TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 24
NHƯ BẦN ĐẮC BẢO ĐỆ TAM THẬP THẤT
PHẨM BA MƯƠI BẢY: NHƯ NGHÈO ĐƯỢC CỦA BÁU
Trong phẩm kinh này Phật muốn nói với chúng ta thiện nhân, thiện quả, khuyến khích chúng ta tinh tấn, nỗ lực tu thiện đoạn ác. Ở chỗ này chúng ta có thể thấy được lòng từ bi khuyên lơn của Phật.
“Nhữ đẳng quảng thực đức bổn, vật phạm đạo cấm, nhẫn nhục tinh tấn, từ tâm chuyên nhất”.
(Các ông đã trồng nhiều gốc đức, đừng phạm đạo cấm, phải nhẫn nhục tinh tấn, từ tâm chuyên nhất).
Đoạn nhỏ này là nói chung. Chữ “quảng” này nghĩa là nhiều. “Đức bổn” theo cách nói của bổn Tông tức là Tín, Nguyện, Trì Danh, đây là cái gốc của đại đức chân thật. Nếu tu hành mà không đặt mục tiêu là thành Phật thì sự tu hành này không rốt ráo, không viên mãn, điều này nhất định phải biết. Mục tiêu đặt tại việc thành Phật, theo những kinh luận thông thường mà nói, “thành Phật phải ba đại a-tăng-kỳ kiếp”, trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thành Phật phải vô lượng kiếp”. Dường như muốn đạt được cái mục tiêu này là quá xa vời. Cách nghĩ cách nói này đều không phải là vô lý. Tuy nhiên nơi pháp môn này thì có khác, trong một đời này nhất định có thể đạt được nguyện vọng cứu cánh viên mãn. Cho nên Tín, Nguyện, Trì Danh là cái gốc của đại đức chân thật. “Vật phạm đạo cấm”, câu này rất quan trọng, chúng ta quyết tâm chọn lấy Tịnh Độ, đời này có thể thật sự vãng sanh được hay không?
Phải xem cách tu trì của bạn. Trong việc tu trì, chướng ngại lớn nhất là tạo ác nghiệp. Ở chỗ này gọi là “đạo cấm”, nói một cách rốt ráo tức là phía trước nói về “ngũ giới thập thiện”, nhất định không thể trái ngược. Cũng tức là nhất định phải lấy tâm thanh tịnh để thọ trì, trì giới niệm Phật. Đây là nghĩa hẹp, còn nói theo nghĩa rộng, chúng ta cũng không cần nói quá rộng, tức là những gì Thế Tôn nói trong bổn kinh, thậm chí nói đến trong Tịnh Độ tam kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh và A-di-đà Kinh. Nếu mở rộng thêm một chút, hiện nay chúng ta thấy Tịnh Độ Ngũ Kinh bao gồm Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Nguyện Phẩm, Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương, chúng ta không thể trái ngược những lời giáo huấn ở trong hai kinh này. Kỳ thật những gì Phật nói ở trong Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận, trong Kinh Vô Lượng Thọ thảy đều đầy đủ cả. Phần mở đầu của kinh, phẩm thứ hai Đức Tuân Phổ Hiền đã đem tinh yếu của Hạnh Nguyện Phẩm vào trong bổn kinh rồi. Do đây có thể biết nền giáo học của Kinh Vô Lượng Thọ là vô cùng viên mãn, đây là lời giáo huấn trong kinh điển, chúng ta đều phải hết lòng nỗ lực.
✓ Điều thứ nhất là phải ghi nhớ, phải học thuộc.
✓ Điều thứ hai là phải cầu giải, chúng ta phải thật sự hiểu rõ ý nghĩa lời Phật giảng, không thể hiểu sai nghĩa kinh, không thể hiểu lầm, việc này rất nguy hại.
✓ Tiến thêm một bước, phải làm được những lời giáo huấn này trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, đây mới gọi là học Phật, học làm giống như Phật, cái này gọi là học Phật.
Nếu làm không được, chỉ niệm kinh, chỉ giảng giải, nghiên cứu thảo luận mà không nghiêm túc đi làm, cho dù một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng rất khó vãng sanh. Tại sao vậy? Bạn đã vi phạm “đạo cấm” rồi. Ba điều dưới đây đều là phá trừ chướng ngại vãng sanh của chúng ta, đây thật là khẩn yếu.
✓ Quan trọng nhất là phải trì giới, phải làm cho bằng được lời giáo huấn của Phật-đà. “Nhẫn nhục, tinh tấn”, nhẫn nhục là nói bạn tu học phải có tánh nhẫn nại.
Năm xưa nhóm Pháp sư dịch kinh đem chữ “nhẫn nại” dịch thành “nhẫn nhục” là có đạo lý, bởi vì người Trung Quốc xưa (không phải người Trung Quốc hiện nay) đối với sỉ nhục coi rất nặng. Có câu “sĩ khả sát, bất khả nhục”, chặt đầu không hề gì, nhưng làm nhục thì không thể được, nhục thì không thể nhẫn chịu. Những vị Pháp sư dịch kinh nói, quý vị coi trọng chữ “nhục” như vậy, “nhục” còn có thể “nhẫn” được thì không có việc gì mà không thể không nhẫn được. Cho nên phải có tâm nhẫn nại rất lớn. Trong Kinh Kim Cang Phật nói rất hay, “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, thế gian pháp xuất thế gian pháp, sự việc lớn phải có tâm nhẫn nại lớn, sự việc nhỏ phải có tâm nhẫn nại nhỏ, không có tâm nhẫn nại thì không thể thành tựu. Cho nên cầu đạo phải nhẫn nại, còn công phu niệm Phật thì không thể thiếu. Tỉ như mỗi ngày thời khóa tụng sáng tối, ta không thiếu một khóa nào, đây tức là tâm nhẫn nại rất lớn, nếu chúng ta có thì giờ thì thời khóa của chúng ta phải thêm nhiều. Chữ “nhiều” này là không phải “nhiều chủng loại” mà là tăng số lượng lên. Tỉ như tôi hiện nay công việc vô cùng bận rộn, sáng tối chỉ niệm mấy mươi tiếng Phật hiệu, khi có thì giờ thì tăng Phật hiệu nhiều lên, tăng lên một ngàn tiếng, tăng lên một vạn tiếng, tăng lên hai vạn, ba vạn, niệm nhiều lên, điều này gọi là tinh tiến. “Tiến” là tiến bộ, không thể thụt lùi. Người mới học Phật, đạo tâm rất dũng mãnh, thường thường định công khóa rất nhiều, làm được vài ngày thì không có thì giờ, rồi thì giảm thiểu chút ít, tướng này là tướng suy, là đi xuống dốc. Tướng suy, cái này không tốt. Cho nên người mới học, công khóa phải nên định rất ít, làm được rất như pháp, làm được rất hoan hỷ, sau đó lại thêm một chút, làm như vậy mới chính xác. Trong tiến bộ phải thuần mà không tạp, gọi là tinh tiến.
“Từ tâm chuyên nhất”, điều này cũng vô cùng quan trọng! A-di-đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, đều là đại từ đại bi, lòng đại từ đại bi của các Ngài đích thật vượt hơn chư Phật rất xa. Chư Phật không sánh kịp, chúng ta ngày nay muốn làm học trò của A-di-đà Phật mà không có tâm từ bi thì làm sao được!
✓ Phải bồi dưỡng tâm từ bi, phải có thể thường tha thứ cho chúng sanh, tất cả chúng sanh đối với ta có lỗi lầm, đừng đem nó để trong lòng, không cần phải so đo, hoan hỷ sống chung với chúng sanh.
✓ Tu đạo phải chuyên nhất, phía trước nói tinh tiến, nhất định phải chuyên nhất, chỉ có chuyên thì thành tựu mới vững vàng, mới nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, nhất định không được làm cho phức tạp. Tạp tu, loạn tu, cho dù rất dụng công cũng không dễ vãng sanh.
Điều kiện vãng sanh, trong kinh nói rất rõ ràng, trong kinh A-di-đà là “nhất tâm bất loạn”. Trong kinh này không nói “nhất tâm bất loạn” mà nói “nhất hướng chuyên niệm” (chuyên tâm niệm A-di-đà Phật), một phương hướng một mục tiêu, phải chuyên niệm mới được. Chúng ta muốn trong đời này thoát ly lục đạo luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật thì nhất định phải tuân thủ, nhất định không thể sơ suất, phải chuyên. Tổ Sư Đại Đức thuở xưa là tấm gương tốt cho người chuyên tu Tịnh Độ chúng ta: Họ một mình dụng công trong một Phật đường nhỏ, một mình thanh tu, Phật đường này giống như Phật đường của Ấn Quang Đại Sư, chùa Linh Nham Sơn ở Tô Châu, là quan phòng của Ngài. Quý vị có cơ hội đi Tô Châu thì hãy đến xem Phật đường của Ngài, trong Phật đường của Ngài chỉ có một tượng Phật A-di-đà, phía trên tượng Phật, Ngài viết một chữ “Tử” thật lớn, ngày ngày nhìn đến chữ “tử” (ta sắp chết rồi), niệm Phật cầu Phật đến tiếp dẫn. Ngoại trừ cái này ra, những tượng Phật Bồ-tát khác đều không thờ, vì sao? Vì nhất tâm chuyên niệm, sợ phức tạp, phải chuyên, phải tinh. Chuyên nhất vậy là đúng. Còn kinh chỉ tụng một bộ, Tổ Ấn Quang chỉ niệm Kinh A-di-đà, thờ một tượng A-di-đà Phật, thêm nữa là Phật hiệu Di-đà, ngoài ra không có chi cả. Đúng là tinh chuyên. Chỗ biểu hiện của “từ tâm” là Văn Sao của Tổ Ấn Quang. Ngài không thường giảng kinh, có lẽ vì giọng miền Bắc của Ngài, Ngài nói chuyện người ta nghe không hiểu. Vào thời kỳ đó đi tìm người phiên dịch không tiện, cho nên Ngài rất ít giảng kinh. Chỉ có một lần tại Thượng Hải, trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai, Ngài giảng khai thị một tuần, ngày cuối cùng Ngài làm lễ qui y cho mọi người. Việc này có văn tự ghi chép lưu truyền, còn những việc khác phần nhiều là những người học Phật, hoặc là học giả đối với Phật pháp có những nghi vấn, viết thư cho Ngài thì Ngài dùng văn tự để phúc đáp, sau này hội tập thành Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Bạn xem trong Văn Sao thấy được từ tâm độ chúng của Ngài. Xem Văn Sao mà được độ thì không biết là bao nhiêu người. Những năm về già, tín đồ qui y đông, người ngưỡng mộ Ngài đông, cúng dường cũng nhiều, Ngài đem số tiền cúng dường này lập được một nơi lưu thông kinh Phật. Nơi lưu thông kinh Phật này tên gọi là Hoằng Hóa Xã, ở chùa Linh Nham Sơn ở Tô Châu. Cái quỹ đó là số tiền tín đồ cúng dường cho lão Pháp Sư, từ chỗ này thấy được từ tâm chuyên nhất, Ngài quả thật là chuyên.
“Trai giới thanh tịnh, nhất nhật nhất dạ, thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bá tuế”.
(Thanh tịnh trai giới, tu một ngày một đêm ở cõi Ta-bà hơn làm lành ở cõi Vô Lượng Thọ cả trăm năm).
Có một số người thấy câu kinh văn này thì họ không muốn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc nữa, vì sao? Vì tôi ở nơi đây tu hành một ngày một đêm, hơn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tu hành một trăm năm, một trăm năm này là cách tính ở nơi này của chúng ta. Bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc không có năm, tháng, tuổi, giờ. Chỉ ở nơi này của chúng ta mới có, phàm là nói đến con số, thảy đều là lấy nơi chúng ta để tính. Nói một cách khác, chúng ta ở nơi này tu hành đích thật rất có công đức, rất không dễ, đúng là siêu việt thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tuy nhiên bạn phải biết Phật tại sao lại nói như vậy? Nơi này rất khó tu. Đây là hình dung “nan năng khả quý” (khó nên mới đáng quý). Ở thế giới Tây Phương tu hành rất dễ dàng, bạn thử nghĩ xem là dễ tốt hay là khó tốt? Ý nghĩa là ở chỗ này. Bạn không thể hiểu sai nghĩa chân thật của Như Lai. Chỗ này khó tu. Một vạn người tu hành khó có được một người thành tựu. Còn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, một vạn người tu hành là một vạn người thành tựu. Bên ấy dễ, bên này khó. “Khó” cho nên mới đáng quý! Chúng ta ở bên này tu hành là “đại khởi đại lạc” (thành công và thất bại đều lớn). Thành công thì trong đời này vãng sanh là bất thoái thành Phật, còn những người không thành công thì đọa tam ác đạo, vẫn cứ trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Ý nghĩa của câu nói này là ở chỗ này, không thể hiểu sai.
Vậy thì duyên ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tốt! A-di-đà Phật là thầy, A-di-đà Phật là vua của các vị Phật, không có một vị Phật nào có thể sánh được với A-di-đà Phật. Một vị thầy giỏi như vậy, mười phương chư Phật đều giúp A-di-đà Phật giáo hóa chúng sanh, những vị Bồ-tát khác thì không cần nói nữa. Chúng ta sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì địa vị là khác hẳn. Hiện tại ở đây thấy Quán Âm, Thế Chí, Văn-thù, Phổ Hiền Bồ-tát ở tận trên cao, chúng ta thì thấp lè tè sát đất, còn khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì những người này là bạn đồng học, “đứng ngồi ngang hàng”, họ là học trò của A-di-đà Phật, chúng ta cũng là học trò của A-di-đà Phật, đó thì khác hẳn! Cho nên Cổ Đức thường nói: “Đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc, cùng Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí nắm tay cùng đi”, ra bên ngoài du ngoạn, tay trong tay cùng đi chơi, là tình hình như vậy. Câu này là hình dung sự “khó, dễ”.
“Trai giới thanh tịnh”, đây là nói rõ việc “trai giới thanh tịnh” không phải dễ. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc mọi người đều thanh tịnh. Chữ “trai” nghĩa là thân tâm thanh tịnh. Người hiện nay đem việc ăn “trai” gọi là ăn chay, điều này là sai lầm. Từ trên sinh hoạt mà nói, chữ “trai” này là ăn một bữa giữa trưa. Chúng ta hiện nay thường gọi là trì ngọ, đó là sai. Bởi vì trì ngọ là từ mười một giờ đến một giờ là giờ ngọ, còn giữa trưa là mười hai giờ, quá mười hai giờ thì đã quá trai rồi. Nếu trì ngọ đến một giờ vẫn còn là giờ ngọ, cho nên trì ngọ là sai, phải là ăn một bữa giữa trưa. Tuy nhiên giữa trưa, chúng ta nên biết, cái địa cầu này là tự nó xoay, nó có sự khác biệt về thời gian, giữa trưa mỗi ngày ở các nơi đều khác nhau. Cho nên người chân chánh trì trai đại khái đều là buổi sáng mười một giờ ăn cơm, nhất định không thể quá ngọ. Thời xưa dùng bóng của mặt trời để định thời gian, trời râm thì không có cách gì. Hiện nay tiện lợi hơn so với trước kia. Hiện nay đài thiên văn có lịch thiên văn, tôi không biết ở Singapore có phát hành hay không? Ở Đài Loan có phát hành lịch thiên văn, vào các tiệm sách đều có thể mua được. Lịch này mỗi ngày ghi rõ cho bạn: giữa trưa là mấy giờ, mấy phút, mấy giây, ghi chép rất là rõ ràng. Chúng ta muốn thật sự trì trai, muốn phát tâm trì trai, dùng loại lịch thiên văn này thì tiện lợi rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn có phiền phức. Nếu thường đi du lịch thì sao? Thời giờ ở mỗi địa phương khác nhau rất xa, tỉ như chúng ta bây giờ là ban đêm, ở bên Mỹ là ban ngày.
Dụng ý của chữ “trai” ở chỗ nào? Dụng ý là giúp đỡ tâm thanh tịnh. Không thể không có ăn uống, chúng ta phải nhờ ăn uống để duy trì mạng sống. Tuy nhiên người xưa nói “bệnh từ miệng vào”, do đây có thể biết, không thể không chú trọng việc ăn uống, phải chú trọng dinh dưỡng, phải chú trọng vệ sinh, phải chú trọng đúng lượng, tức là phân lượng phải vừa đủ. Đừng nên tham ăn. Ăn quá nhiều thì sẽ dễ sanh bệnh. Hệ thống tiêu hóa, ruột, bao tử của bạn chịu đựng không nổi thì vấn đề sẽ nghiêm trọng. Mỗi người có năng lực khác nhau, cũng tức là tình trạng sức khỏe của mỗi người khác nhau, năng lượng tiêu hao cũng khác nhau. Giống như chiếc xe, có xe ít hao xăng, có xe hao xăng, xe ít hao xăng thì vài ngày đổ xăng một lần là được, còn xe hao xăng một ngày có lẽ đổ một hai lần. Vậy thân thể chúng ta tiêu hao năng lượng rốt cuộc là bao nhiêu? Điều này không thể không biết. Tiêu hao nhiều thì phải bạn bổ sung nhiều, bạn không bổ sung thì thân thể suy yếu, làm việc gì cũng không nổi, làm việc đạo cũng không được. Bạn ngồi niệm Phật cũng không nổi, bụng đói khó chịu lắm! Làm gì còn lòng dạ đâu để niệm Phật. Sự tiêu hao năng lượng 95% là tiêu hao trên vọng tưởng, điều này quý vị phải biết, cho nên người tu hành tại sao ăn một bữa giữa trưa? Họ vọng tưởng ít, tạp niệm ít, phiền não ít, họ tiêu hao năng lượng ít. Mỗi ngày họ bổ sung một lần thì là đủ rồi. Còn chúng ta, suốt ngày cứ suy nghĩ lung tung, bổ sung ba bữa vẫn không đủ, còn phải ăn điểm tâm, ăn khuya mới duy trì được. Hiện tượng này là bình thường, họ tiêu hao nhiều như vậy thì nhất định phải bổ sung nhiều như vậy.
Xưa kia, lúc Phật còn tại thế, Phật không có ý đề xướng ăn một bữa giữa trưa, Phật không coi trọng vấn đề này. Khi Phật-đà còn tại thế, Ấn Độ đích thật là quốc gia của tôn giáo. Tôn giáo của Ấn Độ vô cùng nhiều. Trong kinh Phật ghi chép có đến chín mươi sáu thứ. Những nhóm tôn giáo này họ đều ngày ăn một bữa, Phật đi ra ngoài giáo hóa chúng sanh, người ta nhìn thấy “Thích-ca Mâu-ni Phật mỗi ngày ăn ba bữa!” thì mọi người đối với Ngài sẽ có ấn tượng không tốt, không bằng các tôn giáo kia. Vì thế mà Phật cũng áp dụng phương thức sinh hoạt của họ là “ngày ăn một bữa”. Tâm Phật thanh tịnh, thân tâm của các đệ tử của Ngài thanh tịnh, một bữa ăn này đích thật là đầy đủ rồi. Vậy thì một bữa ăn, phân lượng so với một bữa ăn bình thường bằng nhau, không phải đem ba bữa ăn dồn thành một bữa để ăn. Tôi thấy không ít người trì ngọ, cái bát của họ khá lớn, lượng của một bát cơm đó, chúng ta chia ra ba bữa cũng ăn không hết, họ thì có thể ăn hết sạch. Cho nên những người trì ngọ, hầu như một trăm người trì ngọ thì có chín mươi người đều mang bệnh ruột bao tử. Điều này chúng ta phải biết, đừng nên đi học cái này.
Trong kinh điển Tịnh Độ, vãng sanh là Tín, Nguyện, Trì Danh, không có nói nhất định phải trì ngọ mới được vãng sanh, không trì ngọ thì không được vãng sanh. Cho nên, về phương diện ăn uống, quý vị nên yên tâm, tu hành phải có một thân thể khỏe mạnh, một tinh thần no đầy. Bạn ăn quá nhiều có thể bị hôn trầm, tinh thần nâng lên không nổi, khi bụng bạn trống đói cũng không được, cũng không có cách gì làm việc đạo. Thiền Tông, họ đối với vấn đề này thì không chú trọng lắm, Trong thiền đường (trước kia lão Pháp sư nói với chúng tôi), họ ngoài ba bữa ăn ra còn có ba món điểm tâm, bởi vì sao? Vì tham thiền, tịnh tọa trong thiền đường phải giữ cho được “không đói, không no”. Cho nên họ áp dụng cách này, ăn ít mà nhiều lần. Bởi vì bạn ăn no rồi, ngồi nơi đó ngủ gục là hôn trầm rồi, còn không ăn thì trong tâm bồn chồn, ngồi không được. Cho nên họ nhất định phải duy trì tình trạng không đói, không no, đây là rất chính xác. Thật sự mà nói, trong niệm Phật đường cớ sao không như vậy chứ? Điều này chúng ta nhất định phải biết. Cho nên có thể giảm thiểu việc ăn uống, đích thật là một việc tốt, đơn giản. Nếu bạn tối ngày bận rộn với ba bữa cơm, mất nhiều thì giờ để lo liệu sắp xếp, thật sự mà nói, là không có ý nghĩa gì cả, quả thật là rất lãng phí!
Tôi trước kia ở Đài Trung, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ông ngày ăn một bữa giữa trưa, nhưng ông không chú trọng ăn quá ngọ, vì sao? Vì giản tiện, nấu ba bữa ăn phiền phức biết mấy! Vì để giản tiện nên ăn một bữa, lượng ông ăn rất ít. Thầy Lý quả thật là vô cùng hiếm có! Mãi vẫn chỉ có một mình ở trong căn nhà nhỏ, nấu cơm giặt giũ đều một mình ông, không có ai chăm sóc. Mãi cho đến chín mươi mấy tuổi mới có một cậu học trò đến chăm sóc ông. Trước chín mươi tuổi, ông không để ai chăm sóc cả, ông đều tự mình làm lấy. Chúng tôi biết ông rất rõ, cũng học theo cách sống của ông, ông ăn cơm, chỉ là một cái nồi nhỏ có quai, nồi cũng là nó, chén cũng là nó. Ông nấu chung cơm và thức ăn một nồi, bạn xem, giản tiện biết mấy, khi rửa thì chỉ rửa một cái phải không? Thật là vô cùng đơn giản! Người khác nhìn thấy thì “Ôi chao! Thật khổ quá chừng!” Riêng ông thì là vui sướng quá chừng! Niềm vui này ở bên trong, nhờ vậy mà ông có được nhiều thì giờ, có nhiều thì giờ thì ông đi làm công việc hoằng pháp lợi sanh. Tín đồ mời ông đi ăn cơm tối ông cũng không từ chối, cũng xã giao một chút. Đây là pháp Đại Thừa Bồ-tát, ông không có gượng ép việc này. Không phải ông muốn ăn tối, cố ý bảo người ta mời ông, không phải như vậy, như vậy là sai, đó gọi là “phạm giới phá trai”.
Cho nên ý nghĩa của chữ “trai” là giúp cho thân tâm thanh tịnh, “trai” tức là tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, giới luật thanh tịnh. Giới luật gọi là hành vi, sự tạo tác của thân và ý, tu thiện đoạn ác là giới thanh tịnh, còn “trai” là thân tâm thanh tịnh. Chúng ta ở thế gian này muốn thật sự làm được tâm thân hành vi đều được thanh tịnh thật là khó khăn. Vì chúng ta bên trong có phiền não, tập khí, bên trong bất tịnh. Còn bên ngoài có danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần dụ hoặc, có mấy ai có thể chịu đựng nổi sự dụ hoặc này? Tu tâm [rất] khó! Cho nên thân tâm hành trì phải thanh tịnh, rất không dễ!
Nếu bạn có thể làm được một ngày một đêm (hai mươi bốn giờ) thanh tịnh thì Phật nói bạn vượt hơn thế giới Cực Lạc “vi thiện bá tuế” (làm thiện trăm năm) rồi đấy. Kỳ thật Phật đã nhìn thấu rồi, bạn trong hai mươi bốn giờ nhất định là làm không nổi. Cho nên Phật mới nói như vậy. Chúng ta đừng nói đến một ngày một đêm mà chỉ mười phút cũng làm không nổi, đây là lời nói thật, ở chỗ này chúng ta hiểu rõ thâm ý của Phật có ý nghĩa thật sâu, đó tức là khuyên chúng ta nhất định phải cầu sanh thế giới Cực Lạc, đến được thế giới Cực Lạc thì việc trai giới thanh tịnh, có thể nói “mọi người đều là đủ điểm”, đủ điểm một trăm phần trăm.
Sau đây Phật nói ra nguyên nhân:
“Sở dĩ giả hà?”.
Tại sao vậy?
Bởi “Bỉ Phật quốc độ, giai tích đức chúng thiện, vô hào phát chi ác”.
(Cõi nước của Đức Phật đó đều là do các đức, các thiện tích tụ, không có một chút ác).
Đây là nói rõ hoàn cảnh tốt của thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thành tựu tịnh nghiệp cho chính mình. Chúng ta niệm Phật vãng sanh là đang tu tịnh nghiệp, không phải là thiện nghiệp, không phải là ác nghiệp mà là tịnh nghiệp. Đây là tu thân tâm thanh tịnh, hành vi cũng thanh tịnh. Trong hành vi “đoạn ác tu thiện” mà không chấp trước cái tướng của “đoạn ác tu thiện” thì cái hành này là thanh tịnh rồi. Nếu chúng ta làm xong việc tốt mà vẫn còn thường nhớ nghĩ đến: “Ồ! Ta đã làm bao nhiêu việc tốt”, nhớ mãi mọi thứ trong lòng, đều không thể xả bỏ thì đây là việc thiện, không phải là tịnh nghiệp, tâm không thanh tịnh, còn có nhớ nghĩ. Cho nên đoạn ác tu thiện đều không để nó ở trong lòng, chúng ta phải hết lòng nỗ lực đi làm, tùy thời, tùy chỗ đi làm mà đừng để ở trong tâm thì cái tâm này sẽ thanh tịnh. Trong tâm chỉ có A-di-đà Phật, chỉ có thế giới Tây Phương y chánh trang nghiêm, đây gọi là tịnh nghiệp, đây là nói chỗ lợi ích ở bên đó.
“Ư thử tu thiện”.
(Tu thiện ở Ta-bà).
Chữ “thử” là thế giới này của chúng ta, mười ngày mười đêm, điều này thì càng khó.
“Thập nhật thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung, vi thiện thiên tuế”.
(Mười ngày đêm hơn làm lành ngàn năm ở các cõi Phật khác).
Đây là tỉ dụ thứ hai, tỉ dụ thứ nhất là dùng thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn đây là dùng các cõi Phật khác.
“Sở dĩ giả hà?”.
Tại sao vậy?
“Tha phương Phật quốc, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa”.
(Cõi nước Phật ở phương khác thì phước đức tự nhiên có, không có chỗ để làm ác).
Đây là nói rõ cõi nước Phật ở phương khác, tại một thời kiếp nhân duyên, trong cùng một thời gian với chúng ta, hoàn cảnh hiện nay của họ tốt hơn chúng ta. Chúng ta hiện nay là Ngũ Trược ác thế, tạo ác nghiệp dễ dàng, hầu như không thể không tạo ác nghiệp. Còn thế giới phương khác, người thiện nhiều, không có những ác hạnh này, cho nên cơ hội tạo ác không có, cũng tức là duyên tạo ác không có. Vậy thì hoàn cảnh so với chúng ta bên này tốt hơn rồi. Đây là chuyên nói về: “trai giới thanh tịnh, tích đức chúng thiện” (trai giới thanh tịnh, các đức, các thiện tích tụ).
“Duy thử thế gian, thiện thiểu ác đa, ẩm khổ thực độc, vị thường ninh tức”.
(Chỉ có thế giới Ta-bà này thiện ít ác nhiều, uống đắng ăn độc, chưa từng ngừng nghỉ).
Câu nói này, trước kia những vị Đại Đức nghe Phật nói như vậy, chúng ta không biết họ lĩnh hội ra sao? Còn chúng ta ngày nay đọc đoạn Phật kinh này, đích thật có sự lĩnh hội rất sâu! Chúng ta ngày nay uống đó là đắng, ăn đó là độc, điều này một tí cũng không sai. Hiện nay trong các loại thịt đều có độc, mà ngay trong thức ăn chay cũng có độc. Bạn xem, trong các loại rau có thuốc hóa học. Xưa kia chưa có phát minh thuốc hóa học, mùi vị của rau lúc đó khác với rau bây giờ. Các loại rau bây giờ có vẻ đẹp hơn trước kia, bạn xem, rau của Đài Loan chúng ta đem so với rau của Đại Lục thì rau của Đài Loan đẹp hơn nhưng mùi vị thì rau của Đại Lục tươi ngon hơn. Rau của Đài Loan có độc, có thuốc hóa học. Gạo cũng như vậy, gạo của Đài Loan xem ra đẹp hơn, bên trong nghe nói có loại bột hóa thạch (bột talcum) đều là đồ hóa học bỏ vào trong đó. Cho nên hiện nay con người mỗi ngày ba bữa cơm là ăn chất độc đấy. Còn nước chúng ta uống quả thật cũng có độc… Quả là “ẩm khổ thực độc, vị thường ninh tức”. Còn vấn đề ăn thịt thì càng không cần nói nữa, trong sự tưởng tượng của chúng ta thì chúng nhất định là có vấn đề.
Trước kia có một lần tôi đi thăm vợ của thầy Phương, tôi thỉnh giáo bà một vấn đề, tôi nói tôi học Phật rất lâu rồi, đã bỏ ăn thịt rất lâu rồi, tôi nói: “Thưa sư mẫu, bà thử nghĩ xem, bà hai ba mươi năm trước ăn thịt, mùi vị của thịt lúc đó cùng với mùi vị thịt bây giờ, bà thấy có giống nhau không?” Bà suy nghĩ rất lâu, nói với tôi: “Không giống nhau”. “Tại sao không giống nhau?” “Nói về heo, trước kia loại heo để ăn thịt là được nuôi ở ngoài, trước khi bị giết, nó rất tự do chạy rong khắp nơi, thân tâm nó vui vẻ, cái cảm giác đó khác hẳn! Hiện nay heo được nuôi trong chuồng, sau khi sanh ra là kể như bắt nó ngồi tù, suốt đời trong lao ngục, đến lúc đem giết nó, tâm tình của nó buồn khổ biết bao, thịt nó còn ngon hay sao?” Bạn xem, gà được nuôi trong trại gà, gà cũng ngồi tù, từng con từng con ép chặt lấy nhau, cử động không được, tâm tình của chúng nó là thế nào? Gà được nuôi ở nông thôn thì khác hẳn, không giống nhau. Tôi từ chỗ này mà tưởng tượng, mùi vị của thịt đó tuyệt đối khác nhau. Đây cũng tức là nói rõ những thứ hiện nay không thể ăn, những thứ thịt hiện nay không thể ăn. Đồ biển so ra tốt hơn một chút. Tuy nhiên, hiện nay biển cũng bị ô nhiễm, cũng không được. Biển đã bị ô nhiễm, nước bị ô nhiễm, nói một cách khác những sinh vật thuộc loài thủy tộc có lẽ mùi vị cũng đã thay đổi. Đây là một thế giới khổ, chúng ta ngày ngày đang chịu khổ, điều này phải giác ngộ.
Thế gian này thiện ít ác nhiều, đây là nói người tạo ác nghiệp nhiều, người tu thiện thì ít, xã hội này làm sao mà không có vấn đề chứ? Chúng ta muốn cứu vãn cái xã hội này, nguyện tâm này đáng ca ngợi, đáng được kính trọng bội phục. Nhưng năng lực làm không nổi, không những chúng ta làm không nổi, mà chư Phật Bồ-tát, thần tiên có đến cũng làm không nổi, bạn sẽ hỏi tại sao? Vì cộng nghiệp sở cảm. Trong kinh Phật thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt” (tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ này không khác biệt), sức mạnh là tương đương. Nghiệp lực của chúng sanh rất lớn, trong Kinh Địa Tạng có nói: “Nghiệp lực chi đại, năng địch Tu-di” (sức nghiệp rất lớn, có thể sánh với núi Tu-di), nghiệp lực này không thể nghĩ bàn. Vậy chỉ có một phương pháp, tức là trong cộng nghiệp còn có biệt nghiệp, chúng ta tự mình hiểu rõ, tự mình nhận thức rõ ràng, ở trong cộng nghiệp, chúng ta có thể tự bảo toàn. Tuy nhiên, nhất định phải phân biệt rõ ràng thiện ác, phải biết đoạn ác tu thiện, chúng ta mới có thể tránh miễn được cộng nghiệp, nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ mới có thể vĩnh viễn giữ lấy sự hạnh phúc khoái lạc của chúng ta. Đây là Phật vì chúng ta mà nói ra cái nguyên nhân này.
“Ngô ai nhữ đẳng, khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp, tất trì tư chi, tất phụng hành chi”.
(Ta vì thương các ông nên đã hết lòng chỉ dạy, trao cho kinh pháp, vậy phải thọ trì, quán chiếu, phụng hành).
Phật dạy chúng ta phải thọ trì kinh pháp. Nỗi khổ tâm của Phật đã hoàn toàn lưu lộ ra. “Thọ dữ” là ban cho chúng ta, kinh điển đã nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, khiến cho chúng ta giác ngộ. “Pháp” là phương pháp tu học, nói với chúng ta phương pháp tu học, chúng ta làm theo phương pháp này thì cũng có thể như Phật không khác, “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”, thành tựu viên mãn. Ngày nay chúng ta có được kinh pháp rồi, kinh này là đệ nhất kinh trong tất cả kinh. Cổ Đại Đức đã làm một cuộc so sánh tường tận, để chúng ta nhận thức trong tất cả kinh giáo mà Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào là đệ nhất. Những vị cao Tăng Đại Đức thời Tùy, Đường của Trung Quốc, Đại Hàn, Nhận Bản đã làm một cuộc so sánh. Kết quả mọi người đều công nhận Kinh Hoa Nghiêm là đệ nhất. Hoa Nghiêm là pháp luân căn bản, Kinh Hoa Nghiêm cũng đích thật là Phật học khái luận của một đời dạy học của Thích-ca Mâu-ni Phật. Pháp luân viên mãn, toàn bộ Phật pháp đều được bao gồm ở trong đó. Bất luận là Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Giáo, Mật Giáo, toàn bộ đều nằm trong Hoa Nghiêm. Phần sau cùng của Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ-tát Thập Đại Nguyện Vương dẫn đường về Cực Lạc thì Hoa Nghiêm mới đạt đến cứu cánh viên mãn, viên mãn cách nào vậy? Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là viên mãn. Điều này phải hiểu rõ.
Kinh Hoa Nghiêm so sánh với Kinh Vô Lượng Thọ thì Kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất, tại vì sao? Bởi vì chỗ qui về của Kinh Hoa Nghiêm, tổng kết của Kinh Hoa Nghiêm là Kinh Vô Lượng Thọ. Hoa Nghiêm là qui về Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất. Trong bản Kinh Vô Lượng Thọ này của chúng ta có bốn mươi tám phẩm, phẩm nào là đệ nhất? Chúng ta tiếp tục truy tầm, phẩm thứ sáu là đệ nhất. Phẩm thứ sáu là bốn mươi tám nguyện, là căn bản của Tịnh Tông. Thế Tôn giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, có một câu một chữ nào rời khỏi bốn mươi tám nguyện đâu? Đều là sự thuyết minh tường tận của bốn mươi tám nguyện mà thôi. Cho nên chúng tôi chọn bốn mươi tám nguyện làm phần kinh văn tụng niệm trong khóa sáng, đạo lý là ở chỗ này. Đây là vì các vị đồng học Tịnh Tông chúng ta mà biên soạn ra bản khóa tụng này.
Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện nào là là đệ nhất? Cổ đức hầu như công nhận nguyện thứ mười tám là đệ nhất, nguyện mười tám là gì? Là Thập Niệm Tất Sanh, đây tức là công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Nguyện thứ mười tám tức là sáu chữ hồng danh Nam-mô A-di-đà Phật. Cho nên toàn bộ Phật pháp qui nạp đến sau cùng tức là một câu Phật hiệu. Một câu Phật hiệu này triển khai là bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện triển khai là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ mở lớn ra tức là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm mở lớn ra tức là tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, là tột đỉnh đấy! Chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Tôi trước kia đặc biệt ưa thích Hoa Nghiêm. Vừa xuất gia là ưa thích Kinh Hoa Nghiêm, trước kia giảng Hoa Nghiêm hết mười bảy năm, hiện nay không giảng nữa, chỉ giảng Vô Lượng Thọ. Đây là tôi “tinh tiến”, tôi tiến bộ không phải thoái bộ. Cho nên chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng.
Chúng tôi chọn từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy để làm kinh văn của thời khóa tối, vì sao? Là để trì giới niệm Phật, tự mình sửa lỗi. Sáu phẩm kinh này nói rõ cho chúng ta đâu là ác, đâu là thiện, chúng ta mỗi ngày đọc tụng, trong tâm rõ ràng rồi. Ác nhất định phải đoạn, nhất định không được làm, thiện nhất định phải tu, biết làm thế nào để đoạn ác tu thiện. Cho nên đặc biệt chọn hai đoạn kinh văn này làm khóa tụng sáng tối của chúng ta. Nhiều đồng tu dùng quyển khóa tụng này đã có được lợi ích, đến cho chúng tôi hay. Chúng ta học xong quả thật dùng được, lối tu hành này mới có lợi ích chân thật. Cho nên phải “tất trì tư chi”, “trì” là thọ trì, chúng ta phải tiếp nhận, tiếp nhận rồi thì phải giữ gìn, không thể bỏ mất, phải thường thường suy nghĩ đạo lý mà Phật đã nói, tư duy phương pháp Phật dạy cho chúng ta.
“Tất phụng hành chi”, sau khi tư duy hiểu rõ rồi thì phải đi làm, phải làm cho bằng được, đây gọi là học Phật. Học cho đến khi tâm của chúng ta giống như tâm của A-di-đà Phật, nguyện của chúng ta giống như nguyện của A-di-đà Phật. Chúng ta khóa sáng niệm bốn mươi tám nguyện, không có mục đích gì khác, tâm nguyện của chúng ta giống như tâm nguyện của Phật. Khóa tối niệm từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy, mục đích của chúng ta là hy vọng giải hành của chúng ta cũng giống như giải hành của A-di-đà Phật. Tâm, Nguyện, Giải, Hành đều đồng với Phật thì bạn làm sao không thể vãng sanh chứ? Nhất định vãng sanh! Bạn sẽ không đến nơi nào khác, tự nhiên cảm ứng đạo giao “tất định đắc sanh” (nhất định được sanh), cách này là phương pháp tu hành nhất định được sanh về Tịnh Độ. Cho nên nhất định phải phụng hành, phải hết lòng làm.
“Tôn ty, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu, chuyển tương giáo ngữ”.
(Tôn ty, nam nữ quyến thuộc bằng hữu dạy bảo lẫn nhau).
Đây là Phật dạy chúng ta, không những tự chúng ta phải hết lòng làm, như vậy bạn học lòng từ bi của Phật, Phật phải độ tất cả. Việc phải độ tất cả này là trước phải độ người nhà đã, “tôn” là người lớn tuổi hơn mình, “ti” là người nhỏ tuổi hơn mình, “nam nữ, quyến thuộc”, đây là nói về quyến thuộc, bằng hữu. Nói một cách khác, phàm những người quen biết, bạn đều có nghĩa vụ khuyên họ học Phật, bạn đều phải nên giúp đỡ họ học Phật. “Chuyển tương giáo hóa, chuyển tương giáo ngữ”, bạn phải dạy họ, phải đem đạo lý Phật pháp, chỗ lợi ích của Phật pháp, lợi ích chân chánh nói rõ cho họ. Cách truyền thọ Phật pháp, phải biết “quán cơ”. Bạn xem Phật Bồ-tát tiếp dẫn chúng sanh cũng có vài nguyên tắc, những nguyên tắc này gọi là “Tứ tất-đàn”. Tứ tất-đàn, cái thứ nhất là thế giới tất-đàn, “tất-đàn” là tiếng Ấn Độ (Phạn ngữ), dịch thành tiếng Trung Quốc là “biến thí” tức là phổ biến bố thí. Bốn loại bố thí phổ biến.
Nội dung của loại thứ nhất là gì? Là khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ, chớ nên đề ra chủ trương trái ngược với người. Khi chúng ta muốn khuyên họ học Phật thì nên xem họ thích những gì, thuận theo sự ưa thích của họ thì họ sẽ thích nghe. Tỉ như họ ưa thích đánh bài thì bạn nói với họ là nếu bạn muốn đánh bài giỏi, đánh bài hay nhất thì tôi chỉ cho bạn một phương pháp, phương pháp gì vậy? Là Phật pháp đấy. Thì họ tiếp nhận rất dễ dàng. “Trong Phật pháp có cái này sao?” “Có!” Phật pháp cái gì cũng có. Họ ưa thích những gì thì bạn nói với họ những cái đó, vì sao? Họ sẽ hoan hỷ, họ cảm thấy điều này đối với họ có lợi ích thì họ rất dễ dàng tiếp nhận, đây đều là chân thật, không phải giả. Trong Phật pháp khai trí huệ, đã có trí huệ thì là cao minh rồi, bất cứ làm việc gì đều là đệ nhất cả, không có đệ nhị. Cho nên bạn thích ca hát, thích khiêu vũ, học Phật là đệ nhất. Nếu bạn không biết thì cho đó là tạo tội, điều đó không được. Người ta sẽ quay đầu đi mất, bạn làm sao khuyên người được? Cách đó không thể được, nhất định phải biết, trong lợi hành nhất định phải hiểu biết tâm lý của họ, tuân thủ nguyên tắc tiếp dẫn chúng sanh của Phật. Dần dần khiến họ hiểu rõ đạo lý “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ, Phật pháp tại thế gian không phá hoại pháp thế gian”. Nhất định phải dẫn pháp thế gian vào đường chánh, nói một cách khác, trong tất cả trường hợp hoan lạc bạn có thể bồi dưỡng được tâm thanh tịnh, bồi dưỡng được trí huệ chân thật, vậy không phải là đệ nhất thì là thứ gì? Phật pháp Tiểu Thừa là bảo thủ, cho nên giới luật rất nghiêm, thích hợp cho thời đại xưa kia. Thời đại nông nghiệp xưa kia là thời đại bảo thủ, mọi người ưa thích hình thức đó. Hiện nay là thời đại mở cửa, loại bảo thủ đó thì rất khó khiến người ta chấp nhận.
Phật pháp Đại Thừa là cởi mở. Chúng ta thấy Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh, trong Bích Họa ở Đôn Hoàng, chúng ta thấy Phật lúc thăng tòa giảng kinh có rất nhiều người nghe, trên không trung có rất nhiều thiên nữ xướng ca tấu nhạc, vừa ca vừa múa, hiện trường đó đẹp đẽ biết bao, đây là pháp Đại Thừa. Còn Tiểu Thừa vừa nhìn thấy thì quay đầu bỏ đi, cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh Pháp Hoa có đến năm ngàn người rút lui bỏ đi, họ nhìn không quen thì họ rời khỏi. Đại, Tiểu Thừa có khác, bạn nên biết làm lợi ích cho chúng sanh, phải biết gián tiếp giáo hóa.
“Tự tương ước kiểm, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc từ hiếu”.
(Tự kiềm chế, kiểm điểm lẫn nhau, hòa thuận đạo nghĩa, hoan hỷ từ hiếu).
Đây là nói chúng ta tự mình tu hành phải biết “ước kiểm”, “ước” là ước thúc, không thể buông lung phóng dật. Phải biết “thu liễm” (bớt phóng túng), phải biết “ước thúc” (giới hạn), phải biết “kiểm điểm” thì thân tâm mới được thanh tịnh. “Hòa thuận nghĩa lý”, sống chung cùng chúng sanh thì phải hòa mục, phải tùy thuận. Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức” là nghĩa hòa thuận. Phải hiểu rõ chữ “nghĩa” tức là nên làm, “lý” là hợp lý. Nói cách khác là hợp tình hợp lý. “Hoan lạc từ hiếu”, nghĩa của chữ “hiếu” này thì bao hàm rất rộng rất sâu. Bao hàm đó là chân thật viên mãn. Chúng ta nói hạnh phúc mỹ mãn, chữ “hiếu” này là bao hàm viên mãn, thật sự là cứu cánh viên mãn, đều ở trong chữ này. “Hoan lạc từ” đều là khởi dụng của chữ hiếu kia, đều là “hiếu” biểu hiện tại trong hành vi sinh hoạt.
“Sở tác như phạm, tắc tự hối quá”.
(Nếu có sai phạm phải tự hối lỗi).
Nếu ngôn ngữ tạo tác của chúng ta đã vi phạm giáo giới của Phật thì phải nên đi sám hối. Chư vị nên nhớ, sám hối là một khoa mục tối quan trọng trong việc tu hành. Sám hối không phải là cầu Phật Bồ-tát tha lỗi cho chúng ta. Rất nhiều người sám hối là mang tâm trạng này thì sai mất rồi. Ý nghĩa chân chánh của sám hối là sửa lỗi làm mới, về sau không làm nữa, tức là Khổng lão Phu Tử nói “không phạm lỗi hai lần”, tôi biết lỗi lầm rồi, lần sau tôi không phạm lỗi lầm như thế nữa.
Đây gọi là chân chánh sám hối. Trong việc sám hối, điều thường thấy nhất là “trách tâm sám hối”, lương tâm chúng ta trách móc, chúng ta không làm việc ác này nữa.
“Khử ác, tựu thiện”.
(Bỏ ác, làm lành).
Tức là “đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện”.
“Triêu văn tịch cải”.
(Sáng nghe tối sửa).
Buổi sáng nghe được một số đạo lý, sau khi nghe rồi thì phải nghĩ sửa lỗi làm mới, đây gọi là chân chánh tu hành.
“Phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo, cải vãng tu lai, sái tâm dịch hạnh, tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc”.
(Phụng trì kinh giới, như nghèo được của báu, sửa xưa tu nay, rửa tâm đổi hạnh, tự nhiên cảm ứng, được như sở nguyện).
Khi tôi mới học Phật, lúc bấy giờ tôi học Phật chưa đầy nửa năm. Thầy của tôi là Đại sư Chương Gia có một hôm nói với tôi, tôi lúc đó hướng về ông thỉnh giáo một vấn đề, bởi vì cảm thấy Phật pháp đích thật là hay, tuy nhiên lúc đó tôi có việc làm không thể chuyên tâm để tu học. Chuyên tâm tu học, lý tưởng nhất là xuất gia, tất cả đều buông bỏ hết để chuyên tâm tu học. Tôi hướng về Đại sư Chương Gia thỉnh giáo, có thể thành tựu nguyện vọng này chăng? Đại sư Chương Gia nói với tôi: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật, có cầu ắt có ứng), sau đó ông giải thích cho tôi nghe. Ông nói: “Có rất nhiều người cầu mà không có ứng. Không phải không ứng, vì họ cầu không được như pháp. Như lý như pháp mà cầu thì nhất định có cảm ứng, không như lý như pháp thì không thể có cảm ứng”. Đoạn kinh văn này tức là ý nghĩa này, tức là “hữu cầu tất ứng”.
“Phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo”. Đây là nói thái độ của chúng ta đối với kinh Phật, phải xem kinh Phật như là trân bảo chân thật. Chư vị phải biết, bất cứ trân bảo gì ở thế gian đều là giả, có ích lợi gì đâu! Không thể giải quyết vấn đề sanh tử. Bạn có nhiều trân bảo nhưng vua Diêm-la không nhận hối lộ, bạn cũng không thể sống thêm được một ngày, không thể mua được mạng sống, không thể tránh được ác đạo. Do đây có thể biết trân bảo đó là vô dụng, tôi thấy người ta đeo những thứ đó tôi đều gọi đó là viên gạch miếng ngói, đồng bể, sắt vụn đấy thôi, không thể giải quyết vấn đề. Bạn nói nó giúp cho bạn sống được giàu có một tí, nói một cách khác là tạo tội đấy.
Thầy Lý ngày ăn một bữa vui sướng không gì bằng, tôi đích thật học theo thầy, tôi học phương thức sinh hoạt của ông, tôi học hết năm năm, tôi cũng mỗi ngày ăn một bữa. Tôi ăn đến tháng thứ tám, tôi mới cho ông hay. Ông hỏi: “Con đã ăn được tám tháng rồi à?” Tôi nói: “Dạ phải!”. Ông nói: “Con cảm thấy thế nào?”. Tôi nói: “Thân thể khỏe lắm!”. Ông đập bàn một cái nói: “Cứ vĩnh viễn như thế mà làm”. Một đời không cầu cạnh ai cả, người đã đến lúc không cầu thì phẩm hạnh tự nhiên cao, tri túc tức là giàu có. Bạn tuy giàu có nhưng bạn vẫn không tri túc. Quý vị nghe đây, như tôi đây là vô sự, tất cả của cải giàu sang đối với tôi đều không khởi tác dụng, tri túc mới gọi là chân lạc, thường lạc đấy. Cuộc sống đơn giản, chi tiêu rất ít, ngày tháng rất dễ sống. Cách này vui sướng biết mấy! Cái vui chân chánh, người có trí huệ biết được, người thế gian thông thường không biết, người thường chỉ biết có tiền, có tài sản cho nhiều, họ mới thấy vui, những thứ đó nặng nề vô dụng biết mấy! Tỉ như bạn có nhà cửa, nhà dột thì phải tìm người đến sửa, việc này phiền phức biết mấy, còn phải nạp thuế, tiền đơn, cùng những việc tùm lum… Những việc này đều là việc phiền phức, như tôi đây thì việc gì cũng không có, bạn xem tự tại biết bao! Việc gì cũng không có, thế gian này bất cứ một việc gì đều không có quan hệ với tôi, không có liên can gì cả, đây mới gọi là chân chánh tự tại!
Cái gì là “bảo”? Kinh điển là “bảo”, đặc biệt là Kinh Vô Lượng Thọ này, đây là của báu đệ nhất trong các thứ của báu. Chúng ta được nó thì có thể dứt sanh tử, có thể ra khỏi lục đạo luân hồi, có thể trong một đời vãng sanh bất thoái thành Phật, có vật gì có thể so sánh với nó? Tiếc thay người thế gian không nhận thức được, cầm trên tay mà vẫn coi rẻ, không biết được giá trị của nó. Phật ở chỗ này nhắc nhở chúng ta là giống như kẻ bần cùng được của quý, vui mừng như thế đó, quý trọng mến tiếc như thế đó, thì chúng ta lĩnh hội được điểm này. Sau khi có được rồi thì nhờ vào vật quý này để sửa đổi dĩ vãng, tu sửa tương lai. Trước kia cách nghĩ, cách làm cùng với những gì nói trong kinh đều tương phản thì mới biết rõ trước kia đã sai rồi, y theo tiêu chuẩn của kinh điển mà sửa đổi trở lại, “đổi dĩ vãng sửa vị lai”. Không cần hối hận việc quá khứ, quá khứ thì đã qua rồi, chỉ cần đem tật xấu tập khí sửa đổi trở lại là được rồi.
“Sái tâm dịch hạnh”, chữ “sái” này cùng với chữ tẩy rửa là một nghĩa, đem vọng tưởng chấp trước, phiền não, tập khí trong tâm tẩy rửa cho thật sạch sẽ, dùng vật gì để tẩy rửa? Dùng phương pháp đọc kinh niệm Phật, đem những thứ dơ bẩn trong tâm tẩy rửa cho sạch sẽ. “Hạnh” là hành vi, hành vi quá khứ có sai lầm, bây giờ cả thảy đều đổi trở lại. Chữ “dịch” này là sửa đổi trở lại, trước kia là ác hạnh, bây giờ đổi lại thành thiện hạnh, trước kia ta là nhiễm ô, bây giờ đổi thành thanh tịnh hạnh. Vậy là được rồi, làm được như vậy thì “hữu cầu tất ứng”.
“Cảm giáng”, “cảm” là cảm ứng, cảm ứng xuất hiện, tự nhiên cảm ứng, Vì sao? Vì chúng ta thiện tâm, thiện nguyện, thiện hạnh, tất cả chư Phật Bồ-tát đều thiện, thiện cảm ứng với thiện. Cảm được chư Phật hộ niệm, thiện thần ủng hộ. Nếu tâm của chúng ta ác niệm nhiều, tâm ác, hạnh ác, nó cũng có cảm ứng, cảm ứng với cái gì? Trong vũ trụ này có rất nhiều ác quỷ ác thần, chí đồng đạo hợp với chúng, chúng cảm ứng đến rồi, chúng cũng đến gia trì bạn, gia trì cho bạn cái gì? Khiến bạn làm ác càng nặng hơn, càng lớn hơn, tương lai đọa vào địa ngục càng khổ hơn, chúng đến giúp bạn làm việc này. Cho nên loại cảm ứng này là tự nhiên, thiện cảm ứng với thiện, ác cảm ứng với ác. “Sở nguyện triếp đắc”, “hữu cầu tất ứng”, chúng ta cầu vãng sanh Tây Phương thì sao lại có thể không được chứ! Nhất định có thể được. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ đoạn kinh văn này, là lời giáo huấn vô cùng quý báu.
“Phật sở hành xứ, quốc ấp khâu tụ, mỵ bất mông hóa”.
(Nơi có Phật pháp lưu hành thì quốc ấp thôn trang đều được hóa độ).
Đây là nói về thành quả cụ thể của sự giáo hóa của Phật. “Phật sở hành xứ”, ý nói nơi chốn mà Phật pháp, nền giáo dục của Phật được thực hành hoằng dương rộng rãi, không phải là nơi Phật đi qua, cũng không phải là nói ở nơi đó thờ một tượng Phật, cái đó không có ích gì cả. Ý nói sự giáo dục của Phật được hoằng dương ở tại nơi đó. Chữ “quốc” là quốc gia, “ấp” là thành thị. Thế Tôn năm xưa khi còn tại thế còn là thời kỳ thượng cổ, trên trái đất này vẫn chưa có quốc gia thống nhất lớn xuất hiện. Trung Quốc lúc thống nhất là ở vào thời đại Tần Thủy Hoàng. Thời gian trước đó đều là chư hầu, đều là những nước nhỏ, giống như bộ lạc. Vậy chữ “quốc ấp” tức là một đô thành của một quốc gia. Thật sự mà nói, lúc bấy giờ một quốc gia chỉ có một thành thị, nhiều lắm là hai ba thành thị thì là một nước rất lớn rồi. “Khâu tụ” tức là hương thôn (xóm làng), đây là nói đô thị và hương thôn. Không có nơi nào không nhờ Phật-đà giáo hóa, hễ nền giáo dục của Phật được xây dựng tại một địa phương thì nơi đó thì nhất định được sự giáo hóa của Phật.
“Thiên hạ hòa thuận”.
Đây là nói nhân hòa. Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, Phật dạy chúng ta phải từ bi, phải hòa mục, đặc biệt là dạy chúng ta tam phước, lục hòa, mọi người đều tuân thủ thì thiên hạ sao có thể không hòa thuận? Người hễ hòa thì “phong điều vũ thuận” (mưa thuận gió hòa), tại vì sao? Vì hoàn cảnh chuyển theo tâm người, tâm người lương thiện thì hoàn cảnh sẽ vô cùng đẹp đẽ, “y báo chuyển theo chánh báo”. Bởi vì “y báo” là một phần do “chánh báo” biến hiện ra. Mối quan hệ mật thiết đó, chỉ có Phật nói được tường tận, rõ ràng trong kinh. Cho nên thiên hạ hòa thuận, đây là mọi người khi chung sống đều có thể tùy thuận nhau, người người đều có thể hằng thuận chúng sanh, đều có thể sống chung hòa mục. Tự nhiên có được cảm ứng đó là:
“Nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi”.
(Nhật nguyệt trong sáng, mưa thuận gió hòa, tai dịch không khởi).
“Nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời” là gì? Là thiên hòa, lúc nên mưa thì có mưa, lúc nên tạnh thì trên không trời xanh vạn dặm. “Tai lệ bất khởi”, đây là thời hòa, không có gió mạnh. Thế gian chúng ta có giông tố gió bão, đều mang đến tai hại, mưa lớn cũng có thể mang đến tai hại. Trên địa cầu này còn có động đất, còn có sóng thần, những thứ tai hại này thảy đều không có, đây là do thiện tâm cảm được.
“Quốc phong dân an”.
(Nước giàu dân yên).
“Phong” là phong phú. Phong phú có hai loại, một là sản vật phong phú, mọi người ở trong sinh hoạt hưởng thụ vật chất được nâng cao, ngoài ra là văn hóa đạo đức phong phú, cuộc sống tinh thần mỹ mãn, cuộc sống vật chất, cuộc sống tinh thần đều tốt đẹp cả. “Dân an”, người người đều an cư lạc nghiệp, thân tâm an ổn, đây là sự thành tựu của Phật giáo hóa.
“Binh qua vô dụng”.
(Binh đao vô dụng).
Ý nói quốc gia không có ngoại xâm, không cần nuôi nhiều quân đội để bảo vệ vì nước không có ngoại xâm, không có người hiếp đáp, không có chỗ dụng võ.
“Sùng đức hưng nhân”.
(Nhân đức hưng vượng).
Nền giáo dục của Phật là sùng kính đạo đức, trong tâm mỗi người đều giữ lòng nhân ái, nghĩ về mình cũng nghĩ đến kẻ khác.
“Vụ tu lễ nhượng”.
(Chăm tu lễ nhượng).
Mọi người biết lễ, mọi người đều có thể nhẫn nhường thì quốc gia từ trên xuống dưới không có tranh chấp. Hiện nay sự cạnh tranh quá kịch liệt, cạnh tranh sẽ mang đến sự động loạn bất an của cả xã hội. Nền giáo dục của Phật đề xướng “lễ nhượng”, mỗi người đều giữ lễ, đều nhẫn nhường.
“Quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở”.
(Nước không trộm cướp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, ai nấy đều được an lành).
Câu “các đắc kỳ sở” này hay lắm! Bạn xem, chánh trị, kinh tế văn hóa, xã hội an toàn, phúc lợi, chỉ vỏn vẹn mấy câu kinh văn đã nói hết rồi. Đoạn kinh văn này thật sự cũng nói rõ Phật pháp là chỗ cần thiết tất yếu của đời nay vậy. Ông Âu Vương Cánh Vô trước kia tại trường Đại Học Trung Sơn đã một lần diễn giảng: “Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là triết học, Phật pháp là chỗ cần yếu của đời nay”. Chúng ta đọc đoạn văn này mới biết được đích thật là cần yếu, nó mang đến cho chúng ta đích thật là hạnh phúc, là mỹ mãn, sự nghiệp thành tựu, xã hội an toàn, quốc gia phú cường, thế giới hòa bình. Nền giáo dục của Phật đích thật là giúp cho chúng ta làm được. Hiện nay có rất nhiều người đã hiểu lầm, cho rằng Phật giáo là tôn giáo, cho rằng Phật giáo là mê tín, vì vậy nên họ không tiếp xúc, họ không có cách gì nhận thức được cái trân bảo này, họ không được thọ dụng. Sự mê tín này thật sự là sự chướng ngại vô cùng to lớn. Chúng tôi trước kia, lúc còn trẻ, cũng xem Phật giáo là mê tín, bởi nó là mê tín cho nên không có ý nguyện tiếp xúc với nó, cho rằng Phật giáo kém rất xa, không bằng các tôn giáo khác.
Phật pháp là do tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu cho tôi. Tôi học triết học với ông, ông xem Phật pháp như là một khoa mục triết học để giảng cho tôi, xem như một đơn vị bài học, gọi là triết học kinh Phật. Tôi sau khi nghe xong mới biết Phật giáo hay như vậy, mới biết được đích thật đúng như Phật đã nói trong Kinh Hoa Nghiêm, trong Đại Trí Độ Luận: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không ai nói, dẫu là người có trí huệ cũng chẳng thể hiểu được). Chúng ta đã biết rồi, hiểu rõ rồi thì có trách nhiệm, có nghĩa vụ đi hoằng dương rộng rãi, trong kinh nói “chuyển tương giáo ngữ”, chúng ta phải làm cho được. Hiện nay công cụ khoa học giúp đỡ rất nhiều, chúng ta có băng ghi âm, có băng ghi hình, đã cho in số lượng lớn kinh sách, đích thật so với mấy năm trước kia có tiến triển rất lớn. Tuy nhiên còn phải nỗ lực, nhiều người hiểu rõ chân tướng của Phật pháp, biết sự lợi ích của Phật pháp, xã hội này có thể tiếp nhận sự chỉ dạy của Phật pháp thì chúng ta sẽ có được quả báo thù thắng, đều có thể sống cuộc sống mỹ mãn.
“Ngã ai nhữ đẳng, thậm ư phụ mẫu niệm tử”.
(Ta thương các ông còn hơn cha mẹ thương con).
Thích-ca Mâu-ni Phật tự xưng, Phật đối với chúng ta quả thật vượt hơn lòng yêu thương bảo hộ của cha mẹ đối với chúng ta.
“Ngã ư thử thế tác Phật, dĩ thiện công ác, bạt sanh tử chi khổ, linh hoạch ngũ đức, thăng vô vi chi an”.
(Ta nay làm Phật ở đời này, lấy thiện dẹp ác, dứt khổ sanh tử, khiến được năm đức, an lạc vô vi).
Thế Tôn tại thế gian này thị hiện làm Phật, vào lúc bấy giờ có một số người duyên đã chín muồi, như trong Phẩm Phổ Môn nói: nên dùng thân Phật để được độ thì đức Thích-ca Mâu-ni Phật liền hiện thân Phật để độ những chúng sanh này. Đây là đến để thị hiện thành Phật. Những gì Phật đã dạy chúng ta là “dĩ thiện công ác”, khiến chúng ta tu thiện để đối trị làm ác, ác đây là nghiệp nhân của tam giới lục đạo, sanh tử lưu chuyển, thiện thì có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, “dĩ thiện công ác, bạt sanh tử chi khổ”, lục đạo luân hồi đã quá khổ. Điều này chúng ta phải nhất định giác ngộ. Cho nên Ngài nói chữ thiện này, không phải cái thiện thông thường, không phải cái thiện của tam thiện đạo trong lục đạo, mà là siêu vượt lục đạo, phải liễu sanh tử xuất tam giới. “Linh hoạch ngũ đức”, chữ “ngũ đức” này tức là phía trước nói về ngũ giới. “Thăng vô vi chi an”, là nâng cao lên đạt được “vô vi chi an”. “Vô vi” tức là bất sanh bất diệt, cũng tức là thông thường chúng ta nói đến liễu sanh tử xuất tam giới. “Hữu vi” tức là hữu sanh hữu diệt. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương tức là “vô vi chi an”, không còn luân hồi nữa, sanh tử cũng không còn nữa. Đến được thế giới Tây Phương là vô lượng thọ, thật sự mà nói là vĩnh viễn vô lượng thọ, chân thật vô lượng thọ, mà không phải cái vô lượng của hữu lượng. Vô lượng của hữu lượng đó là ứng hóa của A-di-đà Phật, bạn đến nơi đó thì đã thành Phật rồi, thành Phật là cái vô lượng chân thật, không phải cái vô lượng của hữu lượng.
“Ngô bát Nê-hoàn, kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy, phục vi chúng ác, ngũ thiêu ngũ thống, cửu hậu chuyển kịch”.
(Khi Ta nhập Niết-bàn, kinh điển lần lần diệt mất, nhân dân gian trá, lại làm các điều ác, ngũ thiêu ngũ thống, càng về lâu sau càng nhiều thêm lên).
Đoạn kinh văn này, nhìn theo hiện tại thì là lời tiên đoán của Thích-ca Mâu-ni Phật. Lời tiên đoán này đều đã thành hiện thực rồi. “Ngô bát Nê-hoàn”, sau khi đức Thích-ca Mâu-ni Phật viên tịch, người thế tục chúng ta nói sau khi Phật chết rồi. “Kinh đạo tiệm diệt”, sự giáo hóa của Phật sau khi truyền trong một thời gian dài thì dần dần biến chất, đến cuối cùng cũng đoạn diệt. Pháp vận của Phật là một vạn hai ngàn năm. Một ngàn năm đầu gọi là chánh pháp, được truyền xuống rất là thuần chánh, nếu y theo phương pháp này tu hành, hầu như đều được chứng quả. Một ngàn năm thứ hai gọi là tượng pháp, đã dần dần biến chất, không thuần như trước kia, “tượng” tức là tương tợ, tuy không thuần nhưng rất giống. Người tu hành chứng quả ít đi. Tuy nhiên những người khai ngộ được định sanh lên cõi trời rất nhiều. Thời kỳ mạt pháp tổng cộng có một vạn năm, chúng ta hiện nay là ở thời kỳ mạt pháp một ngàn năm đầu, là theo cách tính của người ngoại quốc. Nếu theo cách tính của người Trung Quốc là mở đầu của một ngàn năm thứ hai. Lão Hòa Thượng Hư Vân, Ấn Quang Đại Sư, quý Ngài áp dụng cách tính truyền thống của Trung Quốc, năm nay là sau Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ đại khái ba ngàn lẻ hai mươi mốt năm, tức là một ngàn năm thứ hai mới vừa bắt đầu. Càng truyền thì càng tệ, có đồ giả lẫn lộn bên trong, Phật pháp không còn thuần nữa.
“Kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy”, người dân không tôn trọng Phật pháp, cũng không thiết tha như trước kia. Cho dù họ tin Phật nhưng bên trong có rất nhiều hoài nghi. “Phục vi chúng ác”, đây là bệnh cũ, tập khí cũ lại tái phát. Câu nói này có ý rất sâu! Lại phạm nữa, bạn thử nghĩ xem đây là ý gì? Lúc Phật còn tại thế, có thể chúng ta cũng học Phật, chúng ta tiếp nhận Phật pháp, sửa hết tật xấu tập khí của chúng ta. Ở trong luân hồi xoay chuyển mấy vòng, hiện nay bệnh cũ lại tái phát, là cái ý nghĩa này. Vì sao lại gặp khó khăn như vậy? Thật sự mà nói, lúc Phật-đà còn tại thế giảng kinh này cho chúng ta, chúng ta không tha thiết muốn vãng sanh. Nếu đã vãng sanh thì là vô sự rồi, hiện nay đều là Bồ-tát cả rồi, không còn là phàm phu nữa. Đây là một sai lầm lớn, do không cầu vãng sanh. Bạn xem, người học Phật thì nhiều, có mấy người cầu vãng sanh? Những người không cầu vãng sanh, vừa mới chuyển sang đời sau thì bệnh cũ lại phát, vi phạm không phải nhẹ, lại đi tạo ác, phía trước nói đến ngũ ác, thập ác đều phạm cả. “Ngũ thiêu ngũ thống, cửu hậu chuyển kịch”, cái khổ này nhất định là đời sau nặng hơn đời trước, đời sau khổ hơn đời trước. Đây toàn là sự thật, Phật nhìn thấy rõ ràng minh bạch, chúng ta sao lại không cảnh giác chứ!
“Nhữ đẳng chuyển tương giáo giới”.
(Các ông nên khuyên bảo nhau).
Phật tại chỗ này lại khuyên bảo hướng dẫn chúng ta. Chúng ta ngày nay hiểu rõ rồi, đây là điều rất may mắn, quả thật đã hiểu rõ Phật pháp rồi, minh bạch rồi thì chúng ta được độ. Tuy nhiên, nhìn thấy rất nhiều người vẫn đang mê hoặc điên đảo. Những người chưa biết đến Phật pháp thì có thể tha thứ, đã biết được Phật pháp, hiện đang hết lòng nỗ lực tu học Phật pháp, mà tu đó là điên đảo, tu đó mà trong đời này không giải quyết được vấn đề thì đời sau đó căn bệnh tập khí vẫn lại sanh ra, đó là không rốt ráo, nhất định phải giúp đỡ họ.
“Như Phật kinh pháp, vô đắc phạm dã”.
(Như lời Phật dạy trong kinh, không được sai phạm).
Nhất định phải y giáo phụng hành, nhất định không thể vi phạm, tâm của Phật sánh với tâm của cha mẹ chúng ta còn từ bi hơn. Phật luôn luôn hy vọng chúng ta tốt, hy vọng chúng ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Chúng ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui rồi, đối với Ngài có lợi ích gì? Thật sự mà nói, không có liên quan với Ngài, Phật không cầu nơi chúng ta. Chúng ta, thật sự mà nói, đối với Phật không thể báo đáp được, Phật cái gì cũng đều không cần, vậy lấy cái gì để báo đáp? Không có cách gì báo đáp, cách duy nhất để báo đáp đó là y giáo phụng hành. “Chuyển tương giáo giới”, chúng ta có thể dạy bảo nhau, đây tức là phù hợp nguyện vọng của Phật, đây mới có thể báo Phật ân mà thôi.
“Di-lặc Bồ-tát hiệp chưởng bạch ngôn: “Thế nhân ác khổ, như thị như thị””.
(Ngài Di-lặc Bồ-tát chắp tay thưa rằng: “Người đời ác khổ đúng là như vậy”).
Di-lặc Bồ-tát, từ phẩm ba mươi hai đến chỗ này, sau khi nghe xong lời dạy bảo của Phật nhiều như vậy, Di-lặc Bồ-tát bèn nói, người thế gian làm ác, thọ quả báo đúng như lời Phật nói. Phật đều thấy hết cả, Phật đều nói ra hết, nói rõ ràng minh bạch. Di-lặc Bồ-tát ở chỗ này cũng có thể nói là làm chứng cho chúng ta, Di-lặc là Đẳng Giác Bồ-tát, là người hậu bổ của Thích-ca Mâu-ni Phật. Ngài đã đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỗ lục đạo luân hồi này Ngài cũng rõ ràng, Ngài đến để làm chứng cho chúng ta, chứng minh lời Phật nói hoàn toàn là sự thật, hoàn toàn là chân tướng.
“Phật giai từ ai, tất độ thoát chi”.
(Phật đều từ bi thương xót độ thoát tất cả).
Đây là tán thán Phật, Phật đối với những chúng sanh thế gian là từ bi bình đẳng. Chữ “giai” này là bình đẳng, không có khác biệt, từ bi bình đẳng. “Ai” là thương xót, nguyện vọng của Phật là “tất độ thoát chi”, là hy vọng mọi người đều thành Phật, vả lại còn hy vọng mọi người mau chóng thành Phật, không hy vọng bạn ở trong lục đạo này. Vậy mau mau thành Phật, ngoài pháp môn này ra thì không có pháp môn thứ hai nữa. Cho nên Cổ Đức gọi pháp môn Tịnh Độ là “môn dư đại đạo”, nghĩa là ngoài vô lượng pháp môn còn có một đại đạo thành Phật. Cho nên kinh này tức là con đường thành Phật. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải phân biệt rõ ràng thì tâm của chúng ta sẽ được định, định tại một bộ kinh này, trong đời này không có hoài nghi, không có âu lo, nhất định thành tựu.
“Thọ Phật trùng hối”.
(Con xin nghe lời ân cần dạy bảo của Phật).
Phật ở chỗ này dặn đi dặn lại, khuyên nhủ chúng ta, dạy dỗ chúng ta, đây là từ bi đến chỗ cùng cực.
“Bất cảm vi thất”.
(Không dám sai trái).
Chúng ta cũng phải nên giống như Di-lặc Bồ-tát vậy, không dám trái ngược, không dám làm trái, bỏ qua lời dạy bảo của Phật. “Thất” tức là bỏ qua. Ngày ngày đọc tụng kinh điển, không hiểu ý nghĩa thì phải nghe kinh, chỉ có thật sự rõ ràng minh bạch thì mới biết được tự mình phải nên làm cách nào, làm tức là tu.
Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.
A-di-đà Phật!