TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG
TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức
TẬP 20
“Tự nhiên bảo thủ, chân chân khiết bạch, chí nguyện vô thượng, tịnh định an lạc. Nhất đán khai đạt minh triệt, tự nhiên trung tự nhiên tướng, tự nhiên chi hữu căn bản, tự nhiên quang sắc tham hồi, chuyển biến tối thắng”.
(Tự nhiên gìn giữ, chân thật trong trắng, chí nguyện vô thượng, tịnh định an lạc. Hốt nhiên khai ngộ, hiểu rõ, thông suốt tướng tự nhiên của tự nhiên, bản thể tự tánh của vũ trụ, tự nhiên quang sắc xoay chuyển nhập lẫn vào nhau, chuyển biến tối thắng).
Đoạn này nói rõ tình hình đời sống, cảnh giới tu học, công đức chân thật của Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không thể nghĩ bàn. Trong đoạn này, Thế Tôn đã nói tám điều tự nhiên. Ý nghĩa này thật sự sâu rộng vô hạn. Nói cách khác, đều là cảnh giới của đại Bồ-tát, thấp nhất đều là cảnh giới của Biệt Giáo Sơ Địa, Viên [Giáo] Sơ Trụ trở lên. Chúng ta ở địa vị phàm phu, trí huệ chưa khai mở, nên những cảnh giới này rất khó lĩnh hội. Tuy nhiên, chúng ta phải biết có sự việc như vậy.
“Tự nhiên bảo thủ (1)”, “tự nhiên” tức là không thêm một tơ hào tạo tác nào. Chúng ta thường nói “hữu tu hữu chứng”, hữu là không tự nhiên rồi, so với cảnh giới này thì “vô tu vô chứng” cao hơn một tầng. Chúng ta hiện nay cũng không tu không chứng, vậy đó có phải là cảnh giới của chúng ta không? Không phải là cảnh giới của chúng ta. Đó là cảnh giới cao hơn một tầng so với “hữu tu hữu chứng”. “Hữu tu hữu chứng”, họ vẫn còn trước tướng, vẫn còn chấp trước. Cho nên cái tu chứng của họ không phải là chân chánh viên mãn. Phải lên thêm một tầng nữa, thì cảnh giới ấy mới là chân thật, mới là viên mãn. Vậy thì “hữu tu hữu chứng” là ở phạm vi nào? Chúng ta thường nói thập pháp giới, lục đạo đi lên thì có pháp giới Thanh Văn, pháp giới Duyên Giác, pháp giới Bồ-tát, pháp giới Phật, đây là thập pháp giới, đều là “hữu tu hữu chứng”. Cho nên “hữu tu hữu chứng” có thể thành Phật trong thập pháp giới. Vậy bên ngoài thập pháp giới thì sao? Bên ngoài gọi là “nhất chân pháp giới” đó là thật. Do đây có thể biết thập pháp giới không phải là thật, “mười” có thật không? Một tức là thật, trong một thì không có phân biệt chấp trước, vừa có phân biệt chấp trước thì không phải là một, cũng tức là bảo không “tự nhiên”. Đến nhất chân thì tự nhiên rồi. Cảnh giới này là trong nhất chân pháp giới, không phải thập pháp giới, cho nên khó hiểu. Đó là tự nhiên, tự tự nhiên nhiên.
“Bảo thủ”, “bảo”, trong Thiền Tông gọi là “bảo nhậm”. “Bảo nhậm” nghĩa là gì? Chữ “nhậm” là nghĩa nhậm vận (tùy thuận theo tự nhiên), cũng là tự nhiên, nhậm vận không thêm một tơ hào dụng ý nào, tự nhiên vĩnh viễn giữ gìn trong cảnh giới này. Đây gọi là “tự nhiên bảo thủ”, hoàn toàn là thể dụng của chân như tự tánh. Chúng ta nói “thể, tướng, dụng”, nói “thể dụng” bên trong nhất định phải bao hàm một cái tướng, “thể tướng dụng”. “Tự nhiên bảo thủ”, Phật thấy được cảnh giới này, kỳ thật cảnh giới này cũng ở trước mắt của chúng ta nhưng chúng ta mê mất cảnh giới này rồi. Đây cũng tức là nói thập pháp giới cùng nhất chân pháp giới là không hai không khác. Giác rồi thì là nhất chân pháp giới, không giác mới có thập pháp giới. Phật của thập pháp giới cũng chưa giác. Tông Thiên Thai gọi đây là “Tạng Thông Biệt Viên”, Phật của Tạng Giáo, Phật của Thông Giáo đều là Phật của thập pháp giới, không tự nhiên. Cho nên đến “tự nhiên bảo thủ”, thật tại mà nói là Phật của Viên Giáo, Biệt Giáo cũng có thể giảng được thông, tuy nhiên Tạng Giáo, Thông giáo thì không được. Cho nên vấn đề thành Phật, cần phải hỏi thành Phật gì? Điều này rất quan trọng. Muốn thành một vị Tạng Giáo Phật thì điều này không hiếm lạ.
“Chân chân khiết bạch”, đây là hình dung tự tánh của chúng ta, tự tánh thanh tịnh. Lục Tổ Đại Sư, xưa kia lúc Ngài khai ngộ, câu đầu tiên Ngài nói: “Hà kỳ tự tánh bổn lai thanh tịnh” (nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh). “Chân chân khiết bạch” là bổn lai thanh tịnh, mà cái thanh tịnh này có thể giữ gìn vĩnh viễn. Đây gọi là “tự nhiên bảo thủ”. “Chí nguyện vô thượng”, những vị Bồ-tát này quả thật khác với những người tu hành thông thường. Họ có nguyện vọng chí cao vô thượng, nguyện vọng này là gì? “Thượng thành Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”(trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh), nguyện vọng này là chí cao vô thượng, cùng mười phương tất cả chư Phật Như Lai không hai không khác. Những vị Bồ-tát này cầu những gì? Đối với chính mình là cầu giác ngộ viên mãn. Đây chính là Phật đạo, Phật đạo tức là giác ngộ cứu cánh viên mãn. Danh từ trong kinh Phật là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, họ cầu cái này, còn nguyện của họ là nguyện độ tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo, đây là chí nguyện vô thượng.
“Tịnh định an lạc”, “tịnh” là thanh tịnh, “định” là bất động. Tâm của họ, chí của họ đều không dao động, kiên định. Ý nghĩa của “tịnh” là nhất định không có xen tạp. Xen tạp thì không thanh tịnh rồi. Họ không xen tạp, không dao động tức là định. Bởi thế nên họ đạt được an lạc. Sự an lạc này tức là pháp hỉ sung mãn. Đây là hai chữ hình dung Bồ-tát tu học chứng quả, độ hóa chúng sanh đều là khoái lạc không gì sánh bằng.
“Nhất đán khai đạt minh triệt”, sự khai ngộ này là không có định trước kỳ hạn, không có nói là khi nào, việc này là không nhất định. Đây là vấn đề cơ duyên. Tự mình dụng công, công phu miên mật, liên tục không gián đoạn, bỗng nhiên có một ngày khai ngộ. “Nhất đán” tức là thình lình có một ngày khai ngộ. Cơ duyên khai ngộ của mỗi người không giống nhau, có người nghe kinh mà khai ngộ, có người tham thiền tức là lúc nhập định mà khai ngộ, có người không biết gặp được cảnh giới gì, trong phút chốc đập vỡ cánh cửa mê hoặc bỗng nhiên khai ngộ. “Nhất đán” nghĩa là bỗng nhiên.“Khai” tức là khai ngộ, tâm khai rồi. “Đạt” tức là liễu đạt, thông đạt. Tất cả pháp thế xuất thế gian, tất cả pháp quá khứ vị lai đều thông đạt, đều minh bạch cả. “Minh triệt” là hiểu rõ, không những hiểu rõ mà còn hiểu rõ triệt để. Đây gọi là khai ngộ. Trong thiền Tông gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, tại sao? Thế xuất thế gian pháp thảy đều thông đạt hiểu rõ, quá khứ hiện tại vị lai cũng đều thông đạt hiểu rõ, duyên cớ gì vậy? Chư vị nên biết, tất cả pháp đều do tâm tánh biến hiện ra. Trong kinh Hoa Nghiêm nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Một người minh tâm kiến tánh, tất cả pháp đều do tâm tánh biến hiện ra thì họ làm sao không hiểu rõ, sao không thông đạt chứ? Người không thấy tánh, thì không cách gì thông đạt, phải học từng thứ từng thứ, nghiêm túc nỗ lực mà học cũng chưa chắc đã thật sự hiểu rõ. Lắm lúc rất dụng công học, học rồi nhưng hiểu sai ý nghĩa, không phải chân tướng. Trường hợp hiểu sai này rất nhiều. Cho nên nhất định phải kiến tánh thì mới thật sự “thông đạt minh liễu”, nhất định sẽ không hiểu sai, hiểu lầm. Vậy thì “khai đạt minh triệt” chính là minh tâm kiến tánh của Thiền Tông, cũng tức là Tịnh Độ Tông chúng ta gọi là “lý nhất tâm bất loạn”. Vậy sau khi đạt đến cảnh giới này thì diện mạo thế giới này sẽ ra sao?
Tiếp theo là nói với chúng ta về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng này là “tự nhiên trung tự nhiên tướng (2), tự nhiên chi hữu căn bản (3), tự nhiên quang sắc tham hồi (4), chuyển biến tối thắng”. Bốn điều này là nói rõ sau khi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chúng ta không hiểu bốn điều này, tại sao? Vì chúng ta chưa thấy tánh, chưa minh tâm kiến tánh. Cho nên bốn câu này rất khó hiểu. Nếu bạn minh tâm kiến tánh rồi mà nghe được bốn điều này thì bạn sẽ gật đầu nói: “Đúng! Đúng! Nói rất đúng”. Bạn sẽ hiểu được ý nghĩa bên trong, ý nghĩa bên trong đích thực vô cùng sâu rộng. Chúng ta bắt chước những câu thuật ngữ thường dùng trong kinh Phật, như câu “tự nhiên trung tự nhiên tướng”, chính là “đương tướng tức đạo, tức sự nhi chân” (ngay nơi tướng chính là đạo, ngay nơi sự chính là chân) như nhà Thiền thường nói. Ý nghĩa chính là như vậy. Tuy nhiên, hai câu nói này vẫn không dễ hiểu. Nếu chúng ta dùng tỉ dụ của cổ đức: lấy vàng làm đồ vật, vật nào cũng là vàng, cũng là tỉ dụ cho sự việc này. Những người thật sự đã thấy tánh, minh tâm kiến tánh tức là chứng quả, Biệt Giáo là Sơ Địa Bồ-tát, Viên Giáo là Sơ Trụ Bồ-tát, đây là thấp nhất. Một người học trò đã minh tâm kiến tánh rồi, nếu thầy hỏi “chân như bản tánh” ở đâu? Chúng ta ở trong Thiền Tông thấy được lối dạy học này. Học trò tùy tiện nói một câu, tùy tiện nhặt lấy [một thứ gì đó], thì vị thầy gật đầu ấn khả làm chứng minh cho họ. Có pháp nào mà không phải chân như bản tánh đâu! Ví dụ như khi nãy nói lấy vàng làm đồ vật, thì mọi vật đều là vàng, vậy vàng ở đâu? Tùy tiện nhặt một chiếc vòng đeo tay cũng được, nhặt một chiếc bông tai cũng được, nhặt một sợi dây chuyền cũng được. Vàng ở đâu? Nó ở đây. Không sai. Thập pháp giới đã là y chánh trang nghiêm, đều là chân như bổn tánh biến hiện ra thì có cái nào không phải chứ! Nhặt lấy một ngọn cỏ cũng được, nhặt lấy một chiếc lá cũng được, không có một thứ nào mà không phải. Cho nên nói “đầu đầu thị đạo, pháp pháp viên thông” (chỗ nào cũng là đạo, mọi pháp đều viên thông), khi bạn chưa thấy tánh thì mọi chỗ đều là chướng ngại. Khi hỏi người không thấy tánh vàng ở chỗ nào thì họ không thấy. Ở đây có vòng đeo tay, có dây chuyền…, bạn hỏi vàng thì họ không biết. Hỏi vòng đeo tay ở đâu? Vòng đeo tay ở đây, dây chuyền ở đâu? Dây chuyền ở đây, còn vàng? Vàng thì không biết ở đâu. Chúng ta hiện nay chính là như vậy, chấp tướng nên không thấy tánh, còn họ thấy tánh rồi nên không trước tướng, tùy tiện lấy một cái thì đều đúng.
“Tự nhiên trung tự nhiên tướng” (2), tánh là tự nhiên, tướng cũng là tự nhiên. Chúng ta từ chỗ này tỉ mỉ mà lĩnh hội ý nghĩa này, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, nếu liễu giải được một hai phần chân tướng thì sự tu hành của chúng ta sẽ có lợi ích rất lớn, lợi ích ở đâu? Sẽ không chấp trước, không vọng tưởng nữa. Tại sao lại có nhiều vọng tưởng, chấp trước kiên cố như vậy? Vì trước tướng sẽ không thấy tánh, vì không hiểu rõ chân tướng sự thật nên họ mới trước tướng. Hễ không trước tướng thì được đại tự tại, thật sự giải thoát rồi. Cho nên nhà Thiền nói “đương tướng tức đạo” (ngay nơi tướng chính là đạo), đạo chính là tánh, ở trên tướng, tướng tức là tánh, tánh tức là tướng, tánh tướng bất nhị, tánh tướng nhất như, “tức sự nhi chân (ngay nơi sự tướng mà thấy thật tướng)”, bất cứ sự việc gì, sự tức là lý, lý tức là sự, lý sự không hai, lý sự nhất như, trên sự thì thấy lý, trên tướng thì thấy tánh. Đây tức là “tự nhiên trung tự nhiên tướng”.
“Tự nhiên chi hữu căn bản” (3). Chữ “tự nhiên” này là nói tướng, là nói sự. Tất cả hiện tượng, tất cả sự vật đều có căn bản, căn bản tức là tánh. Tất cả chúng sanh hữu tình, ngày nay chúng ta gọi là động vật. Thuật ngữ ngày nay gọi là động vật, thực vật, khoáng vật, trong Phật pháp gọi là hữu tình, vô tình. Động vật là hữu tình, thực vật, khoáng vật là vô tình, đều là chúng sanh. Ý nghĩa của chữ “chúng sanh” là chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Tuyệt đối không phải đơn thuần. Nếu dùng cách nói hiện nay tức là có rất nhiều điều kiện thì nó mới xuất hiện, không phải rất đơn thuần. Người hiện nay gọi là điều kiện, trong Phật Pháp gọi là chúng sanh, là chúng, “chúng” là nhiều, rất nhiều điều kiện thì hiện tượng này mới xuất hiện. Vì vậy nó có căn bản, tức là ở nơi động vật chúng ta gọi nói là Phật tánh. Căn bản của nó là tánh, tánh gọi là Phật tánh. Còn ở nơi thực vật, khoáng vật thì chúng ta gọi là Pháp tánh. Kỳ thật Phật tánh và pháp tánh là một tánh, không phải hai tánh. Tại sao gọi nó là Phật tánh? Vì nó có thể giác ngộ. Nó có thể giác cho nên chúng ta gọi là động vật, động vật có thể giác. Thực vật, khoáng vật không thể giác. Tuy là đồng một tánh nhưng cái tánh này có thể giác, cái tánh kia vẫn chưa thể giác ngộ. Sau khi tánh giác ngộ rồi thì cái chưa giác ngộ kia sẽ cùng giác ngộ theo, thường nói là “y báo chuyển theo chánh báo”. Chánh báo này tức là động vật, chúng sanh hữu tình. Hữu tình mê rồi thì cái pháp tánh kia cũng mê, [những thứ] liên đới với nhau đều mê. Hữu tình chúng sanh giác ngộ rồi thì pháp tánh vô tình kia cũng giác ngộ. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, “đồng” là chung, “viên” là viên mãn, “chủng trí” tức là giác ngộ. Tuy nhiên phải biết, chỉ hữu tình mới có thể giác ngộ, còn vô tình là liên đới giác ngộ theo, cùng giác ngộ. Cùng giác ngộ tức là câu thứ nhất ở phía trước “tự nhiên trung tự nhiên tướng”. Điều này là cùng giác ngộ. Cho nên “tự nhiên chi hữu căn bản”, “căn bản” là có bản tánh. Hiện nay triết học nói đến “bản thể của vũ trụ vạn hữu”, tất cả vạn sự vạn pháp trong vũ trụ đều là từ nó sanh ra. Những nhà triết học tuy biết có một cái bản thể, nhưng bản thể là gì thì không nói rõ ràng được. Thực tế mà nói, họ vẫn chưa phát hiện ra. Tuy nhiên trong Phật pháp đã nói rất rõ ràng minh bạch rồi.
“Tự nhiên quang sắc tham hồi” (4), “quang” là quang minh, “sắc” là sắc tướng. Câu này tức là “duy tâm sở hiện” nói trong kinh Hoa Nghiêm, là hiện ra tướng cảnh giới của thập pháp giới, tướng cảnh giới của pháp giới nhất chân,“tự nhiên quang sắc tham hồi”. Giống như Kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Chúng ta từ trong kinh thấy được đây là “tự nhiên quang sắc tham hồi”, “tham” là đan xen.
“Chuyển biến tối thắng”, chuyển biến tức là thập pháp giới, “duy thức sở hiện”, rơi vào trong thức thì nó sẽ biến ra những cảnh giới: lục đạo, nhân thiên, tam ác đạo. Cho nên đây là chuyển biến. Chuyển biến là thức khởi tác dụng. Thức là gì? Là phân biệt chấp trước. Cho nên chư vị phải biết, nếu không có phân biệt chấp trước thì pháp giới là nhất chân. Đây là tự nhiên quang sắc tham hồi, đó là trang nghiêm vi diệu, không thể nghĩ bàn! Vừa khởi phân biệt chấp trước thì chuyển biến rồi, tác dụng của chuyển biến, tướng mà nó hiện ra cũng không thể nghĩ bàn! Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, “chuyển biến tối thắng”.
“Uất-đơn thành thất bảo (5), hoành lãm thành vạn vật”.
(Uất-đơn-việt thành thất bảo, tự nhiên từ hư không hiện ra vạn vật).
Câu này là hình dung tướng dụng không thể nghĩ bàn. “Uất-đơn” là Bắc Câu-lô-châu trong bốn đại châu. Người của châu này phước báo lớn nhất, ăn mặc, hưởng thụ đều là tự nhiên. Còn thọ mạng là một ngàn tuổi, không có chết yểu. Vì vậy chỉ có ba châu có Phật pháp. Người của Bắc Câu-lô-châu không muốn học Phật, bởi vì họ không có khổ. Cho nên Phật đến nơi đó hoằng pháp, giảng kinh thuyết pháp thì không có người nghe, phước báo của họ quá lớn. Cho nên phú quý học đạo khó, bạn xem trên bức hoành viết, Vi-đà Bồ-tát cảm ứng với ba châu, tức là không có Bắc Câu-lô-châu. Ngài không có cách, [nơi đó] không có Phật Pháp. Phước báo lớn, tất cả [đều là] tự nhiên: thức ăn mà họ ăn giống như mọc sẵn trên cây, muốn ăn thứ gì thì trên cây rớt xuống, không phải bận tâm chút nào. Ăn, mặc, ở, đi đều là tự nhiên. Sự phú quý của nhân gian đã đạt đến chỗ cùng cực rồi. Chỗ này là lấy ý nghĩa tự nhiên của nó, “Uất-đơn thành thất bảo”, cũng tức là bảy báu tự nhiên tuôn ra vậy. “Hoành lãm thành vạn vật”, “hoành lãm” “hoành” là châu biến thập phương. Cho nên trước kia có người nói “Uất-đơn” nghĩa là ba đời, phối hợp với chỗ này là ba đời mười phương. Tuy nhiên nói ba đời không dễ giảng lắm. Vậy chữ “Uất-đơn” giảng là “tự nhiên” thì hay hơn, không cần phải liên hệ đến ba đời. Bởi vì từ trên chỉnh thể mà quan sát chân tướng của sự thật là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” thì ý nghĩa của hai chữ “tự nhiên” viên mãn hơn, không cần phải miễn cưỡng nói đến ba đời. Vậy hai câu này nói rõ thập pháp giới y chánh trang nghiêm là tự nhiên từ trong chân như bổn tánh lưu lộ ra. Hai câu này chính là ý nghĩa như vậy. Thực tế giống như câu “nguyên thị Bồ-đề diệu tịnh minh thể” (vốn là cái thể vi diệu tịnh khiết sáng sạch của Bồ-đề) nói trong kinh Lăng-nghiêm, ‘thập giới y chánh” tức là thập pháp giới y chánh trang nghiêm, đều từ tự tánh tự nhiên lưu xuất ra, giống với câu này. Tức là trong Hoa Nghiêm nói “tâm hiện thức biến”.
“Quang tinh minh câu xuất (6), thiện hảo thù vô tỉ (7)”.
(Quang minh tinh diệu sáng sạch cùng xuất hiện, tốt lành thật không gì sánh được).
“Quang” là quang minh, thực tế mà nói, mọi thứ đều có quang minh, tại sao? Bởi vì tự tánh là quang minh, cái thể năng biến năng hiện ấy là quang minh thì cái được hiện ra có lý nào không phóng quang minh chứ! Cho nên chư Phật Bồ-tát có ánh sáng, mỗi người chúng ta cũng có ánh sáng, tất cả động vật đều có ánh sáng, cho đến cả thực vật khoáng vật đều có ánh sáng. Thế giới Tây Phương mọi thứ đều phóng ánh sáng, là có đạo lý của nó, có lý luận y cứ của nó. Ở thế giới Ta-bà, tất cả vạn vật cũng phóng quang, tuy nó phóng quang, nhưng tại sao chúng ta không thấy? Vì tâm nhãn của chúng ta bị ô nhiễm, bị vọng tưởng chấp trước, thất tình, ngũ dục làm ô nhiễm nên không thấy được. Người thế gian này khi tâm càng thanh tịnh thì họ sẽ nhìn thấy những hiện tượng này, tâm thanh tịnh một phần thì họ thấy một phần, tâm thanh tịnh mười phần thì họ thấy được mười phần. Những điều này cũng là tự nhiên, không phải là thần thông hay khả năng đặc biệt. Chúng ta biết được đạo lý này, biết được chân tướng sự thật này, nó có quang minh, tinh đẹp, trong suốt, sạch sẽ cùng xuất hiện. Chân tướng của thập pháp giới là như vậy.
“Thiện hảo thù vô tỉ” (7). Chư Phật Bồ-tát trong thập pháp giới độ chúng sanh, chúng ta cảm thấy có tướng uế, các Ngài không thấy có tướng uế, chúng ta cảm thấy có ô nhiễm, các Ngài không cảm thấy có ô nhiễm. Chúng ta ở trong lục đạo, các Ngài cùng chúng ta tay nắm tay ngồi ngang hàng nhưng các Ngài trụ trong nhất chân pháp giới. Cảnh giới không giống nhau, các Ngài trụ trong nhất chân pháp giới là tự nhiên. Chúng ta trụ trong lục đạo cũng là tự nhiên. Cho nên điều này không thể nghĩ bàn.
“Trứ ư vô thượng hạ, đỗng đạt vô biên tế”.
(Sáng tỏ không trên dưới, thông suốt không ngằn mé).
“Trứ” nghĩa là sáng tỏ, rõ ràng. “Vô thượng hạ”, câu này là nói cái lý như như, không có quá khứ, không có vị lai. Chữ “thượng hạ” là chỉ quá khứ vị lai, cái lý như như cũng hiện rõ là: không có xưa nay, không có ba đời. “Đỗng đạt vô biên tế”, “biên tế” là nói mười phương, cũng không có mười phương. Không có mười phương, không có ba đời, đây mới là nhất chân. Do đây có thể biết, mười phương ba đời là từ đâu mà đến? Từ vọng tưởng phân biệt chấp trước mà đến, lìa khỏi tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước thì không còn nữa, pháp giới này vốn là nhất chân. Cái lý này sâu, cảnh giới cũng sâu, tuy nhiên nó đích thật là cảnh giới chân thật của người thấy tánh. Cũng tức là chúng ta nói: “chư pháp thật tướng” (thật tướng của các pháp), chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chúng ta ở tại thế gian này, muốn thấy được chân tướng này thì khó. Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ đoạn không nổi vọng tưởng phân biệt chấp trước. Nếu thật sự đoạn được rồi thì không khó. Chính vì cái này khó đoạn nên chúng ta không cách gì chứng đắc thật tướng của các pháp. Vì vậy mới phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc chúng ta được oai thần bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, [thì dù] phiền não của chúng ta vẫn chưa đoạn, vọng tưởng phân biệt chấp trước vẫn chưa đoạn, nhưng chúng ta được Phật lực gia trì thì cũng có thể thấy được. Thế Tôn nói rõ ràng những sự việc này với Di-lặc Bồ-tát. Thực tế nói với Di-lặc Bồ-tát cũng chính là nói với chúng ta, phía trước nói với A-nan cũng là nói với chúng ta. Chỗ này đổi thành Di-lặc Bồ-tát bởi vì Di-lặc Bồ-tát là Đẳng Giác Bồ-tát, Ngài rất quen thuộc cảnh giới Tây Phương, Phật vừa nói như vậy thì Ngài đương nhiên gật đầu, hoàn toàn khẳng định. Còn đối với kẻ sơ học như chúng ta thì tăng thêm lòng tin kiên định. Tuy không phải cảnh giới của chúng ta, nhưng chúng ta nghe rồi cũng sẽ không hoài nghi, cũng có thể tiếp nhận, có thể tin tưởng. Tiếp theo là lời Thế Tôn khuyến khích chúng ta.
“Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi”.
(Vậy mỗi người phải nên siêng năng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy).
“Nghi” là “phải”. Mỗi người đều phải chăm chỉ, phải tinh tấn. “Nỗ lực tự cầu”, điều này không phải không cầu được. Trong các Pháp môn khác, cho dù có nỗ lực tinh tấn, thực tế mà nói, chưa hẳn có thể cầu được. Bởi vì phải đoạn phiền não, phải đoạn Hoặc, điều này khó. Trong Pháp môn này, chúng ta chỉ cầu vãng sanh. Cho dù đã tạo tội nghiệp rất nặng, nhưng nếu có thể chân chánh sám hối thì một niệm, mười niệm cũng có thể vãng sanh. Điều này nói rõ mọi người chúng ta đều có phần vãng sanh. Bất luận người như thế nào, người thiện, người ác cả thảy đều có phần. Hễ bạn chịu tin tưởng, bạn chịu đi, bạn bằng lòng đi, bạn hết lòng lão thật niệm Phật là được.
“Tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh vô lượng thanh tịnh A-di-đà Phật quốc”.
(Thì ắt được siêu tuyệt, vãng sanh về cõi vô lượng thanh tịnh Phật A-di-đà).
Đây là chỉ thị rõ ràng minh bạch, khiến chúng ta không còn chút tơ hào hoài nghi. “Tất đắc”, ngữ khí này vô cùng khẳng định, bạn nhất định đi được, “siêu tuyệt” mà đi. “Siêu tuyệt” là siêu việt những người tu hành thông thường, họ phải tu ba đại a-tăng-kỳ kiếp, còn bạn không cần, bạn vượt hơn rồi, khoảnh khắc thì siêu việt. Vượt qua năm mươi mốt giai cấp của Bồ-tát. Các Bồ-tát đó phải trải qua Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Bạn không cần phiền phức như vậy, chỉ trong khoảnh khắc thì vượt qua rồi, “siêu tuyệt”, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Là như vậy mà vượt qua, cho nên đây là pháp khó tin. Phật ở chỗ này khuyến tấn khích lệ chúng ta, nhất định không phải là giả, mỗi câu đều chân thật. Chúng ta thực tế mà nói là may mắn không gì sánh bằng! Trong đời này gặp được pháp môn này, nếu bạn không gặp được pháp môn này, dù bạn có khổ tu đến mấy cũng không có biện pháp thoát khỏi lục đạo luân hồi. Không thoát khỏi luân hồi thì công đức đã tu đó biến thành phước báo đời sau, bạn sẽ đi hưởng phước, điều này không cứu cánh. Gặp được pháp môn này thì hay lắm! Trong một đời bảo đảm có thể xuất ly lục đạo luân hồi, vãng sanh thì một đời Bất Thoái thành Phật.
“Hoành tiệt ư ngũ thú”.
(Cắt ngang năm đường).
“Ngũ thú” tức là lục đạo. Pháp môn này của chúng ta là “hoành siêu” (vượt ngang), tu học pháp môn khác không được thành tựu như vậy, phải từ cõi người tu đến cõi trời. Như thiền định, phải từ Sơ Thiền tu đến Nhị Thiền, Nhị Thiền đến Tam Thiền, Tam Thiền đến Tứ Thiền, Tứ Thiền đến Tứ Không, như vậy mới ra khỏi lục đạo luân hồi. Họ phải trải qua các thứ bậc như vậy, còn pháp môn của chúng ta thì không cần, chúng ta từ nhân đạo, từ bên cạnh mà thoát ra, không cần phiền phức như vậy. Cách kia tu rất khổ, rất không dễ dàng! Cho nên [pháp môn này] cắt ngang, vượt ngang, không cần trải qua nhiều giai đoạn như vậy.
“Ác đạo tự bế tắc”.
(Ác đạo tự nhiên đóng kín)
Ra khỏi lục đạo luân hồi rồi thì cho dù chúng ta có ác nghiệp cũng không phải thọ báo, vì sao? Vì thế giới Tây Phương không có tam ác đạo. Chúng ta cho dù có nghiệp nhân của tam ác đạo, song không có chỗ để thọ báo thì ác đạo đó tự nhiên đóng kín, huống chi nhờ Phật lực gia trì, chúng ta chỉ có tiến bộ không có thoái chuyển.
“Vô cực chi thắng đạo”.
(Đạo thù thắng vô cực).
“Vô cực” là tán thán đến chỗ tột đỉnh rồi, đạo này là tối thù thắng, đại đạo vô cực thù thắng, một đời viên mãn thành Phật, đây là chỉ cho niệm Phật vãng sanh.
“Dị vãng nhi vô nhân”.
(Dễ đi mà không có người theo).
Rất dễ đi. Thế giới Tây Phương Cực Lạc rất dễ đi, nhưng rất tiếc không có ai đi, tại sao không có người đi? Vì bạn không tin, vậy thì không có cách gì, bạn không tin, bạn không chịu phát nguyện, nơi đó tốt lành như vậy, bạn nghĩ xem điều này đáng tiếc biết mấy!
“Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy (8)”.
(Cõi kia không trái lẽ, tự nhiên bị kéo theo).
“Bất nghịch vi”, tức là nói rất dễ vãng sanh. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc rất dễ dàng! Tuyệt đối không phải là việc khó khăn. “Tự nhiên sở khiên tùy”, cũng là hình dung sự dễ dàng, tùy niệm thì mãn nguyện. Một đời là được địa vị Bất Thoái chuyển. Đây là pháp dễ hành mà khó tin, cho nên chư Phật cảm thán là pháp khó tin. Nếu bạn giới thiệu Tịnh Tông cho người khác, khuyên người ta mà người ta không tin thì bạn nên cười thôi, điều này rất bình thường, nếu họ tin ngay thì thật lạ lùng. Đây là pháp khó tin, sao họ có thể tin? Họ tin được thì nhất định là do có nhân duyên không thể nghĩ bàn. Như Phật nói trong kinh này, họ không phải người thường. Mấy câu phía dưới là khuyến khích chúng ta vãng sanh. Thật sự phát tâm vãng sanh, trong đời này muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc thì phải ghi nhớ lời giáo huấn này của Phật.
“Quyên chí nhược hư không”.
(Rỗng lặng như hư không).
“Quyên” là xả bỏ, giống như chúng ta quyên góp tiền bạc, tiền đã xả bỏ rồi, quyên góp rồi. Còn “chí” là gì? Là những dục vọng của thế gian, phải xả bỏ nó. Người thế gian hiện nay lập chí gì? Có người lập chí kiếm nhiều tiền, có người lập chí làm quan lớn, phải có quyền, có thế, đều là tạo danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, theo đuổi tìm cầu những thứ hưởng thụ này. Phật dạy chúng ta phải xả bỏ những thứ này, khiến tâm giống như hư không. Danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần cả thảy đều xả bỏ sạch sẽ, tâm địa thanh tịnh, không nhiễm.
“Cần hành cầu đạo đức”.
(Siêng hành cầu đạo đức).
Xả bỏ hết thế gian pháp rồi, chúng ta cầu gì đây? Cầu “đạo đức”, cầu con đường thành Phật, cầu cái đức độ sanh. Chữ “đức” này là năng lực, chúng ta phải cầu năng lực thật sự có thể phổ độ chúng sanh. Chỉ có đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A-di-đà Phật để học tập thì chúng ta mới có thể thành tựu được đạo đức chí cao vô thượng.
“Khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực”.
(Được sanh về cõi Cực Lạc, thọ mạng và an vui không cùng tận).
Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thọ mạng dài, cực trường thọ, cực khoái lạc, thọ mạng và an lạc đều là vô cùng tận. Cho nên thế giới này gọi là thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật xưng là “Trường Thọ Phật”. Sanh đến thế giới Tây Phương đều là trường thọ Bồ-tát, thọ mạng bằng với A-di-đà Phật. Hai câu sau là Phật cảm thán đối với chúng ta.
“Hà vi trước thế sự, nao nao ưu vô thường?”.
(Sao lại tham đắm sự đời, nhọc lòng lo nghĩ chuyện vô thường?).
Nơi tốt lành như vậy, dễ đi như vậy mà bạn không đi. Tại sao lại chấp trước việc ngũ dục lục trần của thế gian? Từ sáng đến tối mãi ở đó làm chuyện vô thường, điều này thật là đáng thương! Không nên như vậy. Đây là đánh thức chúng ta, muốn kêu gọi chúng ta phải chân chánh giác ngộ. Trong các phẩm, chỉ có nghĩa kinh trong phẩm này là sâu nhất, khó hiểu nhất! Vì sao? Vì nói cảnh giới sau khi minh tâm kiến tánh của Bồ-tát, chúng ta xem thì rất khó hiểu. Chỉ có đoạn này, đoạn này cũng cần phải nói, đó là điều mà chúng ta thật sự hướng đến, thật sự mơ ước ngưỡng mộ. Người Đại Thừa học Thiền, học Giáo, học Mật đều hy vọng đạt đến cảnh giới này, đều cho rằng người niệm Phật không thể đạt được đến cảnh giới này. Phật nói như vậy thì hóa ra người niệm Phật sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng đạt đến cảnh giới này. Vậy hà tất phải chuốc lấy phiền phức, những pháp môn khác khó tu, pháp môn này dễ tu. Tại sao không “bỏ khó” để “theo dễ”. Pháp môn này tuy dễ dàng song thành công cao, thành tựu là thù thắng không gì bằng!
KHUYẾN DỤ SÁCH TẤN ĐỆ TAM THẬP TAM
PHẨM BA MƯƠI BA: KHUYẾN DỤ SÁCH TẤN
Chúng tôi chọn những phần kinh văn này để làm khóa tối cho chúng ta mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày phản tỉnh, kiểm điểm, y giáo tu hành.
“Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ”.
(Người đời tranh nhau những việc không gấp rút).
“Bất cấp” tức là những việc không quan trọng, “vụ” là sự việc. Người thế gian từ sáng đến tối hấp tấp bận rộn làm những gì? Đều là những việc không quan trọng. Việc gì cần gấp rút? Là liễu sanh tử, xuất tam giới. Việc gì không quan trọng? Việc tạo lục đạo luân hồi có gì quan trọng đâu! Người thế gian hằng ngày làm những gì? Bận từ sáng đến tối, đều là tạo lục đạo luân hồi. Chúng ta phải thật sự giác ngộ. Bồ-tát tuy có thể tùy loại hóa sanh, có thể ứng hóa trong các ngành các nghề, song phải giác ngộ, không giác ngộ thì đó là phàm phu. Giác ngộ không phải đơn giản, không phải dễ dàng. Nếu không có thời gian dài huân tập sâu rộng Đại Thừa thì thật sự rất khó giác ngộ. Chúng ta có thể gặp được duyên phận này cũng không phải là ngẫu nhiên. Thật sự trong đời quá khứ có tu thiện căn, phước đức nhân duyên thì mới có thể gặp được. Sau khi gặp được, không ngừng huân tập trong thời gian dài, dần dần hiểu rõ được, có một chút giác ngộ rồi, thì sự hành trì của mình mới có một chút giống người tu hành, có một chút giống người tu Bồ-tát hạnh, như vậy niệm Phật cầu vãng sanh mới gọi là thật sự có bảo đảm.
“Ư thử kịch ác cực khổ chi trung”.
(Ở trong cảnh ác khổ cùng cực).
Đây là nói thế gian này của chúng ta, chúng ta ở trong lục đạo cực khổ. “Kịch ác” là đại ác, trong thập ác nghiệp: sát đạo, dâm vọng, tham sân si mạn là đại ác. Vì tạo đại ác nên quả báo là khổ, trong hoàn cảnh sinh hoạt chúng ta thọ nhận [là những điều] cực khổ. Trong hoàn cảnh này:
“Cần thân doanh vụ”.
(Nhọc thân làm lụng).
Như phía trước gọi là “cộng tranh”, mọi người đều tranh nhau. “Doanh” là kinh doanh. “Cần” tức là rất chăm chỉ, bạn đang ở đó gây dựng, đang ở đó tạo tác, “vụ” tức là tạo tác.
“Dĩ tự cấp tế”.
(Để tự nuôi thân).
Đây là nói rõ những việc không cấp bách, lấy vài ví dụ để nói. Hằng ngày đều tạo những thứ này. Để tự nuôi thân là thỏa mãn dục vọng của mình.
“Tôn ty, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ”.
(Tôn quí, ti tiện, nghèo giàu, già trẻ, trai gái).
Đây là nói chung người thế gian.
“Lũy niệm tích lự, vi tâm tẩu sử”.
(Nhớ nghĩ chất chồng, bị tâm sai khiến).
“Lũy niệm”, niệm là ý niệm, nhiều ý niệm chất chồng lại. “Lự” là toan tính, nghĩa là hằng ngày đều nghĩ tưởng, hằng ngày đều toan tính. Nghĩ những gì? Toan tính những gì? Đều là nghĩ hại người, lợi mình. Người hiện nay nghĩ làm thế nào để lấy tiền trong túi của kẻ khác về túi của mình, hằng ngày đều nghĩ việc này. “Vi tâm tẩu sử”, “tâm” này là vọng tâm, tham tâm. Tâm tham sân si này đang ở đó sai khiến bạn nên thân của bạn liền nghe theo tâm này chỉ huy đi tạo tội nghiệp. Trong tâm tràn đầy tham sân si thì thân liền giúp cho cái vọng tâm này, muốn làm thỏa mãn nguyện vọng của nó, kết quả ra sao? Là một mảng trống không! “Tâm” là giả không phải thật. Bận rộn vội vàng cả một đời, đến lúc lâm chung, nếu bạn giác ngộ hồi đầu nghĩ lại cả đời bạn đã làm những gì? Toàn làm những việc hư vọng, không có việc gì là chân thật, cả đời đều là tạo tội nghiệp “lợi mình hại người”. Tiếp theo lại nêu lên vài tỉ dụ để nói rõ.
“Vô điền ưu điền, vô trạch ưu trạch”.
(Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà).
Hiện nay người thông thường gọi đó là tài sản, của cải. Những người không có thì ngày ngày âu lo, làm cách nào để có được? Những thứ này nếu bảo là lo lắng mà có thể đạt được thì chư Phật đều bái bạn làm thầy. Vì sao? Vì Phật, Bồ-tát không làm được, dùng thủ đoạn gì cũng không đạt được, thông minh trí huệ thế nào cũng không đạt được. Vậy thì tiền tài của người thế gian từ đâu mà có? Từ quả báo mà được. Trong mạng bạn có, dù có vứt đi cũng không mất, đến lúc thì nó sẽ đến. Nếu trong mạng bạn không có, thì cầu thế nào cũng không cầu được. Điều này cần phải biết.
Cho nên tôi dạy các đồng tu mới học, nếu bạn muốn học Phật, thì trước hết bạn nên đọc quyển Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần, tại sao? Tâm của người học Phật phải thanh tịnh thì mới có thể nếm được vị của Phật pháp. Tâm không thanh tịnh thì nghe kinh vô dụng, không vào được. Tâm tại sao không thanh tịnh? Vì tham sân si mạn không xả bỏ được. Đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần thì bạn sẽ biết nhân quả báo ứng, bạn sẽ không tham nữa. Vì sao? Vì tham cũng không được, “nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” (miếng ăn, miếng uống đều do tiền định). Trong mạng bạn năm nào phát tài, đi đoán mạng không phải thầy bói đã bói ra cho bạn rồi sao? Vì sao bói ra được? Vì trong mạng bạn có sẵn, trong mạng bạn nếu không có thì không bói ra được. Cho nên bạn có bao nhiêu tiền của là trong mạng bạn đã có sẵn. Bạn mỗi ngày ăn bao nhiêu hạt gạo cũng là trong mạng bạn đã định sẵn, ăn ít một hạt cũng không được, ăn nhiều một hạt cũng không được, do trong mạng đã định sẵn rồi. Bạn sống bao nhiêu tuổi cũng đã được quy định, vậy bạn [lo nghĩ] còn có ý nghĩa gì chứ! Cho nên sau khi ông Viên Liễu Phàm hiểu rõ rồi thì ông không có ý niệm gì nữa. Tại sao vậy? Ông biết tất cả ý niệm đều là vọng tưởng, không giúp được gì. Tâm ông thanh tịnh, tâm định lại, Vân Cốc Thiền Sư khai thị cho ông, ông nghe mới hiểu rõ, ông mới có thể ngộ đạo. Người thế gian không biết miếng ăn hớp nước đều do tiền định, nên vẫn muốn đi tranh, cả đời tạo tội nghiệp, kết quả vẫn là bấy nhiêu đó thôi. Bạn bảo có oan uổng hay không?
Vậy bạn muốn có tiền của thì phải tu nhân. Phật dạy chúng ta bố thí tài thì được tiền của. Trong đời này bạn có thể phát tài là do trong đời quá khứ bạn bố thí tài nhiều nên đời này tiền của nhiều. Trong đời quá khứ bạn không bố thí thì đời này bạn cũng nghèo như tôi, không có tiền của. Bạn muốn được thông minh trí huệ thì bạn phải tu bố thí pháp. Bạn muốn được khỏe mạnh sống lâu thì bạn phải tu bố thí vô úy. Đó là quả báo, quả thì nhất định có nhân. Bạn tu nhân nhất định sau này sẽ được quả báo. Đây là đạo lý nhất định. Không tu nhân, hằng ngày cứ vọng tưởng cầu quả báo, thì không có đạo lý này. Chỉ là tạo tội nghiệp mà thôi, khi minh bạch rồi thì có gì đáng lo nghĩ nữa chứ. Họ không lo nghĩ nữa. Người mê không hiểu rõ thì ngày ngày khởi vọng tưởng.
“Quyến thuộc tài vật, hữu vô đồng ưu”.
(Quyến thuộc, tài vật, có hoặc không cũng lo).
Không có thì lo buồn, rất khổ, muốn có được, hằng ngày khởi vọng tưởng muốn có được, sau khi có rồi cũng lo buồn, lo buồn việc gì? Sợ mất đi! Bạn có nhiều tiền thì sợ tiền mất giá, sợ người ta đến cướp, lại sợ người ta lấy trộm. Những việc lo lắng quá nhiều! Thật là chuyện đáng thương! Có cũng khổ mà không có cũng khổ. Chớ tưởng rằng người giàu rất vui sướng, người giàu không vui. Giàu có cái khổ của giàu, nghèo có cái khổ của nghèo, nghèo giàu đều khổ cả. Đây là thế giới khổ mà!
“Hữu nhất thiểu nhất, tư dục tề đẳng”.
(Có cái này rồi lại thấy thiếu cái kia, lo muốn cho bằng người).
Đây là cái khổ não lớn nhất của người thế gian, họ muốn so bì với người khác, phải chạy đua với người có mức sống cao, vậy thì quá khổ!
Có một lần tôi đi xe taxi ở Đài Bắc, chú tài xế taxi than thở với tôi rằng: “Cuộc sống quá khổ!”, “Tại sao quá khổ?” “Vì người láng giềng vừa mua được cái tủ lạnh mới”. Anh ta nhìn thấy rất thèm muốn, rất khó chịu trong lòng. Tôi liền nói với anh: “Một cái tủ lạnh nếu giữ gìn tốt thì có thể dùng mười năm, một chiếc áo nếu mặc cẩn thận, thì mặc được hai mươi năm không hư. Mọi thứ anh đều có thể tiết kiệm một chút thì cuộc sống chẳng phải rất tốt hay sao?”. Anh nghe qua cũng cảm thấy rất đúng. Tôi nói: “Anh chạy taxi tiền kiếm được cũng không ít, mỗi tháng anh chạy mười ngày là đủ rồi, còn hai mươi ngày nằm đó để hưởng thụ, không cần chạy đua với người ta. Nếu anh chạy đua với họ, anh tiêu một ngày bằng hai ngày thì anh vẫn khổ, anh vĩnh viễn theo không kịp mức sống xa hoa này, anh theo không kịp đâu! Ta không đuổi theo thì ta được tự tại, “biết đủ thường vui” mà”. Anh lại nói: “Lời này không sai, nhưng đồ chúng tôi dùng và mặc đều cũ rách, người ta nhìn thấy sẽ cười chết”. Tôi nói: “Việc này dễ giải quyết, cười chết là họ chết, ta không chết, có phải không? Ta tự tại là được rồi”.
Quan niệm của người hiện nay không chuyển lại được, chuyển lại được thì tự tại rồi. Hiện nay ở Đài Loan kiếm tiền không khó, ngày tháng dễ sống, “biết đủ thường vui”, không biết đủ thì bạn phải chịu khổ, đáng đời bạn! Người giàu có tại sao lại khổ? Vì họ không biết đủ, nỗi khổ không biết đủ của họ giống với nỗi khổ của anh tài xế taxi. Họ không biết đủ thì vĩnh viễn ở trong khổ. Vừa biết đủ thì liền vui, “tâm khai ý giải thì liền vui. “Hữu nhất thiểu nhất, tư dục tề đẳng”, đây là tự chuốc khổ vào thân, căn nguyên là ở tại chỗ này.
“Thích tiểu cụ hữu, hựu ưu phi thường”.
(Vừa được chút ít lại lo sợ vô thường).
Là vừa mới có một chút ít thì lại sợ bị mất, lo được lo mất.
“Thủy hỏa đạo tặc, oán gia trái chủ, phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt”.
(Nước lửa, trộm cướp, oán gia trái chủ, lửa thiêu nước chìm, tiêu tan sạch sẽ).
Sợ những thứ này: lửa có thể thiêu rụi, nước lớn có thể nhận chìm, còn có đạo tặc có thể trộm, cướp tiền tài của bạn. Thường thường lo lắng. Những người không có tiền thì không lo lắng những việc này, họ không bận tâm chút nào. Người có tiền thì hằng ngày lo những thứ này. Họ rất khổ, dù cuộc sống vật chất họ được hưởng thụ một chút, nhưng cuộc sống tinh thần thì vô cùng đau khổ, cuộc sống của họ áp lực rất nặng.
“Tâm xan ý cố, vô năng túng xả”.
(Tâm keo kiệt kiên cố, không chịu buông xả).
Những người có của rồi thì lại bỏn xẻn, không xả được. Thực tế mà nói, đạo trời quả là rất công bằng. Người có tiền không chịu bố thí, bỏn xẻn thì đời sau làm người nghèo. Còn người nghèo rất rộng rãi, chịu bố thí thì đời sau làm người giàu có, điều này rất công bằng. Bạn xem, những người đến đạo tràng để bố thí đều không phải là người có tiền. Người có tiền thì rất khó bố thí, họ càng có lại càng muốn có, một xu cũng không chịu bỏ ra. Người không có tiền thì rất khẳng khái rộng rãi, dù sao tôi cũng không có, xả bỏ rất vui, rất tự tại. Người có tiền không chịu bố thí thì đời sau sẽ nghèo vì hưởng hết phước báo rồi, họ không trồng nhân nữa. Còn người không có tiền thì hằng ngày trồng nhân, cho nên đời sau họ sẽ giàu. Chúng ta thường nói phong thủy luân phiên chuyển đổi. Rốt cuộc thì vì sao lại luân phiên chuyển đổi? Chư vị biết đạo lý này thì biết là chuyển cách đó. Người giàu nếu chịu bố thí thì đời sau được đại phú, còn người bần cùng không chịu bố thí thì đời sau lại càng bần cùng. Vậy thì khổ rồi. Cho nên phải biết đây là gốc bệnh, đây là rất chấp trước, “vô năng túng xả”.
“Mạng chung khí quyên, mạc thùy tùy giả. Bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoan”.
(Mạng chung mất hết, không mang theo được gì. Nghèo giàu đều như vậy, sầu khổ trăm mối).
“Mạng chung khí quyên”, khi thọ mạng của bạn đến rồi, một hơi thở không còn nữa, bình thường bạn rất keo kiệt, không xả được, đến lúc này phải bỏ hết tất cả, một thứ cũng không mang theo được. Cho nên “sanh không mang đến, chết không mang đi”, câu nói này mọi người đều biết, nhưng mọi người đều không làm được. Tại sao không làm được? Vì mê hoặc điên đảo, họ không biết được, đây là chân tướng sự thật. Thật sự hiểu rõ “sanh không mang đến, chết không mang đi” thì người này giác ngộ rồi, vì sao? Thì ra tất cả những thứ tiền tài phú quý, những sản nghiệp này, bày ra trước mặt cho ta xem, song không phải của ta, là cho ta xem thôi. Trong giai đoạn hiện nay ta có quyền chi phối nó.
Chư vị phải biết, bạn có quyền chi phối nhưng tuyệt đối không có quyền có được. Chi phối được thỏa đáng thì tích công lũy đức. Chi phối không thỏa đáng thì tạo tội nghiệp, tội phước là ở trong một niệm này. Chi phối được thỏa đáng, như tôi lấy tiền của làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, đây là tích công lũy đức. Chi phối không thỏa đáng chiếm làm của riêng, một tơ hào cũng không chịu làm lợi ích cho kẻ khác thì đây là tạo tội nghiệp. Cho nên tiền tài từ xưa đến nay vẫn gọi là lưu thông, tức là bảo bạn phải lưu thông, lưu thông giống như nước vậy. Nó không lưu thông thì biến thành nước chết, đồng tiền đó gọi là đồng tiền thối. Nước chết không lưu thông thì nước đó sẽ bị thối. Cho nên nhất định phải lưu thông, ở trước mặt chúng ta, chúng ta phải giúp đỡ nó lưu thông, khiến nó lưu thông một cách vô cùng thuận lợi. Làm lợi ích cho tất cả chúng sanh thì việc này đúng rồi. Cho nên “xả đắc”, mọi người thường gắn trên đầu môi nhưng không biết ý nghĩa. Ý nghĩa là bạn xả thì có đắc, bạn không xả thì không đắc. Bạn xả được nhiều thì bạn đắc nhiều, xả ít thì đắc sẽ ít, đây là đạo lý nhất định. Đến lúc mạng chung một thứ cũng không mang đi được, “bần phú đồng nhiên”, nghèo cùng và phú quý đều như nhau.
“Ưu khổ vạn đoan”, thế gian này không có gì là không khổ. Người làm quan lớn có nỗi khổ của kẻ làm quan lớn. Tôi nhìn thấy những người làm quan lớn, tôi cảm thấy tôi không dám làm. Vì sao mà không dám? Hằng ngày phải cùng người ta bắt tay, việc này nhọc lắm. Không thích bắt tay với họ cũng phải bắt tay, việc này quá phiền phức. Hội họp thì quá khổ! Hội họp rất khổ, bắt tay rất khổ. Nhìn hai việc này thì tôi không làm. Đây không phải là việc mà người tự tại chịu làm, chúng ta thích tự do tự tại, không có ràng buộc.
Chúng ta xem tiếp đoạn hai. Phật khuyên chúng ta giữa người với người phải tôn trọng lẫn nhau, phải hòa mục, không nên đố kỵ, sân hận. Đoạn phía trước là nói với chúng ta về keo kiệt tham lam, bạn xả không được, không thể bố thí, điều này làm tổn hại chính mình vô cùng lớn! Sự tổn hại trước mắt là bạn khổ, thân khổ, tâm cũng khổ. Còn sự tổn hại xa là bạn không có cách gì tiếp xúc được với Phật pháp. Cho dù tiếp xúc được, bạn cũng không nghe lọt tai, dù có nghe bạn cũng không khai ngộ. Tại sao vậy? Vì bỏn xẻn tham lam làm chướng ngại tánh giác ngộ của bạn, nên bạn sẽ không khai ngộ, nhất định phải xả bỏ nó.
“Thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, phu phụ, thân thuộc, đương tương kính ái, vô tương tắng tật”.
(Thế nên ở đời cha con, anh em, vợ chồng, thân thuộc nên thương kính nhau, không nên ganh ghét nhau).
“Tắng” là ghét hận, đây là Phật chỉ dạy chúng ta, chư vị muôn ngàn lần phải nên ghi nhớ. Trong tam phước, câu thứ nhất Phật khuyên chúng ta phải hiếu dưỡng phụ mẫu. Ở thế gian, cha con anh em chồng vợ thân thuộc đều là trong đời quá khứ có nhân duyên rất sâu, nếu không có duyên thì không thể trở thành người một nhà. Những thứ duyên này rất phức tạp, chúng ta phải hiểu rõ. Duyên có thể thiên biến vạn hóa, duyên tốt có thể biến thành duyên ác, duyên ác cũng có thể biến thành duyên tốt. Điều này phải xem lực lượng nội ngoại. Nội là phải nhờ vào giác ngộ, ngoại thì phải nhờ vào thiện tri thức, bạn lành.
Phật nói với chúng ta, sanh làm người trong một nhà có bốn loại quan hệ, Báo Ân, Báo Oán, Đòi Nợ, Trả Nợ. Nếu không có mối quan hệ này thì không thể vào cùng một nhà. Kẻ báo ân đến là tốt, đều là con hiếu cháu hiền, cha hiền con hiếu đều là báo ân không cần người dạy, là tự nhiên. Còn kẻ báo oán đến tức là con phá của, có thể khiến cả nhà bạn bất an, nếu nghiêm trọng thì có thể khiến cho nhà tan người chết. Còn kẻ đến đòi nợ, đòi xong thì nó đi mất, tùy bạn thiếu nó bao nhiêu, thiếu ít thì nó sẽ ra đi lúc còn rất nhỏ. Thiếu nhiều có thể nuôi nó đến tốt nghiệp đại học, sắp sửa đi làm thì nó ra đi. Còn kẻ đến để trả nợ thì đứa bé này đối với cha mẹ không có tâm cung kính, không tôn kính, tuy nhiên nó sẽ cúng dường, nó sẽ cung cấp cho bạn nhu cầu sinh hoạt. Nếu thiếu nhiều, nó chăm lo rất đầy đủ, cho bạn rất nhiều tiền bạc. Nếu thiếu ít, nó sẽ rất tính toán, mỗi tháng nó có thể chu cấp cho bạn vài đồng phí sinh hoạt, nó không cho nhiều. Trong xã hội thường thấy được những điều này. Người thế gian không biết nhưng chúng ta biết, hiểu được mối quan hệ này. Cho nên đòi nợ, trả nợ, báo ân, báo oán là quan hệ như vậy. Duyên mỏng hơn một chút thì trở thành bạn bè thân thích. Bất luận là thiện duyên hay ác duyên, gặp được thiện tri thức thì thiện duyên sẽ càng thiện hơn, ác duyên cũng trở thành thiện, vậy thì tốt rồi, đừng nên tính toán cái ác của quá khứ.
Cho nên Phật dạy chúng ta “đương tương kính ái” hai bên phải có thể bao dung lẫn nhau, phải có thể tôn trọng tương thân tương ái. “Vô tương tắng tật”, con người không phải là thánh hiền, không tránh khỏi có lỗi lầm, phải biết bao dung lỗi lầm của người khác, đừng nên ghét hận, đừng nên đố kỵ, điều này vô cùng quan trọng. Nuôi dưỡng cái đức của chính mình. Hóa giải những mối oan kết này, người và người trong đời quá khứ có những oán thù, những oán thù này có thể hóa giải được.
“Hữu vô tương thông”.
(Người có giúp đỡ người không có).
“Hữu vô tương thông” này có hai ý, một là vật chất, ta có, còn họ thiếu thốn, thì ta phải giúp họ, phải tặng cho họ, giúp họ cũng có thể sống được. Thứ hai là tinh thần, cũng phải giúp đỡ, an ủi lẫn nhau. Ta có tài nghệ, họ không có, ta phải chỉ dạy cho họ, hay là một phương diện của trí huệ, phải hết lòng giúp đỡ, chỉ dạy cho họ.
“Vô đắc tham tích”.
(Không nên tham tiếc).
Đừng nên có tâm tham, đừng nên keo kiệt, giúp đỡ người phải toàn tâm toàn lực. Tận tâm tận lực giúp đỡ người nhất định sẽ có lợi ích, điều này không dễ.
Lúc tôi mới học Phật, vị thầy đầu tiên của tôi là Đại sư Chương Gia, lúc đó tôi học Phật mới được một tháng. Ngày thứ nhất mới quen biết Ngài, tôi thỉnh giáo Ngài: “Con biết Phật Pháp hay, Phật Pháp vô cùng thù thắng! Con rất muốn học, [vậy con] phải nhập môn từ đâu?”. Tôi đưa ra vấn đề này với Ngài, thỉnh pháp với Ngài. Ngài nhìn tôi, nhìn nửa tiếng đồng hồ, một câu cũng không nói. Tôi cũng nhìn Ngài, chúng tôi bốn mắt nhìn nhau. Tôi chờ đợi nửa giờ đồng hồ, tâm định lại, quả thật một vọng niệm cũng không có, tôi tập trung tinh thần chờ Ngài trả lời. Phương pháp dạy học của Ngài rất đặc biệt, trước tiên dạy bạn tập trung tinh thần định tâm lại, sau đó mới nói với tôi một chữ “Có!”. Chỉ nói một chữ, sau đó không nói nữa. Ngài nói có, nên tôi liền đặc biệt chú ý, tinh thần phấn chấn lên. Đại khái lại đợi khoảng năm phút nữa Ngài mới nói sáu chữ: “Nhìn được thấu, buông được xuống”. Ngài nói rất chậm không nói nhanh như tôi. Nghe xong sáu chữ này, tôi hình như cũng hiểu được một chút, “phải nhìn thấu, phải buông xuống”. Tôi hỏi tiếp: “Hạ thủ từ đâu?” Phản ứng của tôi rất nhanh. Lần này Ngài lại nhìn tôi, đại khái nhìn tôi khoảng mười phút thì nói với tôi hai chữ “Bố Thí”. Ngày đầu tiên gặp mặt hơn hai giờ thì nói mấy câu như vậy. Tôi được lợi ích rất lớn. Khi tôi cáo từ, Ngài tiễn tôi đến tận cửa, vỗ vai tôi nói: “Hôm nay tôi nói cho anh sáu chữ, anh phải nghiêm túc làm sáu năm nhé!”.
Lúc đó tôi bị Ngài làm cho rất cảm động, tôi trở về thật sự làm theo. Trước đó tôi rất keo kiệt, lúc đó tiền tôi kiếm được rất ít, một xu cũng không tiêu bừa bãi thì nói gì đến bố thí, vô cùng keo kiệt. Nghe thầy dạy bố thí xong, tôi không tiêu tiền bừa bãi, tiền của tôi đều đem mua sách cả. Từ nhỏ tôi yêu thích đọc sách, có bao nhiêu tiền đều đi mua sách hết. Tôi không chịu cho ai mượn sách cả. Bạn xem, keo kiệt biết mấy! Vì sao? Cho họ mượn họ có thể làm bẩn sách của tôi, vậy thì tôi không thích. Cho nên tôi không chịu cho người khác mượn sách. Nghe thầy nói phải bố thí thì tôi có thể cho người mượn sách, cho mượn sách gì? Là số sách cũ tôi đã xem qua, không cho mượn sách mới. Thật không phải dễ! Thật sự phải nhiều năm sau, dần dần tôi mới có thể bố thí sách mới. Dù là sách mới mua chưa xem qua, người khác muốn xem? Được! Lấy đi! Lấy đi không trả cũng không sao. Cả mấy năm mới bồi dưỡng được, không quá so đo nữa. Là thầy mở đầu dạy cho tôi. Tôi cũng thật chịu học, dần dần giảm nhẹ rồi trừ bỏ cái tánh bỏn xẻn này. Thật không phải dễ dàng. Nếu không phải thật sự dụng công phu từ trên đây thì rất khó. Đây là ngày đầu thỉnh pháp nơi Đại sư Chương Gia, tôi có được lợi ích chân thật. Cho nên hiện nay tôi vẫn còn một chút phước báo, chính là bắt đầu từ ngày Đại sư Chương Gia dạy tôi tu nhân bố thí, nên hiện nay được quả báo này. Nếu Ngài không dạy tôi thì đời này tôi khổ rồi, quả thật là nghèo vô cùng!
Tu học bao nhiêu năm nay, chính bản thân tôi thể nghiệm được, cũng hoàn toàn là sự thật, “càng xả thì càng được nhiều”. Hình như xả hết tất cả, sau vài ngày nó lại đến, còn đến nhiều hơn so với trước kia một chút, hình như có lợi tức vậy. “Càng xả thì càng được nhiều”. Cho nên một chút phước báo của tôi là trong đời này tu được. Sau khi gặp Đại sư Chương Gia mới đạt được. Không có thầy chỉ dạy như vậy, không có thầy dùng phương pháp như vậy thì chúng tôi cũng rất khó. Phương pháp của Ngài khác với người thường. Chúng ta hỏi người khác, vừa hỏi thì họ đáp ngay tràng giang đại hải, nói rất nhiều, đến lúc ra về thì không biết họ nói những gì? Không giống Đại sư Chương Gia trong hai giờ chỉ nói vài câu mà vài câu này từng chữ đều in sâu vào đầu óc của bạn. Bạn vĩnh viễn không thể quên được, cho nên đây là cách dạy bảo chân thật. Tôi đã thân cận nhiều vị thiện tri thức, từ trước đến giờ chưa có vị nào giống như Đại sư Chương Gia, có định công như vậy, trầm tĩnh như vậy, không gặp được người thứ hai. Đây là một vị đại thiện tri thức phi thường.
“Ngôn sắc thường hòa”.
(Lời nói, vẻ mặt thường hòa nhã).
“Ngôn” là lời nói, “sắc” là vẻ mặt. Đối đãi với người phải hòa mục, lời nói phải êm dịu, hòa mục. Đặc biệt là thời đại này, người ta thường hay vội vàng nóng nảy, rất dễ bị kích động. Chúng ta nói chuyện hơi không cẩn thận đắc tội với họ, thì liền có rắc rối ngay, cho nên phải đặc biệt cẩn thận, phải thận trọng. Trước kia, còn có quan hệ về luân lý, hiện nay mọi người đều không chú trọng nữa, chúng ta cũng đừng quá quan trọng việc này. Cha đối với con phải khách sáo, thời đại này đã khác rồi, phải đối xử với con như bạn bè. Sư phụ đối với đồ đệ cũng phải khách sáo, cũng phải xem đồ đệ như bạn bè, xem như đồng tham, không thể dùng thái độ của luân lý xưa để đối xử được, nguyên nhân ở đâu? Vì người thời nay không được nhận nền luân lý giáo dục thời xưa, thời của chúng tôi thì có, hiện nay thì không có. Chúng ta không thể đem tiêu chuẩn của mình để nhìn họ được. [Nếu không] bên trong sẽ có va chạm, sẽ có sự ngăn cách của thế hệ, sẽ có vấn đề. Cho nên chúng ta nhất định phải nhìn vào hiện thực, phải nhìn vào xã hội hiện tại, phải nhìn vào quan niệm của nhóm người trẻ tuổi, xem cách nhìn cách nghĩ của họ. Chúng ta phải thuận theo họ, cùng giống với họ, vậy mới được! Đây là cách độ chúng sanh trong Phật pháp, Phật ở chỗ này giáo huấn vô cùng quan trọng.
“Mạc tương vi lệ”.
(Đừng chống đối nhau).
Như tôi vừa nói, chúng ta cần phải hạ thấp tiêu chuẩn xuống. Trước kia khi tôi đi cầu học, thầy Lý thường dạy chúng tôi, chúng tôi học Phật thật sự phải chắp tay dập đầu lễ bái cầu Phật pháp thì mới cầu được. Mai sau nếu quý vị đem Phật pháp giới thiệu cho chúng sanh, nếu chờ người ta chắp tay dập đầu lễ bái bạn để cầu thì một người cũng không có. Vậy phải làm sao? Chúng ta quay ngược lại, dập đầu lễ bái để biếu tặng, người ta vẫn chưa chắc đã cần, đúng là như vậy! Tịnh Độ Tông ngày nay, chúng ta chắp tay lễ bái để tặng Phật Pháp cho người. Nhất định phải hiểu rõ chúng sanh thời nay thì bạn mới có thể giới thiệu Phật Pháp cho họ, mới có thể khiến họ từ từ giác ngộ, họ sẽ đạt được lợi ích chân thật từ Phật pháp. “Mạc tương vi lệ”, ý nghĩa của câu nói này rất sâu.
“Hoặc thời tâm tránh, hữu sở khuể nộ, hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán”.
(Hoặc có lúc tranh cãi hoặc là giận dữ, đến đời sau sẽ chuyển nặng, thậm chí thành đại oán).
Người sống chung với người là việc khó nhất. Làm việc khó, làm người càng khó hơn. Người và người sống chung với nhau không tránh khỏi lắm lúc bất đồng ý kiến, cách nhìn không nhất trí. Lúc đó nếu một bên không chịu nhẫn nhường thì trong tâm hai bên đều không vui. Sự bất hòa này trở thành oán, nếu không giải trừ được oán, tích lũy lâu rồi thì biến thành hận, vậy việc này rắc rối rồi. “Hữu sở khuể nộ”, trong bản của Khang Tăng Khải, sau câu này còn có câu “kim thế hận ý, vi tương tăng tật” (đời này có ý oán hận, đôi bên có chút ghét giận nhau). Trong đời này chúng ta chỉ có mối oán hận nho nhỏ, có một chút việc không vui nhưng đến đời sau thì biến thành nặng. Nếu bạn không thể hóa giải thì trở thành việc rắc rối, mối oán hận này càng tích lũy càng nghiêm trọng, biến thành mối thù hận lớn, “chí thành đại oán”. Cho nên gọi là oan oan tương báo, không ngày ngừng dứt.
Chúng ta sống trong thế gian này, tỉ mỉ mà quan sát, giữa người với người, “báo ân thì ít, báo oán thì nhiều”, người nhà, cha con đều không ngoại lệ, báo oán nhiều, còn vợ chồng? Hiện nay, ở Trung Quốc và ngoại quốc, bạn thấy tỷ lệ ly hôn cao biết mấy! Ban đầu chẳng phải rất tốt hay sao! Qua vài ngày thì trở mặt thành oan gia đối đầu. Cho nên chúng ta phải nhìn cho rõ, “giả” đấy! Không phải thật, đừng quá tha thiết! Đời người ở thế gian này, mấy mươi năm giống như người lữ khách vậy, qua hai ngày thì đi rồi, hà tất phải thiết tha với nơi này như vậy! Kết oán cừu với họ như vậy không có ý nghĩa gì cả, đây là lỗi lầm lớn nhất! Hãy thường nghĩ rằng ta là kẻ lữ hành, là khách, chỉ vài ngày là lại đi rồi, hoan hỷ sống chung với mọi người thì tốt biết mấy. Bất cứ việc gì, việc khó khăn đều tha thứ cho họ, đừng để ở trong lòng. Như vậy thì tốt, thì tự tại.
“Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại, tuy bất lâm thời, ưng cấp tưởng phá”.
(Sự việc ở đời gây nhiều họa hại cho nhau, tuy chưa gặp phải, phải gấp có ý tưởng phá trừ).
Đây là nói với chúng ta những việc trên thế gian này đều là báo đền lẫn nhau. Nếu hiểu rõ đạo lý này, biết được chân tướng sự thật này thì tâm bạn tự nhiên sẽ định. Tỉ như chúng ta ngày nay sống trong xã hội này bị kẻ khác lừa gạt, bị kẻ khác làm cho thiệt thòi, kỳ thật không có sự việc này, tại sao? Nó có “báo đền”. Bởi thế nhất định không có một người nào thật sự bị thiệt thòi, cũng không có một người nào thật sự chiếm lợi ích của kẻ khác. Bạn chiếm đoạt tiền bạc của người ta thì tương lai phải trả nợ, bạn hại mạng người ta thì tương lai phải đền mạng, “thiếu mạng phải trả mạng, thiếu tiền phải trả tiền”, nhân quả thông ba đời. Không ai thiếu ai được cả. Nếu quả thật thông đạt chân tướng sự thật này rồi thì tiền tài của tôi bày ra nơi đó, tôi tuyệt đối nhìn cũng không thèm nhìn. Người ta lấy đi, tùy ai lấy cũng được, nếu là của tôi thì tương lai bạn vẫn sẽ cúng dường cho tôi. Nếu không phải của tôi, vậy thì bạn nên lấy đi, phải không? Cho nên bạn sẽ không để ý, không để ý thì tâm an rồi, thì vui vẻ rồi, sẽ không vì những sự việc này mà u sầu, đây đều là chân lý, chân tướng sự thật.
Vậy chúng ta xử thế đối người tiếp vật thì tâm địa tự nhiên thanh tịnh, tự nhiên chánh trực, không khởi tâm tham, chiếm tiện nghi của người ta. Tôi chiếm tiện nghi của người ta, kiếp sau phải trả nợ, việc này rắc rối biết mấy. Họ thiếu tôi, thì bỏ đi, không cần nữa, bỏ hết tất cả, tôi không cần họ trả nữa, trả cũng rắc rối, món nợ này trả xong rồi. Ta thiếu họ thì phải trả, họ thiếu ta thì không cần, vậy là tự tại. Cho nên “ưng cấp tưởng phá”, phải mau mau có ý tưởng phá trừ. “Tưởng phá” tức là nhìn thấu, nhìn thấu rồi thì đương nhiên có thể buông xuống. Người ta tại sao không thể buông xuống được? Vì chưa nhìn thấu, nhìn thấu thì có thể buông xuống.
“Nhân tại ái dục chi trung, độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả”.
(Con người ở trong ái dục, sanh một mình, chết một mình, đến đi một mình, tự chịu khổ vui, không ai thay thế được).
Đây là chân tướng sự thật, cần phải hiểu rõ. Một người ở tại thế gian này, ở trong lục đạo, đều là chính mình tạo nghiệp, chính mình thọ báo. Chúng ta ở trong đời này rất hạnh phúc hoặc rất khổ não, đều là tự làm tự chịu, nhất định không được oán trời trách người. Đều là tự mình tạo nghiệp, tự mình thọ báo, cho nên “độc sanh độc tử, độc khứ độc lai”, không có người làm bạn. Vợ chồng ân ái đến mấy, lúc mệnh chung đều phải phân ly, sẽ không nhận ra nhau nữa, cũng không gặp mặt nhau nữa, đây là sự thật cần phải biết. Tại sao vậy? Hai người tạo nghiệp khác nhau thì họ làm sao có thể đi cùng một đường được. Cho nên “khổ lạc tự đương”, “tự đương” tức là tự mình thọ lãnh, tự làm tự chịu, không ai có thể thay thế được.
“Thiện ác biến hóa, truy trục sở sanh, đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ”.
(Lành dữ biến hóa, theo đó đi thọ sanh không đồng, không dịp gặp gỡ).
Đât là nói một người sau khi chết thì đi luân hồi. Mỗi người tùy theo nghiệp của họ, thiện ác biến hóa: thiện có thiện quả, ác có ác báo. “Truy trục”, tức là nghiệp lực này đang chi phối bạn, khiến bạn đi đến đó đầu thai. “Đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ”, hiểu rõ sự thật này bạn mới biết được cái đáng quý của thế giới Tây Phương. Người thân, bạn lành, đồng tham của chúng ta trong đời quá khứ niệm Phật đã vãng sanh thế giới Tây Phương. Chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì mới thường tụ hội một nơi. Nếu không sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, muốn đời sau lại tụ hội một chỗ thì đó là vọng tưởng, không phải là sự thật. Sự thật là “hội kiến vô kỳ”.
“Hà bất ư cường kiện thời, nỗ lực tu thiện, dục hà đãi hồ?”.
(Lúc còn cường tráng sao không nỗ lực tu thiện, còn đợi đến lúc nào?).
Phật khuyên chúng ta, hiện tại thân thể chúng ta rất khỏe mạnh, tại sao không nhân dịp này nỗ lực niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Chỗ này nói đến vấn đề tu thiện, tức là chỉ cho niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tuân thủ giáo giới của Phật “đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện”. Đồng tu Tịnh Tông chúng ta lúc bình thường tu thiện đặc biệt đề ra năm khoa mục:
Khoa mục thứ nhất là Tam Phước, Tam Phước là đại căn đại bổn:
✓ Điều thứ nhất là: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
✓ Điều thứ hai là: Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi.
✓ Điều thứ ba: Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.
Khoa mục thứ hai là Lục Hòa:
✓ Kiến hòa đồng giải
✓ Giới hòa đồng tu
✓ Thân hòa đồng trụ
✓ Khẩu hòa vô tranh
✓ Ý hòa đồng duyệt
✓ Lợi hòa đồng quân
Những giới điều căn bản này nhất định phải tuân thủ. Từ trên cơ sở Lục Hòa lại tu Tam Học:
✓ Giới Học
✓ Định Học
✓ Huệ Học.
Lại học cách giữ nguyên tắc xử thế của Bồ-tát: Lục Ba-la-mật:
✓ Bố thí
✓ Trì giới
✓ Nhẫn nhục
✓ Tinh tấn
✓ Thiền định
✓ Bát-nhã
Sau cùng là tu Thập Đại Nguyện Vương của Bồ-tát Phổ Hiền:
✓ Lễ kính chư Phật (1)
✓ Xưng tán Như Lai (2)
✓ Quảng tu cúng dường (3)✓ Sám hối nghiệp chướng (4)
✓ Tùy hỉ công đức (5)
✓ Thỉnh chuyển pháp luân (6)
✓ Thỉnh Phật trụ thế (7)
✓ Thường tùy Phật học (8)
✓ Hằng thuận chúng sanh (9)
✓ Phổ Giai Hồi Hướng (10)
Đây là trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, xử thế đối người tiếp vật phải tuân theo những lời giáo huấn này, đây chính là “nỗ lực tu thiện” vậy.
Sau đó lại Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Như vậy thì cái thiện của bạn đã viên mãn rồi, thiện này của bạn sẽ không thoái chuyển, đó mới gọi là chân thiện. Nếu không cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đời sau cái thiện của bạn có thể được đại phước báo của cõi trời người. Khi hưởng hết phước báo rồi lại phải đọa lạc, cho nên cái thiện đó không rốt ráo. Chúng ta nhất định phải tu cái thiện chân thật rốt ráo tròn đầy, tức là nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ.
“Dục hà đãi hồ”, tức là không thể chờ đợi thêm nữa, bạn còn đợi đến lúc nào nữa? Phải làm ngay bây giờ, không thể đợi thêm nữa. Trước đây khi mới xuất gia không bao lâu, tôi có quen một vị trưởng lão ở Đài Loan, lúc đó ông đã nghỉ hưu rồi. Tôi nói sự lợi ích của Phật pháp với ông, ông cũng tán thành, ông cũng rất tán thành việc tôi xuất gia, ông nói: “Con đường của thầy đi rất chính xác”. Tôi khuyên ông niệm Phật, ông nói: “Phải chờ thêm vài năm nữa, bây giờ có vài việc cần phải làm, vẫn chưa được, tôi phải đợi thêm mấy năm nữa”. Mới có hai năm thì ông qua đời, lại phải đi luân hồi nữa. Không thể chờ! Chờ không được! Xin chớ tưởng rằng hiện nay bạn còn trẻ, bạn còn có sự nghiệp, còn phải lo cho gia đình, chờ thêm vài năm nữa mới tu. Bạn có ký hợp đồng với Diêm Vương không? Bạn biết bạn còn trụ thế bao nhiêu năm nữa không? Nên biết rằng một hơi thở không hít vào nữa thì là đời sau rồi, không thể nói: “Hãy còn trẻ!”. “Hoàng tuyền lộ thượng vô lão thiếu” (trên đường đến suối vàng không phân biệt già trẻ), chúng ta nhìn xem những ngôi mộ nơi nghĩa trang kia, nhìn xem những bài vị siêu độ có bao nhiêu người còn trẻ. Cho nên nhất định không thể chần chờ, chúng ta nghe được rồi, hiểu rõ rồi thì lập tức đi làm, phải hết lòng nỗ lực tu hành, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Được rồi, thời gian hôm nay đã hết. Chúng ta học tập đến đây.
A-di-đà Phật!