PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TẬP 25

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 25

LỄ PHẬT HIỆN QUANG ĐỆ TAM THẬP BÁT

PHẨM BA MƯƠI TÁM: LỄ PHẬT HIỆN ÁNH SÁNG

Trong phẩm kinh này, hai vị đạo sư của thế giới Tây Phương và thế giới Ta-bà chúng ta gia trì cho mọi người dự hội, khiến mọi người đều có thể thấy được y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây tức là tác chứng chuyển trong lần Tam Chuyển Pháp Luân này. Đây là đem chứng cứ ra cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta biết thế giới Tây Phương đích thật tồn tại, không phải là hư vọng. Tuy sự việc xảy ra cách đây ba ngàn năm rồi theo sự ghi chép của kinh điển, sự truyền thừa nhất định là có căn cứ, nhất định không phải là hư vọng, chúng ta phải tin sự ghi chép của kinh điển, tin tưởng lịch sử.

Phật cáo A-nan: “Nhược tào dục kiến Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, cập chư Bồ-tát, A-la-hán đẳng sở cư quốc độ””.

(Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Nếu các ông muốn thấy Đức Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng và cõi nước mà các Bồ-tát, A-la-hán v.v… đang ở”).

Đây là Thế Tôn ban cho mọi người trong hội lúc đó một sự khải thị, chúng ta hiện nay gọi là một đề nghị. Mọi người có muốn thấy “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” không? Tại chỗ này chúng ta biết được một biệt hiệu khác của A-di-đà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Biệt hiệu này cũng được hiển thị ra trong đề kinh, đây tức là A-di-đà Phật. “Cùng chư Bồ-tát, A-la-hán”, đây là học sinh của Di-đà ở thế giới Tây Phương. Trong hàng học sinh có những vị gọi như vậy đều là năng lực của bản thân họ, không nói Phật gia trì. Nếu nói Phật gia trì thì phàm là vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả đều bình đẳng. Nếu nói tự mình công phu tu chứng, nếu đã phá xong vô minh, “phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân” thì đây là Bồ-tát. Nếu chỉ phá kiến tư, vẫn chưa đoạn vô minh thì bằng với A-la-hán của thế giới phương khác. Cho nên danh từ này là gọi theo [công phu tu chứng] của chính họ. Nếu là Phật lực gia trì thì thảy đều bình đẳng cả, chỗ này chúng ta cần phải liễu giải, phải rõ ràng. “Cho đến cõi nước cư ngụ của các Ngài, tức là thế giới Tây Phương Cực Lạc”

Ưng khởi Tây hướng, đương nhật một xứ, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật”.

(Nên đứng dậy quay mặt về phương Tây, hướng mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ xưng niệm: Nam-mô A-di-đà Phật).

Đây là phương pháp Phật dạy cho mọi người, Phật giảng kinh mọi người đều ngồi đó nghe. Nếu bạn muốn thấy y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương thì bạn phải đứng dậy, mặt hướng về phương Tây nơi mặt trời lặn, cung kính, đảnh lễ, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Hai câu này đã nói rõ tam nghiệp thanh tịnh, tam nghiệp chân thành, tam nghiệp cung kính. Tam nghiệp này tức là thân khẩu ý, cái này thì có thể khởi tác dụng cảm ứng đạo giao. A-nan ở trong đại hội vô cùng lanh lợi, vừa nghe Phật nói như vậy thì Ngài lập tức từ chúng đứng dậy, động tác của Ngài nhanh hơn người khác.

A-nan tức tùng tòa khởi, diện Tây hiệp chưởng, đảnh lễ bạch ngôn: “Ngã kim nguyện kiến Cực Lạc thế giới A-di-đà Phật, cúng dường phụng sự, chủng chư thiện căn””.

(Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặt hướng về phương Tây, chắp tay đảnh lễ bạch rằng: “Con nay nguyện được thấy Đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc để cúng dường phụng sự, trồng các căn lành”).

Tôn giả A-nan ở phía trước đã từng nghe Thế Tôn giảng về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đã giới thiệu tường tận cho mọi người, cho nên Ngài vô cùng hoan hỷ muốn gặp Phật-đà, muốn thấy tình hình thù thắng của Tây Phương, lại còn phát nguyện cúng dường phụng sự, trồng các căn lành.

Đảnh lễ chi gian, hốt kiến A-di-đà Phật, dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm, như hoàng kim sơn, cao xuất nhất thiết, chư thế giới thượng”.

(Trong khi đảnh lễ, Tôn giả bỗng thấy Đức Phật A-di-đà có thân tướng cao lớn, sắc tướng đoan nghiêm như núi vàng ròng, cao vượt hơn tất cả thế giới).

Từ chỗ này chúng ta thấy được cảm ứng rất nhanh, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Bạn xem, A-nan vừa mới lạy xuống, còn chưa đứng dậy thì A-di-đà Phật nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc đã hiện ra trước mặt Ngài, Ngài thấy được A-di-đà Phật. “Dung nhan” là dung mạo, nhan sắc đã rộng lại lớn. Trong bài kệ tán Phật, “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, tán thán báo thân của Phật. Thân tướng của Phật hiện ra thì giống “như hoàng kim sơn” ở giữa hư không. Thân Phật hiện ra sắc vàng, “cao xuất nhất thiết chư thế giới thượng”. Đương nhiên tất cả chư Phật trong mười phương thế giới lúc bấy giờ cũng hiện ra, không những thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc mà cũng thấy được cả mười phương thế giới của chư Phật. Chúng ta xem phần dưới thì sẽ rõ.

Hựu văn thập phương thế giới, chư Phật Như Lai, xưng dương tán thán A-di-đà Phật chủng chủng công đức, vô ngại vô đoạn”.

(Lại nghe chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới xưng dương tán thán các thứ công đức của Đức Phật A-di-đà, vô ngại vô cùng).

Do đây có thể biết Thế Tôn trong lần hội này giới thiệu cho chúng ta đó là không sai, mười phương chư Phật quả thật đã đến làm chứng minh, tất cả chư Phật đều tán thán, giống như Đức Bổn Sư tán thán A-di-đà Phật không khác. Đức Bổn Sư tán thán thế nào? Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật giảng Tịnh Độ tam kinh, trong Tịnh Độ tam kinh tán thán A-di-đà Phật, tất cả chư Phật Như Lai cũng tán thán như vậy. Trong đây có một câu tán thán tối thù thắng, chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ, đó là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (tôn quý nhất trong các quang minh, là vua trong các Đức Phật), đây là tán thán A-di-đà Phật đến cực điểm rồi. Chư vị có thể lưu tâm để lĩnh hội ý nghĩa này: A-di-đà Phật là vua trong các Đức Phật, vậy thì Kinh Vô Lượng Thọ cũng nhất định là vua trong các kinh, là cùng một đạo lý. Danh hiệu Di-đà là danh hiệu của mười phương tất cả chư Phật Như Lai, bạn phải biết được ý nghĩa này. Khổng lão Phu Tử nói: “Nêu một điều”, chúng ta phải suy ra được ba điều còn lại thì bạn mới thấy được bộ kinh điển này là pháp môn thù thắng không gì sánh bằng! Sau đó chúng ta mới bỗng nhiên đại ngộ, tại sao từ xưa đến nay rất nhiều vị Đại Đức đến tuổi xế chiều tiếp xúc đến pháp môn này thì tất cả thảy đều buông xuống hết? Chuyên niệm Kinh A-di-đà, chuyên niệm A-di-đà Phật? Đạo lý là ở chỗ này vậy. Họ đã thật sự minh bạch, thật sự rõ ràng rồi. Nếu họ không rõ ràng thì làm gì chịu buông xuống! Chúng ta nói làm sao xả được, buông xuống? Khi thật sự rõ ràng minh bạch rồi thì ra là vua trong các kinh, vua trong các Đức Phật, chúng ta không quy y Ngài thì quy y ai đây?

Câu này thật hiếm có, “vô ngại vô đoạn”“vô ngại” là không có chướng ngại, tức là tất cả sự tán thán của chư Phật, tận hư không khắp pháp giới đều nghe được rõ ràng minh bạch, đây là vô ngại. Còn “vô đoạn” tức là chư Phật Như Lai tán thán A-di-đà Phật từ trước đến nay không có gián đoạn. Do đây có thể biết, tất cả Như Lai ở tận hư không khắp pháp giới diễn thuyết Kinh Vô Lượng Thọ chưa từng gián đoạn. Phật giảng tại nơi đây, đến một địa phương khác cũng giảng, bất luận đến địa phương nào cũng không gián đoạn. Cứ lấy Thích-ca Mâu-ni Phật mà nói, khu giáo hóa của Thích-ca Mâu-ni Phật là ba ngàn đại thiên thế giới, nếu theo ý kiến của ông Hoàng Niệm Tổ thì ba ngàn đại thiên thế giới lớn cỡ nào? Là một tỉ hệ ngân hà. Phật ở nơi chúng ta đây đã giảng rồi, có thể Ngài đã lần lượt đến các tinh cầu khác để giảng chưa từng gián đoạn.

A-nan bạch ngôn:”.

(Tôn giả A-nan bạch Phật:).

Tôn giả A-nan thấy được bèn thưa với Thế Tôn rằng:

Bỉ Phật tịnh sát đắc vị tằng hữu”.

(Cõi Phật thanh tịnh kia thật là chưa từng có).

Ngài cũng đã thấy cõi nước của mười phương chư Phật, tất cả đều không sánh bằng thế giới Cực Lạc trang nghiêm. Thế giới Cực Lạc tối thù thắng, tối trang nghiêm là gì? Chúng ta phải rõ ràng, tuyệt đối không phải cái trang nghiêm trên sự thọ dụng của vật chất. Nếu nói trên vật chất, đây là theo sự thọ dụng của lục trần mà nói, Thế Tôn nói với chúng ta, những Phật quốc trang nghiêm hơn thế giới Tây Phương Cực Lạc rất nhiều. Thế giới Tây Phương không bằng. Vậy thì nó trang nghiêm như thế nào mà khiến tất cả chư Phật tán thán như vậy? Đó là trang nghiêm của giáo học, trang nghiêm của chứng quả, thế giới của chư Phật không có. s A-duy-việt-trí Bồ-tát, điều này không dễ. A-duy-việt-trí là Thất Địa trở lên. Như phàm phu chúng ta đây, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc liền làm Thất Địa Bồ-tát, điều này không thể nghĩ bàn! Tất cả thế giới của chư Phật đều không có. Ở quốc độ phương khác, tu hành thành Phật phải mất ba đại a-tăng-kỳ kiếp, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, còn thế giới Tây Phương Cực Lạc? Chúng ta thử tính xem, đại khái chỉ cần ba kiếp, bốn kiếp thì thành Phật rồi. Ba kiếp, bốn kiếp cùng ba a-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp thì không thể sánh nổi. Tỉ như muốn học một môn nào đó, người ta phải học hai ba trăm năm không xong, còn nơi A-di-đà Phật kia hai ba giờ là học xong, là ví cho sự nhanh chóng như vậy. Tất cả thế giới của chư Phật đều không có, cho nên chư Phật tán thán.

A- nan thấy được nên “ngã diệc nguyện nhạo sanh ư bỉ độ”.

(Con cũng nguyện thích sanh về cõi đó).

Vậy bây giờ chúng ta hỏi: “Tôn giả A-nan hiện nay đang ở đâu?” “Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Vì sao? Ở chỗ này thấy được Ngài phát nguyện cầu sanh. A-nan là người truyền thừa Giáo Hạ của Thế Tôn, chúng ta được biết tam tạng kinh điển là do Ngài kết tập, là do Ngài truyền xuống. Ngài lại là người truyền thừa của Thiền Tông, Ngài là tổ thứ hai của Thiền Tông. Thiền Tông là Thế Tôn truyền cho Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp truyền cho A-nan, cho nên A-nan cũng là người truyền thừa của Thiền Tông. “Ngài hiện nay đang ở đâu?” “Ngài ở thế giới Tây Phương Cực Lạc”. “Làm sao bạn biết được?” “Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói Ngài phát nguyện cầu sanh Tây Phương, cho nên đây là chứng minh”.

Thế Tôn cáo ngôn: “Kỳ trung sanh giả, dĩ tằng thân cận vô lượng chư Phật, thực chúng đức bổn””.

(Đức Thế Tôn nói: “Những người sanh về cõi đó đã từng thân cận vô lượng Đức Phật, trồng nhiều gốc công đức”).

Chúng ta phải ghi chặt đoạn kinh văn này vào lòng, hạng người nào được vãng sanh? Trong đời quá khứ “dĩ tằng thân cận vô lượng chư Phật, thực chúng đức bổn”. Chúng ta ở phía trước thấy được A-xà vương tử cùng năm trăm trưởng giả, họ ở trong đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật (bốn mươi tỉ Phật). Chư vị thử nghĩ, đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, nghe Đức Thích-ca Mâu-ni Phật giảng Kinh Vô Lượng Thọ, vẫn chưa phát tâm muốn vãng sanh, chỉ khởi một niệm hy vọng họ tương lai thành Phật giống như A-di-đà Phật, vẫn không có ý muốn vãng sanh. Vậy thì thiện căn của Tôn giả A-nan vượt hơn họ, A-nan có ý muốn vãng sanh, vừa mới nghe qua là Ngài khởi niệm muốn vãng sanh. Chúng ta ngày nay có duyên, duyên chín muồi rồi, duyên gì vậy? “Dĩ tằng thân cận vô lượng chư Phật, thực chúng đức bổn”, làm sao biết được cái duyên này chín muồi? Chúng ta cũng đã phát ý niệm vãng sanh, đặc biệt hơn nữa là một niệm vãng sanh mạnh mẽ, quyết liệt, muôn duyên đều buông xuống, nhất tâm niệm Phật. Đây tức là bạn từ vô lượng kiếp đến nay đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, cái thiện căn trong đời này đã chín muồi. Trong Kinh Di-đà nói rất hay: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (không thể với ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước kia). Chúng ta trước kia niệm Kinh Di-đà, không biết trong kinh nói “thiểu thiện căn”, “thiểu” đến trình độ nào? Nói đến con số tương đương, con số tương đương này cuối cùng là bao nhiêu? Chúng ta không biết. Vừa niệm Kinh Vô Lượng Thọ thì biết được. Vậy chúng ta biết được ít nhất phải vượt hơn bốn trăm ức Phật. Bạn trong đời quá khứ đã cúng dường hơn bốn trăm ức Phật, bạn mới hơn A-xà-thế vương tử, bạn mới có cái ý niệm vãng sanh này. Cho nên pháp môn này, chúng ta khuyên người, người ta không tiếp nhận, không hết lòng tu hành, chúng ta gật đầu. Vì sao? Vì rất bình thường, không lạ lùng chút nào, nếu họ nghe rồi đều tin, muốn phát nguyện vãng sanh. Ôi chao! Người này phi thường lắm, vì sao? Chúng ta biết thiện căn của họ chín muồi rồi, vả lại là thiện căn không thể nghĩ bàn. Nếu thiện căn không chín muồi thì không khởi tâm ấy được. Đây là thiện căn số một của thế gian, tôi thường nói phước báo số một của thế gian, nếu không có thiện căn phước báo số một thì họ không thể động niệm, động tâm đối với pháp môn này. Có mấy người có được thiện căn phước báo số một? Đây là đạo lý nhất định. Cho nên pháp môn này là pháp môn khó tin, chúng ta phải trân quý nhân duyên này.

“Thực chúng đức bổn”, chữ “đức bổn” này tức là kết duyên với A-di-đà Phật rồi, bạn mới có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Nhữ dục sanh bỉ, ưng đương nhất tâm quy y chiêm ngưỡng”.

(Ông muốn sanh về cõi đó thì phải nhất tâm quy y, chiêm ngưỡng).

Câu này quan trọng, đây là Thích-ca Mâu-ni Phật dạy Tôn giả A-nan phương pháp vãng sanh. A-nan muốn vãng sanh, phía trước Thế Tôn chứng minh cho Ngài, Ngài trước kia đã từng thân cận vô lượng chư Phật, thiện căn đã chín muồi, vậy làm sao đi đây? Phương pháp nói ở đây đơn giản hơn Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh Quán Vô Lượng Thọ có thể nói là sự thuyết minh tường tận của câu này, phải nên nhất tâm quy y. “Quy” là gì? “Y” là gì? Buổi chiều hôm nay, đạo tràng chúng ta đã cử hành lễ quy y, tôi thấy có đến hơn ba trăm vị đồng tu, thật là phi thường. Quý vị nhất tâm quy y chiêm ngưỡng A-di-đà Phật, tương lai hơn ba trăm người này đều vãng sanh, hơn ba trăm vị Phật xuất thế, việc này thật là phi thường. Chúng ta quy y, có một cuốn băng ghi âm, trước kia các đồng tu bên này phát tâm làm thành đĩa CD, hy vọng mọi người có thể nghe thêm nhiều lần. Trước kia có vài đồng tu nghe từ băng ghi âm rồi viết ra, tốt nhất là nghe băng ghi âm, tại đây có băng ghi âm. Chữ “chiêm ngưỡng” tức là niệm Phật. Bởi vì trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về phương pháp niệm Phật có ba cách: Quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật và trì danh niệm Phật. Cách quán tưởng và quán tượng đều thuộc về chiêm ngưỡng. Ở đây Thế Tôn không dùng niệm Phật mà dùng chiêm ngưỡng, dụng ý này sâu vô cùng! Có thể kết hợp với niệm Phật, chúng ta phải liễu giải nghĩa chân thật của nó. Ý nghĩa này tức là: Niệm Phật thì trong tâm nhất định phải có Phật, miệng niệm Phật mà trong tâm không có Phật thì cách ấy không có lợi ích chi cả. Người xưa chế giễu những hạng người này, nói rằng: “Hét bể cuống họng cũng uổng công”. Tại sao vậy? Là vì không tương ưng. Nhất định Tâm, Nguyện, Giải, Hành phải tương ưng với Phật. Như vậy mới là chân chánh niệm Phật, đây mới là thật sự chiêm ngưỡng.

Tác thị ngữ thời, A-di-đà Phật, tức ư chưởng trung phóng vô lượng quang, phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới. Thời chư Phật quốc, giai tất minh hiện, như xứ nhất tầm”.

(Lúc Đức Phật Thích-ca đang nói lời ấy, trên tay Đức Phật A-di-đà liền phóng ra vô lượng tia sáng chiếu khắp thế giới chư Phật, cõi nước chư Phật thảy đều hiện rõ như ở trước mắt).

Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta cùng A-di-đà Phật câu thông (kết nối) nhanh biết mấy! Thế Tôn vẫn chưa nói hết lời thì A-di-đà Phật liền phóng quang. Các Ngài câu thông phối hợp vô cùng ngầm hợp ý, rất đầy đủ. Sự phóng quang này chứng minh những gì Thế Tôn nói là không sai, phương pháp của Phật dạy cũng không sai. “Phổ chiếu nhất thiết chư Phật thế giới”, đồng thời trong Phật quang cũng xuất hiện vô lượng vô biên thế giới chư Phật. “Giai tất minh hiện”“minh” là rõ ràng minh bạch, hiện rõ ở trước mắt. “Như xứ nhất tầm”, đây là khoảng cách rất ngắn, nói cách khác, là ngay trước mắt, bạn có thể thấy được rất rõ ràng minh bạch. Chữ “nhất tầm” là dài bao nhiêu? Nó là đơn vị của độ dài thời xưa. Cách đo lường, tám thước gọi là nhất tầm, mười thước gọi là nhất trượng. Cự ly chỉ xa cách có tám thước, vậy đương nhiên bạn thấy rất rõ ràng minh bạch.

Dĩ A-di-đà Phật thù thắng quang minh, cực thanh tịnh cố”.

(Do quang minh thù thắng của Đức Phật A-di-đà vô cùng thanh tịnh).

Phật quang chiếu rọi vào. Chúng ta bình thường thấy ánh sáng là từ mặt trời, mặt trăng, ánh đèn… phát ra những làn sóng ánh sáng. Những làn sóng ánh sáng có độ dài dài hơn hoặc ngắn hơn những làn sóng ánh sáng kể trên thì chúng ta không nhìn thấy. Điều đó cho thấy rằng nhục nhãn của chúng ta có năng lực vô cùng có hạn, vật thấy được không nhiều, còn Phật quang thì không thể nghĩ bàn! Hiện nay nhờ vào dụng cụ khoa học, chúng ta biết được có quang tuyến X, có tia hồng ngoại …, chúng có độ dài làn sóng khác nhau. Những làn sóng ánh sáng này có thể chiếu xuyên qua vật chất, có thể xuyên qua thân người. Làn sóng ánh sáng của Phật thì kỳ diệu hơn, ánh sáng này vừa chiếu, chúng ta không cần dùng dụng cụ cũng thấy được tất cả tình trạng bên trong lục đạo luân hồi của thế gian này. Phật tại trong kinh nói với chúng ta, thế gian này có Hắc Sơn, Tuyết Sơn, Kim Cang, Thiết-vi, chúng ta cũng đều không thấy được, ánh sáng của Phật vừa chiếu vào thì tất cả thảy đều hiện rõ.

Ư thử thế giới, sở hữu Hắc sơn, Tuyết Sơn, Kim cang, Thiết-vi đại tiểu chư sơn, giang hà, tùng lâm, thiên nhân cung điện”.

(Ở thế giới này, tất cả Hắc sơn, Tuyết Sơn, Kim Cang, Thiết-vi, các núi lớn nhỏ… sông suối, rừng cây, cung điện của trời, người).

Đây là cung điện của chư thiên Sắc Giới và Dục Giới.

Nhất thiết cảnh giới, vô bất chiếu kiến”.

(Tất cả cảnh giới đều sáng rõ).

Bao gồm cả ngạ quỷ đạo và địa ngục đạo, tất cả đều xuất hiện ở trong Phật quang. Phật nói không sai, A-nan cùng mọi người đến dự hội đều đích thân thấy được. Cho nên đoạn này kể như là bằng chứng của lịch sử, ngày nay chúng ta xem thấy bằng chứng của lịch sử thì sao lại không tin chứ! Tiếp theo là tỉ dụ.

Thí như nhật xuất”.

(Như mặt trời mọc).

Đây là đem Phật quang tỉ dụ cho mặt trời mọc.

Minh chiếu thế gian”.

(Chiếu sáng khắp thế gian).

Trong đêm tối chúng ta nhìn không thấy các cảnh giới, khi mặt trời mọc lên thì chúng ta nhìn thấy, đây giống như Phật quang xuất hiện thì chúng ta đều thấy được thế giới của chư Phật và lục đạo luân hồi.

Tiếp theo bổ sung,

Nãi chí Nê-lê”.

(Cho đến địa ngục).

“Nê-lê” tức là địa ngục, chúng ta cũng nhìn thấy được địa ngục.

Khê cốc u minh chi xứ”.

(Khe hang, chỗ tối tăm).

Chữ “u minh” là chỉ cho ngạ quỷ đạo. Còn bên trong “khê cốc” là gì? Là chỗ cư trú của loài rồng, rồng ở trong súc sanh đạo. Có rất nhiều chúng sanh mà nhục nhãn chúng ta không thấy, nhờ Phật quang mà chúng ta cũng nhìn thấy được.

Tất đại khai tịch, giai đồng nhất sắc”.

(Thảy đều sáng rõ, đồng một màu sắc).

Phật quang chiếu rọi đến, đều được ánh sáng của Phật gia trì, tất cả chúng sanh đều được lợi ích thù thắng.

Do như kiếp thủy di mãn thế giới, kỳ trung vạn vật, trầm một bất hiện”.

(Như thời kiếp thủy tai nước tràn đầy cả thế giới, vạn vật trong đó chìm ngập).

Đây là tỉ dụ, giống như thế giới động vật, thực vật của thế gian này, chủng loại rất nhiều, nếu bị chìm trong nước thì chỉ thấy màu sắc của nước, ngoài ra đều không thấy. Ở trên nói “giai đồng nhất sắc”, dưới ánh kim quang của Phật chiếu rọi, tất cả cảnh giới đều biến thành sắc vàng. Tỉ dụ này chúng ta không khó hiểu lắm, chúng ta đeo kính râm màu đỏ thì cảnh giới hiện ra giống như mạ lên màu đỏ, đeo kính màu xanh đều nhìn thấy là màu xanh, mắt kính màu lục nhìn thấy đều là màu lục. Ánh kim quang của Phật chiếu ra, tất cả cảnh giới đều hiện thành sắc vàng, đây là nghĩa này.

Hoảng dạng hạo hãn, duy kiến đại thủy”.

(Thăm thẳm mênh mông, chỉ thấy toàn là nước).

Dùng nước để làm tỉ dụ.

Bỉ Phật quang minh, diệc phục như thị”.

(Quang minh của Phật kia cũng chiếu khắp như vậy).

Phật quang cũng giống như vậy, nhìn thấy tất cả cảnh giới đều là sắc vàng. Nói đến chỗ này Phật phóng quang, Bồ-tát phóng quang, La-hán cũng phóng quang, ánh sáng lớn nhỏ đương nhiên khác nhau, tuy nhiên nhãn quan của phàm phu chúng ta rất cạn, phàm phu nhìn thấy đại khái đều như nhau, bởi vì tâm lượng chúng ta không rộng lớn. Yêu quỷ ma quái cũng biết phóng quang, ánh sáng của ma cũng là kim sắc, ma cũng có tu trì, cũng có đại phước báo, ánh sáng của chúng cũng là sắc vàng. Quang minh của ma khác với Phật quang ở chỗ là khi bạn tiếp xúc đến kim quang của Phật, trên thân cảm giác vô cùng vui sướng, vô cùng thoải mái, ánh sáng nhu nhuyễn, không làm xốn mắt. Còn ánh sáng sắc vàng của ma làm xốn mắt như ánh mặt trời vậy, khi tiếp xúc đến trên thân thấy khó chịu, cảm giác không thoải mái. Giống như những ngày nóng bức đứng dưới mặt trời không thấy thoải mái, ánh sáng làm xốn mắt, dù cùng là sắc vàng. Từ chỗ này có thể phân biệt, ánh sáng cũng có sự phân biệt tà chánh, bên trong ý nghĩa rất sâu, rất rộng, chư vị phải rất bình tĩnh để quan sát, bạn có thể khai trí huệ.

Thanh Văn, Bồ-tát nhất thiết quang minh, tất giai ẩn tế, duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách”.

(Tất cả quang minh của Thanh Văn, Bồ-tát đều bị lu mờ, chỉ thấy hào quang sáng ngời rực rỡ của Đức Phật).

Đoạn này cũng là một cuộc so sánh, Thanh Văn là A-la-hán, Bồ-tát thì bao gồm Đẳng Giác Bồ-tát, rất gần với quả vị Phật. Tuy nhiên ánh sáng của Bồ-tát, ánh sáng của Thanh Văn, Duyên Giác, dưới ánh Phật quang của Di-đà thì hoàn toàn không còn nữa, không hiển hiện ra. Tỉ như ánh đèn rất sáng nhưng dưới ánh mặt trời thì ánh đèn không còn nữa, vì sao thế? Ánh thái dương quá mạnh, ánh sáng của đèn không hiện ra. Cũng vậy, ánh sáng của Bồ-tát dưới ánh Phật quang thì giống như ánh sáng con đom đóm sánh với mặt trời.

Thử hội tứ chúng, thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng, giai kiến Cực Lạc thế giới chủng chủng trang nghiêm”.

(Hàng tứ chúng trong pháp hội, thiên long bát bộ, người và phi nhân v.v… đồng thấy các sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc).

Cho nên hội này thật sự là không thể nghĩ bàn! Thế Tôn không những đã làm một báo cáo tường tận về y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, nào ngờ tại chỗ này, A-di-đà Phật đã xuất hiện, làm một chứng minh khiến cho mọi người đều thấy được điều Thế Tôn đã nói. Điều này là được sự gia trì của Thế Tôn hai cõi, A-di-đà Phật gia trì đại chúng, Thích-ca Mâu-ni Phật gia trì đại chúng.

“Thử hội tứ chúng”“tứ chúng” là nói hai chúng xuất gia: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni và hai chúng tại gia: Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (chúng ta gọi là nam cư sĩ, nữ cư sĩ). Trừ bốn loại này ra, đạo tràng nơi Phật giảng kinh đều có thiên long bát bộ tham dự, họ không chỉ là hộ pháp mà cũng đến nghe kinh. Đạo tràng này của chúng ta cũng không ngoại lệ, cũng có Bồ-tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ. Nhục nhãn chúng ta không thấy được họ nhưng họ thấy được chúng ta. Tất cả đều đã thấy được A-di-đà Phật cùng với thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho đến nhóm đệ tử của Di-đà, những hoạt động của họ, thảy đều thấy được hết những trạng huống này, giống như Thế Tôn đã nói ở phía trước.

A-di-đà Phật, ư bỉ cao tòa”.

(Đức Phật A-di-đà ở trên tòa cao).

A-di-đà Phật ngồi trên giảng đài.

Uy đức nguy nguy, tướng hảo quang minh, Thanh Văn, Bồ-tát vi nhiễu cung kính”.

(Uy đức lồng lộng, tướng hảo quang minh, các hàng Thanh Văn, Bồ-tát cung kính vây quanh).

Thấy được Thế Tôn nói pháp, đây cũng tức là tình hình của pháp hội, “Bồ-tát cung kính vi nhiễu”, đây cũng là chỗ chư Phật tán thán, cũng là siêu thắng đệ nhất, nói rõ “thầy trò hợp đạo”. A-di-đà Phật là thầy, ngoài ra là học trò, thầy chân thành từ bi nhiệt tâm chỉ dạy, còn học trò chân thành thân cận, cung kính học tập, đối với thầy không có tơ hào hoài nghi, một trăm phần trăm thuận theo, có thể y giáo phụng hành. Tình hình này cũng là ít thấy trong thế giới của chư Phật. Năm xưa, Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta, trong pháp hội giảng kinh vẫn có một số đệ tử hoài nghi, phản đối. Người cầm đầu là Đề-bà-đạt-đa, Đề-bà-đạt-đa cũng quy y Thích-ca Mâu-ni Phật, cũng là đệ tử thế độ thọ giới của Thích-ca Mâu-ni Phật. Ông dẫn đầu một nhóm kẻ gây rối, chuyên môn phá phách gây rắc rối cho Phật, chuyên môn ở ngoài làm những việc xấu, làm bại hoại vinh dự của tăng đoàn. Bạn xem, vẫn còn hạng đệ tử này. Thích-ca như vậy thì chư Phật khác cũng không ngoại lệ. Duy nhất A-di-đà Phật thì không có loại học trò này, mọi người đều là học trò tốt, cho nên đây cũng là sự trang nghiêm, thù thắng không gì sánh bằng của A-di-đà Phật.

Thí như Tu-di sơn vương, xuất ư hải diện, minh hiện chiếu diệu, thanh tịnh bình chánh, vô hữu tạp uế, cập dị hình loại, duy thị chúng bảo trang nghiêm, Thánh Hiền cộng trụ”.

(Như núi Tu-di chúa đứng giữa biển cả. Thân Phật chiếu rõ sáng ngời, thanh tịnh bình chánh, không có tạp uế và hình loại quái dị, chỉ có các thứ báu trang nghiêm, Thánh Hiền chung ở).

Đây là tỉ dụ giống như núi Tu-di, nó không phải là núi Tu-di thông thường, nó là núi Tu-di chúa. Chúng ta được biết, Phật ở trong kinh nói một đơn vị thế giới có một núi Tu-di, tam thiên đại thiên thế giới có một tỉ đơn vị thế giới. Nói cách khác thì có một tỉ ngọn núi Tu-di, đương nhiên mỗi núi Tu-di có độ cao không thể nào hoàn toàn là như nhau. Chúng ta ở thế giới này có tâm khác nhau, cho nên hoàn cảnh y báo khác nhau, nhân tâm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc như nhau, sao lại như nhau? Trong tâm của mỗi người là A-di-đà Phật, ngoài A-di-đà Phật không có niệm thứ hai, không có niệm bồn chồn lo lắng. Cho nên tâm của mỗi người đều thanh tịnh, hiện ra thế giới thanh tịnh bình đẳng. Vậy thì ở trong tình hình không bình đẳng, các núi Tu-di ấy nhất định cũng lớn nhỏ khác nhau. Còn núi Tu-di chúa, trong một tỉ ngọn núi Tu-di, nó là lớn nhất, nêu ra cái tỉ dụ này. Núi Tu-di vượt khỏi mặt biển. Núi Tu-di không có trên địa cầu này của chúng ta, cho nên chúng ta không thể đem núi Hy Mã Lạp Sơn cho là núi Tu-di. Nếu bạn cho núi này là núi Tu-di thì có rất nhiều chỗ giảng không thông. Phật nói với chúng ta, phía bắc của núi Tu-di là Bắc Câu-lư-châu là một nơi có phước báo lớn nhất của thế gian này. Bắc Câu-lư-châu ăn mặc đều tự nhiên, con người không cần lao động, làm lụng, ăn mặc đều tự nhiên. Còn thọ mạng là một ngàn tuổi, không có đoản mạng. Chúng ta hiện nay xem ngọn núi cao nhất trên địa cầu này là Hy Mã Lạp Sơn, phía bắc của Hy Mã Lạp Sơn là Tây Tạng, người Tây Tạng không sống đến một ngàn tuổi, điều này chứng minh núi Tu-di không ở trên địa cầu này của chúng ta. Có thể núi Tu-di là trung tâm của dải ngân hà của chúng ta, đây là cách nói của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, nói cũng rất có đạo lý. Những gì trong kinh Phật nói đều là cảnh giới hiện lượng của Phật, hạn lượng là chính mắt thấy được, không phải là suy đoán, không phải là trong mơ. Năng lực của nhục nhãn của phàm phu chúng ta quá nhỏ bé. Khi nãy đã nói, trong vô lượng làn sóng ánh sáng, chúng ta chỉ thấy được một đoạn nhỏ, ngoài đoạn nhỏ này, dài hơn thì không thấy, ngắn hơn cũng không thấy. Mắt của Phật thì thấy được rõ ràng minh bạch tất cả vô lượng làn sóng ánh sáng.

Cho nên thế giới mà Ngài nhìn thấy với thế giới chúng ta nhìn thấy là khác nhau. Nếu y theo cái thấy của chúng ta, y theo tâm lượng của chúng ta mà suy đoán cảnh giới của Phật thì quá đỗi sai lầm, vậy Phật có thể gạt chúng ta chăng? Phật không gạt chúng ta, tại sao vậy? Vì chúng ta có thể chứng minh cảnh giới của Phật, tức là chúng ta phải làm cách nào để đột phá năng lượng của lục căn của chúng ta. Tỉ như ngày nay mắt của chúng ta có thể thấy được làn sóng ánh sáng này, làm cách nào đột phá khiến cho chúng ta cũng có thể thấy được làn sóng dài hơn và ngắn hơn làn sóng này. Chúng ta với Phật hoàn toàn như nhau, chúng ta có thể đột phá được chăng? Được. Dùng phương pháp gì để đột phá? Phật nói với chúng ta là dùng định, dùng định công. Phật nói năng lực của chúng ta đã mất, nguyên nhân nào làm mất nó?

Vốn năng lực của chúng ta hoàn toàn như Phật, bây giờ đã mất rồi, vì sao bị mất? Phật trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Đây là nói toạc ra gốc bệnh của chúng ta, chúng ta bởi vì có vọng tưởng, có chấp trước, cho nên năng lượng của chúng ta biến thành nhỏ bé như thế, thật là đáng thương! Giả sử chúng ta đoạn dứt tất cả vọng tưởng, chấp trước thì năng lực liền được khôi phục. Lời chỉ dạy của Phật đối với tất cả chúng sanh không có gì khác, không ngoài phá vọng tưởng, chấp trước mà thôi.

Chư vị nhất định phải hiểu rõ, đã là phá vọng tưởng chấp trước, tại sao Phật trong nhiều kinh điển lại dạy chúng ta chấp trước, dạy chúng ta vọng tưởng? Đây là Phật nói với người sơ học. Điều này phải biết, đối với người sơ học gọi là “lấy độc công độc”! Cho nên “trạch thiện cố chấp” (chọn việc thiện rồi giữ vững việc thiện ấy). Phật giáo chế định nhiều giới luật, bảo bạn tuân thủ, đó là chấp trước, đó là lấy độc công độc, phía trước không phải đã nói rồi sao? “Dĩ thiện công ác”. Bạn biết được nghĩa này là tầng thứ nhất trong giáo học, tương lai lại hướng lên trên, càng hướng lên trên thì cái chấp trước, vọng tưởng kia càng ngày càng trở nên thoáng hơn.

Đến hội Hoa Nghiêm thì hoàn toàn bung mở. Trong hội Hoa Nghiêm thì “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, là pháp giới vô chướng ngại. Hơi có một tí chấp trước thì đây là chướng ngại. Hoa Nghiêm đến pháp giới vô chướng ngại, đó là cách tu hành cao cấp nhất. Khổng lão Phu Tử nói, ông đến lúc bảy mươi tuổi thì “tùy tâm sở dục” (tùy lòng ưa muốn) nhưng không vượt quy củ, cái “tùy tâm sở dục” ấy thì giống như “sự sự vô ngại”. Tuy là “sự sự vô ngại” mà mọi việc đều hợp quy tắc, mọi việc đều như pháp độ, không phá hoại pháp luật, phá hoại chế độ, mọi việc đều tự tại, đã nhập vào cảnh giới này rồi vậy. Cho nên tầng thứ là phải hướng lên trên, không ngừng thăng tiến là đúng, không thể ngưng lại chấp trước vào một giai đoạn. Giống như chúng ta đi học, năm nay học lớp một, lớp một cũng không tệ, thầy cũng rất tốt, học trò cũng rất tốt, không muốn lên lớp nữa, có hạng người này hay không? Hy vọng sang năm vẫn học lớp một, năm tới nữa vẫn học lớp một, đó tức là ngu si! Đó là sai rồi. Sang năm phải học lớp hai, sang năm nữa thì học lớp ba, hướng lên trên mà đi thì phía dưới xả bỏ hết. Phần dưới không chịu xả, cứ mãi không chịu buông xuống, vậy nói một cách khác, bạn sẽ dậm chân tại giai đoạn này, cảnh giới của bạn không thể thăng tiến. Chúng ta phải hiểu rõ điều này, phải biết lý luận của việc Phật dạy học, ý thú của giáo học, phương pháp của giáo học.

Phật nói với chúng ta núi Tu-di là do tứ bảo làm thành, cho nên núi này có thể phóng ra ánh sáng. “Vô hữu tạp uế, cập dị hình loại”, không có hình loại tạp khác, nó rất trang nghiêm, rất chỉnh tề. “Duy thị chúng bảo trang nghiêm, Thánh Hiền cộng trụ”, ở lưng chừng núi Tu-di là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương, trên đỉnh núi Tu-di là nơi cư trú của Đao-lợi Thiên vương, còn gọi là trời ba mươi ba. Trong đó có Thánh, có Hiền, có Bồ-tát, có chư Phật hóa hiện, cho nên nói là Thánh Hiền cộng trụ.

A-nan cập chư Bồ-tát chúng đẳng, giai đại hoan hỷ, dũng dược tác lễ”.

(Tôn giả A-nan và các chúng Bồ-tát v.v… đều rất vui mừng hớn hở làm lễ).

Đoạn lớn phía trước là Tôn giả A-nan ghi lại cảnh tượng long trọng lúc Đức Di-đà hiện thân phóng quang. “A-nan cập chư Bồ-tát chúng đẳng, giai đại hoan hỷ”, Ngài A-nan thấy được cảnh giới này vô cùng hoan hỷ.

Dĩ đầu trước địa, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Tam-miệu Tam Phật-đà”.

(Cúi đầu sát đất, xưng niệm Nam-mô A-di-đà Tam-miệu Tam-Phật-đà).

Đây là xưng niệm danh hiệu của A-di-đà Phật. “Tam-miệu Tam-Phật-đà” là Chánh Đẳng Chánh Giác, đây là Nam-mô A-di-đà Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu chúng phiên dịch sang tiếng Hoa thì là như vậy, đây là cung kính, lễ bái xưng niệm.

Chư thiên nhân dân, dĩ chí quyên phi nhuyễn động, đổ tư quang giả, sở hữu tật khổ, mạc bất hưu chỉ. Nhất thiết ưu não, mạc bất giải thoát, tất giai từ tâm tác thiện, hoan hỷ khoái lạc”.

(Chư thiên nhân dân cho đến các loài bò bay máy cựa thấy được hào quang ấy thì tất cả bệnh khổ đều ngưng dứt, mọi sầu lo phiền não đều được giải thoát, thảy đều có từ tâm làm lành, vui mừng sung sướng).

Chữ “chư thiên” bao gồm sáu tầng trời Dục giới và mười tám tầng trời Sắc giới, đều thấy được ánh sáng. “Quyên phi nhuyễn động”, súc sanh, đây là những động vật nhỏ như muỗi, kiến… Phàm được Phật quang chiếu thẳng vào, chúng đều có được lợi ích. Dưới ánh sáng của Phật, nỗi đau khổ của chúng được dừng lại nửa chừng, sanh tâm hoan hỷ. “Ưu não”, tức là ưu bi, khổ não, dưới ánh Phật quang cũng dừng lại. “Mạc bất giải thoát”, chữ “giải” này là cởi mở tâm niệm, gọi là cởi mở nút thắt trong tâm, phiền não tiêu trừ rồi, đây gọi là “giải”. Còn “thoát” là lìa xa khổ não. “Tất giai từ tâm tác thiện”, lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ, đều có thể sanh khởi tâm từ bi, đều muốn làm việc tốt, hoan hỷ khoái lạc. Người được lợi ích cạn hay sâu đương nhiên không giống nhau, nguyên nhân không giống nhau ở chỗ nào? Mỗi chúng sanh có nghiệp lực, tập khí khác nhau, người có nghiệp lực nhẹ, tập khí mỏng thì có được lợi ích lớn. Ngược lại, người có phiền não nặng, tập khí sâu, thì được lợi ích nhỏ. Tóm lại, không có ai không có được lợi ích.

Đoạn dưới đây là nói về sự cúng dường thiên nhạc.

Chung, khánh, cầm, sắt, không hầu nhạc khí, bất cổ tự nhiên giai tác ngũ âm”.

(Những nhạc khí như chuông, khánh, cầm, sắt, không hầu không đánh đều tự nhiên phát ra ngũ âm).

Chữ “cổ” là cổ động, chúng ta ngày nay gọi là diễn tấu, không có người diễn tấu, tự nhiên có âm nhạc tại không trung. “Ngũ âm”, nói theo bây giờ tức là nhạc giao hưởng, bởi vì nó có nhiều thứ nhạc khí. Đây là cúng dường thiên nhạc.

Chư Phật quốc trung, chư thiên nhân dân, các trì hoa hương, lai ư hư không, tán tác cúng dường”.

(Chư thiên và nhân dân trong các cõi Phật khác đều đem hoa hương đến giữa hư không rải xuống cúng dường).

Đây là thiên nhân của các Phật quốc khác rải hoa cúng Phật, mọi người cũng thấy được thế giới Tây Phương, thấy được các cõi Phật khác, là một bức họa vô cùng sống động. Tất cả thảy đều thấy được Phật, Bồ-tát, tất cả mọi người cùng tình hình sinh hoạt của họ.

Nhĩ thời Cực Lạc thế giới, quá ư Tây Phương bá thiên câu-chi na-do-tha quốc, dĩ Phật uy lực, như đối mục tiền”.

(Bấy giờ thế giới Cực Lạc ở phương Tây cách xa cả trăm ngàn vô lượng ức cõi nước, nhờ uy lực của Phật mà thấy rõ như ở trước mắt).

Thế giới Tây Phương Cực Lạc cách thế giới Ta-bà chúng ta mười vạn ức Phật quốc độ, “bá thiên câu-chi na-do-tha”, tức là mười vạn ức Phật quốc độ, khoảng cách xa như thế đó. Thích-ca Mâu-ni Phật dùng thần lực của Ngài khiến cho chúng ta thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, như đang ở trước mắt chúng ta.

Như tịnh thiên nhãn, quán nhất tầm địa”.

(Như được tịnh thiên nhãn, thấy như khoảng tám thước).

“Thiên nhãn” vô cùng rõ ràng thanh tịnh, mắt chúng ta nhìn khoảng cách tám thước cũng nhìn thấy rất rõ ràng, không cần đến tịnh thiên nhãn, đây tức là nói nhìn được vô cùng kỹ lưỡng, rõ ràng.

Bỉ kiến thử độ, diệc phục như thị”.

(Đại chúng ở cõi Cực Lạc cũng lại như vậy).

Chúng ta thấy họ, họ có thấy chúng ta hay không? Họ cũng thấy chúng ta giống như chúng ta thấy họ. Hai bên có thể đối thoại, đây quả thật là không thể nghĩ bàn!

Tất đổ Ta-bà thế giới Thích-ca Như Lai cập Tỳ-kheo chúng, vi nhiễu thuyết pháp”.

(Đều thấy Đức Thích-ca Như Lai ở thế giới Ta-bà này và chúng Tỳ-kheo vây quanh nghe pháp).

Họ cũng thấy được Thích-ca Mâu-ni Phật giảng Kinh Vô Lượng Thọ, mọi người đang vây quanh để nghe. Người của thế giới Cực Lạc thấy được tình hình hoan hỷ này, những người của mười phương thế giới chư Phật cũng đều thấy được. Vậy chúng ta hỏi, hiện tại họ có thấy được hội này của chúng ta hay không? Đương nhiên là thấy được, nhất định là như vậy. Phật và người trời nơi quốc độ ấy thấy được đạo tràng này của chúng ta, nghe được đạo tràng này của chúng ta, biết được chúng ta hiện tại đang làm gì. Không chỉ như vậy mà cũng biết được trong tâm mỗi người đang nghĩ gì. Cho nên không thể suy nghĩ bậy bạ, tôi nói với quý vị đó đều là lời thật. Chúng ta có thể xem đoạn kinh văn này như là kiến chứng lịch sử, hiển thị thế giới Tây Phương Cực Lạc mà Thế Tôn nói đó là chân thật bất hư. Tôn giả A-nan vừa trông thấy thì liền muốn đi, chúng ta hiện nay không muốn đi, cho nên không thấy được, không nghe được. Ngày nay xem đến đoạn kinh văn này thì như là thấy được rồi, Ngài A-nan thấy được rồi, chúng ta cũng thấy được rồi.

TỪ THỊ THUẬT KIẾN ĐỆ TAM THẬP CỬU

PHẨM BA MƯƠI CHÍN: TỪ THỊ THUẬT CHỖ THẤY

Di-lặc Bồ-tát đến làm chứng, chứng minh lời Thích-ca Mâu-ni Phật đều chân thật, giúp cho chúng ta đoạn nghi sanh tín.

Nhĩ thời Phật cáo A-nan, cập Từ Thị Bồ-tát”.

(Bấy giờ Đức Phật bảo tôn giả A-nan và Từ Thị Bồ-tát).

Hai vị này đều là người đương cơ của pháp hội.

Nhữ kiến Cực Lạc thế giới, cung điện, lâu các, tuyền trì, lâm thụ, cụ túc vi diệu, thanh tịnh trang nghiêm phủ?”.

(Các ông có thấy cung điện, lầu gác, ao hồ, rừng cây đầy đủ vi diệu, thanh tịnh trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc không?).

Hỏi họ, các ông có nhìn thấy rõ ràng thế giới Tây Phương Cực Lạc, cung điện, lầu gác, chỗ cư trú của Phật, cung điện lầu gác, chỗ cư trú của mọi người, ao bảy báu, nước tám công đức, bảy tầng hàng cây, bảy tầng lưới báu không? Đây là sự trang nghiêm trên mặt đất.

Nhữ kiến Dục giới chư thiên, thượng chí Sắc Cứu Cánh thiên, vụ chư hương hoa, biến Phật sát phủ?”.

(Các ông có thấy chư thiên ở cõi Dục cho đến cõi trời Sắc Cứu Cánh rải các hoa hương khắp cõi Phật không?).

Đây là sự trang nghiêm trên không trung. Trên không trung có người trời Dục giới, người trời Sắc giới rải hoa để cúng dường Phật cùng mọi người. Chỗ này tôi sợ mọi người hoài nghi, chúng ta không phải đã nói rồi sao? Thế giới Tây Phương là Đại Thừa trong Đại Thừa, Nhất Thừa trong Nhất Thừa, sao lại có trời Dục giới, Sắc giới? Nếu có trời Dục giới, Sắc giới thì không phải đã biến thành lục đạo rồi sao? Câu hỏi này rất hay! Những người trời này đều là do A-di-đà Phật biến hóa ra, không phải thật là người trời trong lục đạo đến rải hoa. Người trời của lục đạo sao có thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc được? Thế giới Tây Phương Cực Lạc có nhiều loại chim, như trong Kinh Di-đà nói: bạch hạc, khổng tước, anh vũ… đều có thể nói chuyện, đó đều là A-di-đà Phật biến hiện ra, không phải là súc sanh đạo. Thật là do A-di-đà Phật biến hóa ra, nhóm người trời này cũng đều như vậy, đây là trang nghiêm của không trung.

A-nan đối viết: “Dụy nhiên dĩ kiến””.

(Tôn giả A-nan bạch rằng: “Thưa phải! Chúng con nhìn thấy”).

“Dụy nhiên” là đáp một cách rất cung kính, Phật vừa hỏi thì trả lời, “Thưa phải! Đã thấy rồi”.

Nhữ văn A-di-đà Phật đại âm tuyên bố nhất thiết thế giới, hóa chúng sanh phủ?”.

(Các ông có nghe tiếng lớn của Đức Phật A-di-đà truyền khắp tất cả thế giới để giáo hóa chúng sanh không?).

Ở trên là thấy sắc tướng, còn đây là nghe âm thanh, “A-di-đà Phật ở đó giảng kinh thuyết pháp các ông có nghe thấy hay không?”. A-di-đà Phật đang giáo hóa chúng sanh đấy! Những chúng sanh ở đây tức là đại chúng vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bởi vì ngoại trừ Phật ra, đều xưng là chúng sanh, hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới. Thế giới Tây Phương chỉ có Bồ-tát, Bồ-tát cũng là chúng sanh.

A-nan đối viết: “Dụy nhiên dĩ văn””.

(Tôn giả A-nan bạch rằng: “Thưa phải! Chúng con có nghe”).

A-di-đà Phật giảng kinh thuyết pháp, mọi người trong khi nghe kinh nhất định cũng nêu lên câu hỏi, cũng có thảo luận, điều này không cần nói kỹ, tình hình này chúng ta có thể liên tưởng đến được, A-nan đều nghe được cả, A-nan biểu thị mọi người đều nghe được cả, mọi người đều thấy được cả.

Phật ngôn: “Nhữ kiến bỉ quốc tịnh hạnh chi chúng, du xử hư không, cung điện tùy thân, vô sở chướng ngại, biến chí thập phương cúng dường chư Phật phủ?””.

(Đức Phật bảo: “Các ông có thấy chúng tịnh hạnh ở cõi Cực Lạc dạo trong hư không, cung điện tùy thân, không bị chướng ngại, đến khắp mười phương cúng dường chư Phật không?”).

Đây là bổn nguyện của Di-đà, Phật nói ở trong Kinh Di-đà, ở đây lại làm chứng minh cho chúng ta: “Ông có thấy mọi người của thế giới Tây Phương Cực Lạc không? Họ được xưng là “tịnh hạnh”. Phàm người sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là tu hành tịnh nghiệp, điều này chúng ta phải biết rõ ràng minh bạch. Chúng ta tu tịnh nghiệp mới có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu bạn ở thế gian này tu thiện nghiệp mà không phải là tịnh nghiệp, tương lai chỉ có thể ở tại ba đường thiện hưởng phước, niệm Phật cũng không thể vãng sanh, tại vì sao? Vì nghiệp của bạn không tịnh. Thế giới Tây Phương được xưng là Tịnh Độ, điều này phải rất rõ ràng, rất minh bạch! “Tịnh” như thế nào? Tâm thanh tịnh, tâm làm sao thanh tịnh? Đối với thế gian này không có một tơ hào nhiễm ô thì tâm bạn sẽ thanh tịnh. Chúng ta hằng ngày niệm Phật, ở trước mặt Phật Bồ-tát phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, hằng ngày đều niệm kệ hồi hướng “nguyện sanh Cực Lạc quốc”, tuy nhiên tâm không thanh tịnh, thân không thanh tịnh thì không thể vãng sanh. Trong kinh có nói, chúng ta trong đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, tại sao không thể vãng sanh? Vì tâm không thanh tịnh, hạnh không thanh tịnh, hạnh là hành vi sinh hoạt biểu hiện ở bên ngoài, tâm là bên trong, trong ngoài đều không thanh tịnh, niệm Phật hồi hướng chỉ có thể kết cái duyên với A-di-đà Phật mà thôi! Đi không được.

Nếu trong đời này nhất định muốn đi thì nhất định trong ngoài đều thanh tịnh. Thanh tịnh của bên trong là đối với thế gian này, thế xuất thế gian pháp, Phật pháp thảy đều phải buông xuống. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát trong phần mở đầu của Tây Phương Xác Chỉ, Ngài nói với chúng ta, niệm Phật tối kỵ nhất là xen tạp, trong xen tạp bao gồm tụng kinh… Tỉ như chúng ta một lòng muốn cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta mỗi ngày niệm Kinh Kim Cang, niệm phẩm Phổ Môn, niệm Kinh Địa Tạng… niệm một đống lớn kinh, đây là xen tạp, không thể vãng sanh. Khi xen tạp thì tâm không thanh tịnh, vì sao không thanh tịnh? Quý vị tự mình bình tĩnh nghĩ lại thì biết ngay, không cần tôi phải nói nhiều. Trong thế gian pháp, những việc lo lắng bồn chồn rất nhiều, trong tâm buông không được, cái tâm này không thanh tịnh. Thế xuất thế gian pháp đều đã bị nhiễm ô. Nếu muốn đạt đến chỗ thanh tịnh thì thế xuất thế gian pháp thảy đều buông xuống, thân tâm thế giới tất cả đều buông xuống thì tâm của chúng ta mới có thể thanh tịnh. Buông xuống! Hãy nghe cho kỹ! Là bảo bạn buông xuống trong tâm, không phải bảo bạn buông xuống trên sự, sự vẫn cứ làm, nên làm gì để sống thì vẫn cứ làm việc đó. Sự vẫn làm mà trong tâm không tiêm nhiễm, vậy thì bạn làm những việc này, “đoạn tất cả ác” là làm việc đấy! “Tu tất cả thiện” cũng là làm việc đấy!

Tâm thanh tịnh rồi không nhiễm trước nữa thì việc này không gọi là thiện nghiệp mà gọi là tịnh nghiệp, đoạn ác tu thiện đều gọi là tịnh nghiệp. Làm được việc thiện rồi, trong tâm cứ khư khư nhớ mãi. Tôi đã quyên bao nhiêu tiền, làm bao nhiêu công đức, suốt đời suốt kiếp đều không quên, đó là thiện, không phải là tịnh, tâm bị ô nhiễm rồi. Phật dạy chúng ta, đặc biệt là trong Kinh Bát-nhã nói “tam luân thể không”. Khi làm phải hết lòng nỗ lực mà làm, nhất định không trước tướng, không chấp trước, tâm sạch sẽ, được vậy thì tâm thanh tịnh, hạnh cũng thanh tịnh, đây gọi là Bồ-tát đấy. Không phải đã thọ Bồ-tát giới thì là Bồ-tát, bạn không thọ Bồ-tát giới, chư Phật Bồ-tát nhìn thấy bạn đều cung kính, đều thừa nhận bạn là Bồ-tát. Thọ xong Bồ-tát giới mà thân tâm không thanh tịnh, người khác gọi bạn là Bồ-tát, tự mình cũng thấy là Bồ-tát, nhưng chư Phật Bồ-tát không thừa nhận, ngay đến quỷ thần cũng không thừa nhận bạn là Bồ-tát. Đây là giả, là mạo xưng Bồ-tát, không phải là thật. Không những không có lợi ích mà còn có tội lỗi. Không phải là Bồ-tát mà mạo xưng là Bồ-tát thì điều này kham không nổi đâu! Cho nên nhất định phải biết, phải tu thanh tịnh tâm.

Quyển kinh này hay lắm, trên đề kinh là thanh tịnh bình đẳng giác. Bạn thấy tiêu đề này rõ ràng, minh bạch biết mấy! Đơn giản, toát yếu, đây là ưu điểm lớn nhất của bộ kinh này. Vì sao chúng ta không đọc Hoa Nghiêm, không giảng Hoa Nghiêm? Nếu tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm với tốc độ như tôi giảng kinh này thì giảng bộ Kinh Hoa Nghiêm phải mất năm ngàn giờ. Người hiện nay có mấy ai có thời gian dài đến năm ngàn giờ để nghe một bộ Kinh Hoa Nghiêm. Cho dù không cần giảng kỹ, giảng đơn giản tóm tắt, muốn giảng Kinh Hoa Nghiêm viên mãn ít nhất cũng phải mất ba ngàn giờ. Hoa Nghiêm rườm rà lắm! Tường tận thì có tường tận, nhưng có vẻ quá dài dòng! Nắm không được cương lĩnh. Còn bộ kinh này hay lắm! Là cô đọng của Kinh Hoa Nghiêm, toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm tức là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm là cách nói chi tiết của Kinh Vô Lượng Thọ, nói tường tận hơn một tí, tuy nhiên, nếu quá tường tận thì nắm không được cương lĩnh. Tâm chúng ta quá thô, người thông minh, người tâm tinh tế thì được. Chúng ta tâm ý hời hợt như vậy thì không nắm được cương lĩnh của Kinh Hoa Nghiêm. Kinh này không quá dài, nếu còn chưa nắm được cương lĩnh của kinh này thì niệm Kinh A-di-đà tiểu bổn, Kinh A-di-đà so với kinh này thì dễ hơn, đơn giản hơn, mới có thể được thọ dụng. Điều này không thể không biết, một đời này của chúng ta có thành tựu được không? Then chốt là ở chỗ này, cho nên tịnh hạnh rất là quan trọng. Trong sinh hoạt hằng ngày, từ sáng thức dậy cho đến tối đi ngủ, xử thế đối người tiếp vật, ở trong đây tu hành tâm thanh tịnh, tu hạnh thanh tịnh. Bạn quả thật làm được rồi thì bạn trong đời này được vãng sanh nhất định là thượng phẩm, không phải trung hạ.

Tịnh hạnh là hạnh tu của Phổ Hiền Bồ-tát, không phải là Bồ-tát thông thường. Bất luận làm việc gì, thân tâm thanh tịnh, sự sự thanh tịnh, tâm thanh tịnh, ngữ thanh tịnh, hạnh thanh tịnh, không có một thứ gì không thanh tịnh, đây gọi là “tịnh hạnh chi chúng”. Tại thế giới Tây Phương Cực Lạc họ đều là Phổ Hiền Bồ-tát, họ đều tu Phổ Hiền hạnh, Phổ Hiền là cao cấp, Phổ Hiền hạnh là tối cao cấp. Chúng ta cũng đưa nó vào trong năm khoa mục tu hành. Giống như năm tầng lầu lớn, Phổ Hiền hạnh là tầng lầu cao nhất, ở phía dưới nó có nền móng. Vậy chúng ta phải nên tu cách nào? Chúng ta trước tiên tu tầng thứ nhất, tầng thứ nhất là gì? Là tam phước, chúng ta bắt đầu từ chỗ này mà tu.

Trong tam phước có mười một điều, phước thứ nhất có bốn điều: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Trong Kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm 33 đến phẩm 37 là phước thứ nhất. Phước thứ nhì có ba điều: Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Có thể thấy rằng phẩm 33 đến phẩm 37 bao gồm cả hai phần của tam phước. Tam Quy Y là gì? Nên hiểu rõ ràng minh bạch, nền tảng của Tam Quy Y là xây dựng trên nền tảng của hiếu thân tôn sư và Thập Thiện Nghiệp Đạo mà xây dựng nên Tam Quy Ngũ Giới, nếu không có cơ sở nền móng này (hiếu thân tôn sư và Thập Thiện Nghiệp Đạo) thì Tam Quy Ngũ Giới đều không có chỗ dựa. Giống như xây nhà lầu, không có tầng thứ nhất thì làm sao có thể xây tầng thứ hai? Điều này không thể không biết. Phước thứ ba là: Phát Bồ-đề tâm, đọc tụng Đại Thừa, thâm tín nhân quảkhuyến tấn hành giả.

Tầng thứ hai là tu Lục Hòa, sống chung với người như thế nào? Sống chung với mọi người, cái khó khăn nhất là sự câu thông ý kiến (trao đổi khơi thông ý kiến), việc này khó nhất. “Kiến hòa đồng giải” điều này khó nhất! Làm cách nào để chúng ta có thể kiến hòa đồng giải với mọi người? Người thông thường sau khi nghe rồi nhất định làm không nổi, có phải quả thật làm không nổi không? Quả thật làm không nổi! Phật dạy chúng ta cách nào để làm được? Tâm thanh tịnh thì làm được. Họ tranh ta không tranh thì ta liền hòa với họ ngay. Thanh tịnh có thể bao dung không thanh tịnh, không thanh tịnh không thể bao dung thanh tịnh. Lục Tổ nói: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”, thế gian có lỗi không? Lỗi rất nhiều! “Bất kiến” là gì? Không phải mắt bạn không thấy, không phải tai bạn không nghe, mắt cũng thấy, tai cũng nghe, tại sao không thấy? Vì tâm thanh tịnh không để ở trong tâm thì “kiến hòa đồng giải” rồi. Đồng với chư Phật Bồ-tát, không phải bảo bạn “đồng” với mọi người, “đồng” với chân tâm pháp tánh, bảo bạn “đồng” ở chỗ này, không bảo đồng với chúng sanh, không phải đồng với vọng tưởng, không phải đồng nơi phân biệt chấp trước… cái đó là vọng, không thể đồng được. Chúng ta phải “đồng” với “chân”, đồng với chân tâm, đồng với bản tánh… thì là được “đồng” rồi. Hễ cái này “đồng” thì năm cái sau liền được giải quyết, một tơ hào khó khăn đều không còn nữa.

“Giải đồng tu” thì sẽ thủ pháp, tất cả tự nhiên tuân thủ pháp tắc. “Thân đồng trụ”, đồng tại quốc độ này, đồng tại xã hội này. “Khẩu vô tranh” họ tranh, ta không tranh thì không có tranh. Khi gặp tranh luận, phương pháp này rất hay, họ nhìn bạn thấy trái mắt, mắng bạn thì bạn ngoan ngoãn nghe, họ mắng hai tiếng đồng hồ, mắng mệt rồi thì không mắng nữa, phải không? Vô sự! Vô sự! Cười thôi, vô sự! Phương pháp này thật hay! Người ta muốn đánh bạn, bạn đừng đánh trả, nhường cho họ đánh, đánh vài cái thì họ không đánh nữa. Bạn xem, đánh mà người ta không đánh trả thì sao? Không tiếp tục nữa. Hai người chửi nhau, hai người đánh nhau thì trình độ cao như nhau. Nếu một người cao một người thấp thì tuyệt đối vô sự! Có bao giờ bạn thấy một người già đánh lộn với em bé ba tuổi không? Chắc không thấy qua. Một người cao, một người thấp đánh cũng không được, mắng cũng không được. Một người tâm thanh tịnh, một người tâm ô nhiễm đánh cũng không được, cãi nhau cũng không được. “Khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân”, khó nhất là “kiến hòa đồng giải”, kiến giải phải giống nhau.

Hôm nay cách giảng của tôi với quý vị là đã thâm nhập thêm một tầng, điều này hoàn toàn đều là chân thật, lại hướng lên trên mới có thể thật sự học Phật, học Tam Học: Giới, Định, Huệ, lại học thêm Lục Độ của Bồ-tát, cấp cao nhất là Phổ Hiền Thập Nguyện. Phổ Hiền Thập Nguyện hoàn toàn từ thanh tịnh bình đẳng giác mà tu. Nếu không có thanh tịnh bình đẳng giác thì đâu có Phổ Hiền Thập Nguyện. Cho nên đó là cách tu hành tối cao cấp! Chúng ta mơ ước mong mỏi, chúng ta hiểu rõ, chúng ta làm từ tầng cơ bản nhất, hướng về mục tiêu này thì là đúng. Mọi bước đều chắc thật, cảm ứng của họ không thể nghĩ bàn!

“Du xử hư không”, tại sao họ có thể du hành trong hư không? Đạo lý ở chỗ nào? Vì họ vô tâm nên tự tại rồi. Chúng ta vì sao không thể du hành trong hư không? Vì trong tâm chúng ta có áp lực rất nặng nề ép xuống đất, phải không? Nặng thêm một tí nữa thì đi trở xuống rồi. Vậy làm sao có thể bay lên trên được? Không có áp lực thì thân nhẹ nhàng. Nếu bạn muốn thí nghiệm thì leo thang lầu sẽ biết ngay. Bạn từng bước từng bước lên tới lầu năm, bạn cảm thấy một thân nhẹ nhõm, giống như đang đi trên đất bằng thì chứng minh trong tâm bạn không có áp lực, tâm bạn khá thanh tịnh. Nếu khi đi lên, bước sau mệt hơn bước trước, lên tới phía trên thì thở hổn hển không đi nổi nữa thì biết phiền não của bạn rất nhiều, áp lực rất nặng. Nếu phải leo núi thì càng rõ ràng hơn, đây là thật, không phải giả. Chúng tôi trước kia ở Đài Trung khi lập Đại Chuyên Phật Học giảng tòa. Có một hôm thầy dẫn một số học sinh đi du ngoạn, lúc đó nơi du ngoạn gần nhất là núi Bát Quái Sơn ở Chương Hóa. Vào ba mươi năm về trước, Bát Quái Sơn chỉ có một con đường rất hẹp để lên phía trên, nhà cửa không nhiều. Thầy Lý dẫn đám đại học sinh trẻ tuổi leo núi, thầy Lý là người thứ nhất leo đến đỉnh núi, thầy đã ngoài 70 tuổi. Học sinh khi leo lên người nào cũng thở hổn hển. Thầy nói: “Xem kìa! Các bạn là đám trẻ con vô dụng, ta 70 tuổi rồi, lên đến đỉnh núi không thấy mệt, không thở hổn hển”. Tâm thanh tịnh, thân thể nhẹ, thân thể thanh tịnh leo núi như đi trên đất bằng.

Chúng ta thấy được chỗ này là quả, vậy bạn nghĩ xem đó là cái nhân gì? Là “tịnh hạnh” đấy! Thân tâm thanh tịnh, không có mảy may ô nhiễm, cảm thấy như “du xử hư không”“Cung điện tùy thân” là chứng minh “y báo chuyển theo chánh báo”, đây là sự chứng minh một trăm phần trăm. “Vô sở chướng ngại, biến chí thập phương cúng dường chư Phật phủ?”. Đây là nói về sự to lớn của không gian hoạt động, là mười phương thế giới, tận hư không khắp pháp giới là hoàn cảnh sinh hoạt của mọi người ở Thế giới Cực Lạc. Chúng ta đọc đến chỗ này đích thực là vô cùng hâm mộ, hâm mộ thì phải gấp rút mà đi. Chúng tôi từ Đài Loan bay đến đây hơn bốn tiếng đồng hồ, người ta không cần, chỉ trong một niệm liền đến ngay mười phương thế giới của chư Phật.

Cập kiến bỉ đẳng niệm Phật tương tục phủ?”.

(Và thấy họ liên tục niệm Phật không?).

Câu này là “tịnh niệm nối nhau”. Bạn xem, nhóm Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn niệm A-di-đà Phật, không có nói: “Chúng tôi niệm Phật sanh đến thế giới Cực Lạc thì không cần niệm A-di-đà Phật nữa”. Đã đến thế giới Cực Lạc mà vẫn niệm A-di-đà Phật, điều này thật là lạ lùng! “A-di-đà Phật nghe chúng ta luôn niệm Ngài, Ngài không thấy phiền sao?” Đây là một thứ vọng niệm của thế gian chúng ta. Kỳ thật câu “A-di-đà Phật” khi chúng ta thêm vào chữ “Nam-mô”, ý nghĩa của câu Nam-mô A-di-đà Phật là Quy Y Vô Lượng Giác. A-di-đà là vô lượng, Phật là giác, là Quy Y Vô Lượng Giác đấy! A-di-đà Phật nghe được cũng gật đầu, chính xác đấy! Niệm niệm không quên Quy Y Vô Lượng Giác. Chúng ta tất cả thời, tất cả chỗ phải giác mà không mê, A-di-đà Phật là ý nghĩa này, Ngài sao lại chán ghét chứ! Niệm đến thành Phật rồi, thành Phật vẫn niệm Phật hiệu này là vì sao? Là vì giáo hóa chúng sanh, chúng ta là nhờ pháp môn này mà thành tựu, mà thành Phật, vẫn lấy pháp môn này để độ chúng sanh, “tịnh niệm nối tiếp”.

Phục hữu chúng điểu trụ hư không giới, xuất chủng chủng âm, giai thị hóa tác, nhữ tất kiến phủ?”.

(Lại có các loài chim bay giữa hư không hót lên các thứ tiếng, đó là do Đức Phật biến hóa ra, ông có thấy hết hay không?).

Đều là A-di-đà Phật biến hóa ra, bạn có thấy không?

Từ Thị bạch ngôn: “Như Phật sở thuyết, nhất nhất giai kiến””.

(Ngài Từ Thị Bồ-tát bạch rằng: “Như lời Đức Thế Tôn nói, chúng con đều thấy tất cả”).

Di-lặc Bồ-tát ở chỗ này trả lời giống như Phật đã nói: “Từng việc từng việc chúng con đều thấy cả!” Không những thấy những thứ này, Di-lặc Bồ-tát còn thấy được ở thế giới Tây Phương Cực Lạc có một số người vẫn còn thọ khổ.

Phật cáo Di-lặc: “Bỉ quốc nhân dân hữu thai sanh giả, nhữ phục kiến phủ?””.

(Đức Phật bảo Di-lặc: “Nhân dân ở nước đó có thai sanh nữa, ông có thấy chăng?”).

Thế giới Tây Phương Cực Lạc có “thai sanh”, các ông có thấy không? Thai sanh này không phải thật, vẫn là liên hoa hóa sanh, chữ “thai” là hình dung chỗ khổ, thai sanh là khổ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có một số người vẫn đang sống trong những ngày tháng đau khổ. Thế Tôn đem nó tỉ dụ cho thai sanh, hỏi Di-lặc Bồ-tát: “Các ông có thấy chăng?” “Thấy rồi!” Di-lặc Bồ-tát cũng thấy được rồi.

Di-lặc bạch ngôn: “Thế Tôn! Ngã kiến Cực Lạc thế giới nhân trụ thai giả, như Dạ-ma thiên, xử ư cung điện””.

(Ngài Di-lặc bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con thấy người thế giới Cực Lạc ở trong thai như ở trong cung điện cõi trời Dạ-ma”).

Những người ấy vui sướng biết bao! Tuy là thọ khổ, thọ cái khổ gì vậy? Vì chưa thấy Phật, chưa được nghe pháp. Ngoại trừ chưa được thấy Phật nghe pháp ra, tình trạng sinh hoạt của họ thì vui sướng giống như người cõi trời Dạ-ma vậy (cõi trời Dạ-ma còn cao hơn một cấp so với cõi trời Đao-lợi). Vậy họ khổ ở chỗ nào? Không thấy Phật, khổ. Không nghe pháp, khổ. Không thấy Phật, không được nghe pháp thì họ không thể dạo trong hư không, cung điện tùy thân, không bị chướng ngại, đến khắp mười phương cúng dường chư Phật. Họ không làm nổi! Đây là ý nghĩa tỉ dụ cho thai sanh. Tại sao có tình trạng này? Phẩm phía sau thuyết minh tường tận. Thế Tôn vô cùng từ bi, hy vọng chúng ta chớ làm những loại chúng sanh này. Kỳ thật không thấy Phật, không được nghe pháp cũng chỉ là năm trăm năm mà thôi, năm trăm năm là năm trăm năm ở thế gian này của chúng ta, còn ở thế giới Cực Lạc thọ mạng của người là vô lượng, năm trăm năm đó có là bao! Cho nên cho dù có ở biên địa cũng rất là hạnh phúc, ta cũng chúc mừng họ, cũng thật hiếm có, cũng kể như là siêu việt lục đạo luân hồi rồi. Chẳng qua so với người chín phẩm vãng sanh kia thì trễ nải thêm một chút thời gian mà thôi.

Hựu kiến chúng sanh, ư liên hoa nội kiết-già-phu tọa, tự nhiên hóa sanh”.

(Lại thấy chúng sanh ngồi kiết-già ở trong hoa sen, tự nhiên hóa sanh).

Đoạn này là Di-lặc Bồ-tát thấy được những người niệm Phật thông thường được chín phẩm vãng sanh. Chín phẩm vãng sanh đều là liên hoa hóa sanh.

Hà nhân duyên cố, bỉ quốc nhân dân, hữu thai sanh giả, hữu hóa sanh giả?”.

(Do nhân duyên gì nhân dân ở cõi đó có hạng thai sanh, hạng hóa sanh?).

Kỳ thật, thai sanh vẫn là hóa sanh, xin chớ hiểu lầm, vì duyên cớ gì vậy? Vì duyên cớ gì mà có số người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thấy Phật thì nghe pháp, còn có một số người sanh đến thế giới Cực Lạc không thể lập tức thấy Phật nghe pháp?

Phẩm kinh phía sau nói rõ nguyên nhân, ở đây chúng tôi xin nêu lên sơ lược. Tâm họ chưa đoạn hết nghi hoặc, nếu chưa đoạn hết nghi thì họ làm sao có thể vãng sanh chứ? Họ không giống như kẻ khác. Họ có tâm thử thăm dò, “nghe nói Tây Phương tốt đẹp như vậy thì ta cứ cố gắng hết sức niệm Phật vãng sanh, không vãng sanh được thì thôi, vãng sanh được thì càng tốt!” Nếu tâm hoàn toàn khẳng định, không có một tơ hào hoài nghi thì họ là chín phẩm vãng sanh. Họ chưa đoạn nghi đối với chính mình hoặc đối với A-di-đà Phật, thế nên có một chút chướng ngại. Cho nên sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, họ không thể lập tức thấy Phật nghe pháp. Phật dùng thai sanh làm tỉ dụ. Nếu nói một cách nghiêm khắc: Tất cả những người vãng sanh bao gồm “thai sanh biên địa” đều là liên hoa hóa sanh. Thế Tôn nói rất rõ ràng, Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng. Chúng tôi ngày đầu tiên lúc giới thiệu đề kinh đã nói rõ rồi. A-di-đà Phật sở dĩ được xưng là vua của các vị Phật là vì những công đức, trang nghiêm của Ngài mà mười phương chư Phật không có, tức là dùng pháp bình đẳng độ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh, trên từ Bồ-tát dưới đến địa ngục, chúng sanh chín pháp giới làm sao có thể bình đẳng được chứ? Trong một pháp giới cũng có vô lượng khác biệt rồi, huống hồ là chín pháp giới, nhất định là không bình đẳng. Ngài dùng một pháp bình đẳng. Điều này trong thế giới của chư Phật không có.

Pháp bình đẳng gì? Là Tín, Nguyện, Trì Danh. Văn-thù, Phổ Hiền cũng là Tín, Nguyện, Trì Danh cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta ngày nay vẫn là dùng Tín, Nguyện, Trì Danh mà vãng sanh. Chúng ta với Văn-thù, Phổ Hiền khác biệt quá lớn! Tuy nhiên phương pháp vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc của chúng ta vẫn là giống nhau. Điều này là không thể nghĩ bàn! Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì quả bình đẳng. Ngài lấy pháp bình đẳng khiến tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Nhân bình đẳng, quả bình đẳng, trong tất cả kinh không có, trong tất cả thế giới không có. Cho nên Ngài được xưng là vua trong các vị Phật chính là do nguyên nhân này. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật gia trì cho người này khiến cho người này lập tức bằng với Thất Địa Bồ-tát trở lên. Hạng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng phút chốc được kéo đến cảnh giới Bồ-tát Thất Địa, hiển hiện ra trí huệ, thần thông đạo lực không có sai khác với nhóm Đại Bồ-tát Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Đây là vì sao? Vì oai thần của bổn nguyện A-di-đà Phật gia trì, cho nên không thể nghĩ bàn! Những người còn có tâm nghi mà vãng sanh, họ vẫn là Tín, Nguyện, Trì Danh, tức là trong tín có một tí hoài nghi: “Tôi cố gắng hết lòng nỗ lực niệm Phật, thiết tha cầu A-di-đà Phật”, tuyệt đối không hề thua kém những người nơi chín phẩm. Nhưng họ có một ý niệm đó là: “Được thì tốt, thì tôi được vãng sanh, không được thì thôi cũng không sao cả”. Chính vì một niệm như vậy, một vọng tưởng như vậy chưa đoạn mà họ sanh đến biên địa. A-di-đà Phật bình đẳng gia trì, tại sao họ không được? Vì họ có một niệm nghi tình này chưa đoạn, là nghiệp chướng của họ, làm chướng ngại sự gia trì của Phật lực. Nếu họ là người giác ngộ, đoạn niệm này rồi thì lập tức nhập phẩm. Năm trăm năm là thời gian dài nhất, có một số người đến bên ấy vài ngày thì họ giác ngộ, không còn hoài nghi, thì lập tức nhập phẩm rồi. Có một số người phải chờ đến vài năm, mấy mươi năm không chừng, dài nhất là năm trăm năm. Ngày mai chúng ta thảo luận đến đoạn này, đoạn này cũng rất lý thú.

Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.

A-di-đà Phật!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *