giao với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Do đây có thể biết, sám hối nghiệp chướng là trọng điểm tu hành của chúng ta. Bất luận là Tông phái nào, bất luận là Pháp môn nào, điều này đều là trọng điểm, trọng điểm chung. Phải nghiêm túc hạ thủ công phu ở chỗ này. Thực tế mà nói, bốn đại cương lĩnh này đã nói rõ hành môn tu hành của Bồ-tát chủ yếu là bốn điều này.
Phần sau có thể nói là phần ý nghĩa phụ theo, bởi vì Bồ-tát không những thành tựu chính mình mà còn hy vọng giúp đỡ tất cả chúng sanh thành tựu, “tự lợi lợi tha, tự hành hóa tha”. Do đó, không thể quên đi quảng đại quần chúng, không thể bỏ rơi tất cả chúng sanh, thế nên có vài điều cương lĩnh ở phía sau.
Thứ năm “tùy hỷ công đức”, trong đây có tự hành hóa tha, không giống bốn điều ở phần trên hoàn toàn là tự mình tu học, hoàn toàn là tự lợi. Trong phần này có tự lợi lại có lợi tha, Phổ Hiền Bồ-tát đặc biệt nêu ra điều này, Ngài có dụng ý rất sâu. Bởi vì tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay có một thứ phiền não sanh ra đã có, không cần học, phiền não gì vậy? Là tâm đố kỵ, người nào mà không có. Nhìn thấy người khác hay hơn mình là trong tâm cảm thấy khó chịu, đố kỵ. Tâm đố kỵ khởi dậy thì tâm sân hận cũng theo đó khởi dậy, muốn tìm cách làm chướng ngại họ, phá hoại họ, không để họ thành tựu, như vậy thì bạn đã tạo tội nghiệp rất nặng rồi. Thánh nhân của thế gian dạy chúng ta phải “thành nhân chi mỹ” (thành tựu việc tốt cho người). Nhìn thấy người làm việc tốt ta phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ, vậy là đúng, không thể đi phá hoại họ, phá hoại họ là sai, làm chướng ngại họ là sai, đây là phiền não rất phổ biến, cũng rất nghiêm trọng. Vì vậy bạn xem phía sau sám trừ nghiệp chướng điều thứ nhất Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta phải “tùy hỷ công đức”. Khi nhìn thấy người khác có thiện hạnh, có thiện nguyện, không những ta không đố kỵ mà ta có thể sanh tâm hoan hỷ, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, thành tựu họ. Đây gọi là “tùy hỷ công đức”, họ có công đức lớn bao nhiêu thì công đức của ta cùng với họ không hai không khác. Tục ngữ của thế gian gọi là “mượn ánh sáng”, họ có ánh sáng, chúng ta hưởng nhờ ánh sáng, ánh sáng mà chúng ta hưởng không hai không khác với ánh sáng của bản thân họ. Nếu chúng ta không có khả năng, không thể giúp đỡ nhưng sanh tâm hoan hỷ thì công đức cũng vẫn viên mãn như vậy. Dạy chúng ta tu “tùy hỷ công đức” để phá phiền não đố kỵ, bỏn xẻn, tham lam căn bản phiền não. Trong thế gian pháp, Phật Pháp có rất nhiều người thiện. Trong kinh Phật thường nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, họ có thiện tâm thiện hạnh. Chúng ta là Phật tử chân chánh thì phải giúp đỡ họ, thành toàn cho họ, khiến cho thiện hạnh của họ có thể truyền bá trong xã hội này, khiến mọi người trong xã hội đều được lợi ích, đều được hưởng thụ phước báo của họ, công đức này thì lớn. Thậm chí, những người tu tùy hỷ công đức như chúng ta so với công đức của họ còn lớn hơn, nguyên nhân do đâu? Họ làm việc thiện đó, bao nhiêu người tán thán, bao nhiêu người biểu dương thì đã báo hết. Chúng ta tùy hỷ công đức, không ai tán thán, cũng không ai biểu dương chúng ta nên công đức của chúng ta đều được tích lũy. Chúng ta tích lũy là “âm đức”, việc họ làm là “dương đức”, mọi người đều báo hết rồi. Cho nên, phải hiểu rõ đạo lý này thì bạn mới biết “tùy hỷ công đức” thật sự là không thể nghĩ bàn, bạn làm điều thiện tâm, làm điều thiện hạnh thì nhất định có thiện báo.
Thứ sáu, “thỉnh chuyển pháp luân”. Đây là đệ nhất thiện hạnh trong tất cả thiện hạnh. Chúng ta đều biết trong tất cả pháp thế xuất thế gian chỉ có Phật Pháp là chân thật. Phật Pháp có thể giúp con người giác ngộ, phá mê khai ngộ, có thể giúp một người ngay trong đời này có được hạnh phúc vui vẻ, giúp đỡ mọi gia đình được mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi thành công, xã hội hài hòa, quốc gia giàu mạnh, thế giới đại đồng. Đây là lợi ích của Phật Pháp ngay hiện tại, đích thực là quảng đại vô biên. Nó còn có những ích lợi thù thắng hơn, đó là “liễu sinh tử, xuất tam giới, vĩnh thoát luân hồi, viên thành Phật đạo”. Đây là điều mà tất cả pháp khác đều không thể sánh bằng. Tuy nhiên, nếu không có người giảng Phật Pháp thì tuy có trí huệ cũng không thể hiểu đươc. Trong thế gian này, người thông minh trí huệ không cách gì lý giải được Phật Pháp, nhất định phải có người thuyết Pháp. Người thuyết Pháp không tự nhiên tới, nhất định phải có người phát tâm đi thỉnh họ. Ai đi thỉnh? Những người hiểu Phật Pháp như chúng ta mới biết thỉnh, người không hiểu Phật Pháp thì sẽ không thỉnh Pháp Sư Đại Đức đến giảng kinh, nhất định phải là người biết Phật Pháp.
Chúng ta được lợi ích của Phật Pháp, chúng ta muốn báo ơn Phật thì báo bằng cách nào? Thờ tượng Phật Bồ-tát, mỗi ngày cúng một ít chuối, trái cây, dập đầu lễ bái là báo ân sao? Không phải vậy. Thật tế mà nói, Phật Bồ-tát tuyệt không ham thích sự cúng dường này của quý vị. Tâm nguyện của Phật Bồ-tát là hy vọng những lời răn dạy của Ngài có thể được truyền bá rộng rãi đến tất cả mọi người, khiến tất cả mọi người đều có được Phật Pháp, đều hiểu được Phật Pháp, đều có thể y giáo tu hành. Đây là tâm nguyện của Phật. Vì vậy thỉnh Pháp Sư Đại Đức đến địa phương này giảng kinh thuyết pháp là phước báo lớn nhất. Chúng ta nói tu phước, tu phước báo gì lớn nhất? Phước báo này là lớn nhất. Nếu một mình tôi không có khả năng này, vì thỉnh Pháp Sư giảng kinh phải tốn kém không ít. Nếu tự mình không có đạo tràng, bạn phải thuê chỗ để thỉnh Pháp Sư đến giảng một tháng, mướn một chỗ, tiền thuê một tháng không phải là ít, còn phải chăm lo đến sinh hoạt của Pháp Sư, thậm chí cũng phải chăm lo đến thính chúng nghe kinh. Nếu một người có khả năng thì một người làm rất tốt, một người không có khả năng thì tập hợp đồng tu, mời vài người chí đồng đạo hợp đến để cùng phát tâm, công đức này cũng đồng nhau. Như phần trước đã giảng tùy hỷ công đức, có một hoặc hai người dẫn đầu phát khởi mời thỉnh Pháp Sư đến giảng kinh nói pháp, đây gọi là “thỉnh chuyển pháp luân”.
Chữ “pháp luân” này là tỉ dụ. Thật tại mà nói, đó là dấu hiệu, nhãn hiệu trong nhà Phật chúng ta. Nhãn hiệu trong cửa Phật chúng ta là pháp luân. Dùng pháp luân, dùng hoa sen, thông thường dùng hai thứ này. Còn dùng “chữ vạn”, chữ vạn là đại biểu cho kiết tường. Pháp luân nghĩa là viên mãn. “Luân”, vật này rất có ý nghĩa, luân (bánh xe) là tròn, tròn là động, bởi vì nó động cho nên mới kéo theo khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển như thế là do lực lượng nào khởi động? Do bánh xe khởi động. Cho nên, không những thế giới này của chúng ta mà ở thế giới phương khác cũng không ngoại lệ. Bạn xem, trong kinh nói Chuyển Luân Thánh Vương thống trị bao nhiêu tinh cầu? Phước báo đó mới thật là lớn. Bánh xe đó là công cụ giao thông của Ngài, cũng là đại biểu cho vũ lực của Ngài. Những năm gần đây, chúng ta phát hiện có đĩa bay (UFO), có lẽ là luân bảo của Luân Vương đến nơi đây để thị sát. Nó cũng là hình tròn, bởi thế cái bánh xe này có tác dụng vô cùng lớn, rất viên mãn. Phật Pháp dùng ý nghĩa này. Còn ý nghĩa sâu hơn, tròn là động, tâm của vòng tròn là tịnh, tâm vòng tròn không động. Phật Pháp thường nói “động tịnh không hai, thể tướng nhất như”. Cho nên tâm là không, tướng là có, nó còn đại biểu cho “chân không diệu hữu”. Bởi thế giảng kinh nói pháp là ví dụ cho chuyển động pháp luân. Dùng pháp luân để đại biểu, còn hoa sen đại biểu ý nghĩa thanh tịnh, mọc từ bùn nhơ mà không nhiễm, đại biểu tâm thanh tịnh. Cho nên, biểu pháp là thù thắng nhất, viên mãn nhất vẫn là cái bánh xe này, vẫn là pháp luân. Thỉnh chuyển pháp luân tức là thỉnh Pháp Sư Đại Đức giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh. Hiện nay, chúng ta lợi dụng công cụ khoa học khiến hiệu quả của chúng ta được mở rộng rất nhiều lần. Điều này trước kia không có. Xưa kia Pháp Sư giảng kinh, nhiều lắm là học trò của họ, lúc nghe kinh thì chép lại thành bút ký, sau đó mới in thành sách để lưu thông, số lượng rất có hạn. Còn hiện nay, chúng ta có thể đem nó làm thành băng ghi âm, băng ghi hình lưu hành khắp nơi, khiến những người không tham dự pháp hội của đạo tràng chúng ta cũng có cảm nhận như đích thân đến đạo tràng vậy. Đây là một phần hậu lễ mà công cụ khoa học đã đem đến cho người hiện đại. Cho nên việc hoằng dương, truyền bá Phật Pháp nhất định phải được hiện đại hóa, khoa học hóa.
Chúng ta hôm nay lực lượng vẫn chưa đạt tới. Đương nhiên đây vẫn chịu sự quan hệ của hoàn cảnh. Nếu trong tương lai khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn, hoàn cảnh cho phép, trên lầu Phật đường này của chúng ta tốt nhất là có một đài phát vô tuyến, chúng ta giảng kinh ở đây, truyền hình của mỗi nhà vừa mở ra thì tất cả đều xem được. Bạn xem, chúng ta ở giảng đường này giảng kinh xem như là hoằng dương trên toàn thế giới rồi, như vậy mới là hiện đại hóa đạo tràng. Nhất định phải hướng về phương hướng này, mục tiêu này mà nỗ lực. Cho nên, sau này khoa học kỹ thuật phát triển, đạo tràng thật ra mà nói không cần phải lớn lắm, nhất định phải dùng vô tuyến điện, dùng vệ tinh truyền bá, đạo tràng giảng kinh không cần phải thật lớn mà vẫn có thể mang hiệu quả truyền đến khắp thế giới. Đó là nói việc thỉnh giảng kinh.
Thứ bảy, “thỉnh Phật trụ thế”. Đây là một bước lại tiến thêm một bước nữa. Bạn thỉnh Pháp Sư giảng kinh, giảng bộ kinh này xong thì họ đi mất. Quý vị thử nghĩ xem, có mấy người nghe xong một bộ kinh liền khai ngộ, nghe xong một bộ kinh liền chứng quả? Lúc Phật-đà còn tại thế thì có, sau khi Phật diệt độ thì chưa từng nghe qua, như vậy thì phải làm sao? Lúc nãy tôi vừa nói, nghiệp chướng của chúng ta rất nặng, phương pháp duy nhất là phải huân tu, huân tu cũng là tỉ dụ. Cổ nhân thời xưa dùng nước hoa không tiện lợi như bây giờ, y phục trên người xịt một cái tức thời thơm ngay, nhanh biết bao, vừa sạch sẽ lại dễ coi. Người thời xưa muốn y phục thơm tho phải làm cách nào? Ướp hương. Dùng khói thơm để ướp y phục, đại khái ít nhất phải xông một ngày thì y phục mới có mùi thơm, tức là phải có thời gian dài để huân tập, đó chính là gì? Nhất định phải thỉnh Pháp Sư thường trụ ở một nơi, đừng có đi, mỗi ngày giảng kinh cho chúng ta, hằng năm không gián đoạn. Huân tập trường kỳ như thế thì căn tánh bậc trung, người nghiệp chướng nặng cũng đều khai ngộ. Đương nhiên, việc này cần đầy đủ điều kiện, nhiều điều kiện hơn so với việc tạm thời thỉnh Pháp Sư đến giảng kinh, điểm này rất quan trọng.
Trong lịch sử Trung Quốc, quý vị hãy quan sát kỹ xem, những vị Tổ Sư Đại Đức thường thường trụ tại một đạo tràng mấy mươi năm thậm chí cả đời không rời khỏi đạo tràng. Do đó, số người thành tựu rất nhiều, điều này chúng ta cần phải hiểu rõ. Đương nhiên, “duyên” là nhân tố trọng yếu hàng đầu. Tôi lý giải vấn đề này rất sâu, tôi luôn muốn trụ ở một nơi bất động, nhưng không có phước báo này, không có duyên phần này. Người thế gian gọi là số mệnh bôn ba lao nhọc. Hôm nay, địa phương này đến tìm tôi, qua hai ngày sau địa phương khác lại đến tìm tôi, đối với tôi mà nói thì cũng có chỗ tốt. Người thế gian rất khó phá vỡ quan niệm về cái nhà, tôi thật sự hoàn toàn không còn quan niệm này nữa. Tôi chỉ biết mình là khách, đều ở quán trọ, ở vài ngày rồi lại đi, cho dù quý vị biết tôi có đạo tràng ở Đài Bắc. Tôi ở đạo tràng đó cũng chỉ là khách, một năm cũng chỉ ở không quá hai, ba tháng. Mỗi lần về Đài Loan, đại khái chỉ ở hơn một tháng, không đến hai tháng thì lại phải đi, cho nên tất cả chỉ là khách thôi. Điều đó giúp tôi buông xuống tất cả thân tâm thế giới, không buông xuống không được, phải buông xuống thôi, không còn quan niệm về cái nhà nữa. Tuy nhiên, việc tôi làm chỉ là tuyên truyền Phật Pháp, giới thiệu Phật Pháp cho mọi người. Tôi vẫn chưa làm được việc giúp đỡ quý vị thành tựu, không có duyên phần này. Muốn thật sự giúp đỡ mọi người thành tựu thì nhất định phải ở lâu dài, ở một nơi quanh năm suốt tháng cùng mọi người huân tu.
Như trước kia Thầy Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung hết ba mươi tám năm, ba mươi tám năm không rời khỏi Đài Trung. Ngày ngày giảng kinh thuyết pháp, cho nên số người vãng sanh ở Đài Trung rất nhiều. Đó là sức mạnh của sự huân tu. Tôi ở Đài Trung mười năm theo thầy Lý học giảng kinh, nếu không có thời gian dài như thế thì nhất định không thể học được. Cho nên, muốn thật sự học biết một thứ gì thì cần phải có một thời gian khá dài.
Còn việc thỉnh Phật trụ thế, Phật hiện nay không còn nữa. Ngày nay chúng ta có thể thỉnh thiện tri thức xuất gia hoặc tại gia. Thiện tri thức có tu, có học, có chứng thì rất khó, thật sự có tu có học thì là vô cùng hiếm hoi. Cương lĩnh tu học của phổ Hiền Bồ-tát đến đây có thể nói là đã giảng viên mãn rồi.
Thập Nguyện, thực tế thì bảy điều kể trên là nguyện, ba điều sau là thuộc về hồi hướng: hồi hướng thực tế, hồi hướng Bồ-đề, hồi hướng chúng sanh.
✓ Thường tùy Phật học, đây là hồi hướng Bồ-đề.
✓ Hằng thuận chúng sanh là hồi hướng cho chúng sanh.
✓ Phổ giai hồi hướng là hồi hướng thực tế. Thực tế tức là chân như bổn tánh, tất cả đều quay về nơi tự tánh. Tất cả vạn pháp đều lưu xuất từ tự tánh, tất cả vạn pháp trở về tự tánh, cho nên phổ giai hồi hướng này ý nghĩa rất sâu.
Trong hồi hướng Bồ-đề, thường tùy Phật học, cương lĩnh này rất trọng yếu. Chúng ta muốn học Phật, Phật mới là tiêu chuẩn tu học của chúng ta, mới là tấm gương tu hành của chúng ta, chúng ta phải học theo Phật, đây là “tối thượng thừa”.
Tôi cũng nghe nói một số quý vị đồng tu rất tôn kính, rất ngưỡng mộ tôi, muốn bái tôi làm thầy, đây là tác dụng của tình cảm. Quý vị tại sao không bái A-di-đà Phật làm thầy? Làm đệ tử của A-di-đà mới là đúng, thường tùy Phật học. Tôi lấy A-di-đà Phật làm thầy, bạn cũng lấy A-di-đà Phật làm thầy, chúng ta là bạn học. Như vậy mới đúng. A-di-đà Phật ở đâu? Kinh Vô Lượng Thọ chính là A-di-đà Phật. Chúng ta mỗi ngày mở kinh Vô Lượng Thọ ra đọc tụng tức là tiếp nhận lời răn dạy của A-di-đà Phật, tiếp nhận sự khai thị của A-di-đà Phật. Mỗi ngày đều đọc tụng, dùng tâm thanh tịnh để đọc tụng, dùng tâm chân thành để đọc tụng, dùng tâm cung kính để đọc tụng thì bạn ngày ngày đều có chỗ ngộ. Đọc một biến hiểu rõ thêm một chút, đây chính là thọ dụng. Bạn hiểu được ý của Phật rồi. Sau khi hiểu bạn y theo mà làm thì ngày ngày có chỗ ngộ.
Nói cách khác, Phật ngày ngày khai thị cho bạn, không phải là ngày ngày tôi niệm kinh này cũng không thấy được Phật. Bạn sai rồi! Lúc nãy tôi đã nói với bạn, bạn dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính thì Phật ở tại đây gia trì, Phật quang đang chiếu bạn. Không những A-di-đà Phật gia trì cho bạn mà tất cả chư Phật Như Lai đều gia trì cho bạn. Làm gì có đạo lý không khai ngộ chứ? Ngày ngày có chỗ ngộ, cho nên bạn sẽ Pháp hỷ sung mãn, mỗi ngày đều có một chút giác ngộ, đều hiểu rõ thêm một chút, điều này vui biết mấy. Đây mới thật sự quý báu, không có gì quý báu hơn cái này, không có gì hoan hỷ hơn cái này. Tuy nhiên, bạn nhất định phải làm theo, phải y theo mà tu hành, bạn thật sự tu hành ngày mai lại có chỗ ngộ, ngày ngày có chỗ ngộ, ngày ngày nỗ lực tu hành. Như vậy mới thật sự là đệ tử của Phật. Chúng ta y theo kinh Vô Lượng Thọ tức là y theo A-di-đà Phật, huống chi trong kinh Phật đã nói rõ với chúng ta A-di-đà Phật còn có một danh hiệu khác là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” tức là A-di-đà Phật. Nếu chúng ta có thể tu như vậy thì đó thật sự là Phổ Hiền Bồ-tát. Lời giáo huấn thường tùy Phật học chúng ta đã thật sự thực hiện rồi, quả thật không uổng qua.
Thứ chín: Hằng thuận chúng sanh: Phải học Phổ Hiền Bồ-tát, phải học năm mươi ba tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử. Tập khí của chúng sanh không giống nhau, căn tánh không giống nhau, có thiện, có ác. Không những ở thế gian này của chúng ta, nếu mở rộng phạm vi ra thì có chúng sanh lục đạo, chúng sanh mười pháp giới cho đến chúng sanh vô lượng, vô biên ở thế giới phương khác. Chúng ta ở trong những cảnh giới này gọi là hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh nhân sự là chánh báo, hoàn cảnh vật chất là y báo – khí thế gian. Ở trong đó, tu Hạnh Phổ hiền, tu Phổ Hiền Bồ-tát mười đại cương lĩnh, lấy mười đại cương lĩnh này để hoàn thành tổng cương lĩnh của kinh Vô Lượng Thọ: Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Do đây có thể biết bộ kinh Vô Lượng Thọ này thật sự là vật báu vô giá. Phần trước chúng tôi đã nói qua với quý vị bộ kinh này là “chân truyền” duy nhất của Như Lai, bảo tạng chân truyền của chư Phật, có được không phải dễ dàng. Chúng ta thật sự có phước báo rất lớn nên đời này chúng ta mới gặp được, vả lại còn được nghe, khi nghe hiểu rồi có thể y giáo phụng hành. Vậy thì xin chúc mừng bạn. Bạn đời này thành Phật rồi, không còn luân hồi nữa, không còn làm phàm phu nữa. Vì vậy phải hằng thuận chúng sanh, cũng tức là nói tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình trong tất cả hoàn cảnh nhân sự, trong cảnh giới của chúng sanh hữu tình, điều gì thấy chướng mắt thì từ từ luyện tập cho thuận mắt, đây gọi là tu hành.
Điều thứ mười, phổ giai hồi hướng, là đem tất cả công đức của mình đã tu hồi hướng cho pháp giới lý thể. Đây tức là trong bài kệ hồi hướng thường nói: “Nguyện dĩ thử công đức, trang nghiêm Phật Tịnh Độ”, phổ giai hồi hướng, tức là trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Danh hiệu của Phổ Hiền Bồ-tát cùng hồi hướng có mối quan hệ. Phổ giai hồi hướng hiển thị chữ “phổ”, Phổ Hiền Bồ-tát là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, còn “thường tùy Phật học, hằng thuận chúng sanh”, đây là hiền. Cho nên ba câu hồi hướng này đã bao hàm danh hiệu của Phổ Hiền Bồ-tát trong đó. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ-tát đã nói: “Ngã ký vãng sanh bỉ quốc dĩ” (tôi đã vãng sanh sang cõi nước đó). Phổ Hiền và Văn-thù đều phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sau khi đến thế giới Cực Lạc, Ngài nói: “Tôi đã vãng sanh đến Cực Lạc quốc độ của Phật A-di-đà, hiện tại đã thành tựu nguyện lớn này”. Câu nói này rất quan trọng. Bồ-tát Phổ Hiền đã nói ra nguyên nhân vì sao phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Điều này nói rõ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thấy được A-di-đà Phật thì mười đại nguyện của Ngài viên mãn rồi. Nói cách khác, nếu không đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ ở thế giới Hoa Tạng tu hành thì Ngài vẫn cảm giác nguyện của Ngài chưa được viên mãn, vẫn còn khiếm khuyết, đến được thế giới Tây Phương thì nguyện này mới cứu cánh viên mãn. Điều này cũng cho thấy đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì viên thành Phật Đạo. Cho thấy Tây Phương Tịnh Độ là thù thắng không gì sánh bằng. Ngay đến Phổ Hiền, Văn-thù đều phải cầu sanh. Chúng ta vì sao lại không đi chứ?
Chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi, cùng với Văn-thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí đứng ngồi ngang nhau, vì sao? Họ là học trò của A-di-đà Phật, chúng ta cũng là học trò của A-di-đà Phật. Quan hệ của chúng ta với các Ngài là bạn đồng học. Các Ngài là học trưởng của chúng ta, chúng ta là học đệ của các Ngài, cho nên địa vị là bình đẳng, vả lại các Ngài có nhiệm vụ phải thường chăm sóc chúng ta, học trưởng phải chăm sóc học đệ. Những điều này nhất định phải nắm rõ thì tâm nguyện của chúng ta mới chắc thật, tín tâm mới kiên cố. Cho nên Phổ Hiền Bồ-tát lại nói: “Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sanh, tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát” (phổ nguyện các chúng sanh đang chìm đắm mau đến cõi Phật Vô Lượng Quang). Nguyện vọng của Phổ Hiền Bồ-tát là hy vọng tất cả chúng sanh đang trầm luân trong lục đạo luân hồi mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây cũng là nguyện thứ ba mươi sáu trong bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật, “giáo hóa tùy ý nguyện”. Nguyện vọng của Phổ Hiền Bồ-tát thật sự là bày ra trước mặt chúng ta. Do đây có thể biết, bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta và những đại A-la-hán, đại Bồ-tát theo chân Thích-ca Mâu-ni Phật rất có thể đều là Bồ-tát của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, thị hiện đến để tiếp dẫn chúng ta. Về mặt lý luận điều này chắc chắn nói được thông. Câu kinh văn này chúng tôi xin giới thiệu đến đây.
Chúng ta tiếp tục đọc phần kinh văn tiếp theo:
“Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.
(Đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy pháp công đức).
“Cụ túc” là vốn dĩ đầy đủ, người người đều đầy đủ, tất cả chúng sanh đều đầy đủ. “Vô lượng hạnh nguyện” cho thấy “hạnh nguyện” là tánh đức, không phải từ ngoài đến. “Hạnh” là Bồ-tát hạnh, Lục Độ. “Nguyện”, như lúc nãy vừa nói, mười nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát là tổng cương lĩnh “hạnh” cứu cánh viên mãn của Bồ-tát. Lục độ là “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát-nhã”. Sáu điều này tôi nghĩ quý vị đều rất quen thuộc. Tuy nhiên, người biết được “tinh nghĩa” của nó thì không nhiều, cho nên mỗi người ai cũng biết niệm mà không biết tu, điều này thật đáng tiếc. Nhất định phải biết được tinh nghĩa của nó để biết cách tu như thế nào. Cách tu là đem nó biến thành đời sống hằng ngày của chúng ta.
Bố thí: Trong đó có bố thí tài, có bố thí pháp, bố thí vô úy. Trong bố thí tài, có nội tài, ngoại tài: vật ngoài thân là ngoại tài, thân thể, sức lực của chúng ta là nội tài. Ví dụ trong đạo tràng này có rất nhiều đồng tu đến làm công quả, bỏ sức ra là bố thí nội tài, cúng dường nội tài. Xuất tiền là ngoại tài, vật ngoài thân là ngoại tài. Chúng ta dùng sức lao động để làm việc là nội tài, đều là bố thí cúng dường. Chúng ta từ sáng đến tối ở nhà phục vụ, vì cả nhà mà làm việc là bố thí cho cả nhà, cúng dường cả nhà. Nếu bạn hiểu rõ thì bạn biết bạn đang tu Bồ-tát đạo ở trong gia đình, bạn đang tu Bồ-tát hạnh nên bạn sẽ làm việc rất vui vẻ, tâm địa thanh tịnh, tràn đầy trí huệ, tràn đầy hỷ duyệt. Nếu bạn mê hoặc điên đảo: “Tôi vì cả nhà mà làm việc cực khổ, làm lao công, ngày ngày hầu hạ họ, ngay đến câu cảm ơn cũng không có”. Suốt ngày hờn giận thì tuy nói là bố thí nhưng trong đó mang theo phiền não, cho nên tương lai quả báo của bạn không được tự tại. Điều này Phật Bồ-tát đã nói, vì sao học Phật sẽ mang đến cho bạn niềm hạnh phúc vui vẻ chân thật, công việc đều làm rất vui vẻ, không hề khởi phiền não? Vì tôi đang bố thí cúng dường, tôi đang tu phước, tu phước đương nhiên là việc vui vẻ. Chúng ta ở trong đoàn thể, tận tâm tận lực làm việc cũng là đang tu bố thí. Trong công ty hãng xưởng, chúng ta phục vụ ông chủ, phục vụ công ty cũng là bố thí, cũng là cúng dường. Bất luận là lúc nào, bất luận ở nơi nào, nếu không dùng ngoại tài thì là dùng nội tài. Ngày ngày, mọi lúc mọi nơi đều đang tu bố thí, đều đang tu cúng dường, nhưng rất tiếc bạn không có quan niệm này, vậy thì bạn đang ở đó tạo nghiệp. Bạn xem, đáng tiếc biết bao. Ý niệm vừa chuyển thì cái nghiệp đó tức thời biến thành bố thí cúng dường, biến thành Bồ-tát nghiệp, bạn xem nghiệp lục đạo phàm phu chuyển thành Bồ-tát nghiệp, Tịnh nghiệp rồi. Học Phật thì phải biết chuyển, chuyển cảnh giới, không phải chuyển việc làm, không phải chuyển sự tướng, chuyển ý niệm thì bạn sẽ vô cùng vui vẻ. Hơn nữa, Phổ Hiền Bồ-tát không hề nhàm chán, không hề mệt mỏi. Vì sao không nhàm chán? Vì pháp hỷ sung mãn. Đây là nói bố thí. Chư vị hãy lắng tâm để lĩnh hội ý nghĩa này, sau đó ngày ngày đều làm, chúng ta phải “chuyển phàm thành Thánh”. Trước kia chúng ta là phàm phu, cảm thấy mình cực khổ đều là vì kẻ khác, kẻ khác vẫn không cảm kích, khi làm thì oán than rên siết, trong tâm bất bình. Ý niệm vừa chuyển thì tâm bình ngay, vui vẻ ngay. Trong tâm vừa vui vẻ thì khoẻ mạnh trường thọ, phải chuyển trở lại quan niệm này.
Trì giới: Tức là thủ pháp (giữ pháp), đây thuộc về nghĩa rộng không phải nghĩa hẹp. Bất luận làm việc gì đều phải có trình tự nhất định, có phương pháp nhất định, phải tuân thủ. Chuyện công, chuyện tư, chuyện lớn, chuyện nhỏ, đều phải có quy tắc. Chúng ta phải hiểu, phải tuân thủ mới khiến những gì chúng ta làm đều như pháp, mọi thứ đều ngăn nắp, có thứ tự không loạn, rành mạch rõ ràng.
Nhẫn nhục: Tức là nhẫn nại, bất luận làm việc gì thành công đều phải nhờ tâm nhẫn nại, chuyện lớn phải nhẫn nại nhiều, chuyện nhỏ thì nhẫn nại ít. Người không có tâm nhẫn nại thì làm việc không thể thành tựu, nhất định phải có tâm nhẫn nại. Phải quan sát sự việc cho rõ ràng, minh bạch, biết được cơ duyên khi nào chín muồi, không quá bận tâm, nôn nóng. Có được tâm như vậy thì từ từ nó sẽ “định” lại.
Cho nên sau đó có tinh tiến, thiền định. “Tiến” là tiến bộ, “tinh” là tinh thuần không tạp loạn. Chúng ta cầu học, học ngành nào thì cầu tiến bộ ở trong ngành đó. Sau khi tốt nghiệp, bước vào xã hội làm việc trong ngành nghề nào thì cầu tiến bộ trong ngành nghề đó, thế mới đúng. Tâm của bạn chuyên nhất. Trong tiến bộ sẽ được “định”, định tức là Tam-muội mà chúng ta thường nói. Tam-muội tức là hưởng thụ bình thường. Hưởng thụ bình thường chính là người ta thường nói hạnh phúc vui vẻ, sự nghiệp thuận lợi, thành công mỹ mãn. Sáu điều cương lĩnh này của Bồ-tát và mười nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát thật sự có thể giúp chúng ta đạt đến. Quý vị hãy suy xét kỹ xem làm cách nào để ứng dụng vào cuộc sống, ứng dụng vào gia đình, ứng dụng vào sự nghiệp. Vì nó là sống chứ không phải chết. Kinh Phật nếu học mà không có chỗ dùng thì ai học làm gì. Chỗ lợi ích của nó là vừa học xong thì lập tức có chỗ dùng, dùng rồi thì lập tức có hiệu quả, thật sự là nhanh chóng, lập tức thấy có hiệu quả.
Tâm thanh tịnh tất sanh trí huệ, cho nên điều sau cùng Bát-nhã tức là trí huệ. Tâm thanh tịnh, tâm có chủ tể, trong tâm không loạn động, không có tạp niệm, không có vọng tưởng thì sẽ sanh trí huệ, hạnh nguyện vô lượng vô biên. Phật quy nạp thành mấy điều đại cương, cho nên Bồ-tát hạnh có sáu đại cương là Lục Độ. Phổ Hiền Bồ-tát có mười đại cương lĩnh tức là Thập Đại Nguyện Vương, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện tánh đức. Thuận tánh đức thì chúng ta xưng tán tánh đức này. “An trụ nhất thiết công đức pháp trung”, tất cả pháp công đức này, xưa nay, một số Đại Đức đều cho là vô lượng công đức trên quả địa Như Lai. Thực tế nếu phối hợp với phần trên mà nói, phần trên là tánh đức, tuy nhiên cần phải tu đức thì tánh đức mới có thể hiển hiện ra. Cho nên, phải thật sự tu. Như vậy câu này chúng ta nên dựa vào giáo nghĩa của bổn Tông để nói, “nhất thiết công đức pháp” này tức là chỉ cho bộ kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ tức là “nhất thiết công đức pháp môn”. Chúng ta, đem tâm an trụ nơi kinh Vô Lượng Thọ, mỗi ngày chúng ta đọc nó, mỗi ngày suy nghĩ, mỗi ngày thực hành. Có nghĩa là: “tôi phải làm cho bằng được, phải biến nó thành hành vi trong cuộc sống thực tế của chính mình”. Đây thật sự là an trụ nơi “nhất thiết công đức pháp trung”. Tất cả là viên mãn, một chút công đức cũng không sót, công đức viên mãn.
“Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện, nhập Phật pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn”.
(Đi khắp mười phương, hành quyền phương tiện, vào pháp tạng của chư Phật, rốt ráo giải thoát).
Hai câu phía trước ý nghĩa rất rõ ràng, bản thân chúng ta đã an trụ trong kinh Vô Lượng Thọ, tự mình đạt được tất cả pháp công đức, có được lợi ích chân thật. Tuy nhiên, tiến thêm một bước là phải mở rộng công đức của đại kinh này, phải phổ biến giới thiệu cho tất cả chúng sanh, chính là “du bộ thập phương”, là đi tuyên truyền giới thiệu mở rộng, đi làm công việc này. “Hành quyền phương tiện” thường gọi là “thiện xảo phương tiện”. Có một số người không tiếp nhận, chúng ta dùng phương pháp thiện xảo để khiến họ có thể hoan hỷ tiếp nhận thì đó là “hành quyền phương tiện”. Khi họ không thể tiếp nhận mà bài xích thì không nên miễn cưỡng, vì sao? Vì nhân duyên chưa thành thục. Họ ưa thích những pháp môn khác thì cứ dùng những pháp môn khác để dẫn dụ họ, đến sau cùng quay đầu lại thì nhập vào pháp môn này rồi. Cho nên bạn phải biết phương pháp, phương pháp xảo diệu, có thể dẫn dụ tất cả chúng sanh nhận thức Phật pháp, nhận thức kinh Vô Lượng Thọ, nhận thức pháp môn Tịnh Độ, điều này vô cùng quan trọng.
“Nhập Phật pháp tạng”, câu này thường gọi là Nhất Thừa Đại Pháp. Như trong kinh Pháp Hoa Phật nói: “Duy hữu Nhất Thừa Pháp, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết” (chỉ có Pháp Nhất Thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói). Bổn kinh là Nhất Thừa trong Nhất Thừa, tinh thuần nhất không gì hơn. Cho nên chư cổ đức có nói: “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa vẫn là dẫn đường của kinh Vô Lượng Thọ”. Câu này rất có đạo lý. Đây là “Nhất Thừa quả hải” (biển quả Nhất Thừa), tức là thế giới Tây Phương Cực Lạc, tức là một câu danh hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”. “Cứu cánh bỉ ngạn”, “bỉ ngạn” tức là viên mãn thành Phật, thành Phật cứu cánh, không phải là phần chứng Phật. Tông Thiên Thai có Tạng Thông Biệt Viên. Viên giáo Phật mới là “cứu cánh bỉ ngạn”, dùng phương pháp gì? Niệm Phật thành Phật thật là không thể nghĩ bàn. Cho nên, pháp môn này có phương pháp đơn giản dễ dàng. “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật” là được. Tuy nhiên, quý vị nên ghi nhớ phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi để tu Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác thì câu A-di-đà Phật sẽ tương ưng. Bởi thế “nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Bình thường, chúng ta niệm câu A-di-đà Phật này rất nhiều nhưng vì sao không tương ưng, vì sao công phu không đắc lực? Vì tâm chúng ta không chân thành, không thanh tịnh, không bình đẳng, không từ bi. Chúng ta quên sạch Lục Độ, Thập Nguyện rồi, cho nên, tuy có niệm nhưng niệm không tương ưng, niệm không đắc lực. Hôm nay, chúng ta đã hiểu rõ rồi, sửa đổi hết những lỗi không tương ưng trước kia thì từ nay về sau chúng ta niệm Phật “sẽ nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, nhất định sẽ được vui vẻ hạnh phúc, được mỹ mãn.
Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.
A-di-đà Phật!