TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 23
“Kỳ ngũ giả, thế gian nhân dân tỷ ỷ giải đãi, bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp. Phụ mẫu giáo hối, vi lệ phản nghịch, thí như oán gia, bất như vô tử, phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường”.
(Điều thứ năm, người đời do dự, lười biếng, không chịu làm lành, sửa thân, tu nghiệp. Cha mẹ dạy bảo thì chống đối, trái nghịch như là oán gia, chẳng bằng không con. Phụ bạc ân nghĩa, không chút báo đền).
Đoạn văn này nói với chúng ta cái lỗi của uống rượu, đồng thời trong đoạn văn này, ý nghĩa rất rộng, cũng đề cập đến tham sân si, đây là tam ác của ý nghiệp. Do đây có thể biết, trong phẩm kinh này, không những nói đến ngũ giới mà cũng bao gồm luôn thập thiện. Tỉ như chúng ta đọc đến “vọng ngữ ác”. Trong vọng ngữ, Phật cũng nói đến bốn cái lỗi của miệng: ác khẩu, lưỡng thiệt, vọng ngữ, ỷ ngữ. Trên thực tế, kinh văn này rất viên mãn, đã bao gồm ngũ giới cùng với thập thiện nghiệp đạo. Khi chúng ta đọc đến phần kinh văn, vừa nêu ra một chút thì quí vị hiểu rõ ngay. Vừa mở đầu là nói về tạo nhân.
“Thế gian nhân dân tỷ ỷ giải đãi”, “tỷ ỷ” tức là tâm bất định, do dự không nhất định. “Giải đãi” là biếng nhác, bốn chữ này hình dung con người ở thế gian này, không có mục tiêu, không có phương hướng, do dự không dứt khoát, biếng nhác. “Bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp”, câu này tức là tục ngữ chúng ta thường nói “bất vụ chánh nghiệp” (bỏ việc chính làm việc phụ), “cẩu thả phóng dật” (cẩu thả phóng túng), không chịu làm những công việc chính đáng để mưu sinh. Đối với lời dạy bảo của cha mẹ thì “vi lệ”, tức là không muốn tiếp nhận. “Phản nghịch” thì càng nghiêm trọng, không những không tiếp nhận mà còn phản kháng. “Thí như oán gia, bất như vô tử”, khiến cho cha mẹ đối với con cái thật là thất vọng, bận tâm, âu lo vì con cái, không bằng không có con cái.
Từ chỗ này thấy được nỗi thất vọng của cha mẹ đối với con cái đã đạt đến mức độ đau lòng rồi. “Phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường”, phụ cái ân cha mẹ dạy dỗ, dưỡng dục. Họ không biết hiếu dưỡng cha mẹ, việc hiếu dưỡng cha mẹ là “nghĩa”, “nghĩa” là điều phải nên làm. Ngay cả động vật có những loài còn biết báo ân, chúng ta từ trong sách vở thấy được, loài quạ còn đút mồi lại cho cha mẹ, quạ kia đã già rồi thì quạ con ra ngoài tìm thức ăn về đút lại cho quạ già. Còn loài dê thì có “quỳ nhũ chi ân”, bạn xem, chú dê con khi bú sữa đều phải quì trước mặt mẹ nó. Còn con người thì như vậy, thật sự mà nói, không bằng cả loài vật.
“Phóng tứ du tán, đam tửu thị mỹ, lỗ hỗ để đột, bất thức nhân tình”.
(Phóng túng lêu lổng, thích uống rượu ăn ngon, lỗ mãng huênh hoang, càn quấy xung đột, không biết tình người).
Đoạn này là nói về tham, “phóng tứ du tán”, ham chơi đùa, “du thủ háo nhàn” (chơi bời lêu lổng). “Đam tửu thị mỹ”, đây là tham ăn, chữ “mỹ” ở chỗ này là chỉ cho mỹ vị, ưa thích uống rượu, ưa thích ăn ngon, đây là thuộc về tham sân si (tham ác), là ba nghiệp của ý. “Lỗ hỗ để đột”, chữ “lỗ” là thô lỗ, “hỗ” là ngang ngược hống hách, “để đột” là không thuận theo nhân tình, tức là sự chống đối khi nói chuyện, hoặc giả là trên ngôn ngữ, hoặc giả là trên thái độ. “Bất thức nhân tình”, không thông tình đạt lý.
“Vô nghĩa vô lễ, bất khả gián hiểu”.
(Chẳng chút lễ nghĩa, không thể khuyên can).
Nếu có thể tiếp nhận sự khuyên lơn của kẻ khác thì vẫn là khá, vẫn có thể hồi đầu, xong bạn khuyên những người này, họ không những không tiếp nhận mà còn chống đối, tức là họ dùng lời nói ác, thái độ xấu để đáp lại. Trong Phật pháp gọi là ngu si, nghiệp chướng rất nặng, không thể nghe người khuyến cáo.
“Lục thân quyến thuộc, tư dụng hữu vô, bất năng ưu niệm”.
(Lục thân, quyến thuộc dù no hay đói, chẳng thèm lo nghĩ).
Một người bình thường sẽ biết hiếu thuận với cha mẹ, đối với bạn bè thân thiết, biết thường quan tâm, họ thường nghĩ: “Cuộc sống của những người này hiện nay ra sao?”. “Lục thân quyến thuộc, tư dụng hữu vô, bất năng ưu niệm”, đối với người thân bạn bè, đều không có một chút quan tâm.
“Bất duy phụ mẫu chi ân”.
(Không nhớ ơn cha mẹ).
Chữ “duy” là tư duy, họ không nghĩ đến ơn dưỡng dục của cha mẹ.
“Bất tồn sư hữu chi nghĩa”.
(Không đoái nghĩa thầy trò bằng hữu).
“Tồn” là tồn niệm, “sư hữu chi nghĩa” (nghĩa của thầy trò bằng hữu), họ cũng không nhớ nghĩ đến lời thầy dạy dỗ như thế nào, trong tâm họ hoàn toàn không nhớ đến những lời khuyên chân thành của bạn bè tốt đối với họ.
“Ý niệm thân khẩu, tằng vô nhất thiện”.
(Thân khẩu ý chưa từng có một điều lành).
Đây là nói về ba nghiệp Ý, Thân, Khẩu, không có một nghiệp nào là thiện cả, nói một cách khác, đây thật sự là “tạo ác đa đoan”. Họ không có được một việc tốt nào đáng cho nguời tán thán. Trong đoạn này chúng ta thấy được Tham Ác.
“Bất tín chư Phật kinh pháp, bất tín sanh tử thiện ác”.
(Không tin Phật pháp, không tin sanh tử thiện ác).
Hai câu này là nói về ngu si, Phật là Đạo sư của hàng trời, người, đại thánh nhân của thế và xuất thế gian, Phật là bậc giác ngộ viên mãn. Ngài đều minh bạch, đều giác ngộ tất cả thật tướng của các pháp thế xuất thế gian. Ngài vì sao có thể giác ngộ cứu cánh viên mãn? Phật nói với chúng ta, vì tâm địa của Ngài thanh tịnh. Đối với mỗi chúng sanh, việc hiểu rõ giác ngộ tất cả pháp thế xuất thế gian là việc của bản năng, vốn nó là sự việc như vậy. Chúng sanh vì sao không giác, tại sao mê? Vì có vọng tưởng chấp trước, Phật đã buông xuống vọng tưởng chấp trước rồi, đoạn trừ hết rồi, cho nên bản năng này của Ngài tự nhiên khôi phục, không phải học được từ bên ngoài. Phật đem kinh nghiệm của Ngài nói với chúng ta, đem chân tướng sự thật nói với chúng ta. Hy vọng chúng ta cũng có thể nhanh chóng khôi phục lại bản năng của chính mình, hễ buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì năng lực này của chúng ta khôi phục rất nhanh. Phật pháp giáo hóa chúng sanh chỉ là như vậy mà thôi. Cho nên chúng ta phải tin những kinh mà Phật đã nói, phải tin phương pháp Phật đã chỉ dạy cho chúng ta, những lý luận cảnh giới mà kinh điển nói nhất định là chân thật, kinh điển truyền phương pháp tu học cho chúng ta nhất định là chính xác. Không tin thì đó là ngu si. Trước kia Thầy Lý có nói: “Không là ngu si thì là cuồng vọng”, cuồng vọng cũng là ngu si.
“Bất tín sanh tử thiện ác”, “sanh tử thiện ác” là sự thật đang bày ra trước mặt chúng ta, cái này tức là quả báo của lục đạo luân hồi. Thiện nhân, thiện hạnh nhất định có thiện quả, ác nhân, ác hạnh nhất định có ác báo của tam ác đạo, nhất định không thể tránh miễn được, điều này phải tin. Thật sự tin rồi, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, tự nhiên sẽ có “thu liễm” (bớt phóng túng), không dám tạo ác, tại vì sao? Tạo ác nhân thì ác báo theo sau đó thọ không nổi, đây tức là người thông minh, người có trí huệ. Người không thể tin, không thể tiếp thọ, đây là ngu si đến chỗ cùng cực!
“Dục hại chân nhân, đấu loạn Tăng chúng”.
(Muốn hại chân nhân, phá hòa hợp Tăng).
Hai câu này là Sân khuể. Từ tâm đố kỵ sanh ra sân khuể. “Chân nhân” là người có đạo đức, có tu hành. Họ nhìn không thuận mắt, muốn hại họ, phỉ báng họ. Tăng đoàn là đoàn thể truyền thừa và giữ gìn Phật pháp, Phật pháp ở tại thế gian, nhất định là lợi ích cho một phương này. Phần kinh văn phía sau nói rõ, địa phương nào không có Phật pháp thì chúng sanh sẽ khổ. Cho nên trong kinh điển thường đem Phật pháp tỉ dụ cho cây đèn sáng, ở trong tăm tối có một ngọn đèn sáng có thể chỉ dẫn phương hướng cho chúng ta. Họ muốn phá hòa hợp Tăng đoàn, đấu loạn Tăng chúng tức là phá hòa hợp Tăng đoàn, là sân khuể. Cho nên trong đoạn này nói về ba ác tham sân si.
“Ngu si mông muội”.
Đây là nói về nỗi đau của si ác.
“Tự vi trí huệ”.
(Tự cho là trí huệ).
Họ tự cho là thông minh, rất có trí huệ, đây là chúng ta thường nói “thế trí biện thông”, tự cho là đúng.
“Bất tri sanh sở tùng lai, tử sở thú hướng”.
(Không biết từ đâu sanh đến, chết sẽ đi về đâu).
Câu nói này của Phật rất hay! Bạn tự cho là thông minh, tự cho là đúng, bạn từ đâu sanh đến, sau khi chết đi đến nơi nào? Có biết hay không? Không biết, không biết tức là không phải chân trí huệ. Người thật sự có trí huệ biết được, chúng ta sanh từ đâu đến, sau khi chết đi đến nơi nào, rõ ràng minh bạch. Học Phật pháp, hơi có một chút tu dưỡng, thật sự có được một chút tâm đắc, đều sẽ không mê hoặc, đều phải rất rõ ràng. Vậy hiện nay chúng ta học Phật đã nhiều năm rồi, xem thấy câu này ta cũng không biết, ta cũng hồ đồ ngớ ngẩn. Nếu là tình hình này, vậy mấy năm nay chúng ta học đó là hồ đồ học Phật, tại sao học Phật rồi lại càng mê hoặc? Vì chưa rõ ràng. Điều này không những đồng tu chúng ta ngồi ở đây, những người học Phật một cách hồ đồ ngớ ngẩn quá nhiều mà người chân chánh học Phật có được mấy ai hiểu Phật Pháp rõ ràng? Những người hiểu rõ ràng không nhiều, nếu có nhiều người hiểu rõ ràng thì xã hội này không thể nói người học Phật chúng ta là mê tín. Hiện nay chúng ta ra ngoài đường rất nhiều người tuổi trẻ, phần tử trí thức gặp chúng ta thì nói mê tín, chúng ta gặp phải nỗi oan không thể minh bạch được, đây là lý do gì? Người thật sự hiểu rõ ràng, thật sự minh bạch rồi, không phải số nhiều, là số ít. Chúng ta phải cật lực hoằng dương, cũng tức là bảo chúng ta phải tận tâm tận lực vì mọi người trong xã hội mà nói rõ công đức lợi ích chân thật của Phật pháp. Chúng ta đều muốn sống rất khoái lạc, sống rất hạnh phúc, Phật pháp đích thật có thể giúp chúng ta đạt được điều này.
“Bất nhân, bất thuận, hy vọng trường sanh”.
(Bất nhân bất thuận lại muốn trường thọ).
“Nhân” là nhân từ, không có lòng nhân từ, họ cũng không thể tùy thuận mọi người, lại còn hy vọng trường thọ. Cho nên hạng người như vậy thì trong tâm là tràn đầy tham sân si. Hy vọng trường sanh là tâm tham đấy.
“Từ tâm giáo hối, nhi bất khẳng tín”.
(Thương xót khuyên bảo lại không chịu tin).
Ai dạy bảo họ? Là cha mẹ, sư trưởng. Đứa con dù hư hỏng đi nữa, cha mẹ vẫn quan tâm đến nó, vẫn thương yêu bảo hộ nó, vẫn chỉ dạy nó, tuy nhiên nó không tin, nó không tiếp nhận, thầy cũng như vậy. Hiện nay, ở thế gian này, sư đạo không còn nữa. Hiện nay ở nhà trường, quan hệ giữa thầy giáo và học trò so với quan hệ giữa thầy giáo và học trò trước kia có sự khác biệt rất lớn. Xưa kia, thầy quan tâm thương yêu bảo hộ học trò còn hơn cha mẹ. Vì sao? Vì muốn tìm một người để truyền thọ, tìm một truyền nhân [để truyền thừa] đạo đức học vấn của thầy. Không nhất định truyền cho con, nhưng lại truyền cho học trò, cho nên vô cùng xem trọng đạo học. Người học trò có thể truyền đạo thì [người thầy] nhất định còn quan tâm thương yêu bảo hộ hơn cả con cái của chính mình. Cho nên thầy trò như cha con vậy, có mối quan hệ sâu dày như vậy, tuyệt đối không phải là mối giao hảo thông thường. Người hiện nay không có phước báo này, hiện nay thầy giáo đến giờ thì vào lớp, hết giờ thì tan học, thầy giáo và học sinh không có tiếp xúc gì. Thầy giáo dạy học vì lý do gì? Là vì đồng lương. Vì sao học sinh đến cầu học? Vì điểm, vì thi cử, mỗi người có mục đích của riêng mình. Hai bên không hề quan tâm lẫn nhau.
Như tuổi của tôi đây thật kể như là rất có phước. Lúc nhỏ đi học, trong thời kỳ kháng chiến, chúng tôi rời xa quê nhà, không có cha mẹ chăm lo, nhà trường thu nhận thì thầy giáo thay thế cho cha mẹ, thầy chăm sóc đời sống của chúng tôi, cùng ở chung một nơi, trường học là một mái ấm gia đình. Chúng tôi đối với thầy, sự cảm niệm ân đức, nhớ nghĩ… thì người hiện nay không có cách nào tưởng tượng được. Thầy thảy đều chăm lo đến sinh hoạt hằng ngày [của chúng tôi]. Đêm đến thầy hai lần phải xách đèn lồng đến phòng ngủ của chúng tôi để xem, sợ học trò ngủ cựa quậy, đạp mền ra, thầy còn phải đắp lại mền cho bạn. Cho nên chúng tôi đối với thầy rất hoài niệm, rất cảm kích. Đây là “từ tâm giáo hối”, nếu không tin thì không tiếp nhận, việc này thì không còn cách chi nữa.
“Khổ khẩu dữ ngữ, vô ích kỳ nhân”.
(Đắng miệng nhọc lời cũng thành vô ích).
Cha mẹ và sư trưởng buốt lòng rát miệng nhiều lần dạy bảo, nhưng đối với họ không có lợi ích, tại sao không có lợi ích? Vì họ không tiếp nhận.
“Tâm trung bế tắc, ý bất khai giải”.
(Tâm ý bế tắc, không chịu thấu hiểu).
Trong tâm của họ hình như có vật gì nghẹt cứng, bế tắc, không thể khai ngộ, không thể minh bạch, người này ngu si đến mức độ như vậy. Đây gọi là nỗi đau của Si Ác.
Phía trước là nói về nhân. Còn trong đoạn này có “phóng tứ du tán, đam tửu”, ở trong năm giới, đây là thuộc về ẩm tửu ác (tội lỗi do uống rượu), nhưng trong toàn bộ kinh văn lại nói đến tham sân si ác, cho nên bao gồm thập ác nghiệp. Ngược với thập ác là thập thiện. Chúng ta xem quả báo:
“Đại mạng tương chung, hối cụ giao chí”.
(Mạng chung cận kề, hối hận sợ sệt).
Đến lúc mạng chung, ác báo hiện tiền, nhất định thấy cảnh giới rất xấu, thấy quỷ vô thường, thấy đầu trâu mặt ngựa…, lúc này sợ sệt hối hận thì đã vô dụng, không kịp nữa.
“Bất dự tu thiện”.
(Trước không tu thiện).
“Dự” là dự phòng trước, không biết tu thiện sớm hơn.
“Lâm thời nãi hối, hối chi ư hậu, tương hà cập hồ!”.
(Đến lúc nhắm mắt mới hối hận, sao còn kịp nữa!).
Hối hận cũng vô dụng, không kịp nữa rồi, vẫn phải nhận lấy ác báo. Phần kinh văn phía dưới là Thế Tôn khuyên chúng ta, phía trước là những ác nhân, ác duyên, ác quả, đều nói rất rõ ràng minh bạch, chúng ta phải luôn luôn phản tỉnh, kiểm điểm xem có phạm những lỗi lầm này không? Nếu có những lỗi lầm này thì phải mau mau sửa đổi.
“Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa, thân tự đương chi, vô thùy đại giả”.
(Trong trời đất, năm đường phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, thân tự chịu lấy, không ai thay được).
Giữa trời đất tức là giữa vũ trụ, “ngũ đạo” là: thiên đạo, nhân đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thật có đấy! Không phải giả. “Phân minh” là rõ ràng minh bạch, tại sao có những sự việc này? Những sự việc này là thiện ác báo ứng, những người tu thiện đến cõi nhân thiên hưởng phước, những người tạo ác thì đi thọ báo nơi ba đường ác, có phước có họa. “Họa phước tương thừa”, “tương thừa” ý nghĩa là nói rõ trong phước có họa, trong họa có phước. Họa hưởng hết rồi thì một chút thiện mà họ đã tu đó liền hiện tiền. Người hưởng phước rất dễ tạo tội nghiệp, bạn xem, hai chữ họa với phước rất giống nhau đấy! Không có khác biệt bao nhiêu, phải quan sát kỹ lưỡng. Cuối cùng là phước hay là họa? Ồ! rất không dễ phân biệt! Người ngu si thường đem họa cho là phước, đem phước cho là họa, ngu si làm sai mất. Cho nên “thân tự đương chi, vô thùy đại giả”, không có ai có thể thay thế được. Cái quả báo thiện ác này, thật là tự làm tự chịu, không ai có thể thay thế được.
“Thiện nhân hành thiện, tùng lạc nhập lạc”.
(Người thiện làm lành thì từ cảnh sướng đến cõi sướng).
Thiện nhân, thiện duyên, thiện quả, đây là chân chánh được “lạc”, chỉ có hành thiện mới có thể được “lạc”.
“Tùng minh nhập minh”.
(Từ sáng vào sáng).
“Minh” là có trí huệ thông minh, càng ngày càng có trí huệ, càng ngày càng thông minh.
“Ác nhân hành ác, tùng khổ nhập khổ”.
(Người ác làm ác thì từ cảnh khổ vào cõi khổ).
Đây gọi là thân khổ, càng ngày càng khổ, thân người trong đời này rất khổ, đời sau phải biến thành súc sanh, ngạ quỷ, thân ấy lại càng khổ.
“Tùng minh nhập minh”.
(Từ tối vào chỗ tối).
“Minh” là ngu si hồ đồ, càng ngày càng hồ đồ, càng ngày càng ngu si. Đây là chỗ hiển hiện ra của thiện ác.
“Thùy năng tri giả? Độc Phật tri nhĩ”.
(Ai hay biết được? Chỉ có Đức Phật biết rõ).
Người nào hiểu được rõ ràng minh bạch sự việc này? Phật biết. Vậy thì lời Phật nói chúng ta sao không chịu tin? Phật chỉ dạy đó sao chúng ta không phụng hành chứ!
“Giáo ngữ khai thị, tín hành giả thiểu”.
(Khai thị chỉ dạy, người tin làm theo rất ít).
Phật hiểu được rõ ràng minh bạch, Phật khai thị chỉ dạy cho chúng ta. Tuy nhiên, người nghe, người tin không nhiều. Người tin không nhiều, Phật vẫn phải nói, vì sao? Vì tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay sanh tử luân hồi, tập khí ngu si rất nặng. Làm sao nghe một lần khai thị mà khai ngộ được? Cho nên nhất định phải nghe lâu dài, huân tập lâu dài thì họ bỗng nhiên khai ngộ, minh bạch. Điểm này chúng ta nhất định phải rõ ràng, thấu hiểu. Nghe kinh không thể nghe một lần mà minh bạch mà tỉnh ngộ được, nhất định phải nghe nhiều lần.
Trước kia, cái duyên này rất khó, chỉ có cách là Pháp sư ở một nơi quanh năm không ngừng giảng kinh, bạn thường nghe giảng kinh, nghe một năm, hai năm, ba năm thì giác ngộ, hồi đầu rồi. Phải cần một thời gian dài như vậy để huân tập mới có hiệu quả. Hiện nay, Pháp sư, Đại Đức giảng kinh rất ít, thỉnh thoảng mới có Pháp sư đến giảng một ngày, hoặc vài ngày. Giảng kinh xong thì họ đi mất, “một ngày ấm mười ngày lạnh”. Chư vị ở đây nghe một tháng, một năm mới nghe được một tháng, còn mười một tháng kia thì khởi vọng tưởng, như vậy có lợi ích gì đâu! Cho nên không có hiệu quả.
Hiện nay Pháp sư giảng kinh tuy ít, song công cụ khoa học so với trước kia tiến bộ, chúng ta có thể lợi dụng. Không có Pháp Sư giảng kinh, chúng ta ở đây có băng ghi âm, băng ghi hình, nghe đi nghe lại bộ kinh này. Nếu nghe được ba mươi lần, năm mươi lần thì hiệu quả đó khác hẳn. Không nghe ba mươi, năm mươi lần thì không được, không có lợi ích. Nếu quí vị thật sự muốn có được sự thụ dụng trong Phật pháp thì nhất định phải huân tập trong thời gian dài. Từ xưa đến nay, chư vị Tổ Sư Đại Đức của Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.
Chúng ta từ trong lịch sử thấy được: Đời Đường, Luật Sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam, Ngài chuyên công Tứ Phần Luật. Nơi nào có Pháp sư giảng Tứ Phần Luật thì Ngài nhất định đi nghe. Ngài đã nghe hết hai mươi lần bộ Tứ Phần Luật. Đương nhiên không phải là một người giảng, cũng không phải là ở một nơi, ở đâu giảng thì Ngài đến nơi đó để thảo kinh đơn. Hồi xưa gọi là “thảo kinh đơn”, tức là tôi muốn nghe một bộ kinh, tôi muốn ở chỗ của bạn, bạn cho tôi một chút việc làm, tôi làm việc cho bạn, giống như là nửa làm, nửa học vậy. Ở tại chùa này thảo kinh đơn. Nghe hết bộ kinh này thì Ngài đi, nghe hai mươi lần tương đối cực nhọc! Tứ Phần Luật cũng khá dài, giảng một biến cũng mất mấy tháng, lúc đó cầu học khổ lắm. Còn hiện nay mang băng ghi hình về nhà, mở ti-vi lên, ngã mình trên ghế nệm, sướng biết mấy! Pha một bình trà ngon, điều này khác hẳn, người xưa khổ biết bao! Người hiện nay là hưởng thụ, hy vọng mọi người hết lòng hưởng thụ…
Không có thời gian hai ba năm thì Phật Pháp rốt cuộc hay ra sao? Rốt cuộc có lợi ích ra sao? Bạn không đạt được, nhất định phải thật sự hạ thủ công phu. Công phu ba năm, năm năm, chúng ta mới có thể nếm được pháp vị. Nếm được pháp vị rồi thì pháp hỉ sung mãn. Bạn mới thật sự nhập vào được. Cho nên trong kinh văn nói “tùng lạc nhập lạc”, bạn mới nhập vào được. “Tùng minh nhập minh”, bạn thật sự đã nhập vào rồi, “nhập minh” là khai ngộ rồi, “nhập lạc” là được pháp hỉ, chân khoái lạc. Sau đó bạn mới biết được đời người là thật sự hạnh phúc, thật sự khoái lạc, bạn nếm được rồi. Còn bây giờ nói với bạn đời người thật sự khoái lạc, thật sự hạnh phúc thì bạn không lĩnh hội được. Vì sao? Vì bạn chưa hưởng thụ qua, chỉ có ở trên đây hạ thủ công phu thì bạn sẽ đạt được.
“Sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt”.
(Nên sanh tử không thôi, ác đạo không dứt).
Câu này là nói về luân hồi, ở trong luân hồi “xả thân thọ thân”, sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh, không dứt, không hết. Nghiệp lực chi phối bạn, người này thật là đáng thương, thật khổ!
“Như thị thế nhân, nan khả cụ tận”.
(Người đời như thế khó thể hết sạch).
Người thế gian giống như loại người này thì là quá nhiều, kể không hết.
“Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung”.
(Nên tự nhiên có ba đường ác, chịu vô lượng khổ, xoay vần trong đó).
Lục đạo luân hồi không phải do Phật tạo, cũng không phải do Thượng Đế an bài, là từ đâu đến? Là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra, giống như nằm mộng, cảnh giới trong mộng là từ đâu đến? Là từ nghiệp lực thiện ác của chính mình biến ra. Cho nên nói là “tự nhiên tam đồ”, không có ai chế tạo ra, bên trong có vô lượng nỗi khổ. Bạn phải ở trong đó thọ cái báo ứng này. Hễ không ra khỏi luân hồi, quí vị nhất định phải ghi nhớ, thời gian ở trong ác đạo dài, thời gian ở trong thiện đạo ngắn, đây là đạo lý nhất định. Nếu bạn hỏi, rốt ráo là tại sao vậy? Bạn thử nghĩ thì rõ ngay. Chúng ta từ sáng đến tối trong một ngày, niệm ác nhiều hay niệm thiện nhiều? Từ việc này thì hiểu rõ ngay. Ác niệm tức là vì chính mình, ý niệm tự tư tự lợi là ác niệm, vào tam ác đạo thọ báo. Luôn biết nghĩ đến người khác, niệm này là thiện niệm. Đem hai cái so sánh thì biết ngay, ác niệm nhiều thì thời gian ở trong ác đạo dài lâu, thiện niệm ít thì thời gian ở trong thiện đạo là ngắn tạm. Chúng ta được thân người, thân người là thiện đạo, sống được bao nhiêu năm? Nhiều lắm là một trăm tuổi, tuy nhiên tam ác đạo thì thời gian dài lâu, đọa vào tam ác đạo thì mạng ấy nhất định không chỉ một trăm tuổi. Cho nên nói là:
“Vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ”.
(Chịu vô lượng khổ, xoay vần trong đó đời đời kiếp kiếp, không có hạn kỳ ra khỏi).
Lời này đều là thật. Chúng ta ở trong lục đạo là vô lượng kiếp của vô lượng kiếp rồi, không có biện pháp ra khỏi.
“Nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn”.
(Khó được giải thoát, đau đớn không thể nói được).
Không có cách gì giải thoát, không có biện pháp vượt khỏi, đời đời kiếp kiếp tu hành cũng không thành công, tại sao tu hành không thành công? Phía trước Phật nói những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm, cố ý, vô ý phạm, đều tạo thành chướng ngại cho sự giải thoát, cũng tạo thành chướng ngại cho sự vãng sanh, niệm Phật không được vãng sanh.
“Như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, thí như đại hỏa, phần thiêu nhân thân”.
(Những ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu này như lò lửa lớn thiêu đốt thân người).
Đây là tỉ dụ, “ngũ ác” tức là sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Bên trong còn bao gồm tham sân si, đây là ác. Tạo ngũ ác, bạn trong đời này không có khoái lạc hạnh phúc, có thể nói cuộc sống của bạn rất là đau khổ. “Thống” là hoa báo, bạn sống những ngày tháng không vui. Chư vị phải hiểu rõ, những người phú quý trong thế gian, tuy họ là đại phú, đại quý, giống như thời cổ không khác, “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải”, nhưng ngày tháng của họ không vui sướng. Chúng ta từ trên lịch sử thấy được, có bao nhiêu đế vương có được cuộc sống rất tự tại, rất vui sướng? Quá ít! Cho nên chúng ta thấy được “quý” mà không vui, “phú” mà không vui. Tại sao phú quý mà không vui? Vì họ tạo cái nhân không tốt, họ tạo ngũ ác.
“Ngũ thiêu” là quả báo của đời sau, tức là tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). “Thí như đại hỏa, phần thiêu nhân thân”, tạo ác nghiệp này giống như lửa đốt, thọ quả báo giống như thân thể bị lửa thiêu đốt, đau đớn như vậy. Sau cùng, Phật mới truyền thọ ngũ giới thập thiện cho chúng ta, nói nhiều như vậy đến chỗ này mới chánh thức truyền thọ.
“Nhược năng tự ư kỳ trung, nhất tâm chế ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hạnh tương phó, sở tác chí thành”.
(Nếu từ trong đó nhất tâm giữ ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hạnh tương xứng, việc làm chí thành).
“Nhược” là giả thuyết, giả thuyết bạn có thể ở trong Ngũ Trược ác thế này, chữ “kỳ trung”, là nói Ngũ Trược ác thế, có thể “nhất tâm chế ý”, tức là có thể khống chế được tạp niệm của chính mình, những niệm không chính đáng, như những niệm sát đạo dâm vọng tham sân si, chữ “chế” tức là chế phục, khắc chế, chế phục được những vọng tưởng phiền não này. “Đoan thân chánh niệm”, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hành đều tuân theo lời dạy của Phật, tuân theo pháp luật, quy định của thế gian. “Ngôn hạnh tương phó”, trong tâm nghĩ tưởng, cùng với lời nói, việc làm nhất định là tương ưng, không phải khẩu thị tâm phi. “Sở tác chí thành”, dùng tâm chân thành đối với mình, cũng dùng tâm chân thành đối với người, đối sự, đây tức là một tấm chân thành.
“Độc tác chư thiện”.
(Chỉ làm việc thiện).
Chữ “chư thiện” này tức là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không uống rượu, không vọng ngữ, cho đến không tham, không sân, không si. “Chư thiện” này tức là ngũ giới thập thiện. Bạn làm được, người khác làm được hay không không có liên quan gì với ta. Ta phải làm, ta là đệ tử của Phật, ta nhất định tuân thủ lời dạy của Phật, tiêu chuẩn làm đệ tử của Phật, đây là tiêu chuẩn tối thiểu, nhất định phải tuân thủ Ngũ Giới Thập Thiện.
“Bất vi chúng ác”.
(Không làm việc ác).
Những việc ác mà phía trước đã nói, nhất định không làm.
“Thân độc độ thoát, hoạch kỳ phước đức, khả đắc trường thọ Nê-hoàn chi đạo. Thị vi ngũ đại thiện dã”.
(Thân được độ thoát, đạt được phước đức, được đạo Niết-bàn trường thọ. Đây là năm điều đại thiện).
Ngược với “ngũ ác” là “ngũ đại thiện”. Người khác không có biện pháp siêu việt lục đạo luân hồi nhưng thân của chúng ta có thể, đời này ta siêu việt lục đạo luân hồi rồi. Chữ “thoát” này là thoát ly tam giới, thoát ly luân hồi, thoát ly lục đạo. Đương nhiên đây là trì giới niệm Phật. Đoạn này là nói trì ngũ giới thập thiện, trì giới niệm Phật, vậy mới có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, có thể được trường thọ vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thọ mạng vô cực. Vậy thì được Vô Lượng Thọ đấy. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc một đời bất thoái thành Phật.
“Nê-hoàn chi đạo” là đại bát Niết-bàn, tức là thành Phật. Trong đời này thoát ly lục đạo luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật, năm thứ thiện này đã giúp đỡ lớn lao đáng kể, cho nên gọi là ngũ đại thiện. Kinh văn chúng ta giảng đến chỗ này là chân truyền chánh thọ của “ngũ giới thập thiện”. Mọi người ngày nay đều đã thọ ngũ giới rồi, đều đã thọ thập thiện nghiệp đạo rồi.
TRÙNG TRÙNG HỐI MIỄN ĐỆ TAM THẬP LỤC
PHẨM BA MƯƠI SÁU: BAO LƯỢT KHUYÊN LƠN
Phật nơi phẩm kinh này nói rõ nhân ác, quả ác, nên phải luôn có tâm sợ hãi, điều này không thể không sợ, không thể không cảnh giác. Lại khuyên chúng ta phải chánh tâm thành ý, không quên công phu để khỏi phải hối hận.
“Phật cáo Di-lặc: “Ngô ngữ nhữ đẳng””.
(Đức Phật bảo Di Lặc Bồ-tát: “Ta bảo các ông”).
Phật vẫn gọi Di-lặc Bồ-tát, những lời phía dưới vô cùng quan trọng. Gọi Di-lặc Bồ-tát là đánh thức sự chú ý của mọi người.
“Như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu”.
(Những ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu này).
Trong phẩm trước đã nói rồi.
“Triển chuyển tương sanh”.
(Chuyển tiếp sanh lẫn nhau).
“Triển chuyển tương sanh” như thế nào? Người tạo ngũ ác thì bị cái quả báo thiêu đốt đau đớn, lúc thọ báo họ lại mê hoặc điên đảo, lại tạo ngũ ác nữa, bởi thế nên nhân quả tuần hoàn, điều này rắc rối lớn đấy! Họ không giác ngộ. Tỉ như ở thế gian, người thọ ác báo không cam tâm, họ cho rằng: “Ông trời không công bằng, tại sao đối với tôi xấu như vậy?” Vì thế nên càng tạo tội nghiệp. Quả báo đời sau thì lại càng khổ, họ không biết quay đầu. Cho nên sự luân hồi này rất đáng sợ, trong các buổi giảng tập, tôi thường khuyên bảo các bạn đồng tu, việc luân hồi này là đời sau khổ hơn đời trước. Bạn nói đời sau có thể tốt hơn đời này là quá ít! Đó là hạng người nào? Là người học Phật hết lòng tu hành mà chưa được vãng sanh, chỉ có loại người này thì đời sau sẽ tốt hơn đời này một chút. Ngoại trừ điều này ra, khi đọa lạc xuống thì nhất định là đời sau không bằng đời trước, đây là sự thật, rất đáng sợ!
“Cảm hữu phạm thử, đương lịch ác thú”.
(Nếu phạm các điều ác tất phải vào ác đạo).
Nếu bạn dám làm, vậy bạn nhất định phải vào ác đạo, chịu sự hành hạ.
“Hoặc kỳ kim thế, tiên bị bệnh ương, tử sanh bất đắc, thị chúng kiến chi”.
(Hoặc hiện đời sẽ bị bệnh hoạn tai ương, cầu sống không được cầu chết không xong, để làm gương cho kẻ khác thấy).
Phật tại trong kinh nói câu này, dễ thấy nhất là chúng ta gọi là bệnh người già. Bác sĩ chẩn đoán cho họ cũng đoán không ra bệnh gì. Họ vẫn nằm trên giường bệnh, cựa quậy không được, mơ mơ màng màng, mỗi ngày phải cử y tá đến chăm sóc cho họ, họ cũng không chết. Cho nên gọi là “cầu sống không được, cầu chết không xong”, mang chứng bệnh quái lạ như vậy. Đây là do ác nghiệp chiêu cảm đấy! “Thống”, đây là chữ thống của ngũ thống. Đời sau, nhất định đi vào ác đạo. “Tử sanh bất đắc, thị chúng kiến chi”, khiến cho mọi người nhìn vào, người có trí huệ, có tính cảnh giác cao, vừa nhìn thấy thì giác ngộ ngay, hiểu rõ ngay, còn người ngu si vẫn không giác ngộ, họ vẫn không hiểu.
“Hoặc ư thọ chung, nhập tam ác đạo, sầu thống khốc độc, tự tương tiêu nhiên”.
(Hoặc mạng chung đọa vào ba đường ác, thống khổ tàn khốc, tự bị thiêu đốt).
Người vào lúc lâm chung, chúng ta nhìn những hiện tượng lâm chung rất đáng sợ, có thể khiến người giác ngộ, tại sao họ ra đi với cái tướng khó coi, đáng sợ như vậy? Phàm là ra đi như vậy, thì nhất định là đọa vào tam ác đạo. Nếu lúc còn sống họ có tạo thiện nhân thì lúc họ ra đi, cái tướng đó nhất định rất đẹp. Lúc họ ra đi giống như đang ngủ vậy, tướng mạo rất từ bi an tường, sắc diện rất đẹp, đây là tướng tốt. Loại người này dù cho không niệm Phật, họ cũng không đọa tam ác đạo. Cho nên chúng ta từ trên tướng này có thể nhìn ra được, có thể phán đoán, một người đến thiện đạo hay là ác đạo.
“Cộng kỳ oán gia, cánh tương sát thương, tùng tiểu vi khởi, thành đại khốn kịch”.
(Cùng với oán gia giết hại lẫn nhau, từ một việc nhỏ trở thành họa lớn).
Đoạn này là từ trên nhân để dạy chúng ta, buốt lòng rát miệng, nhiều lần chỉ dạy, “Cộng kỳ oán gia, cánh tương sát thương”, đây là nói về oan oan tương báo. Oan oan tương báo thường từ nguyên nhân rất nhỏ, “tùng tiểu vi khởi”, lại biến thành kết cục thảm khốc, trở thành đại khốn kịch. “Kịch”, là kịch liệt, kịch khổ, có quan hệ với oan nghiệp đời trước. Vì vậy người giác ngộ, người học Phật phải biết nhẫn nhường, đừng nên so đo, mọi chỗ đều nhẫn nhường, thường xuyên đề cao cảnh giác. Đặc biệt là trong xã hội này, ở thời đại này chịu thiệt thòi một chút, bị lừa một chút, thật sự mà nói, là tiêu tai miễn nạn, đừng nên đi so đo.
“Giai do tham trước tài sắc”.
(Đều do tham đắm tài sắc).
Đây là nói rõ nguyên do sự tranh chấp giữa người với người đều không ngoài việc tham tài tham sắc, hai bên không nhường nhau nên mới tạo nên cái đại họa sát thân.
“Bất khẳng thí huệ”.
(Không chịu bố thí).
Không chịu bố thí, giúp đỡ kẻ khác. Những người giàu có phải biết bố thí thì mới hưởng thụ được phước báo lâu dài. Nếu bạn giàu có mà không chịu bố thí, chỉ biết một mình hưởng thụ, người Trung Quốc thường nói “một nhà no ấm ngàn nhà oán”, kẻ khác nhìn thấy bạn, họ đố kỵ, sân hận. Đố kỵ sân hận lâu rồi thì rắc rối sẽ đến với bạn. Tỉ như bạn bị cháy nhà, người bên cạnh nói: “Cháy tốt lắm! Phú quý bất nhân đó mà”. Nhà bạn bị cướp, bị mất cắp, họ ở bên cạnh trông thấy cũng không báo cảnh sát. “Ồ! Cướp hay lắm!”, đây là lòng người bất bình, điều này phải biết. Nếu bạn giàu có, đối với láng giềng, người cùng quê cùng làng với bạn, bạn thường chiếu cố họ, dịp tết, ngày lễ đều có lễ vật nhỏ để biếu họ. Họ sẽ cảm ơn, mong bạn phát tài, tại sao vậy? Vì bạn phát tài thì mọi người đều được lợi, bạn phát được càng nhiều thì họ đều vui mừng. Trong nhà bạn có việc gì thì mọi người đều đến giúp đỡ. Có khác đấy! Cho nên đây thật sự là người có trí huệ, có thể bảo toàn. Một nhà như vậy, quí vị thử nghĩ, một nước cũng như vậy, quốc gia bạn giàu có rồi, bạn có thể giúp đỡ quốc gia khác, thường có ân huệ đối với người ta thì mọi người sẽ ủng hộ bạn, coi bạn như một lãnh đạo của nhiều quốc gia, tôn trọng bạn. Nếu bạn là hạng giàu có mà bất nhân, thường bóc lột tiền bạc kẻ khác, ức hiếp kẻ khác thì các quốc gia khác sẽ đối địch lại bạn, xem bạn như kẻ thù, oán chồng chất lâu ngày đối với bạn không có lợi chi cả, là cùng một đạo lý. Cho nên lúc có được phước báo phải biết tu thêm phước, muôn ngàn xin chớ hưởng hết phước báo của mình vậy thì đáng thương lắm! Nghiệp “quả” của ác nghiệp sẽ hiện tiền, đây quả thật là ngu si!
Cho nên loại người này là tham đắm tài sắc không chịu bố thí.
“Các dục tự khoái, vô phục khúc trực”.
(Chỉ muốn bản thân khoái lạc, không biết phải quấy).
Chỉ ham muốn sự hưởng thụ của riêng mình, chỉ mưu cầu khoái lạc của riêng mình, họ đâu biết được bên trong phước báo này ẩn giấu mầm họa. Cho nên người xưa nói: “phước khởi họa sở y” (trong phước có họa theo đó), trong khi bạn hưởng phước thì mầm họa đã ẩn tàng ở phía dưới rồi, đây là không có trí huệ. “Vô phục khúc trực”, “khúc trực” ý nói đạo lý, cho nên gọi là hoành hành bá đạo, không nói lý.
“Si dục sở bách”.
(Si ám thúc dục).
Đây là nguyên nhân gì? Là do ngu si, dục vọng. Ngu si dục vọng khiến họ tạo những tội nghiệp này.
“Hậu kỷ tranh lợi”.
(Tranh lợi về mình).
Hy vọng mình chiếm tất cả ưu thế. Thật sự mà nói, đó là thiệt thòi lớn, làm gì có thể tranh được những mối lợi này! Tranh không được đâu! Những gì tranh được đó vẫn là trong mạng sẵn có, bạn mới tranh được. Không tranh cũng được. Vậy hà tất phải đi tranh. Tại sao họ đi tranh? Vì ngu si không rõ lý, người rõ lý thì không đi tranh. Trong mạng có thì nhất định là có, trong mạng không có, có tranh cũng không được.
“Phú quí vinh hoa, đương thời khoái ý”.
(Phú quí vinh hoa đương thời vừa ý).
Thật sự mà nói, phú quí vinh hoa của nhân gian là vô cùng ngắn tạm. Thật vậy, người xưa nói: “Đàm hoa nhất hiện, thạch hỏa điện quang”. Đàm hoa nhất hiện: hoa quỳnh vừa mới nở đã héo úa ngay. Thạch hỏa là đá lửa. Điện quang là tia chớp. Ý nói hiện ra rồi biến mất ngay, trong một chốc lát thì hết ngay.
“Bất năng nhẫn nhục, bất vụ tu thiện”.
(Không chịu nhẫn nhịn, không lo tu thiện).
“Nhẫn nhục” tức là nhẫn nại, tự mình có thể nhẫn được một chút thì có thể hoan hỷ giúp đỡ người khác. Người thông minh nhất, người có trí huệ nhất có thể đem của cải của họ, lấy đủ nhu cầu cho cuộc sống của mình, số còn lại thì họ bố thí hết cả. Đây là người đại trí huệ, đại thông minh.
Ấn Quang Đại Sư tán thán nhất là nhà họ Phạm ở Tô Châu, Phạm Trọng Yêm của đời Tống. Cả nhà họ từng đời, từng thế hệ đều làm như vậy. Cho nên Phạm gia ở Tô Châu từ thời Phạm tiên sinh đến nay gần ngàn năm mà gia đạo không suy, từng đời đều có hiền nhân xuất hiện, đều có con cháu tốt. Nguyên nhân gì vậy? Nhờ tích đức tu thiện đấy, mình có thể ăn được no, có thể mặc được ấm là đủ rồi. Số còn dư đem giúp đỡ xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, họ làm như vậy.
Chúng ta đọc truyện ký của Phạm tiên sinh, khi ông còn đi học, gia cảnh vô cùng thanh bần, đi học thì ở trong chùa, hằng ngày không có cơm ăn, có lẽ là nấu cháo đặc một chút. Mỗi nồi cháo cắt thành bốn miếng, mỗi bữa ăn một miếng, sống những ngày cực khổ như vậy. Tuy nhiên ông không nghĩ đến sự bần khổ của mình, ông chỉ nghĩ đến sự khổ nạn của chúng sanh, ông không nghĩ đến mình, một đời đều không đổi ý niệm này. Có một lần ông đi coi bói, ông hỏi ông thầy bói rằng: “Ông xem tôi tương lai có thể làm Tể tướng không?” Thầy bói cười nói: “Giọng điệu của ông lớn quá!” Ông ta lập tức đổi giọng: “Ông xem tôi có thể làm thầy thuốc không?”. Người xem tướng thấy lạ lùng nói: “Sao ông vừa mới rơi thì rơi xuống tận dưới đáy vậy?” Ông nói: “Làm Tể tướng có thể cứu thiên hạ nhưng tôi làm không được thì tôi làm thầy thuốc cũng có thể cứu người vậy”. Người xem tướng rất bội phục nói: “Tâm của ông quả là Tể tướng thật”. Sau này quả nhiên ông làm Tể tướng. Ông từ nhỏ đã có ý niệm không phải vì mình mà vì cứu chúng sanh trong thiên hạ. Đến lúc ông đã thật làm Tể tướng, bạn xem trong Nghĩa Điền Ký của ông, bổng lộc của ông, tức là lương nhà nước cấp cho ông, ông đã đem đi nuôi dưỡng hơn ba trăm gia đình, không hưởng thụ, không cải thiện cuộc sống của chính mình, tự mình không muốn ăn ngon một chút, mặc đàng hoàng một chút, nhà cửa đẹp một chút. Vẫn sống cuộc sống với mức thấp nhất, đem tiền của ông có được đi cứu tế những người bần cùng khổ nạn. Đây là tấm gương tốt của chúng ta.
Nếu nói là tích thiện tu đức thì ông Phạm Trọng Yêm đã làm được rồi, còn chúng ta tích đó là cái thiện gì? Tu đó là cái đức gì? Có một vạn đồng lấy ra hai ba đồng đi bố thí, nói: “Tôi đã làm được rất nhiều việc tốt, tôi đã làm việc thiện rồi…”. So với người một sợi lông không xả thì tốt hơn nhiều! Kể như bạn đã xả một sợi vậy! Điều này không được! Như vậy tương lai phải đọa lạc như thế nào thì vẫn phải đọa lạc như thế đó, không có cách nào khác. Cho nên bạn phải thật sự tu thiện, thật sự tích đức, đó mới là hữu dụng. Điều này chúng ta nhất định phải biết, phải nhẫn được. Như Phạm tiên sinh, ông nhẫn được, nhẫn chịu được cuộc sống gian nan khốn khổ ấy. Đây tức là trong Phật pháp chúng ta gọi là “chịu khổ thay cho chúng sanh”. Ông có thể sống được giàu sang một tí, tuy nhiên ông không làm như vậy, tự mình vẫn sống những ngày tháng cực khổ, hy vọng kẻ khác có thể sống sung sướng hơn một chút. Đây là tấm lòng của Bồ-tát, quả là đại từ đại bi. Cho nên người sáng suốt thấy được. Thời gian hưởng phú quí vinh hoa quá ngắn ngủi! Không đáng. Phải nên chắt chiu tiết kiệm, đi giúp đỡ kẻ khác. Người mê hoặc điên đảo họ không biết, họ không nhẫn chịu được, họ tham hưởng thụ.
“Bất vụ tu thiện”, không phải hết lòng nỗ lực tu thiện.
“Uy thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt”.
(Không bao lâu uy thế theo đó tiêu diệt).
“Uy”, chúng ta thường nói, người nào đó rất oai phong, rất có thế lực, cái oai phong thế lực đó không được mấy ngày, thời gian rất ngắn ngủi thì là báo hết. Họ chỉ có phước báo lớn cỡ đó vì họ không có tiếp tục tu thiện, cái phước báo ấy của họ hưởng rất nhanh, hơn nữa, lúc hưởng phước thì lại tạo tội nghiệp, phạm vào năm thứ ác, thập ác nói phía trước, phước báo sẽ nhanh chóng bị hết.
“Thiên đạo thi trương, tự nhiên củ cử, quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung. Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương!”.
(Đạo trời tự nhiên lập bày như thế, dù có lo lắng hoảng hốt cũng phải vào ba ác đạo. Xưa nay đều như vậy, đau khổ đáng thương!).
“Thiên đạo” tức là cái lý của tự nhiên, là nhân duyên quả báo, tự làm tự chịu, cho nên là “tự nhiên củ cử”. Không phải kẻ khác đến chỉnh sửa kiểm điểm, cử chỉ hành vi. Tự nhiên khi phước báo của bạn hết rồi thì ác nghiệp hiện tiền, nhất định phải chịu ác báo. “Quỳnh quỳnh chung chung”, đây là hình dung trong tâm người này không có chủ tể, kinh hoàng, lúng túng thất thường, không nơi nương tựa, thân tâm bất an. “Đương nhập kỳ trung”, chữ “trung” này là ba ác đạo, bạn nhất định phải đọa vào ác đạo, nhất định phải chịu cái khổ của luân hồi. “Cổ kim hữu thị”, từ xưa đến nay, trong nước ngoài nước, định luật của nhân duyên quả báo là thật. Đến lúc đó thì là “thống tai khả thương!”, quả báo này là vô cùng khổ! Khổ báo của địa ngục, trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất nhiều, nói rất rõ ràng.
Sau đây là lời giáo huấn của Thế Tôn đối với chúng ta:
“Nhữ đẳng đắc Phật kinh ngữ, thục tư duy chi”.
(Các ông được nghe lời kinh Phật thì phải suy nghĩ chín chắn).
Chữ “nhữ đẳng” tức là mọi người trong hội cùng với Di-lặc Bồ-tát. Chúng ta ngày nay học kinh Phật đương nhiên cũng được bao gồm trong đó. Chúng ta ngày nay có được kinh Phật, đọc được lời giáo huấn của Phật, đương nhiên phải “thục tư duy chi”, sau khi đọc rồi phải đi suy nghĩ cặn kẽ, suy nghĩ lời Phật nói, đạo lý của Phật nói, phải suy nghĩ cho nhiều, suy nghĩ cặn kẽ, khi bạn nghĩ minh bạch rồi, nghĩ thông rồi thì bạn tự nhiên sẽ tuân thủ, sẽ tiếp nhận.
“Các tự đoan thủ, chung thân bất đãi”.
(Giữ đúng theo lời Phật dạy, trọn đời không được biếng trễ).
Chữ “đãi” là giải đãi, chúng ta mỗi người đều phải nên hết lòng. “Đoan thủ”, chữ “đoan” là nghĩa cung kính, cung kính tuân thủ lời dạy bảo của Phật, dùng tâm chân thành cung kính, suốt đời không lười biếng, thường xuyên đề cao cảnh giác, không thể giải đãi.
“Tôn thánh kính thiện, nhân từ bác ái”.
Phật đề ra vài cương lĩnh trọng yếu, nhất định phải tôn trọng Thánh Hiền nhân, kỳ thật chữ này tức là “tôn sư trọng đạo”. “Kính thiện”, phía trước nói về thiện nhân, hiền nhân, thiện sự, ngũ giới, thập thiện, chúng ta phải kính trọng. “Nhân từ bác ái”, là dạy chúng ta đối người, đối đãi tất cả chúng sanh chúng ta nên dùng tâm gì? Dùng thái độ gì? Nên dùng “nhân từ bác ái” để đối đãi với tất cả chúng sanh. Nếu quả thật “nhân từ bác ái” thì tự nhiên giống như ông Phạm Trọng Yêm, có thể “xả mình vì người” thì “nhân từ bác ái” mới thật sự biểu hiện, không phải chỉ hô to khẩu hiệu, chúng ta phải thật sự giúp đỡ người.
“Đương cầu độ thế, bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn, đương ly tam đồ, ưu bố khổ thống chi đạo”.
(Phải cầu cứu đời, nhổ dứt gốc các ác sanh tử, lìa hẳn đau khổ lo sợ tam đồ).
Câu này là dạy chúng ta phải lập chí, phải lấy vĩnh thoát luân hồi làm mục tiêu, đừng nên có ý niệm ta còn phải ở lại thế gian này, có ý niệm này thì không thể ra khỏi luân hồi, đây là tâm luân hồi. Niệm niệm cầu độ thế, siêu việt thế gian, tức là vượt thoát luân hồi đấy. Vậy muốn siêu việt luân hồi tất phải “bạt đoạn sanh tử chúng ác chi bổn”. Phải đoạn ác. “Sanh tử chúng ác chi bổn” tức là tham sân si, đây là căn bản. Phẩm trước nói đến ngũ ác, thập ác đều là “sanh tử chúng ác chi bổn”, chúng ta phải nhổ trừ nó từ gốc. Không những không tạo ác mà trong tâm cũng không có ác niệm, đây gọi là “nhổ trừ”, ý niệm ác cũng không có thì mới được. “Đương ly tam đồ”, tam đồ là tam ác đạo, tam ác đạo là ưu buồn, tâm buồn lo, sự hãi, thân khổ đau. Đây là hình dung cái khổ của tam ác đạo, chúng ta nhất định phải có ý niệm “xuất ly lục đạo luân hồi” của tam giới.
“Nhược tào tác thiện, vân hà đệ nhất?”.
(Các ông làm lành như thế nào thì là bậc nhất?).
Đây là Phật dạy chúng ta tu thiện, chữ “nhược tào” là mọi người các ông, mọi người các ông phải làm thiện (phía trước nói đoạn ác, ác phải đoạn, còn thiện phải tu), tu cách nào? Phật nói với chúng ta đây là đệ nhất thiện.
“Đương tự đoan tâm”.
(Phải tự đoan chánh cái tâm).
“Tâm” là căn bản, không chỉ là các vị Đại Đức của Thiền Tông nói đến tu hành là tu từ trên căn bản, cái gì là căn bản? Tâm là căn bản, điều này chúng ta phải biết. Pháp Đại Thừa không giống với pháp Tiểu Thừa: Người tu Tiểu Thừa chú trọng trên sự tướng, giới luật của Tiểu Thừa, tiêu chuẩn kết tội là “luận sự không luận tâm”. Tỉ như sát sanh, bạn đã động ý niệm muốn sát sanh, nhưng bạn chưa làm, trong giới Tiểu Thừa thì không phạm giới. “Tôi chưa giết nó…”. Trong giới Đại Thừa thì “luận tâm không luận sự”. Bạn trên sự không có giết nó, nhưng trong tâm động niệm muốn giết nó thì đã phá giới rồi. Cho nên giới điều Đại Thừa ít nhưng khó giữ, giới điều Tiểu Thừa tuy nhiều nhưng dễ giữ, giống với pháp luật của thế gian. Cho nên tâm Đại Thừa thanh tịnh. Còn người Tiểu Thừa giới luật thì giữ được rất nghiêm mà tâm chưa chắc thanh tịnh. Họ không kết tội trên khởi tâm động niệm. Bồ-tát giới thì kết tội trên khởi tâm động niệm. Nếu Bồ-tát, tỉ như tuyệt đối không khởi tâm động niệm mà đã ngộ sát một chúng sanh thì có tính là phạm giới chăng? Không tính! Tại sao? Vì trong tâm họ không có ý niệm này, cho nên nó không kết tội nơi sự mà là kết tội nơi tâm. Tuy người Tiểu Thừa nói “tôi không khởi tâm động niệm”, nhưng bạn đã giết người thì bạn đã bị kết tội rồi, người Tiểu Thừa thì bị kết tội, còn người Đại Thừa thì vô tội. Cho nên cách kết tội không giống nhau, tiêu chuẩn khác nhau. Điều này chúng ta phải nên biết.
Chữ “đoan tâm” này là trong kinh Đại Thừa, là lấy tiêu chuẩn của Bồ-tát giới. Tâm phải làm sao mới là thật sự đoan chánh? Dùng Nho gia để nói, tức là “chánh tâm thành ý”, “đoan tâm” tức là chánh tâm thành ý. Bên trong cũng có nhiều tiêu chuẩn của trình độ khác nhau. Nếu lấy tiêu chuẩn của thế gian mà nói, tâm Ngũ Giới Thập Thiện tức là “đoan tâm”. Nếu lấy tâm của Bồ-tát thì “Lục Độ vạn hạnh, tự lợi lợi tha” là “đoan tâm” của Bồ-tát. Trong Tịnh Tông chúng ta, “đoan tâm” tức là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật” trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của bổn kinh, đây là đệ nhất. Chúng ta phải đem tâm an trụ trong câu A-di-đà Phật, phải định tại thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đúng rồi.
“Đương tự đoan thân, nhĩ mục khẩu tỵ, giai đương tự đoan”.
(Phải tự đoan chánh thân, tai mắt mũi miệng đều phải đoan chánh).
Đây là dạy chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày “thủ khẩu nhiếp ý, thân mạc phạm” (gìn lời giữ ý, thân chớ phạm). Phật vì chúng ta mà chế định giới luật, nhất định không thể vi phạm, mọi thứ đều hợp với quy củ, hợp với lễ pháp. Tuy nhiên, thời nay thì rất phiền phức, lễ không còn nữa, pháp cũng không còn nữa, bạn bảo quy củ nào là đúng? Thật sự mà nói, vì không có tiêu chuẩn, nên đều đúng cả.
Tôi có một lần ở Đài Loan, thấy người già lúc qua đời, trong tang lễ có một số con cái mặc áo gai để tang, mặc y phục trắng, đội mão gai. Có một số mặc áo dài đen… Có bạn đồng tu đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, lễ này ai đúng ai sai vậy?” Tôi bèn nói: “Đều đúng cả!” Thế nào là đều đúng? Bởi vì không có lễ, bạn làm cách nào cũng đều đúng cả. Mặc y phục màu trắng, đội mão gai là lễ phục thời Mãn Thanh, từ khi Dân Quốc thành lập đến nay, không có chế lễ làm nhạc, đó là lễ của Mãn Thanh. Còn mặc áo dài đen là lễ của ngoại quốc, là lễ của người phương Tây. Không có lễ chi cả! Bạn dùng cái lễ đó, tôi cảm thấy đều đúng, đây là thời loạn, là đáng buồn! Không có tiêu chuẩn!
Chỗ này nói “đoan thân, nhĩ, tỵ, khẩu”, điều này thì là khó, chúng ta nhất định phải biết “tâm chánh thì hạnh liền chánh”, tất cả phải từ chỗ này mà lĩnh hội. Tâm chúng ta đoan chánh, trong tâm không nghĩ tà, không nhớ tà. Thân khẩu tạo tác, phải biết lúc này, chỗ này, chúng ta phải tuân thủ những phong tục tập quán của mọi người thì không phạm lỗi lầm, thì không có lầm lỗi lớn. Lời răn dạy của Phật là tinh thần cơ bản. Ứng dụng vào trong cuộc sống thực tế, phải biết lúc này, chỗ này, chúng ta chớ nên trái ngược tập tục của mọi người, chúng ta mọi thứ đều tuân thủ thì là được rồi.
“Thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ưng”.
(Thân tâm thanh tịnh tương ưng với thiện).
Đây là một tiêu chuẩn rất tốt. Trong thời đại mà lễ nhạc đều băng hoại này, chúng ta vẫn có thể giữ lấy nguyên tắc này thì là khá lắm rồi! Thân tâm của chúng ta thanh tịnh, chữ “thanh tịnh” này, chư vị nên biết, không phải là nói bạn tắm rửa thân thể cho thật sạch sẽ, tắm rửa sạch sẽ đương nhiên cũng là quan trọng. Tuy nhiên ý của Phật không phải ở chỗ này, ý là đoạn trừ tất cả ô nhiễm thì bạn được thanh tịnh. Trong tâm chúng ta xa lìa tham sân si mạn, tham sân si mạn là ô nhiễm, danh văn lợi dưỡng là ô nhiễm, ngũ dục lục trần cũng là ô nhiễm, chúng ta phải xa lìa những thứ này. Đối với lời dạy bảo của Thánh Hiền nhân, nếu chúng ta hoài nghi không tin thì đó cũng là ô nhiễm, là ngu si, vô minh! Xa lìa hết thảy những thứ ô nhiễm này thì tâm chúng ta sẽ thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi, còn thân chúng ta thanh tịnh như thế nào? Tất cả tạo tác đều tự nhiên như pháp như lý, tức là có thể tuân thủ ngũ giới thập thiện: Thân không tạo sát đạo dâm, thân thanh tịnh. Khẩu không có vọng ngữ, ác khẩu, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, khẩu thanh tịnh. “Thân thanh tịnh” là ý nghĩa này, không phải bảo bạn tắm rửa cái thân này cho thật sạch sẽ, ăn mặc cho chỉnh tề. “Dữ thiện tương ưng”, điều này có cùng ý nghĩa với điều vừa nói phía trước, tương ưng với ngũ giới thập thiện. Ngũ giới thập thiện bạn đều làm được cả.
“Vật tùy thị dục”.
(Đừng theo tham dục).
Đây là nói về tâm, muôn ngàn xin chớ chạy theo tâm tham và dục vọng ngu si của mình.
“Bất phạm chư ác”.
(Không phạm điều ác).
Đây là nói về thân, nhất định phải giữ giới, nhất định phải hành thiện. Người thế gian tạo ác đều là vì trong tâm có ác niệm, có dục vọng. Cái này là căn bản của tất cả ác. Phật dạy chúng ta phải xả bỏ dục vọng, phải biết nó là độc tố trong tâm của chúng ta. Trong tâm chúng ta có độc, không những chúng ta phải xả dục vọng thế gian mà dục vọng trong Phật pháp cũng phải xả. Bởi vì xả đó là “dục” chứ không phải đối tượng, không phải đổi đối tượng, đổi đối tượng thế gian lấy đối tượng Phật pháp, đó vẫn không thể được, bạn vẫn còn tồn tại dục vọng, dục vọng tức là tâm tham là tâm si. Cho nên nhất định phải xả cho được sạch sẽ rốt ráo. Sau đó thì thân khẩu của chúng ta tự nhiên khiết tịnh, sẽ không phạm lỗi lầm nữa.
“Ngôn sắc đương hòa”.
(Ngôn sắc hòa nhã).
Khi chúng ta xử thế đối người, ngôn ngữ của chúng ta, dung mạo của chúng ta, thái độ của chúng ta phải ôn hòa, ngôn ngữ phải mềm mỏng nhu hòa, thái độ phải hòa mục.
“Thân hạnh đương chuyên”.
(Thân hạnh chuyên cần).
Câu này hàm ý rất sâu, trong sinh hoạt, ý nghĩa của chữ “chuyên” là tinh, “chuyên” là chuyên nhất. Chuyên nhất là đại biểu cho kính, chúng ta kính người, kính sự, kính vật. Trong việc học Phật, cầu học, “chuyên” tức là một môn thâm nhập, bạn mới có được thành tựu. “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng), sự cầu học của thế gian, đây cũng là một ngành học, bạn học đại học, bạn học một ngành, bạn không thể học rất nhiều ngành, nếu học rất nhiều ngành thì suốt đời bạn sẽ không tốt nghiệp nổi, bạn học tạp. Nếu bạn chuyên tâm một ngành, bốn năm thì hoàn thành, bốn năm thì tốt nghiệp rồi. Trong xã hội, làm các ngành nghề cũng phải chuyên, chuyên tâm nỗ lực nơi một ngành nghề thì dễ thành công. Có rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn, họ kinh doanh nhiều sự nghiệp, họ nhất định là sau khi thành tựu một ngành rồi mới có thể mở rộng ra khắp tất cả. Là đạo lý như vậy. Phật pháp cũng thường nói học kinh, một bộ kinh thông đạt rồi sau đó mới có thể thông đạt tất cả kinh, thành tựu một pháp môn rồi thì tất cả pháp môn đều thành tựu, là cái đạo lý như vậy. Lúc bắt đầu học nhất định phải chuyên, chuyên ở một môn, như vậy mới có được sự thọ dụng chân thật. Cho nên chữ “chuyên” này bao gồm ý nghĩa rất sâu rất rộng, chúng ta phải để tâm lĩnh hội, thường thường nhấm nháp cái mùi vị của nó.
“Động tác chiêm thị, an định từ vi”.
(Hành vi cử chỉ bình tĩnh từ tốn).
Đây là nói về sự tu dưỡng. Một người thật sự có đại phước đức, đại trí huệ thì cử chỉ của họ nhất định vô cùng an tường, không nóng nảy. Phàm là người nóng tánh thì thành tựu sẽ rất có hạn. Người thật sự lập đại công, đại nghiệp, từ xưa đến nay thái độ đều là rất đoan trang, họ thật sự làm được những chữ này. Tâm an, thân an, tâm định. “Từ” là chậm rãi, một chút hiện tượng nóng nảy vội vàng cũng không có, vô cùng an tường. Phật ở chỗ này chỉ dạy, chúng ta nhất định phải học.
Trước kia, chúng tôi trong phần Gia Thư Gia Huấn của ông Tăng Quốc Phiên thấy được cách dạy con em của ông. Tăng tiên sinh vô cùng coi trọng bốn chữ “an định từ vi”. Nói năng phải chậm rãi, đi đường phải chậm rãi, không để bạn nóng nảy vội vàng, làm việc cũng yêu cầu bạn chậm chậm mà làm, mọi việc đều phải làm đến chắc thật. Tối kỵ nhất là nông nổi, cách này không thể thành đại công, lập đại nghiệp. Thành đại công, lập đại nghiệp nhất định là phải “an định từ vi”.
“Tác sự thảng thốt”.
(Làm việc vội vàng hấp tấp, không suy xét chín chắn).
Đây là hoàn toàn tương phản, là nóng nảy vội vàng.
“Bại hối tại hậu”.
(Sẽ thất bại hối hận về sau).
Hiện nay hình như có được thành tựu, nhưng tương lai bạn có thể thất bại, việc nhỏ còn là như vậy, sự nghiệp càng lớn, càng là đại sự thì càng phải kỹ lưỡng, cần phải trông lo chu đáo, tường tận. Khi nóng nảy vội vàng, việc nhỏ nóng nảy không sao, nhưng xử lý việc lớn nóng nảy vội vàng thường sẽ có sơ suất cẩu thả. Sự sơ suất cẩu thả sẽ có thể tạo thành khó khăn rất lớn, thậm chí tạo thành sự thất bại rất lớn, lúc đó hối hận cũng không kịp nữa. Cho nên là “bại hối tại hậu” vậy. Thế xuất thế gian đều không thể trái ngược nguyên tắc này, tu hành càng về sau càng thấy công hiệu, càng về sau càng thấy khó khăn, điều này cũng là đạo lý nhất định.
Cho nên Phật dạy chúng ta tu Nhẫn Nhục Ba-la-mật, bạn nhẫn được mới có thể an, mới có thể định, bạn không nhẫn được thì bạn không có được an và định. Cho nên Bồ-tát tu Lục Độ Nhẫn Nhục mới có thể tiến bộ, mới có thể tinh tiến. Tinh tiến mới có thể được định, nếu là tạp tiến, loạn tiến thì không thể được định. “Tinh” phía trước gọi là chuyên, “thân tâm đương chuyên”, nên họ được định. Điều này rất quan trọng. Trong an định thì có được trí huệ chân chánh, mới có thể nhìn được rõ ràng tất cả sự việc, bạn chỉ huy, bạn kinh doanh sẽ không phát sinh hỗn loạn. Từ xưa đến nay, trong nước ngoài nước đều không lìa khỏi nguyên tắc này. Tuy hiện nay hình thái xã hội khác với quá khứ nhưng nguyên tắc này vẫn hiệu quả, vẫn không thể trái ngược được.
“Vi chi bất đế, vong kỳ công phu”.
(Làm việc không thận trọng sẽ uổng phí công phu của mình).
“Đế” là chân thật, nếu bạn làm việc không cẩn thận, không chắc thật, chữ “bất đế” tức là không chắc thật không cẩn thận, công phu của bạn có thể sẽ đổ sông đổ biển hết, vậy thì rất là đáng tiếc. Ở nước Mỹ, chúng tôi thấy được một việc, Công ty máy tính Vương An (Wang Laboratories) vô cùng nổi tiếng, ông Vương An qua đời chưa đến một năm thì tan tành, đây tức là “vi chi bất đế, vong kỳ công phu”, việc này là một điển hình. Những sự việc lớn lao, khi nó thất bại thì tan tành rất nhanh. Những sự thật này, chư vị nếu hơi bình tĩnh một tí, tùy thời, tùy chỗ đều thấy được. Khi nhìn thấy, bạn hãy suy nghĩ cặn kẽ, trong kinh nói “tác sự thảng thốt, bại hối tại hậu”, cùng với Phật dạy hoàn toàn như nhau. Phật nói nguyên nhân tại sao nó thất bại nhanh như vậy. “Tiền nhân hậu quả” nói được rõ ràng như vậy. Chúng ta nghĩ lại điều này hoàn toàn chính xác, điều này cho chúng ta một sự cảnh tỉnh rất cao, chúng ta nhất định phải tuân thủ lời dạy của Phật. Tuân theo sự giáo huấn của Phật thì công phu của chúng ta sẽ không đến nỗi bị mất mát.
Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.
A-di-đà Phật!