PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TẬP 14

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 14

QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH ĐỆ THẬP NHẤT

PHẨM MƯỜI MỘT: CÕI NƯỚC NGHIÊM TỊNH

Từ chỗ này trở đi, Thế Tôn giới thiệu trạng huống của thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng tức là các thứ trang nghiêm. Phẩm này là nói về quốc độ thanh tịnh, trang nghiêm, cũng tức là nguyện thứ nhất: trong nước không có ác đạo, nguyện thứ ba mươi chín: trang nghiêm vô tận. Do đây có thể biết, Thế Tôn giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, trên thực tế tức là giới thiệu cho chúng ta bổn nguyện của A-di-đà Phật một cách rộng rãi mà thôi. Bốn mươi tám nguyện đích thực là trung tâm, là tổng cương lĩnh của Tịnh tông. Xin xem phần kinh văn:

Phật cáo A-nan: “Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm. Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh.

(Đức Phật bảo Ngài A-nan: Cõi Cực Lạc kia có vô lượng công đức, đầy đủ trang nghiêm, vĩnh viễn không có các danh từ khổ, nạn, ác đạo, ma não).

Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác đạo. Ác đạo là quả. Nước đó vì sao không có ác đạo? Vì không có người tạo nghiệp tam ác đạo, không có người tạo nhân thì đương nhiên không thể có quả báo này. Từ chỗ này chúng ta có thể lĩnh hội được sự trang nghiêm chân thật của nó. Hai câu này là nói thế giới Cực Lạc có vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm, hai câu này là tổng cương lĩnh. Trang nghiêm như thế nào? Phần sau vẫn là nói sơ lược, nếu nói kỹ thì nói không hết, không những là người thường chúng ta nói không hết mà ngay cả chư Phật cũng nói không hết. Vừa mở đầu, Phật giới thiệu vài nét về thế giới Cực Lạc không có các khổ. Ở trong kinh Thế Tôn thường nói rõ thế giới này của chúng ta rất khổ, việc khổ rất nhiều nói không hết. Phật thuyết pháp thường dùng phương pháp qui nạp, đem cái khổ vô lượng của chúng ta qui nạp thành ba loại lớn, tám loại lớn: Tam khổ, bát khổ (tam khổ là nói phạm vi lớn, bát khổ là nói phạm vi nhỏ).

Tam khổ là nói tam giới: Dục Giới khổ, Sắc Giới khổ, Vô Sắc Giới khổ, ba giới cùng khổ. Trong Kinh Pháp Hoa có một tỉ dụ: Tam giới giống như một căn nhà lớn, trong căn nhà lớn này lửa đã bốc cháy, tuy vẫn chưa cháy đến, nhưng nhất định sẽ cháy đến.

Còn bát khổ thì sao? Đây là chuyên nói về Dục giới, cũng tức là nơi chúng ta hiện đang thọ nhận. Tám thứ khổ gì? Chúng ta không thể nói kỹ, chỉ có thể giới thiệu danh mục mà thôi. Đầu tiên là bốn thứ Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Chúng sanh của Dục giới, bất cứ người nào đều không có biện pháp tránh được bốn thứ khổ này. Ngoài ra còn những thứ ngoài thân, cũng tức là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta: Cầu Bất Đắc Khổ, chúng ta đều có dục vọng, có người dục vọng rất lớn, có người dục vọng rất nhỏ, bất kể dục vọng lớn nhỏ, cầu không được mãn nguyện thì rất khổ não. Loại thứ sáu gọi là Ái Biệt Ly Khổ, bạn thường không được đoàn tụ với người mà bạn ưa thích, đây là việc khổ. Bạn cũng không thể thường trú, không thể hưởng thụ nơi hoàn cảnh mà bạn ưa thích, cũng là khổ. Loại thứ bảy gọi là Oán Tắng Hội Khổ (oan gia đối đầu), không thích sống chung một nơi mà vẫn phải gặp mặt nhau, vẫn không thể xa lìa, đây là khổ. Hoàn cảnh không ưa thích mà không có biện pháp thoát ly, đều thuộc về Oán Tắng Hội Khổ. Điều sau cùng là Ngũ Ấm Sí Thịnh Khổ, điều này so ra khó hiểu hơn, nói một cách cạn cợt, tức là vọng tưởng phiền não ở trong tâm rất nhiều. Phật nói pháp đều không rời khỏi nhân quả, bảy thứ khổ phía trước là quả báo, còn điều này là nhân khổ. Tại sao chúng ta có nhiều cái khổ như vậy? Vì vọng tưởng phiền não của chúng ta rất nhiều, cho thấy gốc bệnh đều không rời khỏi vọng tưởng chấp trước. Ở thế giới Tây Phương không có các thứ khổ này, tại sao không có? Vì chúng ta sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là liên hoa hóa sanh, không phải cái thân do cha mẹ sanh, cho nên không có bát khổ. Thế giới Tây Phương là nhất chân pháp giới, không những không có lục đạo mà thập pháp giới cũng không có. Vậy thì làm sao có tam khổ? Tam khổ, bát khổ, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không những không có sự việc này mà cái tên cũng không nghe nói đến.

“Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn”, chữ “nạn” này là tai nạn, thiên tai, nhân họa. Đây là những thứ mà thế gian của chúng ta vô phương tránh khỏi. Hiện nay công cụ truyền thông phát triển, hầu như chúng ta mỗi ngày đều nghe thấy có rất nhiều tai nạn xảy ra, như là động đất, tại vùng duyên hải Đông Nam Á có gió bão…, những thứ này đều thuộc về thiên tai. Còn nhân họa? Lớn là chiến tranh, còn tai nạn nhỏ thì rất nhiều, thường thấy nhất là tai nạn xe cộ, đều thuộc về một trong các thứ tai nạn.

“Ác thú”, là ác đạo, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác là tham sân si, sát, đạo, dâm, vọng thì có quả báo của tam đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cái này gọi là ác thú.

“Ma não chi danh”, trong Kinh Bát Đại Nhân Giác nói đến bốn thứ ma: Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Thiên Ma, Tử Ma. Ma có nghĩa là dày vò, khiến cho thân tâm chúng ta khó chịu đựng. Thời xưa chữ “ma (魔)” này phần dưới không phải là chữ “quỷ” (鬼), mà là chữ “thạch” (石: nghĩa là hòn đá), là chữ ma trong từ chiết ma (折磨: dày vò). Sau vua Lương Võ Đế bỏ chữ “thạch” đi, đổi thành chữ “quỷ”. Vua Lương Võ Đế nói: “Sự dày vò này rất khó chịu, giống như việc gặp ma quỷ”, cho nên đem chữ “thạch” đổi thành chữ “quỷ”. Từ đó về sau trong kinh điển mới có chữ này. Ma đến não hại, trong Kinh Lăng-nghiêm giảng càng tường tận hơn, giảng đến năm mươi thứ ấm ma. Ở thế giới Tây Phương, cái tên của những việc ác này còn không có thì làm gì có sự việc này! Cho thấy thế giới Tây Phương là vui, không có khổ.

Diệc vô tứ thời, hàn, thử, vũ, minh chi dị.

(Cũng không có bốn mùa, nóng, lạnh, mưa, tối).

Đây là nói rõ nơi ấy có thời tiết tốt. Thế gian chúng ta có bốn mùa, khí hậu thay đổi rất lớn, khí không hòa, tượng cũng không tốt. Ngày nay chúng ta gọi là khí tượng, khí tượng đều không hòa. Singapore này cách xích đạo chỉ có một độ, trong bốn mùa chỉ có một mùa. Singapore chỉ có mùa hè, tuy nhiên thỉnh thoảng trời mưa thì cũng trở thành mùa xuân, mùa thu, vậy là vẫn có thay đổi. Không giống như thế giới Tây Phương vĩnh viễn là hòa mục, nơi đó không có sự thay đổi của khí hậu, vì vậy tất cả vạn vật đều là thường trụ bất biến. Thế gian này của chúng ta có rất nhiều vật chất theo khí hậu mà sanh ra biến hóa, biến dịch, còn nơi đó thì không có.

Phục vô đại tiểu giang, hải.

(Không có sông, biển lớn nhỏ).

Địa phương này của chúng ta có sông ngòi, có sông lớn, có biển cả, sóng to cuộn trào. Thời xưa đi biển đều là dùng thuyền buồm, thuyền không lớn, sự nguy hiểm rất cao, trên biển cả gặp sóng lớn, gặp phải bão tố thì thuyền bị chìm, cho nên có nhiều tai nạn. Hiện nay có thuyền lớn, so ra an toàn hơn một chút.

Khâu lăng, khanh khảm.

(Gò đống, hầm hố).

Đất không bằng phẳng, đi bộ rất khó khăn.

Kinh kỷ, sa, lịch, Thiết-vi, Tu-di, thổ thạch đẳng sơn

(Gai góc, cát, sỏi, núi Thiết-vi, núi Tu-di, đất đá núi non).

Đất không bằng phẳng đã khó đi rồi, còn có thêm nhiều chướng ngại. Vật chướng ngại này là “kinh kỷ”, là loại thực vật có gai, chúng ta không lưu ý thì bị nó chích bị thương. Trong phạm vi lớn thì có núi “Thiết-vi”, núi “Tu-di” cùng những núi non đất đá trên địa cầu chúng ta, đủ các thứ chướng ngại vật không bằng phẳng, cư ngụ nơi hoàn cảnh này không phải là lí tưởng. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có những thứ này, nơi đó là:

“Duy dĩ tự nhiên thất bảo.

(Chỉ là tự nhiên bằng bảy báu).

Điều này thì không thể nghĩ bàn. “Thất” là nghĩa biểu pháp, không phải là con số, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng. Nếu bạn cho là thế giới Tây Phương chỉ có bảy thứ báu thì là quá ít, vậy thế giới đó không thể xưng là Cực Lạc được, trân bảo là vô lượng vô biên, “thất” là đại biểu cho viên mãn. Chúng ta thường nói bốn phương, trên, dưới, chính giữa, đây là viên mãn, là đại biểu cho nghĩa này, tất cả đầy đủ. Thế giới Tây Phương thảy đều có đầy đủ trân bảo của mười phương thế giới chư Phật, một thứ cũng không thiếu, chữ “thất” là đại biểu cho ý nghĩa này, đều là trân bảo thành tựu.

Hoàng kim vi địa.

(Vàng ròng làm đất).

Phía trước đã nói với quý vị rồi, thế giới Tây Phương lấy vàng để lót đường.

Khoan quảng bình chánh.

(Rộng rãi bằng phẳng).

Đường lộ thì rộng. “Bình” là bằng phẳng, “chánh” tức là chánh trực, rất ít có đường cong quẹo, đều là đường thẳng. Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Cảnh do tâm sanh”, tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh. Mỗi người vãng sanh đến thế giới Tây Phương đều là tu tịnh nghiệp, nói cách khác, đều là tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thân khẩu tự nhiên không tạo ác nghiệp, thì tam nghiệp thanh tịnh. Mỗi người được vãng sanh đều tu tịnh nghiệp, cảnh giới này do nguyện lực của Di-đà cùng cộng nghiệp thanh tịnh của mọi người mà thành tựu nên thế giới này.

Bất khả hạn cực. Vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm.

(Không có hạn lượng. Kỳ diệu tú lệ, thanh tịnh trang nghiêm).

“Vi diệu” là nói cái thể của nó, nhất định không giống với mười phương thế giới chư Phật. Như thế giới chúng ta đây, tất cả vạn vật, giống như phía trước đã nói, đất đai, cát sỏi, vật chất đều vô cùng thô, vả lại đều là vô thường. “Kỳ lệ”, cũng tức là chúng ta thường nói, rực rỡ xán lạn, đẹp không thể tả.

Siêu du thập phương nhất thiết thế giới.

(Thù thắng hơn tất cả thế giới khắp mười phương).

Mười phương tất cả thế giới chư Phật đều không thể so sánh với thế giới Cực Lạc được. Đây là Thế Tôn đơn giản nói ra sự trang nghiêm đẹp đẽ của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngài hướng về A-nan nói (A-nan là đại biểu cho chúng ta, tức là hướng về mọi người chúng ta mà giới thiệu).

A-nan văn dĩ.

(Tôn giả A-nan nghe nói xong).

Bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ vô Tu-di sơn, kỳ Tứ Thiên vương thiên, cập Đao-lợi thiên y hà nhi trụ?

(Bạch Đức Thế Tôn rằng: “Nếu cõi đó không có núi Tu-di thì trời Tứ Thiên Vương và trời Đao-lợi nương tựa vào đâu?”).

A-nan hoàn toàn đại biểu cho cảnh giới phàm phu của chúng ta, thảy đều không xả bỏ vọng tưởng chấp trước, khi vừa nghe lời này thì liền khởi vọng tưởng chấp trước. Tất cả thế giới của chư Phật đều có mười pháp giới, đều có lục đạo, sự thành hình của thế giới, đều có tiểu thế giới, tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới, hầu như tất cả thế giới của chư Phật đều là hình thức này. A-nan không biết được thế giới Tây Phương là thế giới đặc biệt, không có những thứ này nên mới khởi vọng tưởng. Vậy Thế Tôn thì sao? Thế Tôn nói pháp vô cùng tuyệt diệu, không nói với A-nan thế giới Tây Phương là nhất chân pháp giới, không có thập pháp giới, không có lục đạo, Ngài không nói như vậy, cách nói pháp này mang đến cho chúng ta sự khải thị rất lớn.

Phật cáo A-nan: “Dạ-ma, Đâu-suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc giới, nhất thiết chư thiên y hà nhi trụ?

(Phật bảo A-nan: “Trời Dạ-ma, trời Đâu-suất cho đến chư thiên cõi Sắc và Vô Sắc nương vào đâu?”).

Phật hỏi ngược lại Tôn giả A-nan, trời Tứ Thiên Vương, trời Đao-lợi ở trên mặt đất (gọi là Địa Cư Thiên), nhưng từ trời Dạ-ma trở lên cùng với trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới là Không Cư Thiên (không ở trên mặt đất). Chúng ta rất khó tưởng tượng Không Cư Thiên, nếu chúng ta nghĩ rằng: Người xưa nói đến người trời có thể là người của tinh cầu ngoài không gian đến nơi đây của chúng ta (họ là từ trên trời đến). Trong Phật Pháp thì họ vẫn là người, vì sao? Vì hễ là tinh cầu thì nó có đất, nó vẫn là địa cư, nó không phải ở trong không trung, bất cứ chúng sanh cư trú trong tinh cầu nào đều là địa cư vì nó có đất đai. Cho nên chữ “địa cư” không phải chuyên chỉ địa cầu của chúng ta, ngoài địa cầu đều là trên trời, không phải vậy, hễ có đất đai thì tinh cầu đều là địa cư thiên. Chữ “không cư” này thì rất khó tưởng tượng nổi, kỳ thật hiện nay khoa học có thể giúp chúng ta giải thích hiện tượng này trong kinh Phật. Hiện nay các nhà khoa học nói không gian này có số chiều vô hạn. Thế gian này của chúng ta có không gian ba chiều, không gian bốn chiều, nếu nâng lên đến năm chiều, sáu chiều, bảy chiều, đến vô hạn chiều thì cảnh giới ấy không thể nghĩ bàn. Điều này có thể giúp kinh Phật làm chú giải về các cảnh giới không giống nhau.

A-nan bạch ngôn: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí.

(A-nan bạch rằng: “Nương vào nghiệp lực không thể nghĩ bàn”).

A-nan đáp rất hay! Do nghiệp lực không thể nghĩ bàn đưa đến, A-nan thuộc hạng thông minh, trả lời không sai, Ngài lĩnh hội được chỗ này.

Phật ngữ A-nan: “Bất tư nghị nghiệp, nhữ khả tri da?”

(Đức Phật bảo A-nan: “Bất tư nghị nghiệp ông có thể biết chăng?”).

Trong đây quan trọng nhất tức là vì chúng ta mà nói những lời này. Bất tư nghị nghiệp ông có biết không?

Nhữ thân quả báo, bất khả tư nghị.

(Quả báo thân ông không thể nghĩ bàn).

Thân thể hiện nay của chúng ta, quả báo của chúng ta không thể nghĩ bàn, đây là thật, không phải giả.

Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị.

(Nghiệp báo chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn).

Chúng ta thấy được nghiệp báo của tất cả hữu tình chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn, thiện căn của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn.

“Chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị”

(Căn lành của chúng sanh không thể nghĩ bàn)

Chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị.

(Thánh lực chư Phật, thế giới chư Phật cũng không thể nghĩ bàn).

Nói tóm lại là nghiệp lực không thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta bình thường có thể lĩnh hội được cảnh giới ấy, cảnh giới không thể nghĩ bàn, cảnh giới trong mộng, thử hỏi cảnh giới trong mộng của chúng ta là trụ trong hư không hay là trụ trên mặt đất? Mỗi người đều nằm mộng, trong mộng có cảnh giới, thử hỏi khi bạn nằm mộng, bạn là trụ trên địa cầu hay là trụ trong hư không? Trong định cũng có cảnh giới, niệm Phật hoặc là tham thiền, khi ngồi thiền nhập định, trong định có cảnh giới. Cảnh giới trong định này, rốt cuộc là ở trên mặt đất hay là ở trên hư không? Thật sự mà nói, thời gian, không gian ấy đã khác nhau, đã chuyển đến một thời gian, không gian khác rồi, đây tức là chỗ này nói “bất tư nghị nghiệp lực”.

Thiện căn của chúng sanh như trong đoạn kinh văn nói phía trước, Vương tử A-xà-thế cùng năm trăm vị trưởng giả trong đời quá khứ vô lượng kiếp đến nay đều học Phật, cúng dường chư Phật Như Lai, đây là “nghiệp lực bất tư nghị”. Chúng ta ngày nay có duyên gặp được pháp môn thù thắng thế này có lẽ nghiệp lực của chúng ta cùng họ không khác biệt nhiều. Không phải nghiệp lực như vậy thì bạn không gặp được pháp môn này. Bạn có thể gặp được pháp môn này thì có thể nói thiện căn trong đời quá khứ của bạn so với Vương tử A-xà-thế không khác biệt bao nhiêu. Nếu thiện căn của bạn so với ông nhiều hơn một chút thì tình hình khác hẳn. Bạn nghe xong rất ưa thích lại còn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này chứng minh thiện căn trong đời quá khứ của bạn vượt hơn Vương tử A-xà-thế cùng năm trăm vị trưởng giả. Trong đời này bạn nhất định thành tựu.

“Chư Phật thánh lực”, ở chỗ này đặc biệt chỉ cho oai thần bổn nguyện của đức Di-đà gia trì, người niệm Phật chúng ta lúc lâm chung Phật đến tiếp dẫn, điều này không thể nghĩ bàn. Thế giới của chư Phật, đặc biệt là thế giới Cực Lạc, Hoa Tạng thế giới của Tỳ-lô-giá-na Phật, báo độ của chư Phật, “thật báo trang nghiêm độ”, cùng với “thường tịch quang tịnh độ” thật là không thể nghĩ bàn.

Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ.

(Thiện lực, công đức của chúng sanh cõi Cực Lạc, do an trụ vào hạnh nghiệp địa và thần lực của Phật A-di-đà nên mới được như thế đó).

Đến chỗ này Phật mới trả lời Tôn giả A-nan. “Trụ hạnh nghiệp địa”, thấy Phật thì được bình đẳng thân nghiệp, theo Tịnh Tông mà nói, việc này rất khó được. Khi bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi, nghe tên thì được bình đẳng khẩu nghiệp, điều này không sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng có được. Còn việc thấy Phật thì nhất định phải đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân tướng của mọi người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là bình đẳng, còn nghe tên thì sao? Chúng ta ở trong nhân địa là được rồi, chúng ta nghe được “Nam-mô A-di-đà Phật”, La-hán, chư Bồ-tát nghe được cũng là “Nam-mô A-di-đà Phật”, là bình đẳng khẩu nghiệp. Gặp được Phật quang, hiểu rõ Phật Pháp là được bình đẳng ý nghiệp.

Đây tức là vào nhà Như Lai, trụ ở hạnh nghiệp Di-đà, “trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực”, oai thần bổn nguyện của A-di-đà Phật biến hiện ra cảnh giới này, chúng sanh bình đẳng nghiệp lực, cho nên nó là tự nhiên. Chúng ta thường nói “pháp nhĩ như thị”, tự nhiên hiện ra quốc độ quảng đại nghiêm tịnh này, có cái nhân như vậy thì tất có cái quả như vậy, chỉ là nhân duyên quả báo.

A-nan bạch ngôn: “Nghiệp nhân quả báo bất khả tư nghị”.

(A-nan thưa rằng: “Nghiệp nhân quả báo thật không thể nghĩ bàn.”)

Đây là câu tán thán của A-nan. Trong kinh có nói “bất tư nghị nghiệp lực”, cho dù rất xa nhưng nhất định vẫn có sự ràng buộc. Khi quả báo chín muồi thì nhất định không thể tránh khỏi, đây là chân tướng sự thật. Nếu chúng ta hiểu rõ thì chúng ta khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác, không thể không cẩn thận, chư vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ! Phật không phải là một quốc vương, cũng không phải là một vị giáo chủ, tâm Phật thanh tịnh, một hạt bụi không nhiễm, Phật đối với chúng ta không có một tơ hào kỳ vọng nào.

Phật nói những lời này lẽ nào lừa gạt bạn sao? Lừa gạt người phải có lý do, không có lý do mà lừa gạt người thì đó là thần kinh có vấn đề. Phật có giống người thần kinh có vấn đề không? Giảng nhiều kinh như vậy, giảng có trình tự lớp lang, thứ tự phân minh như vậy, Ngài không giống người đầu óc có vấn đề. Ngài vì sao lại lừa gạt bạn? Nếu Ngài là quốc vương, Ngài vì chính trị, phải thống trị bá tánh, khiến bạn lúc nào cũng phải nghe lời Ngài, không thể tạo phản, Ngài nói những đạo lý như phải mà không phải, có thể gạt gẫm bạn. Nếu là một giáo chủ, Ngài muốn lôi kéo tín đồ, không để tín đồ chạy mất, Ngài cũng có thể lừa gạt bạn. Phật không là quốc vương nên không có mục đích chính trị, Ngài cũng không phải là giáo chủ nên không có mục đích tôn giáo. Ngài thành tâm thành ý chỉ dạy chúng ta, cá nhân chúng ta có được lợi ích, thật tình mà nói, Ngài không có liên can. Chúng ta gặp họa hay được phước không liên can với Phật, điểm này quý vị nên nhớ rõ ràng. Ngài thật sự là một người tốt, chúng ta trong đời này khó gặp được, gặp được người tốt như vậy chỉ dạy chúng ta làm thế nào lìa họa được phước. Cho nên Phật dùng thân phận vị thầy để xuất hiện, gọi thầy là chúng ta tôn kính đối với Ngài, còn Ngài không có ý niệm này. Nếu Ngài có ý niệm này vậy thì Ngài vẫn có mục đích, Ngài không có niệm này, điều này chúng ta nhất định phải rõ. Cho nên nhân quả báo ứng là chân tướng sự thật của thế và xuất thế gian.

Sự tạo tác của thân thể chúng ta là thân tạo nghiệp, ngôn ngữ của chúng ta và thái độ biểu hiện là khẩu nghiệp, thân nghiệp. Trong tâm khởi tâm động niệm là ý nghiệp. Chúng ta tạo nghiệp thiện nhất định được thiện báo, chúng ta tạo nghiệp ác nhất định bị ác báo. Quả báo thông ba đời, không nhất định hiện tại ta tạo thì hiện tại liền được báo. Trong kinh luận thường nói “dục tri tiền thế nhân”, bạn muốn biết đời trước tạo nhân gì? Phật nói “kim sanh thọ giả thị”, là cái mà chúng ta đời này thọ nhận. Cái thọ đó là quả, chúng ta trong đời này rất vui sướng, rất hạnh phúc vậy là đời trước nhất định đã tạo thiện nghiệp, chúng ta được thiện quả. Đời này đời sống rất cực khổ, rất khó chịu đựng, vì đời trước chúng ta tạo nghiệp bất thiện, đời này được quả báo không tốt, là đạo lý như vậy. Cho nên quả báo là ba đời, muốn biết đời sau quả báo như thế nào, Phật dạy chúng ta “kim sanh tác giả thị”, những gì bạn tạo tác trong đời này sẽ là quả báo của kiếp sau. Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý này, thật sự hiểu rõ, khẳng định rồi thì đời này chúng ta chịu bất cứ hoàn cảnh gì, “thôi vậy, cứ cắn chặt răng cho qua là được”. Là vì sao? Vì tự làm, tự chịu, là cái nghiệp trước kia do vô tri mà tạo nên, nhưng đời sau tôi nhất định phải tốt hơn đời này. Tôi biết hiện nay tôi phải tạo nhiều thiện nghiệp thì quả báo đời sau sẽ thù thắng.

Vậy đời sau dù là hạnh phúc mỹ mãn, một đời đều xứng tâm như ý, bạn có bảo đảm đời đời kiếp kiếp đều hạnh phúc vui vẻ không? Có thể bảo đảm bạn đều không bị mê hoặc không? Điều này thì khó. Hiện nay trên thế gian này có rất nhiều người thật sự hạnh phúc vui vẻ, họ không học Phật, họ hằng ngày ở trong chốn hoan lạc sống qua tháng ngày như là vui chơi, khiêu vũ. Đời trước học Phật, tu những thiện nghiệp được quả báo này, đời này họ không chịu học Phật nữa, khi hưởng hết phước báo rồi thì ác báo nghiệp hiện tiền, phải đọa lạc, đó mới là khổ. Cho nên chúng ta mặc dầu tu thiện được thiện báo, nhưng không thể bảo đảm lại gặp được Phật pháp, không thể bảo đảm tiếp tục tu thiện nghiệp, sự việc này thì phiền phức rồi. Cho nên người chân chánh thông minh, thật sự hiểu rõ thì phải nghe lời của Phật cầu sanh Tịnh Độ, cầu sanh Tịnh Độ có lợi ích ở chỗ nào? Là vĩnh viễn không bị mê hoặc, vĩnh viễn không tạo ác nghiệp, từ nay về sau đời đời kiếp kiếp tích công lũy đức, kết quả nhất định giống như A-di-đà Phật. Điều này không thể không biết, nghiệp nhân quả báo không thể nghĩ bàn, chúng ta phải hết sức coi trọng câu này.

Ngã ư thử pháp, thật vô sở hoặc.

(Đối với pháp này thật con không hoài nghi).

A-nan ở chỗ này đã nói lên lời chân thật. A-nan rất rõ ràng sự việc này, vậy tại sao phải hỏi như vậy? Là hỏi thay chúng ta, không phải là Ngài không hiểu.

Đãn v đương lai chúng sanh phá trừ nghi võng, cố phát tư vấn.

(Vì muốn phá trừ sự nghi ngờ của chúng sanh đời sau nên thưa hỏi lời này).

Đây là A-nan từ bi hỏi thay chúng ta, Ngài vừa hỏi, Phật vừa nói thì chúng ta liền hiểu ngay. Không phải A-nan không hiểu, đây là đại từ đại bi, cách tu học này làm lợi ích cho chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh là thiện nghiệp, chúng ta phải học. Thật sự mà nói, chúng ta rời khỏi kinh sách, rời khỏi giảng đường thì quên sạch hết, tật xấu, tập khí cũ lại hiện tiền. Không biết học, không biết tu.

Tôi xin nêu một ví dụ, chúng ta ở nơi công cộng như ở trong tiệm ăn, có những đồng tu quen biết, gặp tôi, liền nói: “Thưa Pháp sư, hôm nay Ngài ăn gì, ăn thấy có ngon không?” Hỏi những lời vô ích này! Họ không ở nơi đó hỏi một ít Phật pháp như “Thưa Pháp sư, thế nào là Phật pháp?”. Tuy họ biết nhưng rất nhiều người ở bên cạnh không biết. Một khi tôi giảng cho bạn nghe thì bao nhiêu người cũng được nghe, được biết. Đây là học theo Ngài A-nan. Không biết hỏi những điều này, đây là kẻ đáng thương!

Tôi có một lần đến chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải để thăm Pháp sư Chân Thiền, đi đến Điện Thiên Vương. Tượng Tứ Đại Thiên Vương trong Điện Thiên Vương rất trang nghiêm, có rất nhiều đoàn du lịch đang ở đó. Đi cùng tôi cũng có một vài vị cư sĩ ở Thượng Hải, tôi liền đem sự biểu pháp của bốn vị Thiên Vương này, giảng tường tận cho họ nghe, tuy là giảng cho họ nghe nhưng các đoàn du lịch đều chú ý nghe. Đây gọi là cơ hội giáo dục, nhất định phải nắm lấy, chớ nên lơ là bỏ qua. Có thể giúp cho họ hiểu rõ biểu pháp nghệ thuật trong Phật pháp, ý nghĩa chân chánh của sự tạo tượng trong Phật môn, họ mới không đến nỗi mê tín.

Ngài A-nan biết được cơ hội giáo dục, rõ biết nên mới hỏi, hỏi cho mọi người nghe. Đức Thế Tôn cùng A-nan đang đóng kịch, một hỏi, một đáp, chúng ta được lợi ích, bởi chúng ta vô tri, không biết hỏi. Chỗ này phải nên học tập, cho nên ở bất cứ nơi công cộng nào, nếu bạn gặp được Pháp Sư, gặp được Đại Đức cư sĩ thì bạn hỏi họ Phật pháp để cho kẻ khác nghe, chớ nên hỏi quá sâu, hỏi sâu thì sao? Người ta nghe không hiểu, nên hỏi cạn cợt một chút, để cho những người không học Phật pháp nghe, tiếp dẫn họ, vậy thì đúng. Chúng ta xem phẩm tiếp theo.

QUANG MINH BIẾN CHIẾU ĐỆ THẬP NHỊ

PHẨM MƯỜI HAI: ÁNH SÁNG CHIẾU KHẮP

Phật cáo A-nan: “A-di-đà Phật oai thần quang minh tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật sở bất năng cập”.

(Đức Phật bảo Ngài A-nan: “Oai thần và quang minh của Phật A-di-đà tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật khác chẳng sánh kịp”).

Hai phẩm mười hai và mười ba này hiển thị chánh báo trang nghiêm. Chánh báo là A-di-đà Phật (Phật thân, chánh báo trang nghiêm), chúng ta thường niệm “quang trung hóa Phật vô số ức” (trong hào quang hóa vô số Phật). Nơi mà Phật quang chiếu khắp tức là có Phật, gọi là “quang trung hóa Phật”. Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ mười ba nói: “Ngã tác Phật thời quang minh vô lượng, tuyệt thắng chư Phật” (khi con thành Phật, có quang minh vô lượng, vượt hơn quang minh của chư Phật). Điều này quả thật không sai, Thế Tôn giới thiệu oai thần quang minh, uy đức thần thông của A-di-đà Phật, quang minh đều là tối tôn đệ nhất. Chữ “tối tôn đệ nhất” là so sánh với tất cả mười phương chư Phật.

Biến chiếu Đông phương hằng sa Phật sát.

(Quang minh ấy chiếu khắp hằng sa cõi Phật ở phương Đông).

Chữ “hằng sa” tức là cát sông Hằng, đây là dùng để tỉ dụ cát sông Hằng rất nhiều không cách gì tính được, hình dung số lượng các cõi Phật rất nhiều.

Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy thượng hạ.

(Nam, Tây, Bắc, trên dưới và bốn phương phụ).

Hợp lại tức là mười phương. Phương Đông được nói rất rõ ràng, còn chín phương kia thì rút gọn lại, chín phương kia thảy đều như nhau, các phương đều là Hằng hà sa số cõi Phật.

Diệc phục như thị.

(Cũng lại như vậy).

Đây là ánh sáng của A-di-đà Phật, tất cả chư Phật đều không thể sánh kịp.

Nhược hóa đảnh thượng viên quang.

(Hào quang trên đảnh).

Đây là thường quang của Phật, trên đỉnh đầu của Phật có ánh sáng tròn.

Hoặc nhất, nhị, tam, tứ do-tuần, hoặc bá thiên vạn ức do-tuần.

(Chiếu xa một, hai, ba, bốn do-tuần, hoặc trăm ngàn vạn ức do-tuần).

Thường quang của chánh báo cũng là không thể nghĩ bàn. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa ở tại thế gian này, trong Kinh ghi chép ánh sáng của Phật là một do-tuần, một do-tuần là bao lớn? Tám thước là một do-tuần, vòng ánh sáng của Phật là tám thước. Thật sự mà nói, trên thân Phật có ánh sáng, ánh sáng của Phật rất rõ ràng. Trên thân mỗi người chúng ta đều có ánh sáng, những người luyện khí công họ nhìn thấy được, họ gọi là khí, Phật pháp gọi là quang. Ánh sáng của mỗi người lớn nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Người luyện khí công từ trên đây mà xem người, xem tình trạng thân thể của người. Vậy người học khí công trước hết phải tu tâm thanh tịnh, tâm không thanh tịnh thì họ không thấy được, cho nên người có tâm thanh tịnh thì thấy được. Nếu màu sắc ánh sáng của bạn không tốt, là xám hoặc tối thì thân thể bạn có bệnh, nếu thân thể của bạn cường tráng thì ánh sáng rất rõ ràng, rất sáng sủa. Cho nên họ có thể thấy thân thể của bạn, vả lại mỗi bộ phận có ánh sáng khác nhau, nên họ biết được bạn có bệnh chỗ nào, đây không phải là mê tín. Ánh sáng của A-di-đà Phật là trăm ngàn vạn do-tuần, điều này thì không thể nghĩ bàn. Điều này đích thật không phải chư Phật khác có thể sánh được. Quý vị từ trong kinh có thể thấy được những vị Phật khác có Phật quang một hoặc hai ba bốn do-tuần.

Chư Phật quang minh, hoặc chiếu nhất nhị Phật sát.

(Hào quang các Đức Phật khác hoặc chiếu đến một hai cõi Phật).

Câu “chiếu nhất nhị Phật sát” này tức là bổn thổ của Ngài, một vị Phật giáo hóa chúng sanh là một tam thiên đại thiên thế giới, gọi là một cõi Phật, ánh sáng của Ngài nhất định chiếu đến.

Hoặc chiếu bá thiên Phật sát.

(Hoặc trăm ngàn cõi Phật).

Nguyện lực của Phật rộng lớn, không những Ngài phải độ chúng sanh trong quốc độ của mình mà Ngài cũng độ chúng sanh thế giới phương khác. Vậy thì ánh sáng của Ngài lớn rồi, có thể chiếu đến trăm ngàn cõi Phật.

Duy A-di-đà Phật”.

Chỉ có A-di-đà Phật.

Quang minh phổ chiếu, vô lượng vô biên vô số Phật sát.

(Hào quang chiếu khắp vô lượng vô số vô biên cõi Phật).

Quý vị phải nghi nhớ, khi Phật tại nhân địa, Thế Gian Tự Tại Vương Phật đã từng nói với Ngài về sự thanh tịnh trang nghiêm của hai trăm mười ức thế giới của chư Phật, và Ngài đã thấy qua. Hai trăm mười ức là biểu pháp, đại biểu cho cứu cánh viên mãn. Nói một cách khác, A-di-đà Phật đã từng đến tất cả thế giới của chư Phật tận hư không khắp pháp giới. Đương nhiên Ngài cũng đã đến thế giới này của chúng ta. Ngài đã từng đến thì ánh sáng của Ngài nhất định cũng chiếu đến. Chỉ có ánh sáng của Di-đà là chiếu đến tận hư không khắp pháp giới, một cõi Phật cũng không bị bỏ sót.

Chư Phật quang minh sở chiếu viễn cận, bổn kỳ tiền thế cầu đạo, sở nguyện công đức đại tiểu bất đồng.

(Hào quang chư Phật chiếu ra có xa có gần vì bổn nguyện, công đức đời trước khi cầu đạo có lớn nhỏ không đồng).

Phật ở chỗ này nói rõ tại sao Phật quang có lớn nhỏ khác nhau. Khi đã thành Phật rồi thì Phật Phật đạo đồng, trí huệ thần thông năng lực của Phật thảy đều bình đẳng. Tại sao Phật quang khác nhau, chúng ta thấy được Phật quang không bình đẳng, điều này có nguyên nhân. Là lúc đầu Ngài mới học Phật, các Ngài phát nguyện khác nhau, có những vị Phật ở nhân địa phát nguyện không lớn: Thấy cái tam thiên đại thiên thế giới này, ta chỉ muốn giúp nhóm chúng sanh này, chỉ muốn độ họ, thì sau khi thành Phật ánh sáng của Ngài chỉ lớn cỡ đó. Chúng ta từ trong kinh thấy được, nhân địa của A-di-đà Phật, nguyện của Ngài và người khác không giống nhau, nguyện của Ngài lớn. Ngài nguyện phổ độ tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, không phải là một thế giới, hai thế giới, một cõi Phật, hai cõi Phật, một ngàn cõi Phật, một vạn cõi Phật … Ngài không phát như vậy, cho nên nguyện này là hy hữu!

Chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế.

(Đến khi thành Phật, mỗi vị tự nhiên đạt được thành tựu tự tại khác nhau, không phải là do dự trù trước).

Cho nên sau khi thành Phật, cảnh giới của Ngài tự nhiên hiện ra, không phải trong tâm Ngài nghĩ tưởng, không phải Ngài thích làm như vậy, mà là tự nhiên thành tựu. Quả ấy nhất định ứng với nhân này, nhân quả nhất định tương ưng. Tất cả chư Phật đều có năng lực phóng quang chiếu khắp pháp giới, nếu không có năng lực này thì đạo của Phật đều không đồng. Nếu Ngài không có ý định phóng quang, vậy thì ánh sáng của Ngài tự nhiên hiển lộ ra tương ưng với nhân địa của Ngài. Nhân địa của Di-đà cùng nhân địa của chư Phật khác nhau, cho nên quả địa tự nhiên hiển hiện khác nhau.

A-di-đà Phật quang minh thiện hảo, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên ức vạn bội.

(Quang minh của Đức Phật A-di-đà tốt lành, hơn cả trăm ngàn vạn lần ánh sáng nhật nguyệt).

Trong câu này chúng ta phải đặc biệt chú ý, “Phật quang thiện hảo”. Ánh sáng của nhật nguyệt tuy là tốt nhưng bất thiện. Bạn xem, ban ngày, mặt trời lớn như vậy, rọi lên trên thân khá nóng, tuy có ánh sáng nhưng bất thiện, có thể đem đến cho chúng ta rất nhiều phiền não. Mắt chúng ta nhìn mặt trời như bị chích vào mắt, mắt có thể bị tổn thương. Tuy có ánh sáng mà bất thiện, vậy còn Phật quang thì sao? Là thiện. Khi bạn tiếp xúc, không những thấy thanh lương thoải mái, vui vẻ mà còn có thể tiêu nghiệp chướng, khai trí huệ, cho nên đây mới là thiện.

Tiếp theo, chúng ta thấy Thế Tôn tán thán A-di-đà Phật quả thật đến chỗ cùng cực:

Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương.

(Tôn quý nhất trong các quang minh, là vua trong các Đức Phật).

Nếu bạn có thể ghi hai câu nói này của Đức Thích-ca Mâu-ni Phật vào tâm, nếu bạn niệm A-di-đà Phật, người ta hỏi vì sao niệm A-di-đà Phật mà không học thứ khác? Tại sao không niệm Phật Bồ-tát khác? Bạn chỉ cười thôi. A-di-đà Phật là quang trung cực tôn, Phật trung chi vương. Theo sự thật này thì tôi hết lòng niệm A-di-đà Phật, tôi không cần niệm các vị Phật khác nữa. Tôi niệm Phật trung chi vương, còn quí vị niệm đó là “Phật trung lão bá tánh” (vị Phật thông thường), điều này phải biết. Đây là sự siêu thắng của Tịnh Độ, thật sự không thể nghĩ bàn, chúng ta phải nói ra được.

Thị cố Vô Lượng Thọ Phật, diệc hiệu Vô Lượng Quang Phật, diệc hiệu Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đẳng Quang Phật, diệc hiệu Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghị Quang.”

(Nên Phật Vô Lượng Thọ cũng hiệu là Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, Phật Bất Tư Nghị Quang).

Đây đều là biệt hiệu của A-di-đà Phật, tại sao nhiều như vậy? Là để hiển thị “quang trung chi đức” (đức của quang minh). Phía trên nói “quang minh thiện hảo”, chữ “thiện” đó là nói chung, chưa giảng kỹ cho bạn. Rốt cuộc chữ “thiện hảo” thì “hảo” đến cỡ nào? Mười hai danh hiệu này hiển thị ra chữ “thiện”. Do đây có thể biết Thế Tôn tán thán A-di-đà Phật là quang trung cực tôn không phải là nói tùy tiện. Mười hai danh hiệu này hiển thị ánh sáng của Đức Di-đà đích thực là cực tôn, chư Phật khác không thể sánh được.

✓ Vô Lượng Quang, chữ “lượng” là hạn lượng, ánh sáng của A-di-đà Phật không có hạn lượng, không giống như chư Phật, Phật quang chỉ chiếu một hai cõi Phật, chiếu trăm ngàn cõi Phật, là có hạn lượng. Ánh sáng của A-di-đà Phật thì không có hạn lượng, tận hư không khắp pháp giới, không nơi nào không chiếu đến, đây là vô lượng. Ngoài ra, “quang” còn tượng trưng cho trí huệ. Vô Lượng Quang cũng tức là nói rõ trí huệ của đức Di-đà là vô lượng.

✓ Vô Biên Quang“biên” là biên giới. Tâm Phật bình đẳng, từ bi bình đẳng, lấy pháp bình đẳng giáo hóa tất cả chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Không có tất cả giới hạn, giải thoát bình đẳng, vạn pháp nhất như, ý nghĩa của Vô Biên Quang là không có bờ mé, không có giới tuyến. Chư Phật Như Lai khác cũng như Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta giáo hóa chúng sanh, chúng ta chứng quả là có đẳng cấp, có người chứng Tiểu Thừa Sơ Quả, Tứ Quả La-hán, Bích-chi-Phật quả, còn có Tạng Thông Biệt Viên (Tông Thiên Thai). Tông Hiền Thủ thì có “Tiểu Thủy Chung Đốn Viên”, đây đều là có giới tuyến. Khi thành Phật rồi còn có Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, Biệt Giáo Phật, Viên Giáo Phật, đều không giống nhau. Chỉ có Di-đà là thành tựu bình đẳng, Tứ Quả, Tứ Tướng của Tiểu Thừa, năm mươi mốt giai cấp của Đại Thừa đều không còn nữa. Phương pháp ấy của Ngài, quả báo ấy của Ngài, một là tất cả, tất cả là một, cái này là vô biên tế quang.

✓ Vô Ngại Quang Phật“ngại” là chướng ngại, nhất định không có chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có? Có phân biệt có chấp trước thì có chướng ngại, lìa khỏi tất cả phân biệt chấp trước thì tâm được tự tại, thì không có chướng ngại. Trong tâm không có giới tuyến, đây là Vô Ngại Quang, nếu lấy Thiền Tông mà nói thì đây đã đạt đến chỗ cùng cực.

✓ Vô Đẳng Quang Phật“đẳng” là bằng với Ngài. Tất cả chư Phật đều không thể bằng Ngài, bất luận là nhân hành, quả hải đều vượt qua chư Phật, trong phần kinh văn phía trước chúng ta thảy đều thấy cả.

✓ Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, điều này dễ hiểu, chư Phật đều là quyền thực nhị trí, nhị trí của Di-đà so với chư Phật lại càng viên mãn hơn, càng cứu cánh hơn. Thường Chiếu Quang, là tịch mà thường chiếu.

✓ Thanh Tịnh Quang là chiếu mà thường tịch, thanh tịnh bình đẳng. Trong Phật pháp Đại Thừa, chữ “chiếu”  “tịch” là cương lĩnh tu hành của Bồ-tát. Chúng ta phải lĩnh hội cho thật sâu. “Chiếu” là dụng. Lục căn của chúng ta đối với cảnh giới lục trần bên ngoài đây là chiếu, tại sao không dùng chữ “kiến”, không dùng chữ “thính”? Bởi vì nói “kiến”, nói “thính”, nói “văn” đều rơi vào tâm ý thức, bạn có phân biệt, có chấp trước. Chữ “chiếu” này giống như tấm kính soi chiếu bên ngoài, bên trong nó chiếu rất rõ ràng, nó không có phân biệt, không có chấp trước. Phật dạy chúng ta dụng tâm phải giống như tấm kính, “dụng tâm như kính”. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, quán chiếu, không có phân biệt, không có chấp trước, rõ ràng minh bạch. Cái tâm này là định, tâm là thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tịch, tịch tức là công phu, còn chữ “chiếu” tức là trí huệ. Người chân chính biết tu hành, trong cuộc sống hằng ngày trên sự thì là Lục Độ, sáu điều cương lĩnh, trên lý là tự mình được thanh tịnh tâm, được trí huệ Bát-nhã, trên lý tức là Thiền Định Bát-nhã. Chúng ta phải đạt được thọ dụng này. Tâm đã thanh tịnh rồi, đã định rồi, đây thật là đáng quý! Bạn muốn độ chúng sanh, bạn muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, phải từ tịch rồi đến chiếu, rồi khởi dậy tác dụng. Đó là Bồ-tát. Nếu quang” chỉ tịch mà không chiếu thì thành Tiểu Thừa A-la-hán, tự giác ngộ mà không giúp đỡ kẻ khác. Cho nên tịch mà thường chiếu là Phật Bồ-tát, chiếu mà thường tịch là chúng ta hiện nay phải dụng công, chúng ta phải học tập, đây đều là từ trên cương lĩnh tu học mà nói.

✓ Hoan hỷ Quang, Phật quang có thể khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Không những sanh hoan hỷ mà còn sanh tín tâm, sanh nguyện tâm, thì quang này mới thiện.

✓ Giải Thoát Quang“quang” này có thể tiêu nghiệp, có thể tiêu tội, có thể khiến tất cả chúng sanh được đại tự tại.

✓ An Ổn Quang, đây cũng là chỗ hy vọng mong cầu, mơ ước, hâm mộ của tất cả chúng sanh. Làm thế nào mới có được sự an ổn chân chánh? Thật sự mà nói, trong tam giới này không có được, trong lục đạo không có, Phật nói “tam giới vô an” (tam giới không an), không có được. Ở trong tam giới muốn được an ổn thì nhất định phải khế nhập cảnh giới Bát-nhã. Trong Kinh Kim Cang nói, bạn đích thật lìa được bốn tướng, lìa bốn kiến thì ở trong tam giới cũng được an ổn. Tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất cả thảy đều lìa khỏi hết, đều không còn nữa thì được. Trong bốn tướng, hễ chưa lìa khỏi một tướng thì cái an ổn đó là hữu danh vô thực, nhất định không có được.

✓ Siêu Nhật Nguyện Quang. Điều này dễ hiểu, phía trước nói: thù thắng hơn ánh sáng của nhật nguyệt ngàn ức vạn lần.

✓ Bất Tư Nghị Quang. Đây là tổng kết, thần quang của Di-đà là không thể nghĩ bàn.

Như thị quang minh, phổ chiếu thập phương nhất thiết thế giới.

(Quang minh ấy chiếu khắp mười phương tất cả thế giới).

Câu nói này không sai, một thế giới cũng không sót, là tận hư không khắp pháp giới. Điều này chứng minh cho phần phía trước nói, hai trăm mười ức là biểu pháp, không phải con số, nếu là con số thì hai trăm mười ức không nhiều. Từ thế giới Tây Phương Cực Lạc đến nơi chúng ta đây, khoảng giữa có mười vạn ức cõi Phật, nếu ánh sáng của Phật chỉ có hai trăm mười ức thì so với mười vạn ức ít hơn rất nhiều, như vậy thì Phật quang không tới được nơi chúng ta. Hai trăm mười ức đó là biểu pháp, không phải là con số, chỗ này đã hiển thị ra rồi, chứng minh phổ chiếu mười phương tất cả thế giới, một thế giới cũng không sót.

Kỳ hữu chúng sanh ngộ tư quang giả.

(Chúng sanh nào gặp được quang minh ấy).

Đây là nói chúng sanh ở mười phương thế giới, nếu gặp ánh sáng của A-di-đà Phật thì:

Cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn.

(Cấu uế tiêu diệt, căn lành phát sanh, thân ý hòa dịu)

“Cấu” là phiền não ô nhiễm, đều bị tiêu diệt, thiện căn sanh trưởng. Chúng ta hỏi: “Tận hư không khắp pháp giới đều ở trong ánh sáng của A-di-đà Phật, tại sao tôi không thấy? Phật ngày ngày đều chiếu soi tôi, phiền não tội nghiệp của tôi cứ từng ngày gia tăng không giảm thiểu, đây là nguyên nhân gì vậy?” Thật sự mà nói, Phật quang là đang chiếu soi nhưng chúng ta không tiếp nhận, chúng ta không cần. Ánh mặt trời chiếu rọi bạn, bạn nhất định lấy cái chiếc dù để che, không để cho nó chiếu vào. Tình trạng chúng ta là như thế, không phải Phật quang không chiếu rọi bạn mà là bạn không chịu tiếp nhận. Vậy thì Phật quang ở đâu? Phía trước đã từng nói với quí vị, “chỗ nào có Phật hiệu, có kinh điển tức là chỗ Phật quang chiếu rọi, tức là có Phật”. Nghe được một câu A-di-đà Phật này không để trong tâm, coi như cơn gió thoảng qua tai, bạn không chịu tiếp nhận. Chỗ có kinh điển, không chịu đọc tụng, không chịu thâm nhập nghiên cứu thì là tự mình làm chướng ngại chính mình. Không phải Phật quang không chiếu đến bạn, mà là chính mình có nghiệp chướng rất sâu, rất sâu dày, kháng cự lại ánh sáng của Phật.

Trong Phật Pháp thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt” (tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ này không khác biệt) là nói về sức mạnh này. Sức mạnh của Phật, nghiệp lực của chúng sanh và tâm lực của chúng sanh là bằng nhau, tam vô sai biệt, có thể thấy được nghiệp lực này không thể nghĩ bàn. Phía trước nói đến nghiệp lực không thể nghĩ bàn, chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, chúng ta có thể đem tâm lực của chính mình cùng sức mạnh của Phật quang kết hợp lại thì có thể chống lại nghiệp lực. Hai lực lượng kết hợp lại thì có thế chống cự một nghiệp lực. Tâm lực của chúng ta cùng nghiệp lực của chúng ta kết hợp lại thì kháng lại lực lượng của Phật, là đạo lý như vậy. Chúng ta ngày nay gặp được A-di-đà Phật, gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, sanh được tâm hoan hỷ, có thể lý giải được, dù rằng không thể hoàn toàn lý giải, nhưng thật chịu y giáo phụng hành thì nhất định là “cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn”, biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày là nhu hòa, từ bi, không giống như trước kia “cang cường khó giáo hóa”. Cho nên thân tâm thật có chuyển biến.

Nhược tại tam đồ, cực khổ chi xứ.

(Nếu ở tam đồ chịu khổ cùng cực).

Đây là một thí dụ, thật sự mà nói, cũng đều là sự thật, nếu đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, “cực khổ” tức là địa ngục đạo.

Kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức.

(Thấy được quang minh này liền được dừng khổ).

Chúng sanh ở địa ngục có thể thấy được Phật quang chăng? Có thể thấy. Địa ngục là chỗ thọ báo của tội nghiệp cực trọng, loại chúng sanh nào ở trong địa ngục có thể gặp được Phật pháp? Là người trong đời quá khứ niệm Phật, trong đời quá khứ cũng học Phật, cũng có thiện căn rất sâu dày, trong đời này mê hoặc điên đảo, làm sai rất nhiều việc nên bất hạnh mà đọa địa ngục. Địa Tạng Bồ-tát ở tại địa ngục độ chúng sanh (độ loại chúng sanh này), nếu họ không có thiện căn, trong đời quá khứ không có học Phật thì Địa Tạng Bồ-tát đối với họ cũng không làm gì được. Tuy Địa Tạng Bồ-tát ở trong địa ngục, những người này nhìn không thấy Địa Tạng Bồ-tát. Chỉ có người niệm Phật với thiện căn thâm hậu, vì một niệm sai lầm mà đọa vào địa ngục, khi họ ở trong địa ngục, một niệm hồi tâm, biết được mình làm sai rồi, hễ họ có ý niệm này thì họ sẽ thấy được Địa Tạng Bồ-tát. Địa Tạng Bồ-tát dạy họ niệm Phật, họ liền tiếp xúc với ánh sáng của A-di-đà Phật thì cái khổ của họ có thể chấm dứt.

Mạng chung giai đắc giải thoát.

(Mạng chung được giải thoát)”.

Nhóm chúng sanh ác đạo này và người ác ở nhân gian vãng sanh đều là thuộc về sám hối vãng sanh, họ thật sự biết mình đã sai rồi, thật lòng sám hối, sửa lỗi tu thiện, cầu sanh Tịnh Độ. Họ lấy công đức gì vậy? Là cái tâm sám hối, cái tâm sửa lỗi, đó tức là công đức, đem công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ. Một niệm mười niệm cũng nhất định được sanh. Đây tức là nguyện thứ mười tám của A-di-đà Phật. Những người này sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có phẩm vị gì? Trong Quán Kinh nói, Phàm Thánh Đồng Cư Độ, vãng sanh hạ hạ phẩm. Nếu họ tạo tội cực trọng, tương lai nhất định đọa địa ngục A-tỳ. Tuy nhiên, hiện nay phước của họ vẫn chưa hết, vẫn chưa đọa, lúc lâm chung gặp được thiện tri thức, thật sự hối lỗi, sám hối vãng sanh thì phẩm vị ấy không nhất định.

Trong Quán Kinh, chúng ta thấy vua A-xà-thế giết cha, hại mẹ, cấu kết với Đề-bà-đạt-đa phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu, tạo tội thập ác ngũ nghịch. Quả báo của ông tất phải đọa địa ngục A-tỳ, Đề-bà-đạt-đa đời đời đọa địa ngục. Vua A-xà-thế lúc lâm chung biết mình đã sai, sám hối thống thiết cầu nguyện vãng sanh, ông ta rất may mắn, ông không đọa địa ngục, ông ta vãng sanh thế giới Cực Lạc, được phẩm vị gì? Thật sự không thể nghĩ bàn, Phật nói với chúng ta, ông là thượng trung phẩm vãng sanh. Ở đây cho chúng ta một khải thị rất lớn, chúng ta không thể coi thường những người làm ác, tại vì sao? Chúng ta thật lòng niệm Phật, tương lai vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, họ tuy tạo tội nghiệp, lúc lâm chung, tâm sám hối nếu mạnh thì phẩm vị ở trên chúng ta, chúng ta vẫn không bằng họ, cho nên điều này không thể coi nhẹ. Cho nên chúng ta biết được có hai loại vãng sanh: Một loại là bình thường niệm Phật tích công lũy đức, loại kia là tạo tội nghiệp, lúc lâm chung sám hối mà vãng sanh. Cho nên sức sám hối này cũng không thể nghĩ bàn!

Nhược hữu chúng sanh văn kỳ quang minh, oai thần, công đức, nhật dạ xưng thuyết, chí tâm bất đoạn. Tùy ý sở nguyện, đắc sanh kỳ quốc.

(Chúng sanh nào nghe được công đức oai thần của quang minh này rồi ngày đêm khen nói, chí tâm không nghỉ, tùy theo ý nguyện được sanh về Cực Lạc).

Đây là thuộc về niệm Phật. Có thể thấy “niệm” và “xưng” khác nhau. “Xưng” là miệng nói, xưng danh. Còn chúng ta niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, niệm là trong tâm thật có. “Nhược hữu chúng sanh”, nếu có người. “Văn kỳ quang minh, oai thần, công đức”, ba thứ này đều ở trong Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và Phật thuyết A-di-đà Kinh. Nội dung ba kinh này nói đến chính là điều này, “văn” tức là văn kinh, sau khi nghe rồi đương nhiên bạn được lòng tin, nếu bạn không tin thì bạn không tu hành, bạn nhất định phải tin. Sau khi tin rồi bạn nhất định phải chịu học, chịu tu, đây mới gọi là niệm Phật, vì sao vậy? Vì trong tâm thật có, sau đó mới “xưng thuyết”.

“Xưng thuyết” tức là nói cho người khác nghe. Phần sau của Tam Phước là “đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, khuyên kẻ khác, tự hành hóa tha, là ý nghĩa của “xưng thuyết”“Chí tâm bất đoạn”, “chí tâm” là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi. “Bất đoạn” là liên tục không dứt, tất cả thời, tất cả chỗ. Chúng ta thường nói phải biết cơ hội giáo dục, nắm lấy cơ hội này, đem Phật pháp giới thiệu cho tất cả mọi người, chúng ta quả thật làm được như vậy thì cầu nguyện vãng sanh nhất định được sanh, “đắc sanh kỳ quốc”. Cho nên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa trong kinh văn, phải biết cách để làm, bởi vì văn tự vô cùng đơn giản mà ý nghĩa vô cùng viên mãn. Chúng ta lại xem phẩm tiếp theo.

THỌ CHÚNG VÔ LƯỢNG ĐỆ THẬP TAM

PHẨM MƯỜI BA: THỌ MẠNG VÀ ĐẠI CHÚNG

VÔ LƯỢNG

Tuổi thọ của Phật vô lượng, chúng sanh có phước, chúng sanh có nơi nương tựa có thể thường theo bên Phật, nguyện lực của Phật cũng là vô lượng vô biên, cho nên có thể rộng nhiếp tất cả chúng sanh trong pháp giới, chúng ta xem kinh văn.

Phật ngữ A-nan: “Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng trường cửu, bất khả xưng kế.

(Đức Phật bảo A-nan: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có thọ mạng trường cửu không thể tính được”).

Ý nghĩa của đoạn kinh văn này rất rõ ràng, rất dễ hiểu. Tuy nhiên nó có dụng ý rất sâu. Chúng ta phải từ phương diện này mà lĩnh hội thì tự nhiên có thể sanh khởi cái tâm hâm mộ mơ ước, chỉ mong chính mình nhanh chóng được chứng đắc.

“Thọ mạng trường cửu bất khả xưng kế”, Thích-ca Mâu-ni Phật nói với chúng ta, A-di-đà Phật lần này ở tại thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật là ứng hóa, giống như Thích-ca Mâu-ni Phật ba ngàn năm trước đến thế gian này của chúng ta là ứng hóa. Ứng hóa thân thì có thọ mạng, ứng hóa thân của Thích-ca Mâu-ni Phật tại thế gian này của chúng ta là tám mươi năm, trụ thế tám mươi năm. A-di-đà Phật tại thế giới Cực Lạc cũng là ứng hóa, tuy nhiên, sự ứng hóa của Ngài khác với sự ứng hóa của tất cả chư Phật. Ngay cả quốc độ của Ngài cũng là ứng hóa, thế giới Tây Phương Cực Lạc vốn là không có, là do Ngài biến hiện ra, chư Phật khác thì không có cách biến hiện này. Tất cả chư Phật khác tùy theo nghiệp lực của chúng sanh mà biến hiện, lại thêm vào nguyện lực của Phật. Trước tiên có nghiệp lực của chúng sanh, sau mới có nguyện lực của Phật. Thế giới Tây Phương là trước tiên do nguyện lực của A-di-đà Phật, sau đó do tịnh nghiệp của chúng sanh mà có. Cho nên tình hình này là hoàn toàn khác nhau. Nguyện của Phật lớn như vậy, phải độ tận chúng sanh có duyên trong tận hư không khắp pháp giới, nếu chưa độ tận chúng sanh thì Phật không thể đi. Điểm này quý vị đồng tu nhất định phải biết, Phật chưa độ hết số chúng sanh này thì Phật chưa thể đi. Vậy thế nào gọi là “độ hết” chúng sanh? Những ai có duyên thì được độ (những ai không có duyên thì không tính). Vậy thì những người nào có duyên với A-di-đà Phật vậy? Phàm là ai nghe được danh hiệu của A-di-đà Phật đều là có duyên, vậy là độ rồi. Bạn xem, hiện nay tín đồ Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo đều nghe được cả, phải không? Cho nên A-di-đà Phật phải trụ thế rất lâu, chờ đến khi họ hồi tâm chuyển ý, người người được độ thì Ngài mới thị hiện nhập Niết-bàn. Tận hư không khắp pháp giới hết thảy chư Phật Bồ-tát trong mười phương đều đang ở đó tuyên dương, đều đang giới thiệu cho mọi người, càng giới thiệu nhiều thì thọ mạng của A-di-đà Phật càng lúc càng dài, là đạo lý như vậy. Một người niệm Phật chưa vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật thì A-di-đà Phật không thể nhập Niết-bàn. Chúng ta niệm Phật nên yên tâm, dù kiếp này không thể vãng Sanh, song đời đời, kiếp kiếp chủng tử kim cang này vô lượng vô biên kiếp sau vẫn phải chín muồi, chín muồi thì A-di-đà Phật vẫn phải chờ ta đi.

Điều này là quý vị có duyên với A-di-đà Phật, bạn đã từng niệm một câu A-di-đà Phật thì bạn có duyên với Ngài. Còn chưa niệm thì sao? Hễ nhìn thấy sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật thì cũng là có duyên. Cho nên ở ngoài cửa, hàng chữ Nam-mô A-di-đà Phật lớn như vậy, những ai đi ngang qua đều nhìn một cái thì có duyên rồi, cho nên những ai có duyên đều phải được độ. Thọ mạng này trường cửu thì thật sự không thể tính đếm được, chúng ta từ trên sự và lý này mà quán sát thì biết được thọ mạng của Ngài là thật sự không có cách gì tính toán được.

Hựu hữu vô số Thanh Văn chi chúng.

(Lại có vô số chúng Thanh Văn).

Học trò của A-di-đà Phật rất nhiều, trong số học trò này chỉ nêu ra một loại Thanh Văn. Tây Phương không có Thanh Văn, loại Thanh Văn này trên thực tế tức là nói nhóm học trò tại thế giới Tây Phương đoạn kiến tư phiền não rồi, vẫn chưa phá trần sa vô minh (không bao gồm những Bồ-tát đã phá vô minh, cũng không bao gồm những phàm phu vẫn chưa đoạn kiến tư phiền não, trong ba loại này chỉ nói một loại). Chúng Thanh Văn này nhiều vô số.

Thần trí đỗng đạt, uy lực tự tại, năng ư chưởng trung trì nhất thiết thế giới.

(Thần trí thông đạt, năng lực tự tại, có thể nắm tất cả thế giới trong bàn tay).

Làm sao để hình dung thần thông đạo lực này? Cũng nêu ra một thí dụ, bàn tay của A-di-đà Phật có thể nắm giữ mười phương tất cả thế giới của chư Phật. Chúng ta thường biết Quán thế Âm Bồ-tát ngàn tay ngàn mắt, năng lực ấy quá rộng lớn. Ngàn tay ngàn mắt nếu nắm giữ tất cả thế giới của chư Phật thì Ngài không làm được, một tay nắm giữ một cái thì chỉ có thể giữ một ngàn cõi nước Phật, vẫn không đạt đến tất cả thế giới, thì bạn mới biết được thần lực của A-di-đà Phật vĩ đại biết mấy! Phía dưới có một tỉ dụ hiển thị thọ mạng lâu dài và số người ở thế giới Tây Phương nhiều.

Ngã đệ tử trung, Đại Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất.

(Trong hàng đệ tử ta, Đại Mục-kiền-liên có thần thông bậc nhất).

Chữ “ngã” là Thích-ca Mâu-ni Phật tự xưng, Thích-ca Mâu-ni Phật nói trong số học trò của Ngài thì Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất, đây là một trong mười đại đệ tử của Phật. Kỳ thật nhóm đệ tử này đều là cổ Phật và đại Bồ-tát tái lai, thị hiện đến để diễn kịch. Thích-ca Mâu-ni Phật đến để đóng vai chánh còn họ đến đóng vai phụ, giúp đỡ Thích-ca Mâu-ni Phật hoàn thành nhiệm vụ hóa độ chúng sanh. Kỳ thật đức năng của mỗi vị đều là bình đẳng. Xá-lợi-phất trí huệ đệ nhất, Xá-lợi-phất thần thông không bằng Mục-kiền-liên sao? Không phải vậy, là như nhau. Một vị chỉ có thể đại biểu cho một thứ thì dễ dàng biểu pháp, kỳ thật trí huệ đức năng của họ đều là viên mãn. Nhất là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là cổ Phật tái lai, sớm đã thành Phật rồi. Hiện tại Thích-ca Mâu-ni Phật dùng thân Phật để hóa độ chúng sanh, họ đến làm đệ tử của Phật, giống như A-nan, là cố ý “một hỏi một đáp” để đóng kịch, là ý nghĩa này.

Tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu nhất thiết tinh tú chúng sanh.

(Tất cả chúng sanh cùng tinh tú trong tam thiên đại thiên thế giới).

“Tinh tú”, ngày nay chúng ta gọi là tinh cầu. Trong ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả tinh cầu và chúng sanh trong tinh cầu là bao nhiêu?

Ư nhất trú dạ, tất tri kỳ số.

(Trong một ngày đêm biết hết số lượng).

Tôn giả Mục-kiền-liên dùng hai mươi bốn giờ thì tính ra được. Đại thiên thế giới lớn cỡ nào? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói dải Ngân Hà của chúng ta là một đơn vị thế giới, vậy ba ngàn đại thiên thế giới có bao nhiêu dải ngân hà? Một tỷ dải ngân hà, khoa học ngày nay vẫn chưa có biện pháp để đạt đến. Ngày nay nhà khoa học dùng phương pháp khoa học để quan sát trắc nghiệm, đại khái chúng ta biết được có đến mấy mươi dải ngân hà, một hai trăm dải ngân hà…, còn xa hơn nữa thì không biết. Một tỷ dải ngân hà là một cái tam thiên đại thiên thế giới. Bên trong đó, tất cả những tinh cầu và tất cả những chúng sanh trong tinh cầu, Mục-kiền-liên trong hai mươi bốn giờ thì tính ra được, thật là phi thường! Ngày nay máy tính điện tử cũng không tính ra được. Thần thông của Đại Mục-kiền-liên đích thật vượt hơn các nhà khoa học, dụng cụ khoa học không làm được như Ngài, lấy đây làm thí dụ. Chúng ta lại xem tiếp.

Giả sử thập phương chúng sanh.

(Giả sử chúng sanh trong mười phương).

Điều này thật là phi thường! Mười phương vô lượng vô biên thế giới, trong các thế giới này, tất cả chúng sanh “tất thành Duyên Giác” (đều thành Duyên Giác) (đây là giả thiết, không phải thật, đều thành Bích-chi-Phật, sánh với A-la-hán còn cao cấp hơn).

Nhất nhất Duyên Giác”.

(Mỗi vị Duyên Giác).

Mỗi Bích-chi-Phật “thọ vạn ức tuế” (thọ vạn ức năm). Thọ mạng không giống như Mục-kiền-liên, Mục-kiền-liên thị hiện thọ mạng rất ngắn, giống như Thích-ca Mâu-ni Phật. Nếu thọ mạng của họ đều là vạn ức tuổi.

Thần thông giai như Đại Mục-kiền-liên.

(Đều có thần thông như Đại Mục-kiền-liên).

Năng lực thần thông thì giống như Đại Mục-kiền-liên. Mục-kiền-liên có thể trong 24 giờ tính ra được tất cả chúng sanh và tinh cầu trong một tỷ dải ngân hà, có năng lực lớn như vậy!

Tận kỳ thọ mạng.

(Suốt đời).

Thọ mạng của mỗi một người là vạn ức tuổi, không phải là một ngày một đêm.

Tận kỳ thọ mạng, kiệt kỳ trí lực tất cộng suy toán.

(Đem hết trí lực suốt đời cùng nhau tính toán).

Cùng nhau tính toán, một người tính không ra thì tất cả cùng nhau tính.

Bỉ Phật hội trung Thanh văn chi số, thiên vạn phần trung bất cập nhất phần.

(Trong ngàn vạn phần, chưa được một phần số lượng Thanh Văn trong Phật hội kia).

Số lượng Thanh Văn trong thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật trong ngàn vạn phần chưa đầy một phần, một phần của ngàn vạn vẫn chưa đến… Chúng ta biết được số đệ tử của A-di-đà Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nhiều đến không thể tính ra được. Chúng ta không thể tưởng tượng ra con số lớn đó rốt cuộc không thể tính tới trình độ nào! Nói như thế này thì chúng ta hiểu rằng thật sự không thể tính được.

Thí như đại hải thâm quảng vô biên.

(Ví như biển lớn sâu rộng vô biên).

Tiếp theo lại nêu ra một tỉ dụ. Bên ngoài đảo Singapore là biển lớn, cách tỉ dụ này rất gần gũi, biển lớn thì rất lớn.

Thiết thủ nhất mao, tích vi bá phần”.

(Nếu lấy một sợi lông, chẻ làm trăm phần).

Chữ “nhất mao” này là lông trên thân chúng ta, chúng ta nhổ một sợi lông, lông rất nhỏ, lại đem sợi lông chẻ thành một trăm phần, cái đó có thể phải dùng kính hiển vi để xem phải không? Nhục nhãn chúng ta nhìn không thấy.

Toái như vi trần”.

(Tán ra thành bụi).

Đây là đem một sợi lông chẻ thành một trăm sợi, vậy thật giống như là vi trần.

Dĩ nhất mao trần, triêm hải nhất trích, thử mao trần thủy, tỉ hải thục đa?

(Lấy một hạt bụi ấy thấm vào nước biển, một giọt nước biển, nước nơi bụi tóc ấy so với biển cả cái nào nhiều hơn?)

Đem hạt bụi lông đó nhúng vào trong nước biển một cái thì trên hạt bụi có một giọt nước, giọt nước này e rằng nhục nhãn chúng ta không nhìn thấy được, phải dùng kính hiển vi để xem. Phật nói giọt nước này so sánh với nước biển, cái nào nhiều hơn? Dĩ nhiên là biển nhiều rồi.

A-nan! Bỉ Mục-kiền-liên đẳng sở tri số giả, như mao trần thủy; Sở vị tri giả, như đại hải thủy.

(Này A-nan! Các vị “Mục-kiền-liên” kia, chỗ đếm biết được, như nước dính nơi bụi tóc, chỗ chưa được biết, như nước trong biển cả).

Câu “Bỉ Mục-kiền-liên” là thí dụ, tức là mười phương chúng sanh đều thành Duyên Giác, năng lực đều giống như Mục-kiền-liên, thọ mạng là vạn ức tuổi, mọi người cùng nhau để tính đếm số người của thế giới Tây Phương Cực Lạc, số người có thể tính ra được thì giống như nước trên hạt bụi lông, còn số người chưa đếm được thì giống như nước trong biển lớn. Đây là tỉ dụ thứ hai. Đây là trong ba hạng người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ nêu ra hạng Thanh Văn, tại sao vậy? Vì trong ba hạng người này thì Thanh Văn là ít nhất, số Bồ-tát và số người đới nghiệp vãng sanh là nhiều nhất. Nêu ra cái tỉ dụ tối thiểu, rồi lại thêm vào số người đới nghiệp vãng sanh, thêm vào số Bồ-tát chúng, vậy họ làm sao có thể tính ra được! Điều này thật là không thể nghĩ bàn!

Đoạn sau đây, thọ mạng thảy đều bao gồm trong đó:

Bỉ Phật thọ lượng.

(Thọ mạng của Phật).

Cũng là dài lâu, không thể tính được.

Cập chư Bồ-tát, Thanh Văn, thiên, nhân.

(Và chúng Bồ-tát, Thanh Văn, thiên, nhân).

Vừa rồi nêu ra thí dụ Bồ-tát, Thanh Văn, thiên, nhân, chỉ nói Thanh Văn (không có nói Bồ-tát và thiên, nhân bởi vì Bồ-tát, thiên, nhân thì nhiều, Thanh Văn ít nhất, giống như tỉ dụ phía trước).

Thọ lượng diệc nhĩ.

(Thọ mạng cũng vậy).

Đây là vô lượng thọ, tuy nói là vô lượng của hữu lượng, nhưng đối với khả năng đo lường của chúng ta thì thật sự là vô lượng. Ai có thể tính ra được cái hữu lượng này? Chỉ có chư Phật có thể biết, Bồ-tát trở xuống đều không biết, chúng ta phải biết điều này. Chớ nghĩ rằng A-di-đà Phật tương lai nhập Niết-bàn, chúng ta niệm Phật đến lúc chúng ta mạng chung thì A-di-đà Phật đã nhập Niết-bàn rồi, vậy thì hỏng cả phải không? Ai đến tiếp dẫn chúng ta, điều này mới là buồn cười! Người này thật là, thế sao gọi là Vô Lượng Thọ được? Họ ngỡ rằng A-di-đà Phật chẳng qua chỉ là mấy mươi tuổi, một trăm tuổi mà thôi, đây gọi là phỉ báng Phật, không biết ý nghĩa hai chữ “vô lượng”, đây là chuyện đại buồn cười!

Phi dĩ toán kế, thí dụ chi sở năng tri.

(Không thể lấy toán số, thí dụ mà biết được).

Sự “toán kế”, khi nãy đã nói rồi, mười phương chúng sanh đều thành Duyên Giác, năng lực đều giống như Mục-kiền-liên, cũng tính không ra được. “Thí dụ” là như nước biển so với nước trên lông mao trần cũng tỉ dụ không ra được, không phải toán số, tỉ dụ mà có thể biết được, đây là thọ mạng trường cửu không thể tính được.

Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.

A-di-đà Phật!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *