PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TẬP 15

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 15

BẢO THỤ BIẾN QUỐC ĐỆ THẬP TỨ

PHẨM MƯỜI BỐN: CÂY BÁU KHẮP NƯỚC

Chương này Thế Tôn giới thiệu y báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương, cũng là sự thực hiện của bổn nguyện Di-đà.

Bỉ Như Lai quốc.

(Cõi nước của Đức Như Lai kia).

Đây là gọi thế giới Tây Phương Cực Lạc, quốc độ của A-di-đà Phật.

Đa chư bảo thụ: Hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ. Duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo.

(Có nhiều cây báu, có cây thuần bằng vàng, hoặc thuần bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não, chỉ do một thứ báu mà thành, không xen lẫn báu khác).

Đây cũng là nêu vài tỉ dụ. Mấy loại báu vật này thế giới của chúng ta cũng có, chúng ta đều có khái niệm. Thế gian của chúng ta nếu không có những loại trân bảo này thì Phật không nói, nói ra chúng ta cũng không biết, cũng vô phương tưởng tượng, cho nên đã rút gọn lại. Mặc dù Phật ở trong kinh nói đến những thứ báu này, trên thực tế những thứ báu này của thế gian chúng ta là tương tợ với thế giới Tây Phương, tức là chỉ giống một chút thôi. Bảo vật của thế giới Tây Phương so với chúng ta nơi đây còn thuần hơn nhiều, không những có ánh sáng mà lại còn có mùi thơm. Bảo vật của chúng ta nơi đây nhìn thì rất đẹp nhưng không thể phóng quang, vậy có loại có ánh sáng màu thì sao? Như đá quý, kim cương nó là ánh sáng phản xạ, bản thân nó không thể phóng quang. Bản thân bảo vật của Tây Phương đều tỏa ra ánh sáng, đều có mùi thơm, báu vật tương tợ của thế giới phương khác đều không thể so sánh được.

Hoặc hữu nhị bảo tam bảo, nãi chí thất bảo, chuyển cộng hợp thành.

(Hoặc do hai, ba cho đến bảy báu xen nhau hợp thành).

Đây là nói rõ, cũng có không ít những cây do nhiều thứ báu hợp thành, có những thứ đơn thuần, có những thứ hợp thành. Cho nên cảnh giới này thật sự mà nói là đẹp không kể xiết! Tiếp theo nêu ra vài tỉ dụ để nói:

Căn, hành, chi, cán, thử bảo sở thành.

(Gốc thân cành nhánh do báu này thành).

Đây là một loại báu.

Hoa, diệp, quả thực, tha bảo hóa tác.

(Hoa, lá, quả do báu khác thành)

Còn hoa, lá và quả là loại trân bảo khác biến hóa mà thành.

Hoặc hữu bảo thụ, hoàng kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi sao.

(Có cây gốc bằng vàng, thân bằng bạc, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn).

“Sao” là phần chót ngọn cây, rất mảnh dẻ.

Hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả.

(Hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả)

Đây là nói rõ cây báu là do nhiều thứ trân bảo làm thành.

Kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn cán, chi diệp hoa quả, chủng chủng cộng thành.

(Các cây khác cũng do bảy báu hợp lẫn nhau làm gốc thân cành lá hoa quả).

Chúng ta nhận thấy cảnh giới này đích thực là vô cùng trang nghiêm! Thế gian chúng ta hình dung cái đẹp của hoàn cảnh này, gọi là “rực rỡ xán lạn”, đó chỉ là hình dung mà thôi. Nếu dùng bốn chữ này để khen ngợi thế giới Tây Phương thì đích thực là “danh phù kỳ thực” (danh hợp với thực) chẳng chút quá đáng. Đây là thuộc về quả báo.

Từ quả báo thù thắng này chúng ta phải liên tưởng đến nhân duyên của nó. Thế giới đó tại sao có quả báo thù thắng như vậy? Phật dạy rằng thế xuất thế gian pháp đều không lìa khỏi nhân quả, có nhân thì nhất định có quả, có quả đương nhiên có nhân. Tâm của người ở thế giới Tây Phương thanh tịnh bình đẳng, cảm được “đại địa quảng bác kỳ bình như thường” (mặt đất luôn rộng rãi, bằng phẳng), có thể nói đây là cảm ứng. Những thứ cây báu đó thật sự mà nói là vô lượng công đức trang nghiêm. Di-đà từ lúc sơ phát tâm tu nhân chứng quả, quảng độ chúng sanh, công đức vời vợi. Mỗi người vãng sanh, tạo ác sám hối vãng sanh vẫn là thiểu số, công đức ấy cũng không thể nghĩ bàn, chúng ta không có cách gì tưởng tượng được. Thông thường, cửu phẩm vãng sanh, tín nguyện trì danh cũng là tu tích vô lượng công đức, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, cho nên có quả đức thù thắng như vậy.

Chúng ta thấy được tình hình này, nhất định phải biết tu nhân, Phật pháp từ đầu đến cuối đều chú trọng tu hành, tức là phải thật làm. Tam huệ của Bồ-tát là “văn tư tu”. “Văn tư tu” là một lần hoàn thành, không phải chia làm ba giai đoạn. Điều này quý vị nhất định phải biết. “Văn” nghĩa là tiếp xúc, dùng chữ này để đại biểu. Chúng ta mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sự tiếp xúc này gọi là “văn”. “Tư” là hiểu rõ, mỗi người chúng ta thường đối với bất cứ sự việc gì, “Ồ! Để tôi suy nghĩ”, suy nghĩ thì hiểu rõ, còn Bồ-tát có cần suy nghĩ không? Nếu suy nghĩ thì họ đã trở thành phàm phu mất rồi! Tại sao vậy? Vì đã rơi vào thức thứ sáu (ý thức), Bồ-tát vừa tiếp xúc thì hiểu rõ ngay. Lấy chữ “tư” này làm đại biểu. Hiểu rõ thì đương nhiên không mê, không rõ thì mê. Từ chỗ không mê, chúng ta gọi đó là “tu”. Do đây có thể biết “văn tư tu” tam huệ là một lần hoàn thành, một mà ba, ba mà một. Nói “văn” thì trong đó đồng thời đã có “tư, tu” còn nói “tu” thì đồng thời đầy đủ “văn, tư”. Đây là Bồ-tát Hạnh, không giống như chúng ta. Năng lực này là từ đâu đến? Từ “Giới Định Huệ” mà đến. Cho nên chỗ tu của Tiểu Thừa là Giới Định Huệ Tam Học, còn chỗ tu của Đại Thừa là Văn Tư Tu Tam Huệ – Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ đều là huệ, huệ đó là huệ nào? Là chữ Huệ của Giới Định Huệ. Có thể thấy Bồ-tát Hạnh là lấy Giới Định Huệ Tam Học làm nền tảng. Giới Định Huệ Tam Học lại lấy “Tam Phước, Lục Hòa” làm nền tảng, Tam Phước, Lục Hòa là nền tảng của nền tảng, phải làm mới được, không làm thì không được. Chúng ta bình thường niệm câu A-di-đà Phật, trong câu Phật hiệu này đầy đủ cả Tam Huệ, Tam Học, Lục Hòa, Tam Phước. Trong câu Phật hiệu này thảy đều đầy đủ thì niệm câu Phật hiệu này mới tương ưng. Cổ đức có nói “nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niêm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Thế nào gọi là tương ưng? Tức là chúng ta thật sự làm được, thật sự y giáo phụng hành. Cho nên mới có quả thù thắng trang nghiêm như vậy.

Lại xem phần kinh văn tiếp theo:

Các tự dị hàng, hàng hàng tương trị.

(Mỗi loại một hàng, hàng hàng thẳng lối).

“Các tự” tức là những cây này cũng có phân chủng loại, từng loại từng loại ngay ngắn chỉnh tề, một chút cũng không tạp, không loạn. “Các tự dị hàng”, nó được chia rất rõ ràng thì trở nên vô cùng xinh đẹp, hàng hàng thẳng lối chỉnh tề. Nó không phải là do nhân công trồng, mà là tự nhiên chỉnh tề ngay thẳng như vậy.

Hành hành tương vọng, chi diệp tương hướng, hoa thực tương đương, vinh sắc quang diệu, bất khả thăng thị.

(Thân cây ngang nhau, cành lá hướng nhau, hoa quả xứng nhau, màu sắc rực rỡ tươi đẹp không thể thấy hết được).

Những cây này không những được phân chia chủng loại rất rõ ràng mà hình dáng của cây, thật giống như nhà nghệ thuật vẽ ra, an bài đẹp đẽ, khiến bạn thấy vô cùng đẹp, đẹp không thể tả! Cây không phải mọc rất tạp loạn. Cây cối của thế giới chúng ta đều rất tạp loạn. Bạn xem, vẫn phải sửa sang cắt tỉa mà vẫn không ngay, nguyên nhân là gì? Là do tâm chúng ta rất loạn, ý niệm rất loạn, điều này có quan hệ mật thiết với cảnh giới bên ngoài. Trong pháp Đại Thừa thường nói “y báo chuyển theo chánh báo”. “Y báo” là hoàn cảnh của chúng ta, “chánh báo” là nhân tâm, nhân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh cũng thanh tịnh, nhân tâm tạp loạn thì cảnh giới bên ngoài cũng tạp cũng loạn, là đạo lý như vậy.

Thanh phong thời phát, xuất ngũ âm thanh.”

(Khi gió mát thổi, cây phát ra tiếng ngũ âm).

Thế giới Cực Lạc có gió mát, không có gió bão, gió mát thổi lên trên thân rất thoải mái. Những làn gió này thổi đến lá cây hoa quả, những lá cây hoa quả này đều là trân bảo, gió thổi những trân bảo này đụng vào nhau thì âm thanh ấy hay vô cùng. Thế gian chúng ta có chuông gió, cây cối hoa cỏ của Tây Phương so với chuông gió của chúng ta còn đẹp hơn. “Xuất ngũ âm thanh”, năm thứ âm thanh này, dùng cách nói hiện nay mà nói là nhạc giao hưởng. Trung Quốc ngày xưa dùng loại đàn như là đàn tranh có ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ). Còn nhạc khí Tây phương hiện nay là bảy âm (đô rê mi fa son la si), ngũ âm này là chỉ cho bảy âm này vậy. Đây tức là nói gió thổi vào cây báu thì giống như hòa tấu nhạc giao hưởng vậy.

Vi diệu cung thương, tự nhiên tương hòa. Thị chư bảo thụ, châu biến kỳ quốc.

(Cung bậc vi diệu, tự nhiên hòa hợp. Các cây báu này cùng khắp trong cõi nước).

Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, có thể thấy được những thứ cây báu này khắp các nơi.

Lại xem phẩm tiếp theo:

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐỆ THẬP NGŨ

PHẨM MƯỜI LĂM: BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ-đề thụ, cao tứ bá vạn lý, kỳ bổn chu vi ngũ thiên do-tuần, chi diệp tứ bố nhị thập vạn lý.

(Nơi đạo tràng có cây Bồ-đề cao bốn trăm vạn dặm, chu vi gốc cây rộng năm ngàn do-tuần, cành lá xòe ra bốn phía đến hai mươi vạn dặm).

Trong Phật pháp có mấy cách nói về “đạo tràng”, nơi đức Phật thành đạo chúng ta gọi là đạo tràng, như nơi Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện thành đạo. Cách nói thứ hai là nơi tu hành gọi là đạo tràng, bất luận là nơi một cá nhân tu hành hay là nơi mọi người cộng tu đều gọi là đạo tràng. Cách nói thứ ba là nơi giảng kinh thuyết pháp gọi là đạo tràng. Chữ “đạo tràng” ở đây là chỉ cho chỗ giảng kinh thuyết pháp của A-di-đà Phật. Đạo tràng của Phật giảng kinh thì cảm ứng tự nhiên lại càng không thể nghĩ bàn! Cho nên cây của đạo tràng sánh với cây thường lại càng cao hơn, lớn hơn, trang nghiêm hơn.

Nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành, hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu.

(Do các báu tự nhiên hợp thành, hoa quả sum suê chói sáng cùng khắp).

Đây là hình dung hoàn cảnh chung quanh nơi đạo tràng thuyết pháp của Đức Di-đà.

Phục hữu hồng lục thanh bạch, chư ma-ni bảo, chúng bảo chi vương, dĩ vi anh lạc, Vân Tụ bảo tỏa, sức chư bảo trụ.

(Lại có các ngọc ma-ni hồng lục xanh trắng, là các báu quý nhất, dùng làm anh lạc, xích báu Vân Tụ trang hoàng các cột báu)”.

Không chỉ là cây báu thành hàng mà giữa hàng cây còn có rất nhiều sự trang nghiêm. Giống như mấy ngày này chúng ta thấy con đường Orchard này, đặc biệt là ban đêm, khi ánh đèn mở lên. Bạn xem, những cây trên đường phố đều được trang hoàng rất nhiều, ánh đèn này đẹp không kể xiết. Thế giới Tây Phương giữa những hàng cây đó cũng có, so với đây còn đẹp hơn trên đường Orchard. Ở đây chúng ta dùng ánh đèn nhỏ để làm, còn người ta thì dùng ngọc ma-ni (là vua của các báu). Hột xoàn của thế giới này lớn tí ti thì giá trị cao vô cùng, còn hột xoàn nhỏ nhất của thế giới Tây Phương, so với cái mõ này còn lớn hơn nhiều, những thứ này vô cùng quý giá, rất nhiều! Có rất nhiều màu sắc: xanh đỏ lục trắng… “Ma-ni” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là như ý bảo. Chúng ta được thứ bảo này thì giống như trong truyện thần thoại “Cây Đèn Thần” của ngoại quốc vậy, chúng ta muốn gì thì nó biến ra thứ đó, ma-ni bảo của Thế giới Tây Phương là như vậy, là vua của các thứ báu.

“Dĩ vi anh lạc”, “anh lạc” là đồ trang trí trên cây, trang trí giữa các nhánh cây. Làm sao biết được ở giữa có những nhánh cây? Vì giữa các nhánh có cột trụ. Phía dưới nói “Vân Tụ bảo tỏa, sức chư bảo trụ”. Những cây trụ này cũng là bảy báu, giữa những hàng cây được sắp bày vô cùng chỉnh tề. Những thứ này không phải là nhân tạo, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người đi làm những việc này, đều là tự nhiên biến hiện ra. “Vân Tụ bảo tỏa”, tại những cung điện kiểu xưa ở Trung Quốc, nơi tiếp nối giữa cây xà và trụ có cái khóa giống hình tam giác, gọi là “Vân Tụ bảo tỏa”, dùng để khóa chỗ nối giữa cây xà và cột trụ, làm cho nó kiên cố, nó cũng là tác phẩm nghệ thuật cao cấp, điêu khắc vô cùng tinh vi, xinh đẹp. Đây là vật trang sức trên cây xà và trụ.

Kim châu linh đạc”.

(Chuông làm bằng vàng ngọc).

Linh châu ở đây chúng ta gọi là cái chuông reo.

Châu táp điều gian”.

(Treo khắp các cành cây).

Là chuông reo buộc vào ở giữa các màng lưới, khi gió thổi đến phát ra âm thanh lại càng hay, âm thanh rất vi diệu.

Trân diệu bảo võng, la phú kỳ thượng.

(Lưới võng quý đẹp giăng mắc trên không).

Trên những cột trụ là lưới báu, những thứ lưới này đều thuộc về vật trang sức. Thế giới Tây Phương rất thanh tịnh không thể có bụi bặm, không có ô nhiễm, cho nên loại lưới này là dùng để trang sức.

Bá thiên vạn sắc, hỗ tương ánh sức, vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực. Nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện.

(Vô lượng tia sáng phản chiếu lẫn nhau rất vi diệu. Tất cả trang nghiêm tùy vào tâm niệm của mỗi người mà ứng hiện).

Ở đây, điều mà chúng ta lưu ý là câu “nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện”. Cảnh đã đẹp như vậy rồi, nếu chỉ là quang cảnh đẹp đẽ thì không được kể là hiếm lạ, điều hiếm lạ là “nhất thiết trang nghiêm tùy ứng nhi hiện”, “hiện” cái gì? Trong tâm chúng ta muốn xem một thế giới nào, muốn xem một địa phương nào thì cảnh tượng ấy liền hiện ra, giống như chúng ta xem truyền hình vậy, truyền hình còn phải ấn nút, chuyển kênh, còn bên đó không cần, vừa động niệm thì cảnh giới ấy liền hiển hiện ngay trong đó. Chúng ta vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bỗng nhiên nghĩ đến Cư Sĩ Lâm Singapore thì quang cảnh Cư Sĩ Lâm lập tức hiện ra ngay trước mắt, bạn đều thấy cả. Cho nên mười phương thế giới, quá khứ hiện tại vị lai đều thấy được cả, đây là “nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện”. Vậy lợi ích trong đây quá lớn, nếu chúng ta đối với quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều hiểu rõ, nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại và quả vị lai, bạn triệt để minh bạch rõ ràng những nhân quả này, thì bạn một tơ hào đều không mê hoặc. Phật nói “nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” (một miếng ăn, một ngụm nước đều được định sẵn), chúng ta là đệ tử Phật, nghe rồi đương nhiên cũng tiếp nhận. Sự tiếp nhận này không phải là thật sự tiếp nhận, bởi vì đã nghe nhiều rồi nên tiếp nhận một cách chết cứng, hồ đồ cẩu thả mà tiếp nhận. Rốt cuộc là sự việc như thế nào? Bên trong có rất nhiều dấu hỏi, nếu quả thật đã hiểu rõ, thật sự chấp nhận thì bạn đã trở thành Bồ-tát rồi, bạn không phải là phàm phu, khởi tâm động niệm của bạn, tất cả hành trì, tự nhiên khác với phàm phu thông thường. Hạng phàm phu thông thường tạo nghiệp thọ báo còn bạn thì không. Bạn thật đã rõ ràng chân tướng sự thật rồi, vừa đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, những thứ này Phật không cần nói, bạn hoàn toàn đều thấy cả, chính mắt thấy những sự thật này, đừng nói là kẻ khác, nhìn chính mình, việc tạo nhân thọ báo của chính mình từ vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều biết rất rõ ràng.

Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh. Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc, thanh sướng ai lượng, vi diệu hòa nhã. Thập phương thế giới, âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất.

(Gió nhẹ thổi đến lay động cành lá phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp, vang khắp các cõi Phật. Âm thanh thanh tịnh sảng khoái vi diệu hòa nhã, tối thắng bậc nhất trong các âm thanh ở mười phương thế giới).

Gió thổi vào, cành lá của cây phát ra âm thanh mỹ miều tuyệt diệu, nó còn có thể nói pháp. Ở thế gian này của chúng ta, cho dù có nhiều chuông gió đi nữa thì nó cũng không thể nói pháp, chỉ là vui tai mà thôi. Diệu âm này ở thế giới Tây Phương có thể nói pháp, nói Pháp môn mà bạn thích nghe. Lại còn có việc kỳ diệu: Tôi thích nghe A-di-đà Phật nói pháp thì nghe được âm thanh của A-di-đà Phật, người khác thích nghe Thích-ca Mâu-ni Phật nói pháp thì quả thật là Thích-ca Mâu-ni Phật đang nói pháp, điều này cực kỳ tuyệt diệu! Tất cả cảnh giới tùy tâm biến hóa. Cho nên tôi thường khuyên các bạn đồng tu, “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để học, giản tiện, vững vàng! Còn bây giờ thì sao? Chúng ta phải hết lòng hết sức cầu vãng sanh, những việc khác không làm, chuyên cầu vãng sanh. Chúng ta biết được sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tất cả nguyện vọng của chúng ta đều được viên mãn. Nếu không sanh đến thế giới Tây Phương, thật sự mà nói, những nguyện vọng đó thảy đều thất bại, nhất định không thể trở thành sự thật được. Cho nên câu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, nhất định là phải đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để được viên mãn.

Âm thanh thuyết pháp của Phật cùng khắp pháp giới, chỗ này là nói lục trần thuyết pháp. Thế giới Tây Phương lục trần thuyết pháp, Pháp âm ấy cũng cùng khắp pháp giới. Do đây có thể biết lục trần của thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thực là sự lưu lộ của tự tánh công đức của Như Lai, không phải là nghiệp báo thiện ác của phàm phu chúng ta. Cho nên âm thanh của Ngài cùng khắp pháp giới. Câu sau cùng chúng ta phải chú ý là, “thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất”, tất cả âm thanh của mười phương thế giới không thể sánh bằng. Vậy thì chữ “đệ nhất” có nghĩa là gì? Nghiêm khắc thật sự mà nói tức là diệu âm của sáu chữ hồng danh “Nam-mô A-di-đà Phật”.

Nhược hữu chúng sanh đổ Bồ-đề thụ.

(Nếu chúng sanh nào thấy được cây Bồ-đề).

Đương nhiên khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có thể nhìn thấy được cây này, trong bổn nguyện đã nói, cho dù là kẻ thiện căn kém cỏi cũng có thể thấy được rõ ràng.

Văn thanh”.

(Nghe tiếng).

Nghe được âm thanh của cây báu nói pháp.

Khứu hương”.

(Ngửi mùi).

Cây báu này có mùi thơm.

Thường kỳ quả vị”.

(Nếm trái).

Cây này có trái, bạn có thể thưởng thức mùi vị của nó.

Xúc kỳ quang ảnh”.

(Chạm được ánh sáng).

Đây là không thể nghĩ bàn! Cây phóng quang, thân bạn chạm đến bóng cây.

Niệm thụ công đức.

(Nghĩ đến công đức của cây).

Công đức của cây thật sự không thể nghĩ bàn! Có thể nói pháp, có thể hiển hiện mười phương ba đời tất cả cảnh giới.

Giai đắc lục căn thanh triệt, vô chư não hoạn, trụ Bất Thoái Chuyển, chí thành Phật đạo.

(Đều được sáu căn thanh tịnh, không có não loạn, trụ vào Bất Thoái Chuyển cho đến khi thành Phật).

Công đức của cây thật sự quá lớn, thật là không thể nghĩ bàn, bạn thấy được cây, nghe được âm thanh của cây, âm thanh thuyết pháp, ngửi được mùi hương của cây, cho đến chạm được ánh sáng hoặc bóng cây đều có thể giúp bạn tiêu nghiệp chướng, có thể giúp bạn diệt tội, đoạn phiền não, giúp bạn khai ngộ, được sáu căn thanh tịnh không còn các thứ não hoạn, “vô chư não hoạn” tức là đoạn phiền não, tiêu nghiệp chướng. “Trụ Bất Thoái Chuyển”, “Bất Thoái” đương nhiên là tinh tấn rồi, tinh tấn bất thoái mãi cho đến thành Phật. Cái trợ duyên của hoàn cảnh này đối với chúng ta là vô cùng quan trọng! Không những đối với chúng ta, mà đối với Bồ-tát đều vô cùng quan trọng! Nếu không có hoàn cảnh trợ duyên tốt thì rất dễ thoái chuyển. Ở trong hoàn cảnh này tại sao lại không thoái chuyển? Bởi vì bạn có thể thấy được thế giới của mười phương chư Phật, bạn có thể thấy được các thứ hiện tượng của quá khứ, hiện tại, vị lai. Bạn có thể thấy được mười phương chư Phật thuyết pháp, bạn làm sao có thể thoái chuyển? Đây là cái cái nhân chân thật của sự bất thoái chuyển.

Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn.

(Lại nếu thấy được cây ấy thì được ba Nhẫn).

Đây là sự gia trì của bổn nguyện Di-đà, chúng ta đã đọc được ở trong bốn mươi tám nguyện.

Nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô Sanh Pháp Nhẫn.

(Một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn).

“Âm Hưởng”, “âm” là âm thanh thuyết pháp, “hưởng” là chỉ cho chỗ nói phía trước: “Vi phong từ động”, đây là cung thương vi diệu, những loại âm nhạc giao hưởng này, nghe đến những thứ hưởng này. Khi nghe pháp, chúng ta có thể lĩnh hội được pháp lạc, giảng kinh nói pháp tại giảng đường này, có rất nhiều người nghe cảm thấy rất khô khan, vô vị. Nếu đem lời giảng kinh phối thành âm nhạc để xướng lên. Ôi chao! Cách đó hay quá, số thính chúng so với hiện tại còn vượt hơn, không chỉ là mười lần, một trăm lần mà còn có thể bán vé nữa. Nếu lại còn có phần biểu diễn ở trên sân khấu nữa thì càng thù thắng. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nghe pháp không phải là khô khan vô vị như vậy, nó là diễn tấu nhạc giao hưởng vả lại còn thêm phần biểu diễn, cho nên sau khi nghe giảng xong, con người rất dễ khai ngộ. Sau khi khai ngộ, đối với tất cả pháp thảy đều minh bạch, tự nhiên có thể “nhẫn” được, không còn so đo nữa. Như trong Kinh Kim Cang nói “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (hễ có hình tướng đều là hư vọng), còn cái gì đáng để so đo nữa chứ! “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, chúng ta ở đây niệm vài câu kinh văn thì rất khó nghĩ đến cảnh giới bên trong, còn tại thế giới Tây Phương Cực Lạc, “mộng huyễn bào ảnh” này đều là hư vọng, chính mắt bạn nhìn thấy, chính bản thân bạn tiếp xúc đến, vì sao thế? Quá khứ, hiện tại, vị lai cả thảy đều ở trước mắt bạn, bạn quả thật thấy rõ ràng, bạn mới biết được chân tướng của sự thật này. Phật vừa nói, bạn xem lại thì trong tâm đã hiểu rõ, đã định rồi, từ chỗ này lại nâng cao lên.

“Nhu Thuận Nhẫn”, “nhu” là tâm ý nhu hòa, là hằng thuận chúng sanh. Phổ Hiền Bồ-tát hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Lại hướng lên cao nữa, “Vô Sanh Pháp Nhẫn”, đích thực chứng được: tất cả pháp vốn tự không sanh thì làm gì có diệt? Tất cả pháp không sanh, không diệt thì giống như Lục Tổ lúc khai ngộ nói: “Hà kỳ tự tánh bổn lai thanh tịnh, hà kỳ tự tánh bổn vô sanh diệt”, không những không sanh diệt mà cũng không lay động, “vốn là đầy đủ nên có thể sanh ra vạn pháp”. Ngài nói năm câu này. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tự bạn đều chứng được, đây tức là đã nhập vào cảnh giới Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi.

Ba loại nhẫn này ở trên địa vị Bồ-tát mà nói: Âm Hưởng Nhẫn là Biệt Giáo Sơ Địa, Nhị Địa, Tam Địa, không phải là Viên Giáo. Nhu Thuận Nhẫn là Tứ Ngũ Lục Địa. Vô Sanh Pháp Nhẫn là Thất Bát Cửu Địa. Cảnh giới của Địa Thượng Bồ-tát, chúng ta tuy vốn là phàm phu, ở trong hoàn cảnh này tu học đích thật rất dễ dàng khiến chúng ta thật sự chứng được quả vị của Bồ-tát. Ở phía trước đã nói qua, trí huệ, thần thông đạo lực của chúng ta đều là A-di-đà Phật gia trì, hình như đều là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa Bồ-tát. Đó là Phật lực gia trì, không phải tự mình tu thành. Đến chỗ này đích thực là tự mình nâng lên, tự mình đích thực chứng được cảnh giới này.

Phật cáo A-nan: “Như thị Phật sát, hoa quả thụ mộc, dữ chư chúng sanh nhi tác Phật sự.”

(Phật bảo A-nan: “Hoa quả cây cối và các chúng sanh cõi Phật ấy làm các Phật sự”).

“Phật sự” mà trong Phật pháp nói là giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Còn hiện nay thì sao? Thời gian tiếp xúc với kinh điển ít hơn, trong cửa Phật phần nhiều đều lấy Phật sự kinh sám siêu độ người chết cho là Phật sự, cho nên nghe đến “Phật sự” rất dễ dẫn đến hiểu lầm.

Việc siêu độ vong linh trong Phật giáo xuất hiện rất trễ. Thời xưa ở Ấn Độ không có, khi Phật giáo được truyền đến Trung Quốc, lúc ban đầu cũng không có. Sự việc này xảy ra như thế nào? Chúng ta cũng không có cách gì để khảo chứng.

Năm xưa, tại buổi Phật Học Giảng Tòa tại trường Đại Học Đài Loan do Pháp Sư Đạo An chủ trì đã từng có học sinh nêu ra vấn đề này. Vừa đúng hôm đó, tôi cũng có mặt để nghe lão Pháp Sư nói. Ngài nói sự việc này có thể là bắt nguồn từ năm Khai Nguyên triều nhà Đường. Năm đó quốc gia xảy ra tai nạn rất lớn, An Lộc Sơn tạo phản, nhờ có Quách Tử Nghi bình định được nội loạn. Sau này nhà nước xây một ngôi chùa tại mỗi chiến trường lớn, gọi là Khai Nguyên tự. Cho nên trong những chiến trường xưa đều xây chùa Khai Nguyên. Về sau, những nơi không phải là chiến trường hình như cũng có Khai Nguyên tự, ngay cả ở Đài Bắc và Đài Loan đều có Khai Nguyên tự, Khai Nguyên tự là từ như vậy mà có. Lúc đó là nhà nước đề xướng, mở lễ truy điệu, thỉnh các vị Cao Tăng Đại Đức tụng kinh siêu độ. Truy điệu có thể là bắt nguồn từ đây. Nhà nước đã làm như vậy để siêu độ những quân nhân tử nạn. Về sau trong dân gian, trong nhà có người chết cũng thỉnh Pháp sư đến siêu độ, có thể là từ đây mà có. Trong Phật Pháp đây đích thực là công việc phụ thêm, không phải công tác chủ yếu của Phật môn. Nhưng hiện nay thì sao? Đã trở thành việc chính rồi. Hiện nay tại Đài Loan, rất nhiều đạo tràng lấy viêc siêu độ làm chủ yếu, cho dù có giảng kinh, trong một năm thời gian giảng kinh cũng rất ngắn, rất ít. Có những chùa trong một năm giảng kinh chỉ có bốn lần, vào bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, một lần giảng một tuần, một năm giảng bốn tuần lễ. Cho nên giảng kinh đã biến thành việc phụ, còn công việc siêu độ đã biến thành Phật sự chủ yếu. Điều này chúng ta phải nhận thức cho rõ ràng. Trước đây, Phật sự là giảng kinh thuyết pháp.

Thử giai Vô Lượng Thọ Phật, oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố, mãn túc nguyện cố, minh liễu, kiên cố, cứu cánh nguyện cố.

(Là do sức oai thần, sức bản nguyện, mãn túc nguyện, do nguyện rõ ràng, kiên cố, rốt ráo của Phật Vô Lượng Thọ vậy).

Đoạn này vô cùng quan trọng! Phía trước đều là nói về quả đức, sau cùng, Thích-ca Mâu-ni Phật nói ra nhân duyên này. Đây là sự biến hóa của uy đức thần thông của A-di-đà Phật, là bổn nguyện lực của A-di-đà Phật. Ngài ở nhân địa phát đại nguyện này, hiện nay đã thành Phật rồi, thế giới của Ngài và các thứ trang nghiêm thật sự đã được hoàn toàn thực hiện. “Mãn túc nguyện”, “mãn” là viên mãn, không có một tơ hào khiếm khuyết. Do đây có thể biết tu nhân của Phật là viên mãn, nhân viên mãn thì quả mới viên mãn. Chúng ta thấy các thứ trang nghiêm đích thật là vượt qua tất cả cõi nước của chư Phật, nhân viên quả mãn. “Minh liễu” là trí huệ, thế giới đó không chỉ là Phật, Bồ-tát mà tất cả mọi người, tất cả vạn vật, vạn sự đều tràn đầy trí huệ. Cho nên đến nơi đó thì phá mê khai ngộ không khó. Chúng ta ở nơi đây rất khó! Đến nơi đó một chút đều không khó. Nguyên nhân là tại nơi đó hoàn cảnh tràn đầy trí huệ, vạn vật đều tràn đầy trí huệ. “Kiên cố” là không thoái chuyển. Ở trong hoàn cảnh đó nhất định không có cái duyên thoái chuyển, tất cả trợ duyên đều là giúp bạn tinh tấn, không có thoái chuyển, không có chướng ngại. “Cứu cánh” là nói cứu cánh viên mãn thành Phật, là như vậy mà thành tựu. Đây là nói ra nhân và duyên, chúng ta thấy được “nhân viên quả mãn” của Di-đà Thế Tôn. Điều quan trọng là chúng ta ở chỗ này phải học tập, chúng ta ở trong đời sống hiện thực phải làm sao để tu học, điểm này rất quan trọng!

ĐƯỜNG XÁ LÂU QUÁN ĐỆ THẬP LỤC

PHẨM MƯỜI SÁU: NHÀ CỬA LẦU GÁC

“Đường” là giảng đường, là nơi chốn tụ hội của mọi người, đường cũng là điện, điện và đường là một nghĩa. Còn “xá” là chỗ nghỉ ngơi cư ngụ của tư nhân. Thời xưa gọi là “cung”, là ý nghĩa này, cung và xá là giống nhau. “Lâu quán”, hai tầng trở lên gọi là lâu (lầu). Đây giống như đình đài lâu các của Trung Quốc, là một loại nơi chốn để nghỉ ngơi.

Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường, tinh xá, lâu quán, lan thuẫn, diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành.

(Giảng đường, tinh xá, lầu, quán, lan can nơi cõi Phật Vô Lượng Thọ cũng do bảy báu tự nhiên hóa thành).

Ở nơi đó, tất cả những kiến trúc không cần nhân công xây dựng, là do biến hóa làm ra. Ở thế gian chúng ta, phước báo lớn cũng không cần đi xây dựng. Như tầng trời thứ năm của Dục Giới gọi là Hóa Lạc Thiên, phước báo lớn, nếu họ muốn ở trong cung điện thì tùy niệm biến hóa là thành tựu. Còn tầng trời thứ sáu Tha Hóa Tự Tại Thiên thì phước báo lại càng lớn, không cần tự mình biến hóa, là do tầng trời thứ năm biến hóa rồi cúng dường cho họ, chính họ không cần biến hóa. Hai tầng trời cao nhất của Dục Giới cũng có loại thần thông năng lực này. Cho nên chúng ta có thể tin tưởng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả đều là do biến hóa làm ra, biến hóa một cách tự nhiên, giống như Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Phục hữu bạch châu ma-ni dĩ vi giao lạc.

(Lại có bạch châu ma-ni đan xen nhau)”.

Đây là loại châu ma-ni cực kỳ trân quý, màu trắng, trong suốt.

Minh diệu vô tỷ. Chư Bồ-tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị.

(Sáng chói không bì được. Cung điện của Bồ-tát ở cũng lại như vậy).

Ở đây hiển thị hoàn cảnh sinh hoạt vật chất ở thế giới Tây Phương là bình đẳng, không khác với A-di-đà Phật, là thế giới thật sự bình đẳng. Sự thọ dụng của Phật đương nhiên không cần nói nữa, là sự thành tựu công đức trong vô lượng kiếp của Phật. Bồ-tát, đặc biệt là những vị Bồ-tát mới vãng sanh đến Tây Phương, kiến tư phiền não vẫn chưa đoạn, tất cả sự thọ dụng của họ cũng giống như A-di-đà Phật, điều này là không thể nghĩ bàn! Tuyệt đối không phải là do công đức của những người này biến hiện ra mà là bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, nguyện lực của Phật gia trì. Điều này ở thế giới phương khác không có, chỉ có ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Điều này vượt hơn tất cả mười phương thế giới của chư Phật.

Trung, hữu tại địa giảng kinh, tụng kinh giả, hữu tại địa thọ kinh, thính kinh giả. Hữu tại địa kinh hành giả, tư đạo cập tọa thiền giả.

(Nơi đó có chỗ giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, đi kinh hành, tư đạo và tọa thiền trên đất).

Đoạn kinh văn này miêu tả tình hình sinh hoạt hằng ngày của mọi người ở thế giới Tây Phương. Vãng sanh đến Tây Phương để làm gì? Chúng ta ở tại thế gian này đều phải có việc để làm, con người không thể không làm việc. Ở Tây Phương cũng có việc, việc gì? “Nghe kinh tu đạo”, ngoài ra không có việc khác. Cho nên có giảng kinh ở trên mặt đất, có tụng kinh, thích tụng kinh thì tụng kinh, thích giảng kinh thì giảng kinh. Có thọ kinh, thọ là y theo lời giáo huấn trong kinh điển để làm, để thực hành. Có nghe kinh, ngoài ra có người đang tư đạo, đang dụng công tư duy, có người đang ngồi thiền. Mấy câu này đại biểu cho vô lượng vô biên pháp môn của Phật pháp, bạn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bất luận thích tu Pháp môn nào đều không có chướng ngại. Chúng ta phải đặc biệt chú ý! Bởi vì căn tánh của chúng ta khác nhau, ưa thích khác nhau. Tỉ dụ nói: “Tôi thích Thiền, bạn thích Mật”, hai thứ này hiện nay ở thế gian đều rất khó tu. Chúng ta đổi chỗ để tu, đến thế giới Cực Lạc để tu. Niệm A-di-đà Phật trước, niệm đến thế giới Tây Phương Cực Lạc tôi mới đi tham Thiền, mới đi học Mật. Ở thế giới Tây Phương pháp môn nào cũng có cả. A-di-đà Phật không có nói: “Bạn không niệm Phật thì không được, thế giới Tây Phương này của ta là chuyên niệm Phật, ngoài việc niệm Phật ra những thứ khác đều không nhận”. Phật không có nói như vậy. Trong phần sau của phẩm Tam Bối Vãng Sanh đã nói rất rõ ràng minh bạch. Phần trước, phần thượng bối, trung bối, hạ bối là tu Tịnh Độ niệm Phật mà vãng sanh. Phần sau là chỉ cho tu học tất cả pháp Đại Thừa, không phải tu Tịnh Độ, hễ hồi hướng cầu nguyện vãng sanh thì đều được sanh. Sau khi sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn thích học pháp môn nào thì học pháp môn đó.

Hữu tại hư không giảng, tụng, thọ, thính giả, kinh hành, tư đạo cập tọa thiền giả.

(Có chỗ giảng, tụng, thọ, nghe kinh, đi kinh hành, tư đạo và tọa thiền trên không trung).

Bạn thích ở trên mặt đất thì ở trên mặt đất, thích ở tại không trung thì ở tại không trung. Bạn xem, tự tại biết bao! Khi ở tại không trung thì cung điện lầu gác họ cư trú đều ở tại không trung. Người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đến thế giới phương khác để tu học, để cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh thì cung điện cùng đi theo với họ, cung điện đó liền biến thành công cụ phi hành, chúng ta không có cách gì tưởng tượng được tốc độ nhanh chóng đó, thật là tự tại! Hiện nay nhà cửa của bạn rất đẹp, bạn muốn đến một địa phương khác thì không mang theo được. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bất luận đến nơi nào bạn đều có thể mang đi, vả lại cung điện này đều là thích kiểu gì thì biến ra kiểu đó, hình thức lớn nhỏ đều tùy tâm ý của mình. Đây là nói rõ tình hình sinh hoạt hằng ngày của mọi người ở thế giới Cực Lạc, họ là toàn tâm đều ở trên đạo nghiệp, cách này thì thành Phật mới nhanh.

Hoặc đắc Tu-đà-hoàn, hoặc đắc Tư-đà-hàm, hoặc đắc A-na-hàm, A-la-hán.

(Hoặc chứng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, hoặc A-la-hán).

Đây là nói về sự thành tựu của công phu chính mình, không phải là sự gia trì của Phật. Bạn đến nơi đó tu trì, đoạn hết kiến tư phiền não rồi thì bằng với Sơ Quả Tu-đà-hoàn của thế giới phương khác. Trên thực tế, ở thế giới Tây Phương đều không có các danh xưng, đây là Thích-ca Mâu-ni Phật nói với chúng ta, là bằng Sơ Quả Tu-đà-hoàn của thế giới chúng ta. Họ ở bên ấy đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc rồi, vậy thì bằng với A-la-hán của thế giới chúng ta. Tư Hoặc gồm tám mươi mốt phẩm, đoạn ba phẩm thô Hoặc đầu tiên thì chứng được Nhị Quả Tư-đà-hàm. Lại đoạn tiếp sáu phẩm phía sau thì chứng Tam Quả A-na-hàm. Vẫn sót lại bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc, họ ở Tứ Thiền Thiên, Ngũ Bất Hoàn Thiên để đoạn, đoạn hết rồi thì chứng Tứ Quả A-la-hán. Đây là nói về việc đoạn Kiến Tư phiền não của bản thân, không nói về oai thần gia trì của Di-đà. Nếu nói bổn nguyện của A-di-đà gia trì thì mọi người đều bình đẳng, đều như nhau, không có sự sai biệt về giai cấp. Đây là nói về tự mình nâng cao công phu.

Vị đắc A-duy-việt-trí giả, tắc đắc A-duy-việt-trí.

(Người chưa chứng A-duy-việt-trí thì sẽ chứng A-duy-việt-trí).

Đây là nói được Di-đà gia trì, được oai thần bổn nguyện của Di-đà gia trì khiến người chưa chứng được A-duy-việt-trí thì sẽ chứng A-duy-việt-trí. A-duy-việt-trí là viên chứng Tam Bất Thoái.

Các tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, mạc bất hoan hỷ.

(Các vị ấy tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai chẳng hoan hỷ).

Thế giới Tây Phương Cực Lạc, xin thưa với quý vị, là nơi chốn tu học điển hình, tiêu chuẩn mô phạm viên tu viên chứng của Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ và Thập Đại Nguyện Vương. Chúng ta thật sự hiểu rõ ràng minh bạch việc này thì bạn một lòng một dạ thật sự chịu vãng sanh, thật sự vui lòng đi vãng sanh, cái tâm này tuyệt đối không bị dao động. Bạn đã rõ ràng, minh bạch đây mới là hoàn cảnh thật sự lý tưởng tốt đẹp cho sự tu hành. Xin xem phẩm tiếp theo.

TUYỀN TRÌ CÔNG ĐỨC ĐỆ THẬP THẤT

PHẨM MƯỜI BẢY: SUỐI AO CÔNG ĐỨC

Vẫn là giới thiệu hoàn cảnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc:

Hựu kỳ giảng đường tả hữu, tuyền trì giao lưu.

(Hai bên giảng đường có suối ao chảy quanh).

Câu này là tổng thuyết, thế giới Tây Phương có rất nhiều ao báu.

Tung quảng thâm thiển, giai các nhất đẳng.

(Ngang dọc sâu cạn bằng nhau).

“Tung quảng thâm thiển” là nói diện tích của ao báu. “Giai các nhất đẳng” là chỉ cho suối ao ở trên, chữ “nhất đẳng” này là như ý.

Hoặc thập do-tuần, nhị thập do-tuần, nãi chí bá thiên do-tuần.

(Hoặc mười, hai mươi hoặc trăm ngàn do-tuần).

Đây là nói về sự rộng lớn. Rộng lớn một do-tuần này theo trong kinh là chỉ cho đại do-tuần, bằng với tám mươi dặm Trung Quốc thời xưa, mười do-tuần là tám trăm dặm. Người Trung Quốc xưa kia thường nói: Trung Quốc có cái hồ lớn là hồ Động Đình, diện tích hồ Động Đình bao lớn? Tám trăm dặm. Bằng cái ao nhỏ thất bảo của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu là ao lớn thì trăm ngàn do-tuần, thế giới rất lớn. Do đây có thể biết, ao báu lớn nhỏ cũng tùy ý của con người. Đương nhiên hình dáng đó cũng là như ý, cạn sâu cũng là như ý, phần sau cũng sẽ nói đến, cạn sâu cũng rất như ý.

Trạm nhiên hương khiết, cụ bát công đức.

(Nước trong lặng thơm sạch, đủ tám công đức).

Nước trong ao gọi là bát công đức thủy (nước có tám công đức), trong Quán Kinh nói rõ:

✓ Thứ nhất là trong sạch, từ trên mặt nước có thể nhìn thấy đáy ao rất rõ ràng, nước giống như một mặt kính không nhiễm một hạt bụi.

✓ Thứ hai là tinh khiết, nước rất trong, rất mát, giống như nước suối của thế gian chúng ta.

✓ Thứ ba là ngọt ngào, nước này là ngọt, thế gian chúng ta nước suối ngọt rất ít.

✓ Thứ tư là nhẹ, mềm. Nước của Thế giới Tây Phương Cực Lạc rất nhẹ, rất nhu nhuyễn, không giống như chất nước của chúng ta.

✓ Thứ năm là nhuận trạch, nước ở đây có chức năng này, nó có thể thấm nhuần, cho nên tắm trong nước này có thể thấm mát thân thể, bản thân nước là phần dinh dưỡng tốt nhất.

✓ Thứ sáu là an hòa, nước của chúng ta không có điều này, cũng tức là nói bơi lội trong nước này, hoặc tắm rửa nhất định an toàn, không có chuyện bị nước nhận chìm chết. Thế giới Tây Phương từ trước đến nay chưa từng nghe qua sự việc này, rất an toàn.

✓ Thứ bảy là trừ được đói khát và các thứ bệnh, nước ở thế gian chúng ta không có điều này, nước của thế gian chúng ta có thể giải khát, tuy nhiên, khi bụng đói không thể khiến cho hết đói. Nước ở thế giới Tây Phương không những có thể giải khát mà cũng có thể trị cơn đói, khi bụng đói uống vài hớp nước thì no ngay, trừ được tất cả họa hoạn, cũng tức là nói người của thế giới Tây Phương đều là thân kim cang bất hoại, làm gì có bệnh, đây là tỉ dụ. Ở thế giới chúng ta có rất nhiều bệnh, nếu tắm trong ao đó một lần thì bệnh gì cũng không còn nữa, hay hơn tất cả thuốc men.

✓ Thứ tám là trưởng dưỡng các căn, nước này là nguồn dinh dưỡng phong phú nhất, bất luận bạn tắm hoặc là uống nước này đều là nguồn dinh dưỡng thù thắng nhất, nó có tám thứ công đức, cho nên gọi là bát công đức thủy.

Ngạn biên vô số Chiên-đàn hương thụ.

(Trên bờ có vô số cây Chiên-đàn hương).

Đây cũng là tỉ dụ. Thế gian chúng ta cũng có cây Chiên-đàn, đàn hương, thật sự mà nói, đàn hương của chúng ta làm sao sánh với nó được.

Kiết tường quả thụ, hoa quả hằng phương.

(Cây trái kiết tường, hoa quả luôn thơm tho).

Xin lưu ý chữ “hằng” này, “hằng” là vĩnh viễn. Không giống như thế gian của chúng ta, hoa cỏ cây cối đều thay đổi theo bốn mùa. Mùa thu lá cây đều rụng cả, phải đến mùa xuân mới đâm chồi. Thế giới Tây Phương không như vậy, là vĩnh viễn. Phía trước chúng tôi đã nói qua, thế giới Tây Phương không có bốn mùa cho nên những hoa quả, cỏ cây đều là vô lượng thọ. Phật vô lượng thọ, mọi người vô lượng thọ, tất cả vạn vật đều là vô lượng thọ, gọi là Vô Lượng Thọ quốc.

Quang minh chiếu diệu, tu điều, mật diệp”.

(Ánh sáng rực rỡ, cành dài, lá dày).

Chữ “tu” là dài, cành cây rất dài, lá rất rậm, rất sum suê.

Giao phú ư trì”.

(Che kín cả mặt ao).

Cây ở bốn bên bờ cũng rất lớn, hầu như che lấp cả cái ao này, trong ao vô cùng xinh đẹp.

Xuất chủng chủng hương, thế vô năng dụ. Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phần.

(Tỏa ra các mùi thơm, thế gian không ví được. Hương thơm thoảng trong gió, theo nước lan xa).

Mùi thơm này theo gió đưa đi thật xa. Thật sự mà nói, đức tướng của hoa quả cây cối và ao nước cũng là châu biến pháp giới.

Hựu phục trì sức thất bảo”.

(Các ao được trang sức bằng bảy báu).

Các ao được trang sức bằng bảy báu, đương nhiên không phải nhân tạo, là tự nhiên mà có.

Địa bố kim sa”.

(Đáy bằng cát vàng).

Chữ “địa” đây là chỉ cho đáy ao, đáy ao bằng cát vàng, không giống như đáy ao của chúng ta là bằng chất bùn.

Ưu-bát-la hoa, bát-đàm-ma hoa, câu-mâu-đầu hoa, phần-đà-lợi hoa”.

“Ưu-bát-la hoa” là màu xanh, “bát-đàm-ma hoa” là màu đỏ, đây tức là trong kinh A-di-đà nói hoa sen bốn màu. Màu đỏ này là xích sắc. “Câu-mâu-đầu” là màu vàng. “Phần-đà-lợi” là màu trắng. Trong kinh Di-đà chỉ nói bốn sắc, phía sau vẫn còn:

Tạp sắc quang mậu, di phú thủy thượng.

(Nhiều màu rực rỡ che khắp mặt nước).

Từ câu này thì chúng ta biết được hoa sen trong ao bảy báu không những chỉ có bốn màu mà màu sắc nhiều vô cùng. Dưới đáy có “tạp sắc quang mậu”, không phải chỉ có bốn màu. Những người từ mười phương thế giới vãng sanh, liên hoa hóa sanh, đều là hóa sanh trong hoa sen ở ao thất bảo.

Nhược bỉ chúng sanh, quá dục thử thủy.

(Nếu những chúng sanh kia tắm trong nước ấy).

Người ở thế giới Tây Phương thường đến ao báu để tắm, để bơi lội. “Quá dục”, người hiện nay gọi là bơi lội, đến ao để bơi lội.

Dục chí túc giả, dục chí tất giả, dục chí yêu dịch giả, dục chí cảnh giả.

(Muốn nước đến chân, đến gối, đến lưng, đến cổ).

Đây là nói độ sâu của nước trong ao có thể tùy theo ý người “tôi muốn nước cạn một chút thì nó liền cạn, muốn sâu một chút thì nó sâu”, điều này không dễ, nước rất nghe lời. Thế gian của chúng ta hiện nay cho dù có dùng cơ giới hóa thì vẫn không được tiện lợi như thế, không có thứ nào có thể thuận theo tâm ý của mình mà tự nhiên thành tựu.

Hoặc dục quán thân.

(Hoặc muốn rưới khắp thân).

Chữ “quán thân” này tức là nước từ bên trên tưới xuống, giống như chúng ta tắm dùng vòi hoa sen. Ở thế giới Tây Phương không cần dùng loại thiết bị này, hễ động niệm là nước tự động vọt lên rồi tự nhiên chảy xuống.

Hoặc dục lãnh giả, ôn giả, cấp lưu giả, hoãn lưu giả. Kỳ thủy nhất nhất tùy chúng sanh ý.

(Muốn lạnh, muốn ấm, chảy mạnh hay từ từ, nhất nhất theo ý muốn).

Điều tốt đẹp của nước ở thế giới Tây Phương đích thật thế giới phương khác không có.

Khai thần duyệt thể, tịnh nhược vô hình.

(Khai hiển thần thức, thân thể vui sướng, nước sạch như vô hình).

Bạn bơi lội trong ao báu này, “khai thần” chúng ta thường gọi là khai ngộ. Bơi lội trong nước có thể khai ngộ. “Duyệt thể” là thân tâm khoái lạc. “Tịnh nhược vô hình”, bởi vì nước trong ao thanh tịnh sạch sẽ, hoàn toàn là trong suốt. Không khí của chúng ta bên đây là vô hình, còn nước bên ấy cũng vô hình.

Bảo sa ánh triệt, vô thâm bất chiếu.

(Cát báu chiếu rực lên, dẫu sâu cách mấy cũng chiếu thấu).

Dưới đáy ao là cát vàng, cát vàng chỉ là nói tỉ lệ nhiều một chút, lẫn lộn với cát vàng là các loại báu, là ao báu, các loại báu đều phóng ánh quang minh, không có chỗ sâu nào không chiếu đến, nước ao đều phát ra ánh sáng.

Vi lan từ hồi”.

(Sóng gợn lăn tăn).

Đây là vô cùng đẹp đẽ. “Lan” là sóng nước rất nhỏ có thể thấy rất đẹp, “Từ” là chậm, lại quay quanh chuyển động.

Chuyển tương quán chú”.

Nước này có thể tưới rót lẫn nhau.

Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh”.

(Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu).

Nước đã là tưới rót lẫn nhau thì có âm thanh, nước của ao bên đây tưới vào ao bên kia, nước của ao bên kia lại tưới qua ao bên kia nữa, không những rất đẹp mà nó lại có âm thanh, âm thanh này nói pháp, là nhạc giao hưởng, không có thứ nào mà không thuyết pháp.

Hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh”.

(Hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng).

Âm thanh Tam Bảo này, chữ “thanh” này là đại biểu cho toàn bộ Phật pháp. Đại Tiểu Thừa Phật pháp đều không ngoài Tam Bảo, Tam Bảo tức là giác, chánh, tịnh (giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm), đây là đã bao quát tất cả Phật pháp, là tổng thuyết.

Ba-la-mật thanh”.

(Tiếng Ba-la-mật).

“Ba-la-mật” là tiếng Phạn, dịch thành nghĩa Trung Quốc là “đến bờ bên kia”, dùng cách nói hiện nay là “cứu cánh viên mãn”. Tất cả pháp đều chứng đến cứu cánh viên mãn, đây gọi là âm thanh Ba-la-mật.

Chỉ tức tịch tĩnh thanh”.

(Tiếng chỉ tức tịch tĩnh).

Câu này là đối với Thiền môn mà nói, “chỉ tức tịch tĩnh” là thuộc về thiền định.

Vô sanh vô diệt thanh”.

(Tiếng vô sanh vô diệt).

Câu này không những bao gồm pháp Đại Thừa mà đặc biệt là chỉ chỗ đề xướng trong Mật Tông. Cho nên bổn kinh có Hiển, có Mật, có Tông, có Giáo, tuy là Vô Thượng Thừa mà bên trong cũng bao gồm Tiểu Thừa, đích thật là Phật pháp cứu cánh viên mãn được hàm nhiếp một cách viên mãn trong bộ kinh này.

Thập lực vô úy thanh”.

(Tiếng thập lực vô úy).

Mười thứ năng lực đặc thù trên quả địa của Như Lai, Bồ-tát không có. “Vô úy” là mười thứ vô úy của Như Lai.

Hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh”.

(Hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã).

Cái này là thông pháp Đại Tiểu Thừa.

Đại từ đại bi hỷ xả thanh”.

Cái này là thuận pháp Đại Thừa.

Cam lộ quán đảnh thọ vị thanh”.

(Tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị)

Đây là Mật Tông. Vậy chúng ta đều có thể nghe hiểu vô lượng vô biên pháp môn trong tiếng hỗ tương chảy rót của nước công đức trong ao báu. Cái đức này của nước không chỉ là tám thứ công đức ở phía trước mà thật sự là vô lượng công đức.

Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, kỳ tâm thanh tịnh, vô chư phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn.

(Nghe được các thứ âm thanh như vậy rồi, tâm liền thanh tịnh, không còn phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục căn lành).

Bốn điều này là nói về cảnh giới trên quả địa của Như Lai, cũng là mục tiêu tu học của chúng ta. Chúng ta tu những gì? Điều này chính mình không thể không biết. Đề kinh của bổn kinh nêu ra ba đại cương lĩnh của sự tu hành cho chúng ta: “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Ba câu này tức là Tam Bảo, là Tam Học. Thanh tịnh là Tăng Bảo. Bình đẳng là Pháp Bảo, Giác là Phật Bảo. Tam Học là Giới Định Huệ, Thanh tịnh là Giới. Bình đẳng là Định. Giác là Huệ. Cho nên tổng cương lĩnh trong sự tu học của chúng ta là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Đã bình đẳng rồi thì tâm thanh tịnh, có được tâm thanh tịnh rồi thì đương nhiên không có phân biệt. “Chánh trực, bình đẳng, thành thục thiện căn”, vô lượng vô biên thiện căn trên quả địa của Như Lai đều từ chỗ này mà sanh ra, đây là thành thục thiện căn.

Tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ưng.

(Điều gì nghe được cũng tương ứng với pháp).

Chúng ta phải lưu ý câu này. Tương ưng với pháp, khế cơ khế lý thì tương ưng. Tại giai đoạn hiện tiền của chúng ta, chúng ta không thể không biết điều này. Thế Tôn đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh điển, người sau phân loại, biên tập lại. Ở Trung Quốc gọi là Đại Tạng Kinh, đây là trân bảo vô giá mà Phật để lại cho chúng ta. Trong số kinh luận này có một số khế hợp với căn cơ chúng ta, có một số không khế cơ, những cái không khế cơ với chúng ta, chúng ta miễn cưỡng tu học thì không tương ưng. Nói cách khác, chúng ta không được lợi ích. Những cái vô cùng thích hợp với căn cơ chúng ta thì rất tương ưng, chúng ta lập tức có được thọ dụng, được lợi ích, điều này phải biết.

Người thời nay mở miệng hoặc ngậm miệng đều nói đến hiện thực, thật sự mà nói, Phật pháp là nói đến hiện thực nhất, người thế gian nói đến hiện thực so sánh với Phật Pháp vẫn kém rất xa! Cái gì là hiện thực nhất? Lìa khổ được vui là hiện thực nhất, cái mà Phật pháp cầu đó tức là phải lìa khổ, là phải được vui, phải gấp rút lìa khổ, phải gấp rút được vui, phải được cái vui cứu cánh, cái vui viên mãn. Đây là cái mà Phật pháp cầu. Có điều gì còn hiện thực hơn điều này? Chúng ta có thể thật sự đạt được không? Thật sự có được, hễ chỗ tu của bạn tương ưng với pháp thì bạn có được. Cho nên chúng ta học Phật phải cầu cái pháp tương ưng, tương ưng với căn tánh của mình, tương ưng với trình độ của mình, tương ưng với hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình, tương ưng với nguyện vọng của chính mình. Phải chọn lựa pháp môn như vậy thì bạn học rồi liền vui vẻ ngay, đến thế giới Tây Phương vẫn là như vậy, đều là học những pháp môn tương ưng với chính mình.

Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn”.

(Muốn nghe pháp nào chỉ có pháp đó phát ra, nếu không muốn nghe nữa liền im lặng).

Điều này rất hay! Bạn xem, hoa cây nói pháp, nước công đức cũng nói pháp. Nếu tôi không muốn nghe những thứ pháp đó mà nó cứ khăng khăng nói, bạn bảo điều này khó chịu biết mấy! Không muốn nghe thì rất yên tịnh, tiếng gì cũng không có. Còn muốn nghe? Muốn nghe Hoa Nghiêm thì nó nói Hoa Nghiêm, muốn nghe Pháp Hoa thì nó nói Pháp Hoa, hai người nắm tay nhau, phần ai nấy nghe, một chút đều không trở ngại, điều này hiếm có! A-di-đà Phật giáo hóa chúng sanh, Ngài nghĩ rất chu đáo, khiến người ta phải bội phục đến năm vóc sát đất. Ngày nay khoa học kỹ thuật của chúng ta phát triển vẫn không thể đạt đến trình độ này. Trước kia tôi từng nghĩ rằng: nếu chúng ta có được một đài phát thanh có rất nhiều tần số, một tần số giảng Hoa Nghiêm, một tần số giảng kinh Kim Cang, một tần số giảng kinh A-di-đà, còn có tần số để niệm Phật… bạn cầm chiếc máy thu thanh muốn nghe tần số nào thì nghe tần số đó, tuy nhiên so sánh với thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn kém xa! Chúng ta vẫn cần phải có một cái đài truyền thanh, trên tay vẫn phải cầm cái máy này mới được. Người ta thì cái gì cũng không cần.

Thật sự mà nói, đạo tràng hiện đại hóa phải là đạo tràng như vậy, không phải là xây cất nhà cao lầu lớn, điều này không có ý nghĩa. Mời Pháp sư đến giảng kinh cũng rất nhọc, mời mọi người đến nghe kinh cũng rất cực khổ. Nếu có một đạo tràng như vậy được xây cất ở bất cứ địa phương nào, bạn mở máy lên thì có thể nghe được Phật pháp mà bạn thích nghe, mọi thứ đều tương ưng với chính bạn. Đó là về sau này, tôi thì không có phước báo, tôi thường hay nói hy vọng những người có phước báo sẽ xây cất đạo tràng như thế, đạo tràng hiện đại hóa, đạo tràng của thế kỷ hai mươi mốt, khác với đạo tràng này của chúng ta.

Vĩnh bất thoái ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm.

(Vĩnh viễn không thoái tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Với hoàn cảnh tu học như thế, những gì sáu căn của bạn tiếp xúc đều là Phật pháp tương ưng với bạn, như vậy thì làm sao có thoái chuyển! Nhất định không thể thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề. Trong thời đại hiện nay, chúng ta từng đi qua rất nhiều quốc gia, địa phương, gần như khắp nơi đều có tình trạng người hoằng pháp quá ít, hình như mỗi địa phương đều rất cần nhân tài hoằng pháp. Bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp là vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong xã hội ngày nay thì thật là rất khó. Điều thứ nhất là cần phải có thời gian dài, phải học ít nhất là mười năm. Hoàn cảnh tu học, điều này cũng không phải là khó, vẫn có thể tìm được. Cái khó nhất là tìm thầy. Các Đại Đức lớn tuổi phần nhiều đều đã vãng sanh, cho dù chưa vãng sanh, đại khái đều đã trên tám mươi tuổi rồi. Bạn yêu cầu họ đến dạy bạn mỗi ngày vài tiếng là việc không thể được. Nói cách khác đều là đến tuổi hưu trí rồi, điều này rất khó.

Cái khó hơn nữa là không có học sinh. Có vẻ như có rất nhiều học sinh muốn học, không phải đơn giản như vậy. Học trò học đạo phải có đủ điều kiện gì? Phải buông hết tham sân si thì mới có thể học đạo. Ngày nay, cái thế giới phồn hoa này, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần luôn luôn lôi cuốn bạn, bạn có thể không động tâm thì mới có thể học được thành công. Tâm vừa động lên một chút thì bị người lôi đi mất, điều này khó, cho nên tìm học sinh rất khó. Tìm thầy đã khó, tìm học sinh lại càng khó hơn. Cho nên chúng tôi nghĩ chỉ có một phương pháp mà tôi vừa nói đến, đó là một đạo tràng mới của thế kỷ hai mươi mốt này, là đài truyền hình phát thanh. Phương tiện này khởi được tác dụng, vì sao thế? Vì hễ tìm được một ít nhân tài hoằng pháp thì có thể phổ biến Phật pháp khắp thế giới, khiến cho mỗi người ở trong gia đình có thể mở xem, đều có thể bắt sóng để nghe, như vậy mới được. Thật sự có thể vì lợi ích của tất cả chúng sanh, hy sinh chính mình, buông xuống danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tất cả sự hưởng thụ vật chất, người như thế không nhiều. Chỉ vài người cũng được, cũng có thể hoằng dương Phật pháp cùng khắp, như vậy là đúng. Nhất định phải vận dụng công cụ khoa học để phổ biến Phật pháp. Chúng ta xem đoạn sau cùng.

Thập phương thế giới chư vãng sanh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung, tự nhiên hóa sanh.

(Những người trong mười phương thế giới được vãng sanh, đều tự nhiên hóa sanh từ trong hoa sen ở ao thất bảo).

Kinh văn vô cùng rõ ràng, vãng sanh thế giới Tây Phương không phải là thai sanh của cha mẹ mà là liên hoa hóa sanh. Đây cũng là A-di-đà Phật lựa chọn tại nhân địa. Tại sao không chọn thai sanh? Thứ nhất là không thanh tịnh, thứ hai là có tình chấp, như mẹ con có tình cảm, tình cảm đó rất khó đoạn, điều này rất phiền phức, đó là gốc rễ của lục đạo luân hồi. Cho nên A-di-đà Phật loại bỏ cái chấp thủ đó, chọn lấy liên hoa hóa sanh, hoa sen thanh tịnh, mọc từ bùn nhơ mà không nhiễm, cho nên không có tình chấp ở bên trong, tâm dễ được bình đẳng, dễ được thanh tịnh.

Tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể.

(Đều thọ thân thanh hư, thể vô cực).

Câu này hay lắm! Phải cùng với thân kim cang bất hoại phía trước thì bạn mới biết được “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” của người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên đây là vô lượng thọ, vô lượng thọ là không suy, không thay đổi, đạo lý là ở chỗ này. Khác hoàn toàn với nhục thể của chúng ta. Nhục thể của chúng ta là do những tế bào tổ hợp mà thành, những tế bào này không thanh tịnh, bản thân là không thanh tịnh, vả lại còn vô thường, thời gian tồn tại của tế bào không dài, quá trình bỏ cũ đổi mới này cũng là biến hóa, còn ở thế giới Tây Phương là không biến đổi.

Bất văn tam đồ ác não, khổ nạn chi danh.

(Không nghe tên phiền não, khổ nạn của tam đồ).

Ở thế giới Tây Phương, tam đồ tức là tam ác đạo, tam khổ bát khổ, các thứ tai nạn này, ngay cái tên đều không nghe đến thì làm sao lại có thật chứ.

Thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ.

(Giả dụ còn không có, huống là có khổ).

Việc khổ thật sự thì nhất định không thể có, không những không có những việc này mà ngay cả những danh xưng của những khổ này đều không nghe đến.

Đãn hữu tự nhiên khoái lạc chi âm.

(Chỉ có âm thanh vui thích tự nhiên).

Tất cả sự hưởng thụ đều là tự nhiên, sinh hoạt mỗi ngày đều là đang tinh tấn, đều là đang dụng công. Trong đoạn này, Thế Tôn giới thiệu tình trạng sinh hoạt hằng ngày của mọi người ở thế giới Tây Phương, cùng với vẻ đẹp của hoàn cảnh y báo của họ. Họ ngoại trừ những thứ này ra cũng có nhiều hoạt động, sự rộng lớn của không gian hoạt động, phần kinh văn phía sau sẽ nói rõ, tận hư không khắp pháp giới là không gian hoạt động của họ. Họ thường đi cúng Phật, đến các thế giới của chư Phật khác để tham phỏng. Như chúng ta nói đi du lịch, đi ngắm cảnh, đi khảo sát, họ thường đi làm những việc này, trên cúng dường chư Phật, dưới giáo hóa chúng sanh. Cho nên đời sống của họ là đa dạng nhiều màu sắc, không có chết cứng, vui sướng không gì bằng, không có công việc nặng nhọc, không có áp lực của công việc, không có áp lực của cuộc sống. Ở thế giới Cực Lạc chỉ có âm thanh tự nhiên khoái lạc.

Thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc”.

(Do vậy nước đó gọi là Cực Lạc).

Đây là thật, một chút cũng không giả.

Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.

A-di-đà Phật!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *